# 38

Mãi đến khi bóng tối buông xuống mịt mùng nơi nghĩa trang và những chú ếch đua nhau kêu ọp ọp xung quanh, Huy mới bấu vào thành mộ để đứng lên. Anh loạng choạng như một kẻ say, phiêu du vật vờ trên con đường làng. Đi qua cánh cổng làng chừng năm trăm mét là một cây đa già cành lá xum xuê, từ đó rẽ sang bên tay phải thêm mấy chục bước chân nữa là đến nhà Huy, nằm lọt thỏm giữa một rặng tre kẽo cà kẽo kẹt không ngừng nghỉ ngày đêm.

Huy chạm vào bờ tường bằng đá ong mát rượi, cảm giác thân quen truyền lên nhè nhẹ từng đầu những ngón tay. Anh xoa xoa lên bờ tường như xoa vai một người bạn cũ. Anh đưa tay mình men theo từng lớp rêu bám, từng mạch đá, lần hồi tìm vào trong ký ức những kỷ niệm xưa cũ. Anh đứng tần ngần ở cổng một lúc lâu rồi mới đẩy cửa bước vào. Sân nhà đang phơi rơm mới, tiếng rơm lạo xạo dưới chân, còn mùi thơm thì cứ thoang thoảng lẩn khuất trong không khí.

Tiếng con vện sủa lên inh ỏi. Mẹ Huy là người chạy ra đầu tiên. Mới chỉ ba năm thôi mà mái tóc mẹ đã lấm tấm bạc và những vết chân chim cứ hằn đậm nơi khóe mắt. Xúc động, Huy lao đến ôm chầm lấy mẹ trong khi mẹ còn đang ngơ ngác. Phải đến khi bà đập đập cái muôi múc canh đang cầm trên tay vào hông, Huy mới sực nhớ ra là mình đang thất thố. Anh vội ríu rít xin lỗi, rồi giới thiệu mình là một người bạn rất thân của Huy. Chả hiểu sao khi nghe anh giới thiệu như thế bà lại ôm mặt rưng rức khóc. Bố anh lúc đấy mới từ trong nhà đi ra. Bố dịu dàng dỗ dành mẹ, đợi đến khi bà kiềm chế được, ông mới kéo anh ra một chỗ giải thích:

- Cứ nhắc đến tên thằng Huy trước mặt là bà ấy lại như thế đấy. Khổ. Từ lúc nó đi, bà ấy cứ như người mất hồn luôn.

Giọng nói trầm trầm của bố chất chứa nỗi muộn phiền dồn nén và chút gì đó bất lực. Ông nom chẳng khác ngày xưa là mấy nhưng lại hay thở dài hơn.

Tối hôm đó, Huy ở lại ăn cơm với bố mẹ. Cơm cá kho với canh cà đơn giản thôi mà ngon đến lạ. Huy ăn liền tù tì một lúc bốn bát cơm, xong rồi còn vét nồi rào rạo. Bố mẹ thấy khách đến mà tự nhiên như thế thì cũng mở hết tâm tình, kể hết chuyện làng trên, xóm dưới. Không khí bữa cơm đầm ấm hệt như những ngày xưa khi Huy còn là một đứa trẻ được nuông chiều trong vòng tay của bố mẹ.

Đêm ấy, anh ngủ lại trên chiếc giường của mình ngày xưa. Đồ đạc vẫn thế, chiếc tủ gỗ có vệt sơn màu đỏ do chính Huy vẽ vào, chiếc giường hơi bị cập kênh, và cái bàn làm việc vẫn nằm nguyên tại chỗ chúng đã nằm ngày xưa, dường như chưa từng bị xê dịch bởi năm tháng. Đêm ấy trời đổ mưa. Mưa rào không to lắm. Mưa gõ lộp bộp trên tán lá hệt như một bản nhạc đều đều chỉ có ba, bốn nốt nhạc. Đêm ấy Huy không ngủ mà để dành cả tâm trí để nghe tiếng mưa rơi, cảm nhận cái lành lạnh của hơi nước lan nhè nhẹ qua khung cửa và để đếm lại những kỷ niệm vốn chỉ trở về trong không khí lãng mạn của đêm mưa.

Sáng hôm ấy, Huy rời khỏi nhà lúc trời còn chưa sáng. Chính xác là anh trốn đi khi bố mẹ còn chưa ngủ dậy. Anh sợ rằng nếu mình còn nấn ná ở lại thì sẽ chẳng thể nào ra đi được nữa. Một đêm mưa đã gột sạch những suy nghĩ vốn vẫn rối tung trong lòng Huy. Anh biết rằng đã đến lúc mình phải rời xa thế giới này. Thế giới này là thế giới của mặt trời, của sự sống, và những vòng quay không ngừng. Anh không thuộc về thế giới này. Dù có níu kéo thế nào đi nữa, thì anh vẫn phải chấp nhận sự thật rằng anh đã chết rồi. Thân xác anh đã nằm dưới ba tấc đất lạnh lẽo dưới kia. Còn linh hồn anh thuộc về phía bên kia thế giới, nơi tối tăm, tĩnh tại và phù ảo. "Đến lúc phải về rồi" Huy vừa tự nhủ, vừa ngắm mặt trời lấp ló sau rặng cây. Tuy vậy, anh vẫn muốn được gặp Nga một lần nữa, để ngắm nhìn em và mãi mãi khắc ghi bóng hình ấy trong tâm trí.

Huy bắt xe về Hà Nội. Mấy đêm liền thiếu ngủ nên mắt anh nhíu chặt vào rồi thiu thiu ngủ lúc nào không biết. Trông giấc dập dềnh, anh mơ nhiều thứ lạ lắm. Anh mơ về Nga, mơ về đàn gà do mẹ nuôi, mơ về bé Thúy, mơ về bờ tường đá ong, và kỳ lạ nhất là mơ về lão già. Trong giấc mơ kỳ quái ấy, Huy thấy mình ngồi trên xe khách, giống hệt như khung cảnh trong thực tại, chỉ có điều bầu trời thì tối sầm, chẳng còn tí ánh sáng nào. Âm hồn của lão già lúc đó đang bay bay như một làn khói ở bên cạnh xe. Lão phải vất vả lắm mới bắt kịp được tốc độ phi như bay của xe. Khi xe dừng lại chờ đèn đỏ ở ngã tư, lão già chớp lấy cơ hội, len lỏi chui qua khe cửa sổ. Âm hồn của lão kéo dài, mịn như sợi chỉ. Lão chường cái mặt nhăn nheo trước mặt Huy, cố thét to như thể chỉ sợ Huy không nghe thấy:

"Nguy quá, nguy quá chú em ơi. Trên đường lão về âm phủ thì nghe được tin động trời. Hai tên quỷ khâm sai tìm không được lão với chú đã về xin diêm vương được một lệnh trát bắt linh hồn người thân của chúng mình về tra hỏi. Đêm nay chúng sẽ bắt linh hồn của vợ con chú trước, đêm mai bắt linh hồn của vợ con anh sau. Bây giờ có quay về đầu thú cũng không kịp nữa. Bọn quỷ đói ấy đã xin được lệnh bắt hồn thì chắc chắn sẽ không buông tha đâu. Chú mau đi tìm sư phụ của anh là thầy Sư Thối, thầy ở chùa Ngọc Quang Tự ở Gia Lâm, chỉ có thầy mới cứu được người thân của chúng mình"

Rầm, rầm, rầm. Cái xe xóc mạnh khiến Huy tỉnh giấc. Xe vừa đi qua một ngã tư, cũng có đèn xanh, đèn đỏ từa tựa như giấc mơ kỳ quái ấy. Huy toát mồ hôi hột. Giấc mơ vừa rồi thật quá khiến anh không thể không tin. Lão già quay về báo mộng cho anh chăng? Anh bồn chồn ngồi chờ đợi, đến khi xe vừa lăn bánh vào đến địa phận huyện Gia Lâm là đã nhanh chân phi xuống.

Huyện Gia Lâm thì to, chùa chiền lại nhiều, mà thông tin lão già đưa ra chỉ nhỏ giọt như nước chắt. Sư Thối, Bảo Quang Tự - Là ở đâu? Huy lê la khắp các quán nước trên đường mà chẳng ai biết Bảo Quang Tự là chùa gì cả. Tên Hán Việt cao siêu, người dân chỉ biết tên thuần Việt của các ngôi chùa thôi. Huy dở khóc, dở cười, trên cao nắng gay gắt, dưới đường thì khói bụi, người mệt oải vì thiếu ngủ, còn cái điện thoại của sếp thì cứ thỉnh thoảng lại reo lên inh ỏi vì những chuyện ở công ty. Ấy vậy nhưng anh vẫn chẳng nản chí, cứ lê đôi giày gõ cộc cộc khắp hang cùng, ngõ hẻm. Đến tận khi mặt trời đỏ quạch nơi phía chân trời và dòng người chen chân kéo nhau về tổ ấm thì anh mới tìm được một người biết về Bảo Quang Tự - một cụ già tóc bạc trắng, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Thì ra Bảo Quang Tự được gọi là chùa Dậu, ngày xưa từng là chùa to nhất vùng, sau bị chiến tranh tàn phá, dù đã khôi phục lại nhưng vẫn vắng vẻ, không nhiều người biết đến....

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro