Ngôn ngữ #1: Xưng hô "tỷ muội" trong tiếng Việt
Viết vì thấy vụ xưng hô này cãi nhau hơi lâu...
-------------------------
Nếu như "huynh đệ" được chấp nhận và phổ biến rộng rãi thì "tỷ muội" lại là trường hợp khá khó nói, vì tôi và đa số các bạn ở đây đều chiếu theo từ điển mà Hoàng Phê chủ biên để viết truyện Việt. Vậy bây giờ, ta phải tìm bằng chứng cho sự tồn tại của "tỷ muội" mang nghĩa "chị em" này.
Cách dễ nhất là tra từ điển Soha, thừa hưởng từ các nguồn từ điển mạng khác nhau, tôi tin nó khá đáng tin cậy. Và như ta thấy: Không có "tỷ muội" nào mang nghĩa "chị em", khi tra riêng thì "tỷ" chỉ có trong "tỉ lệ", "tỉ số",... và "muội" là thứ bụi đen mịn, bám thành mảng do khói tạo nên.
Nhưng: Tham khảo từ nhiều nguồn, và từ chính từ điển gốc của Tra từ Soha - Vietdic, ta thấy "tỷ muội" được ghi chép trong "Từ điển - Thanh Nghị" (có lẽ là bản in năm 1958 của NXB Thời Thế).
Tra từ "muội" thì ta có:
- "Từ điển Lê Văn Đức" ghi "Em gái: Hiền-muội, tỷ muội, tiểu-muội."
- "Đại Từ điển Tiếng Việt" ghi "Em gái: hiền muội o lệnh muội o tỉ muội."
- "Từ điển Thanh Nghị" ghi "Em gái: Lệnh-muội."
- "Từ điển - Khai Trí" ghi "Em gái: Lệnh-muội. Gia-muội."
Song, xét các ngữ cảnh Vietdic đưa ra, không thấy có cách dùng cụ thể của đại từ "muội".
Tra từ "tỷ/tỉ", ta cũng có:
- "Từ điển - Thanh Nghị" ghi "Chị gái: Tỷ muội."
- "Từ điển Lê Văn Đức" ghi "Tỷ, vai và tiếng gọi người chị: Hiền tỉ, ngu-tỉ."
- "Đại Từ điển Tiếng Việt" ghi "Chị gái: tỉ muội." và "Tiếng con gọi mẹ đã mất: tỉ hiền."
- "Từ điển - Khai Trí" ghi "Chị gái." và "Tiếng con gọi mẹ đã mất rồi: Bài vị thờ hiển-tỉ"
Và cũng như "muội", "tỷ/tỉ" không có cách dùng cụ thể hay ngữ cảnh rõ ràng.
Và giờ tui mở file đọc từ điển Hoàng Phê online vì hết tiền. Đây là tài liệu tôi dùng, các bạn có thể xác thực hộ tôi nhé.
Ở đây, tôi tìm từ "muội" thì quả thực không có gì ngoài bụi mịn đen từ khói. "Tỉ" cũng không có... Tra hết cả "tỷ/tỉ muội" mà cũng chẳng thấy ghi. Và phía dưới này ghi chú "tỷ" và "tỉ" như nhau!
Vậy nên có thể nói: Tùy từ điển sẽ có các quan điểm khác nhau, nhưng với ít nhất 4 nguồn khẳng định "tỷ muội" có trong tiếng Việt thì các bạn có thể yên tâm dùng nó cho tác phẩm của mình rồi, dù Từ điển của Hoàng Phê không đề cập. Nhưng dùng ở đây không phải là để xưng hô kiểu: "Hoàng tỷ à, đệ muốn nói..." mà là dùng để gọi chức danh, để nhắc đến, giống như thay vì "Cô ấy là chị ta" thì sẽ là "Cô ấy là hoàng tỷ của ta". Tôi không rành khoản này mà chỉ mày mò từ điển thôi, nhưng chắc chắn là không hề xưng hô như thế trong giao tiếp, vì các từ điển liệt kê các từ ấy đều không ghi ngữ cảnh như vậy.
CHỐT: "HUYNH ĐỆ TỶ MUỘI" CÓ TRONG HỆ THỐNG TIẾNG VIỆT NHƯNG LÀ TỪ CHỈ VAI VẾ, KHÔNG PHẢI TỪ ĐỂ XƯNG HÔ!
Một vài bạn sẽ trích link wikipedia này cho tôi (https://vi.m.wiktionary.org/wiki/Ph%E1%BB%A5_l%E1%BB%A5c:C%C3%A1ch_x%C6%B0ng_h%C3%B4_theo_H%C3%A1n-Vi%E1%BB%87t?fbclid=IwAR3bsLxXgmDxJKG_HUxj_JVE73Glnrd3HbPEqwejx5V5tWejlMAbgMFoogs), nhưng hãy nhìn kỹ: NÓ KHÔNG CÓ NGUỒN NÀO ĐÍNH CHÍNH. Và tui cũng tìm ra được "những" bản gốc của nó, chúng cũng thiếu thông tin như vậy:
- https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=23353
- https://namlundidong18.wordpress.com/%E2%99%A5%E2%95%AD%E2%95%AE%E2%99%A5-luom-lat-%EF%B8%B6%EF%B8%BF%EF%B8%B6/498-2/
- https://www.wattpad.com/556387591-c%C3%A1ch-x%C6%B0ng-h%C3%B4-th%E1%BB%9Di-x%C6%B0a-c%C3%A1ch-x%C6%B0ng-h%C3%B4-th%E1%BB%9Di-phong-ki%E1%BA%BFn
Riêng tôi thì sẽ ưu tiên dùng "anh chị em" thay cho "huynh đệ tỉ muội", vì mình cứ noi "Truyện Kiều", "Đêm hội Long Trì" mà viết thôi. Nó được dùng từ xa xưa, may mắn tồn tại đến nay, chứ không phải là ngôn ngữ hiện đại đâu nhé! Xin lỗi các bạn nhiều khi chỉ tra từ điển 75.000 từ của NXB Dân Trí và từ điển Hoàng Phê mà đã vội khẳng định tiếng Việt không có "tỷ muội" mang nghĩa "chị em".
Đoạn trích "Trao duyên" quá nổi tiếng từ tác phẩm "Đoạn Trường Tân Thanh" (Truyện Kiều) của cụ Nguyễn Du cũng dùng từ "chị em". Đây là dịch thẳng từ chữ Nôm, không phải nhà soạn dịch theo ngôn ngữ hiện đại đâu nhé!
Đoạn trích của "Đêm hội Long Trì" - Nguyễn Huy Tưởng (pdf) về đối đáp giữa chị em Đặng Tuyên phi
Bạn nên đọc bài báo này và quan điểm của học giả An Chi - một nhà từ nguyên học mất năm 2022, cũng xin kính ông một lời khi trích bài này: https://baomoi.com/cach-xung-ho-thoi-xua-c29249026.epi
Một nguồn về lối xưng hô khác mà tôi khá tâm đắc là bài viết này của blogger Xương (tiemmi13): https://tiemmi13.wordpress.com/2017/11/05/cach-xung-ho-thoi-xua-o-viet-nam/
Chắc phải chờ "Hán Việt Tự Điển" về đến nhà, tra thêm một nguồn nữa (dù tôi đọc không nổi) có lẽ sẽ rõ ràng hơn... Và dù "tỷ muội" có được chấp nhận hay không, ta vẫn phải nhìn xa và rộng hơn rằng: LẬM QUICK TRANS LÀ SAI. Chắc chắn vậy, bạn cũng chẳng thể bao biện bằng "văn nhã của người Trung" hay đại loại thế. Truyện cho người Việt, nên viết cho người Việt hiểu, phù hợp độc giả Việt. Khi dịch truyện Pháp, dù muốn giữ văn hoá của họ, tác giả vẫn dịch rất sát ngôn từ Việt Nam chứ hiếm khi ghi tiếng Pháp, có chăng thì ghi thêm chú thích để độc giả hiểu những câu đùa hay ẩn ý xoay quanh ngôn ngữ gốc, chứ chẳng có chuyện như lậm QT. Lậm QT thì không chỉ người Việt Nam, người Trung Quốc cũng chẳng hiểu. Muốn giữ "văn nhã Trung Quốc", giữ "văn hoá ngôn ngữ" của họ thì viết bằng Hán tự luôn cho lành, và cũng chẳng cần dịch gì hết!
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro