Juan Corona
Có thể nói vào thời điểm đó, chuyên án “Con đường nghĩa địa” trở thành tội ác khủng khiếp tồi tệ nhất và Juan Corona trở thành tên hung thủ giết người hàng loạt khét tiếng trong lịch sử của đất nước cờ sao.
Ngày 19/05/1971 một người nông dân tên Goro Kagehiro phát hiện thấy một hốc còn khá mới trong vườn cây ăn quả của mình. Tò mò về cái hốc, Kagechiro quyết định trở lại vườn cây ăn quả khi đêm xuống để tìm hiểu thì ông thấy cái hốc đã được lấp kín. Nỗi lo lắng và hoang mang càng tăng gấp đôi, Kagechiro quyết định gọi điện báo cảnh sát và sáng sớm hôm sau họ đã có mặt. Cảnh sát chỉ nghĩ đơn giản rằng đây chỉ là nơi giấu những đồ ăn cắp của bọn trộm song khi nhận được tin báo của dân họ vẫn phải đến cho đúng nghĩa vụ.
Một số cảnh sát bắt đầu đào và kết quả thu được nằm ngoài sức tưởng tượng của họ, một thi thể của người đàn ông da trắng có dáng người mảnh khảnh dần dần lộ ra. Ngay lập tức họ gọi điện cho các cảnh sát hình sự đến hiện trường. Theo điều tra, nạn nhân tên là Kenneth Whiteacre bị chết bởi vết đâm ở ngực, cú đánh mạnh vào đầu và một vài vết chém sâu ở sau đầu. Bàn tay của nạn nhân cũng có những vết chém sâu, cảnh sát nhận định rằng có thể đây là vết tích khi nạn nhân cố gắng giơ tay lên đỡ những đòn hiểm của tên hung thủ.
Trên người nạn nhân vẫn mặc đầy đủ quần áo. Theo nhận định bước đầu, cảnh sát cho rằng nạn nhân có thể là một người đồng tính. Vào thời điểm đó, phong trào đồng tính bắt đầu phát triển khá mạnh mẽ bắt đầu từ San Francisco, người dân có định kiến và không mấy thiện cảm với dân đồng tính chính vì vậy thi thoảng những nam đồng tính trở thành nạn nhân của cuộc tấn công khi ai đó nhìn thấy “ngứa mắt”. Tuy vậy, cảnh sát không tìm thấy bất cứ manh mối khả nghi nào xung quanh hiện trường. Đây là một vụ giết người, chắc chắn là vậy song câu hỏi ai mới là “tác giả” khiến cảnh sát đau đầu.
Cảnh sát đưa ra giả thuyết rằng có 2 người đàn ông cùng nhúng tay gây ra vụ giết người này, do cần tiền cả hai đã kiềm chế dục vọng ra tay cướp tiền của nạn nhân rồi giết anh ta để sau này không phải trả nợ. Có thể nói trong vụ án này cảnh sát làm ăn vô cùng thiếu trách nhiệm đến mức bộ phận giám định pháp y “không buồn” xét nghiệm tử thi để tìm ra bằng chứng nạn nhân có bị xâm hại tình dục hay không, họ chỉ xét nghiệm qua loa và kết luận những vết thương ở bên ngoài, những điều mà ai có mặt ở hiện trường cũng có thể biết. Có lẽ cảnh sát đã định “ỉm” sự việc đi nếu không có một ngày…
4 ngày sau khi phát hiện thi thể của người đàn ông trong vườn ăn quả, ngày 24/05 một công nhân lái máy kéo vào khu chăn nuôi thì mặt đất bỗng sụp xuống xuất hiện một cái hố. Người đàn ông tên Foreman Ray Duron tiến tới định kiểm tra xem ở dưới có gì song sực nhớ ra xác chết vừa được phát hiện cách đây mấy hôm, ông liền gọi điện báo cảnh sát. Lần này cảnh sát không dám chủ quan và tiến hành đào bới cẩn thận hơn. Và cũng không khác lần trước trong chiếc hố lại lộ ra một thi thể nam được cảnh sát xác nhận tên là Charles Fleming. Họ tìm kiếm xung quanh song cũng không tìm thấy điều gì đáng ngờ. Sau đó, có người phát hiện trong khu vực mọc toàn cỏ dại cảnh vườn cây trồng đào có khoảnh đất bị lún sụt giống như mồ mả có nhiều đáng ngờ. Tiến hành đào bới, cảnh sát lại tìm thấy được một xác chết nữa. Nạn nhân được xác định là, Juan V. Corona.
Giống như hai thi thể được tìm ra trước đó, người đàn ông này cũng bị đánh bằng dùi cui rất mạnh vào đầu và một vết thương rất to, có thể một con dao rựa chính là “hung thủ” gây ra và cả ba nạn nhân đều xuất thân là nông dân lao động nghèo.
Cảnh sát trưởng Roy Whiteaker xem xét tình hình và thấy nghi ngờ về tên chủ thầu Juan Corona, 37 tuổi chính vì thế ông cho người điều tra thông tin lý lịch về người đàn ông này. Theo điều tra, Corona là nghi can chính trong một sự cố ở gần sông Feather, Marysville, một người đàn ông bị đánh đập đến chết tại một quán cà phê địa phương. Người đàn ông này được tìm thấy trong phòng tắm, xung quanh máu chảy lênh láng từ vết thương nghiêm trọng ở đầu. Lý do mà Corona trở thành kẻ nghi ngờ chính là chủ quán cà phê đó không ai khác chính là người em song sinh của Corona, Natividad Corona, một người đồng tính. Theo một số nhân chứng cho biết, Juan Corona cũng là một người đồng tính và tối hôm xảy ra án mạng không những không xuất hiện ở tại quán mà y còn nổi một trận lôi đình. Chính vì thế Juan Corona trở thành kẻ đáng nghi nhất.
Các nạn nhân đều được tìm thấy trên cùng một trục đường chính vì thế cảnh sát đặt tên chuyên án là "con đường nghĩa địa". Tất cả đồng lòng với ý kiến nên đào bới kỹ càng con đường này vì có thế tên hung thủ bất cẩn đánh rơi vật gì ra đây và nó sẽ trở thành vật chứng quan trọng để tìm ra tên giết người. Khi các khu vực xung quanh được khai quật, cảnh sát cũng phải “choáng” với số nạn nhân họ tìm được, nạn nhân đều là người da trắng trừ hai người.
Tất cả nạn nhân đều bị đâm nhiều nhát và đầu bị thương nghiêm trọng với những vết cắt lớn bằng một con dao rựa trong đó có một người đàn ông bị bắn. Trên người các nạn nhân đều có vết dao đâm sâu dài chạy dọc từ đầu xuống lưng.
Theo nhận định của bộ phận pháp y, các nạn nhân bị giết hại trong suốt 1 khoảng thời gian 6 tuần chính vì vậy trung bình cứ 40 giờ sẽ có một vụ án mạng xảy ra. Theo điều tra của cảnh sát, Juan Corona thường xuất hiện ở trại chăn nuôi, nơi phát hiện các nạn nhân. Ngoài ra, có một chi tiết khiến ban chuyên án chú ý đó là hắn thường cho những người làm công của mình ngủ nhờ tại ngôi nhà nằm trên đường Sullivan Ranch, chính là con đường nghĩa địa nơi có hàng loạt nạn nhân bị chôn cất tại đây.
Trên một ngôi mộ, cảnh sát nhận thấy có chữ ký tên Corona và trong hai ngôi mộ khác, cảnh sát thu được hai giấy biên nhận của ngân hàng America trên đó có ghi đầy đủ tên họ cũng như địa chỉ của Juan Corona. Và đây trở thành chi tiết quan trọng khiến Corona trở thành kẻ tình nghi số 1 của hàng loạt thi thể bị giết hại được chôn ở Con đường nghĩa địa.
Vào sáng sớm ngày 26/05/1971, cảnh sát bất ngờ đến căn nhà của Corona ở Yuba City cùng với lệnh khám nhà và bắt giữ y. Không nằm ngoài dự đoán của ban chuyên án, tại đây họ thu được hai con dao còn dính máu, một con dao rựa, khẩu súng ngắn và một bộ quần áo bị nhuốm máu. Ngoài ra họ còn tìm được một quyển sổ bao gồm 34 tên người và ngày tháng trong đó cảnh sát phát hiện có 7 tên trùng khớp với các thi thể. Cảnh sát cho rằng đây chính là “danh sách chết” của gã sát thủ máu lạnh, y ghi chép lại đầy đủ ngày tháng "ra tay" với các nạn nhân.
Theo bản lý lịch của Juan Corona người Mỹ gốc Mexico, gã có tên đầy đủ là Juan Vallejo Corona sinh ra tại Autlan, Jalisco năm 1934 và đến năm 1950 thì di cư đến Mỹ. Băng qua biên giới để nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, năm đó Juan Corona 16 tuổi chọn công việc trồng trọt cà rốt và dưa hấu tại Imperial Valley làm nghề sinh nhai được khoảng 3 tháng trước khi chuyển về phía bắc Sacramento. Còn người em sinh đôi của gã, Natividad Corona thì di cư đến bang Marysville vào năm 1944 để làm việc và định cư.
Sau đó Corona cũng chuyển đến Marysville, Yuba City vào tháng năm 05/1953 theo sự đề nghị của người em sinh đôi và làm việc trong một nông trại ở địa phương. Ngày 24/10/1953, gã kết hôn lần đầu tiên với Gabriella E. Hermosillo ở Reno, Nevada. Cuộc hôn nhân không kéo dài được lâu và đến năm 1959, Corona tổ chức tiệc cưới với Gloria I. Moreno và họ có với nhau 4 đứa con gái.
Vào một ngày cuối tháng 12/1955, một trận lụt lớn đã xảy ra với thành phố Yuba và sông Feather. Tất cả bị nhấn chìm trong nước, trận lụt lớn chưa từng thấy đã đi vào lịch sử bởi sự tàn phá nặng nề cho Bắc California. Trận lũ đã phá vỡ con đê phía Tây, cướp mất mạng sống của 38 người dân. Chính trận lũ lịch sử đó đã in sâu vào tâm trí của Juan Corona, nó ảnh hưởng đến tinh thần của gã. Corona tin rằng tất cả mọi người đều đã chết trong trận lụt đó và hiện tại gã đang sống tại một vùng đất toàn bóng ma.
Corona có những triệu chứng của căn bệnh tâm thần phân liệt. Vào ngày 17/01/1956, Natividad đưa anh trai đến kiểm tra tại bệnh viện DeWitt State, Auburn, California được các bác sĩ chuẩn đoán bị căn bệnh hoang tưởng. Trong thời gian 3 tháng nằm viện, Corona được bác sĩ điều trị với 23 liệu pháp sốc (cách điều trị bệnh thần kinh bằng việc cho điện giật hoặc cho uống thuốc với hiệu ứng tương tự).
Sau thời gian chữa trị, Corona bị trục xuất về Mexico và không lâu sau đó, Corona lại được phép nhập cư hợp pháp vào Mỹ cùng với một tấm thẻ xanh. Theo hồ sơ của Corona, gã không những có dấu hiệu của bệnh tâm thần mà còn là một người ưa bạo lực, tính tình nóng nảy. Đến năm 1962, gã được cấp phép trở thành một ông thầu, phụ trách việc tuyển dụng lao động cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương.
Theo nhận xét của nhiều người, Juan Corona có vẻ bề ngoài khá nam tính và thường ác cảm với những thanh niên đồng tính. Người em sinh đôi của gã, Natividad Corona là một người đồng tính và là ông chủ của quán cà phê Guadalajara Café ở Marysville.
Trong tháng 03/1970, Corona quay lại bệnh viện DeWitt State để điều trị. Theo tìm hiểu của cảnh sát, người đàn ông này cũng có “của ăn của để” bao gồm 2 ngôi nhà và một số tiền gửi trong ngân hàng.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi của cảnh sát, Juan Corona đã cúi đầu nhận tội mình là hung thủ giết chết 25 công nhân nghèo làm việc cho mình sau đó chôn xác họ để phi tang. Và đến ngày 15/02/1973, tại bang California, người Mỹ gốc Mexico phải nhận một bản án mà ai nghe cũng phải choáng váng, nó kéo dài… 25 đời liên tiếp.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro