Ngày 20/03/1873, Tòa án tuyên bố án tử hình dành cho Mary Ann và chỉ 4 ngày sau, vụ hành quyết được thực hiện. Theo báo cáo của các điều tra viên, đã có khoảng 15 đến 21 người đã chết dưới bàn tay của người đàn bà máu lạnh này.
Charles Cotton đã chết. Người mẹ kế Mary Ann Cotton khẳng định cậu bé 7 tuổi chết vì đau dạ dày. Sẽ chẳng có gì đáng phải bàn nếu như không có chuyện trùng hợp khi người trong nhà Cotton lần lượt qua đời cũng chỉ vì lý do đó trong vài tháng. Chính bởi thế nó trở thành đề tài được hàng xóm quan tâm rất nhiều. Những lời đồn lan rộng khắp Tây Aukland, Durham, Anh. Mọi việc đến tai các nhà chức trách và những thám tử kinh nghiệm nhất đã bắt tay vào cuộc điều tra, Mary Ann trở thành mục tiêu chú ý hàng đầu.
Càng đào sâu cuộc đời Ann, người ta càng thấy nhiều dấu hiệu nghi ngờ. Người phụ nữ 40 tuổi này có một tuổi thơ vất vả và nghèo đói, kết hôn sớm để trốn chạy khỏi người cha dượng và một loạt thành viên gia đình qua đời cũng chỉ vì căn bệnh dạ dày bí hiểm, trong khi Ann vẫn bình yên vô sự.
Mary Ann Robson sinh năm 1832. Cha cô là một người sùng đạo và rất nghiêm khắc, vì thế mà cô con gái sợ cha một phép. Khi Ann lên 8 tuổi, trong một lần đào mỏ, cha cô gặp tai nạn và qua đời. Mọi gánh nặng dồn xuống vai bà mẹ, nhưng chỉ một thời gian, bà đã tìm cho mình một tấm chồng khác. Theo những gì cảnh sát tìm hiểu được, người cha dượng chẳng ưa gì Ann, còn cô cũng chẳng thể nào tìm được tiếng nói chung với ông chồng mới của mẹ mình.
Năm lên 16 tuổi, Ann quyết định bỏ nhà để tìm cho mình một cuộc sống khác. Ban đầu, cô làm hầu gái cho một gia đình giàu có ở Nam Hetton. Về công việc, Ann luôn hoàn thành rất tốt và chẳng ai chê trách, song gia chủ không thể chấp nhận khi nghe những lời đồn đại về mối quan hệ của người hầu gái với một giáo sĩ địa phương.
Ba năm sau, Ann chuyển sang làm thợ may và kết hôn với William Mowbray. Trong suốt thời gian mang bầu, cô luôn theo chồng nay đây mai đó. Mary Ann sinh được 5 người con, nhưng 4 trong số đó bị chết vì đau dạ dày hoặc đau bụng. Sau đó, hai vợ chồng chuyển về sống tại North East, nơi mà 3 đứa con nữa cũng lần lượt qua đời.
Mặc dù thời ấy, tuổi thọ rất thấp thì trường hợp của nhà Ann cũng gây sửng sốt với hàng xóm láng giềng. Nhưng nhìn chung, Mary Ann và William vẫn được mọi người nhìn nhận như là một cặp đôi bất hạnh, không chỉ về đường con cái. Cặp vợ chồng thường xuyên cãi lộn về chuyện tiền bạc, đến mức William để được yên tĩnh đã tìm một việc làm xa nơi họ sinh sống. Và trong thời gian này, những đứa con Ann sinh ra dần dần qua đời vì những căn bệnh kỳ dị.
Tháng giêng năm 1865, William trở về nhà để chăm sóc bàn chân bị thương. Thế nhưng, đang trên đà bình phục, anh đột nhiên qua đời vì bệnh rối loạn tiêu hóa. Vài ngày sau tin buồn, ông bác sĩ đến nhà để an ủi bà góa và ngạc nhiên thấy cô ta đang nhảy múa trong phòng với chiếc váy mới được mua từ số tiền bảo hiểm của William.
Không lâu sau khi William qua đời, Ann chuyển về sống tại Seaham, Durham. Tại đây, cô ta nhanh chóng cặp kè với Joseph Nattrass, một người đàn ông đã có vợ. Không thể khiến hai vợ chồng Joseph Nattrass từ bỏ nhau, Ann quyết định trở về Sunderland với đứa con duy nhất còn sống sót trong tổng số 9 đứa trẻ cô đã sinh ra.
Vứt con cho ông bà chăm, cô xin vào làm ở một bệnh xá. Nhiều nhân viên nơi đây ngưỡng mộ Ann bởi sự chăm chỉ và thân thiện với bệnh nhân. Cô đi bước nữa với kỹ sư George Ward. Cuộc hôn nhân với Ann đã đưa Ward đến cái chết chỉ sau một năm chung sống với cô. Anh ta chết vào tháng 10/1866, nguyên nhân lại là chứng bệnh liên quan đến dạ dày. Trớ trêu thay, vị bác sĩ hết lòng cứu chữa cho George bị kết tội chẩn đoán sai bệnh, và chính Mary Ann là người phản đối vị bác sĩ quyết liệt nhất.
Với từng ấy người đã qua đời dưới bàn tay của người đàn bà máu lạnh, tại phiên tòa sau này, nhiều người thắc mắc tại sao không ai nghi ngờ về hàng loạt cái chết của các thành viên gia đình cô ta trong một khoảng thời gian ngắn mà lại giống nhau đến kỳ lạ. Nhưng có điều, thời bấy giờ công nghệ truyền thông chưa phát triển, còn Ann lại liên tục thay đổi chỗ ở nên chẳng ai biết rõ quá khứ trước đây của cô.
Sau cái chết của Geogre, Mary Ann gặp James Robinson theo cách khá tình cờ. James cần một cô bảo mẫu cho bọn trẻ sau khi mẹ chúng qua đời và Ann chính là người được chọn. Hai ngày trước Giáng sinh, cậu con trai út của gia đình qua đời vì chứng bệnh đường ruột, điều này khiến James rất khổ tâm khi vợ con anh lần lượt ra đi. Tuy nhiên, sự quan tâm chăm sóc của Ann khiến người thợ đóng tàu này sớm vượt qua nỗi đau chẳng mấy chốc, cô ta đã có thai với James.
Khi mà đám cưới chuẩn bị tiến hành, tháng 03/1867, Ann nhận được tin mẹ bị bệnh nặng. Cô liền hoãn mọi việc, trở về nhà chăm sóc người mẹ già yếu. Khi Mary về đến nhà thì mẹ cô đã có vẻ khá hơn, nhưng chỉ 9 ngày sau, bà qua đời vì đau bụng.
Ann quay lại nhà Robinson tiếp tục công việc bảo mẫu. Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi những đứa trẻ bắt đầu kêu la đau bụng. Và chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 4, James phải chứng kiến cái chết của 3 đứa con. Tuy nhiên, người đàn ông này không mảy may nghi ngờ Ann và quyết định kết hôn vào tháng 8 năm đó. Chỉ 2 tháng sau, bé Mary Isabella ra đời. Nhưng nỗi đau mất người thân không buông tha cho James khi đứa con chung của anh với Ann cũng qua đời khi chưa đầy 5 tháng tuổi.
Đến lúc ấy, James bắt đầu nghi ngờ cô vợ mới cưới, không chỉ vì 4 cái chết đã diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ khi Ann đến, mà còn bởi cô ta liên tục nói chuyện tiền nong với ông và nhiều lần ngụ ý, ông sẽ không phải chịu cái chết đau đớn như mấy đứa con.
Luôn chu cấp tài chính đầy đủ, James bắt đầu thấy nghi ngờ khi Ann thường xuyên hỏi chuyện tiền nong. Ông gặng hỏi những đứa con còn sống và biết rằng chúng thường bị “dì ghẻ” ép bán các đồ giá trị. Không thể chịu nổi khi con mình bị đối xử tàn nhẫn, James đuổi Mary Ann cùng đứa con chung của họ ra khỏi nhà.
Cuối năm 1869, đang đi lang thang trên đường không nơi ăn chốn ở, Mary Ann tình cờ gặp một người quen. Cô nhờ một người bạn trông hộ con gái và bảo đi gửi thư. Thế rồi Ann không quay trở lại và đứa bé được đưa về nhà cho James Robinson năm 1870.
Sau nhiều tuần sống nay đây mai đó, đầu năm 1870, cơ hội lại đến với Ann khi chộp được một người đàn ông lâm vào tình trạng gà trống nuôi con. Mary Ann nhanh chóng giúp cho anh chàng Frederick Cotton quên muộn phiền và có bầu với anh ta. Tờ hôn thú ghi tên Mary Ann Mowbray, thay vì là Robinson.
Và tội ác trứ danh của cô ta tiếp tục kéo dài với hai nạn nhân là con trai của Frederick. Nhận thấy người tình cũ Joseph Nattrass sống ở tây Aukland không xa, cô nàng đòi chồng đến vùng đó sinh sống và ngọn lửa tình cũ cháy bùng. Tháng 12/1871, Frederick chết vì bệnh dạ dày và Nattrass ở trọ trong nhà người 3 lần làm quả phụ.
Nhưng rồi, Mary Ann lại khám phá ra một cái mỏ vàng mới là Quick-Manning. Khốn nỗi hai giọt máu còn sót lại của Frederick Cotton còn sờ sờ ra đấy, làm cản trở duyên mới của cô ta. Ann quyết định hành động tức khắc. Cậu cả nhà Cotton phải chịu cái chết vào tháng 3 năm 1872, nhưng cô nàng chưa thèm chôn ngay bởi lúc ấy, anh chàng Nattrass cũng đã có dấu hiệu của bệnh dạ dày. Vài ngày sau, cô nàng một tay chôn hai người thân, mắt sưng vù vì khóc lóc thảm thiết.
Như vậy là hầu như tất cả những người dính líu đến Ann Cotton đều đã qua đời dưới bàn tay bẩn thỉu của cô ta, chỉ còn lại James Robinson, hai đứa con của ông và cậu bé Charles Cotton. Cuối xuân năm 1872, Ann bắt Charles ra hiệu thuốc địa phương mua một ít thạch tín.
Chủ cửa hàng từ chối, bởi theo pháp luật, chỉ được bán chất độc này cho người trên 21 tuổi. Không nao núng, Ann nhờ người hàng xóm mua hộ và đến tháng 7, Charles qua đời. Từ đây, người ta mới bắt đầu rộ lên nghi ngờ.
Người đầu tiên Mary Ann thông báo về cái chết của Charles là Thomas Riley, một quan chức địa phương. Ông này từng được Ann nhờ đưa Charles đến nhà tế bần, nhưng chưa kịp hoàn tất thủ tục thì đã nhận tin về cái chết. Riley đem sự nghi hoặc của mình đến văn phòng cảnh sát và bác sĩ làng. Vị bác sĩ ngỡ ngàng khi nghe tin, vì mới tuần trước, ông còn khám cho Charles và chẳng thấy có bệnh tật gì, nói gì chuyện nguy hiểm đến tính mạng. Riley thuyết phục vị bác sĩ trì hoãn việc viết giấy chứng tử cho đến khi anh tìm ra manh mối.
Mary Ann hối hả đến văn phòng bảo hiểm, nhưng không nhận được đồng xu nào vì chưa có giấy chứng tử. Cô tìm đến bác sĩ mới biết mình phải trải qua một cuộc thẩm vấn. Cuộc thẩm vấn ngắn không để lộ ra điều gì bất thường nhưng báo chí địa phương bắt đầu nhảy vào cuộc. Muốn bỏ đi nơi khác, nhưng Ann lực bất tòng tâm vì nếu cô ra đi, chắc chắn mọi người sẽ càng thêm nghi ngờ.
Trong khi Ann chờ nghe động tĩnh thì một vị bác sĩ đã bí mật lấy mẫu dung dịch trong dạ dày của Charles để xét nghiệm. Ông phát hiện có chất thạch tín và yêu cầu khai quật tử thi của Charles cũng như Nattrass (đã chôn 6 tháng) để làm xét nghiệm toàn bộ. Và bức màn bí mật dần vén bỏ.
Phiên tòa xử Mary Ann bắt đầu vào tháng 3/1873. Có tới 4 người làm nhân chứng cho việc Ann mua thạch tín, và một danh sách những người thân của cô ta đã chết vì bệnh dạ dày được liệt kê. Lúc này, Ann vẫn một mực khẳng định mình vô tội. Cô ta thậm chí còn bỉ ổi đến độ viết thư cho James Robinson, đề nghị ông đưa đứa con chung đến thăm cô trong tù. “Nếu anh còn chút lòng thương, hãy cứu giúp đời em thoát khỏi những lời nói dối chết người. Thực ra, anh là nguyên nhân khiến đời em lâm vào cảnh hoạn nạn. Em đã phải lang thang ngoài đường phố với đứa con trên tay, không nơi ăn chốn ngủ”.
Ngày 20/03/1873, Tòa án tuyên bố án tử hình dành cho Mary Ann và chỉ 4 ngày sau, vụ hành quyết được thực hiện. Theo báo cáo của các điều tra viên, đã có khoảng 15 đến 21 người đã chết dưới bàn tay của người đàn bà máu lạnh này.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro