CHƯƠNG 7
Trời còn chưa sáng hẳn, sương thu mỏng như khói vẫn phủ một lớp trắng mờ quanh các mái hiên ngói xanh của Tiết Du Các. Ánh dương còn chưa nhô lên khỏi vòm cây lê già đầu viện, nhưng trong phòng, ánh đèn dầu đã sáng rực. Tiểu Ngọc thức dậy từ canh tư, vừa đánh răng rửa mặt vừa xếp áo váy, tất bật chuẩn bị cho ngày đầu tiên Nhược Lê bắt đầu học quy củ khuê môn.
Trần Nhược Lê ngồi trước ngọc tháp, mái tóc dài đen nhánh được Ngọc Nhi chải chuốt gọn gàng, xõa mềm xuống vai. Vì chưa xuất giá nên nàng không búi tóc, chỉ dùng dải lụa hồng nhạt buộc nhẹ phần đuôi, nửa đầu trên thì vấn nhẹ cài trăm bằng ngọc hình Hoa Lê đơn sơ mà trong trẻo. Bộ áo hôm nay là xiêm y màu anh đào thêu hoa lê nhã nhặn, viền chỉ vàng mỏng, khí chất đoan trang mà vẫn giữ nét thanh xuân.
"Ngày đầu học lễ, không thể chậm trễ, nương tử nhớ đứng thẳng lưng, lát nữa Dung ma ma thấy không vừa mắt lại khó dễ."
Ngọc Nhi vừa nhắc vừa vỗ nhẹ vai nàng. Trần Nhược Lê mỉm cười gật đầu, trong lòng có chút căng thẳng nhưng ngoài mặt vẫn giữ vẻ bình thản. Dù sao từ nhỏ đã học được cách gánh lấy ánh nhìn dè bỉu của người khác, nàng biết làm thế nào để không khiến mình trông yếu ớt.
Tiếng gõ mõ canh năm vang lên từ phía hành lang xa. Một lát sau, một bà lão thân hình đẫy đà, bước đi khoan thai nhưng ánh mắt sắc lẹm, xuất hiện nơi cửa viện. Mái tóc bạc cài trâm gỗ, y phục thâm màu, bên hông đeo túi hương thêu hình kỳ lân—là Dung ma ma, quản sự nghi lễ khuê phòng, người chuyên dạy quy tắc cho khuê nữ trong phủ.
"Tứ Nương Tử đã dậy chưa?"
Giọng nói khàn khàn, không lớn nhưng mang uy áp khiến người nghe bất giác rùng mình. Ngọc Nhi bước nhanh ra nghênh đón, khom lưng cúi đầu thật sâu:
"Dung ma ma vạn phúc. Nương tử nhà nô tì đã chờ sẵn."
Dung ma ma liếc mắt nhìn quanh một vòng, thấy trong sân sạch sẽ, hương cỏ chưa tan, cây cầu nhỏ qua ao cá được quét sạch không vướng lá rụng, gật đầu một cái đầy ý vị.
"Xem ra cũng biết giữ lễ nghĩa sơ đẳng. Nhưng mới nhập phủ được vài ngày, ta cần xem xem nền tảng có thật sự vững chắc không."
Trần Nhược Lê bước ra từ hiên nhà, Dung Ma Ma cũng theo thân phận mà khom người hành lễ
"Tham kiến Tứ Nương Tử, hôm nay bắt đầu học. Từ lễ quy nữ tắc đến cầm kỳ thư họa, rồi đến nữ công gia chánh, không sót một thứ nào. Nếu là nữ nhi phủ Quốc Công, không thể để người ngoài cười chê."
Giọng nói tuy không nặng, nhưng từng lời như nhấn sâu vào tai. Tiểu Ngọc cúi đầu không dám nói, Trần Nhược Lê chỉ lặng lẽ đáp: "Vâng."
Buổi học bắt đầu từ nghi lễ.
Dung ma ma sai người bày ra bộ bàn học nhỏ giữa sân trong, để Trần Nhược Lê đứng giữa nắng sớm luyện từng động tác cúi chào, hành lễ, bưng trà, rót nước, dâng hương, nâng mâm. Mỗi động tác đều phải đúng góc độ, đúng tiết tấu, chân không được run, lưng không được cong, mắt không được dao động.
"Lại sai rồi. Cái nghiêng người này là chào với phu nhân, không phải với tiểu thiếp. Lặp lại!"
Trần Nhược Lê mím môi, nghiêng người làm lại.
"Cái bưng trà này quá cao, người nhìn vào sẽ thấy là muốn khoe của. Nữ nhi khuê các phải khiêm tốn, hiểu chưa?"
"Hiểu rồi."
Cứ như thế, Dung ma ma bắt nàng luyện đến trưa. Ngọc Nhi thấy sắc mặt tiểu thư tái nhợt, vội bưng nước lên thì bị quát:
"Chưa được nghỉ! Nền tảng còn chưa vững, sao xứng danh Đích Nữ phủ Quốc Công ?"
Ngọc Nhi cố nhẫn nhịn, đến khi Dung ma ma vào trong dùng bữa mới dám ghé tai an ủi: "Nương tử, ráng nhịn, qua vài ngày bà ấy sẽ dịu hơn."
Nhưng Ngọc Nhi sai rồi. Bởi vì ngay chiều hôm đó, buổi học cầm bắt đầu, Dung ma ma cố tình chọn cây đàn gãy một dây cho nàng tập, lại bắt nàng ngồi xổm đánh đàn vì "góc sáng nơi hiên thích hợp với nhạc khí hơn".
Đến thư họa, bà đưa cho nàng nghiên mực khô quánh, mực không đều tay; đến nữ công, đưa kim lệch, chỉ rối, vải cũ.
Mỗi lỗi sai đều bị chỉnh, mỗi sai lệch đều bị nhắc bằng giọng lạnh lẽo pha khinh thường. Đôi mắt kia không che giấu gì: khinh thị, dò xét, mưu toan.
Ngọc Nhi đứng bên, nhiều lần muốn lên tiếng nhưng bị ánh mắt Trần Nhược Lê ngăn lại. Nàng biết, không phải tiểu thư yếu đuối mà là đang nhẫn. Nhẫn để không bộc lộ, nhẫn để không bị bắt thóp.
Chạng vạng xuống, khi ánh tà dương phủ vàng lên Tiết Du Các, Trần Nhược Lê vẫn ngồi thêu dưới ánh đèn, kim chỉ xuyên qua mảnh lụa cũ mà vẫn đều đặn như nước chảy.
Ngọc Nhi bưng một bát cháo đến gần, nhẹ giọng: "Nương tử, ăn một chút cho đỡ mệt. Người có muốn nô tì xoa tay cho không?"
Trần Nhược Lê nhìn đầu ngón tay đỏ rát, khẽ lắc đầu.
"Không sao. Ta từng sống nơi thôn dã, những ngày dầm mưa móc sương còn qua được. Vài bài học không dọa nổi ta đâu."
Ánh đèn trong phòng lung linh phản chiếu bóng dáng nàng—nhỏ bé, mảnh mai, nhưng lưng vẫn thẳng, mắt vẫn sáng.
Ngoài sân, gốc lê già đổ bóng xuống nền đá. Gió thu khẽ lay, vài chiếc lá vàng rơi xuống mặt ao. Mọi thứ vẫn im lặng như không có gì xảy ra.
Nhưng ở nơi trong biệt viện phía Nam, một đôi mắt đang đầy mưu tính, mím môi mỉm cười lạnh nhạt. Mai Từ Sở – Trắc phu nhân – vừa nhấp trà, vừa thì thầm:
"Để xem, mầm non dại dột này chịu được đến bao lâu."
-------------------------------
Một tuần sau, khi tiết trời vào thu sâu hơn, lá lê đã bắt đầu vàng, buổi học vẫn tiếp tục đều đặn. Nhưng Dung ma ma bắt đầu cảm thấy điều gì đó không ổn.
Buổi học cầm hôm ấy, bà lấy ra cây tỳ bà tinh xảo, định bắt lỗi tay đàn chưa vững thì tiếng nhạc bất ngờ ngân vang – mềm mại, có lực, mỗi nốt như lướt qua tim người nghe. Bà giật mình ngẩng đầu thì thấy Trần Nhược Lê đã chỉnh dây hoàn tất, thế ngồi đúng quy thức, tay trái luyến nhẹ, tay phải gảy chắc, từng đoạn nhạc cổ điển như nước chảy mây trôi.
Đến lúc chuyển qua cổ tranh, nàng không cần hướng dẫn, tự mình đặt tay đúng vị, đi dây gảy đàn thành thục, ánh mắt bình thản như đã quen thuộc từ lâu.
Dung ma ma giật mình, trong lòng dâng lên nghi ngờ, nhưng vẫn bảo chuyển sang thư họa. Bà đưa ra một bài thơ Đường và một cuốn tranh hoa mai chấm điểm. Không ngờ Trần Nhược Lê không chỉ chép lại thơ bằng nét bút nhẹ mà cứng cáp, còn ngẫu hứng vẽ một cành hoa lê nở muộn, cánh hồ điệp bay quanh, nét mực thưa nhưng có hồn.
Dung ma ma đứng nhìn, cả một lúc lâu sau mới cất tiếng:
"...Một người từng sống ở nơi thôn quê hẻo lánh, lại tinh thông cầm kỳ thi họa đến mức này... thật khó tin."
Ngọc Nhi đứng sau, nhịn không được mỉm cười, trong mắt đầy kiêu hãnh.
Chỉ có Trần Nhược Lê, tay đặt nhẹ trên cây cổ tranh, mắt khẽ cụp xuống, trong lòng thoáng qua hình ảnh của Trương Vi—người nghĩa mẫu từng dạy nàng viết từng nét chữ, đánh từng dây đàn, từng bắt tay nàng thêu hoa, kể nàng nghe về thế đạo nhân tâm, dạy nàng cách sống làm người giữa đắng cay không oán than.
Hồi ức ùa về, rõ ràng như mới hôm qua. Khi xưa, vào những buổi chiều mùa hạ oi ả, Trương Vi thường trải chiếu dưới bóng cây, đặt nàng ngồi lên đùi, một tay cầm tay nàng, một tay giữ cán bút, nhẫn nại dạy từng nét chữ, từng thanh âm. Có hôm mệt quá, nàng gục đầu vào lòng người mà ngủ thiếp đi, thức dậy đã thấy bên cạnh là một đoạn nhạc tỳ bà viết dở dang, nét bút mềm như nước chảy.
Trương Vi là người đàn bà góa bụa, không chồng con, chỉ chăm chăm dựa theo lời dặn dò của Diệp Lan Y mà bảo bọc Nhược Lê như báu vật. Chính bà đã lặng lẽ nuôi lớn nàng như dưỡng mầm quý, dù bản thân chẳng có gì ngoài đôi bàn tay chai sần. Năm nàng tám tuổi, Trương Vi mang về một cây tỳ bà gãy dây từ chợ trời, dạy nàng đánh theo trí nhớ. Đến năm mười hai tuổi, nàng đã có thể đàn ra trọn khúc "Xuân Vũ Lạc Mai", khiến cả thôn Thanh Liêu xôn xao một dạo.
Còn việc múa, là nàng học lõm khi theo đám thôn nữ đi hội mùa. Nàng không dám nhập cuộc, chỉ đứng từ xa nhìn, tối về tự mình tập, ngã cũng không khóc. Đến một ngày, chính Trương Vi bắt gặp nàng xoay người trong sân, váy vướng vào thúng nước mà vẫn giữ được thế đứng vững vàng, liền thở dài một tiếng: "Nha đầu ngốc, có lẽ trời sinh con đã định con không thuộc về chốn quê mùa này."
Dung ma ma chắp tay sau lưng, trầm giọng nói:
"Tứ Nương Tử... là ai đã dạy người những điều này?"
Trần Nhược Lê ngẩng đầu, ánh mắt trong veo không né tránh:
"Là A...à không là Trương Ma Ma, khi xưa sống cùng ta nơi thôn Thanh Liên. Người tuy chỉ là thị nữ bên cạnh mẫu thân nhưng lễ nghĩa không hề sơ suất."
Dung ma ma không đáp, chỉ gật đầu khẽ, rời đi với gương mặt đã không còn khinh miệt như trước.
Mà khi bóng bà khuất hẳn, Ngọc Nhi mới thì thầm, giọng không giấu được sự hả hê:
"Nương tử, Dung ma ma cuối cùng cũng biết thế nào là kim ẩn trong cỏ rồi."
-----------------------------
Chiều hôm đó, trong một gian viện u tĩnh bên trong hậu phủ, mùi trà ô long quẩn quanh trong không khí. Trắc phu nhân Mai Từ Sở ngồi trên trường kỷ khảm ngọc, tay cầm chén trà nóng, ánh mắt nửa khép nửa mở như đang chờ một kịch hay.
Tiếng bước chân trầm ổn vang lên, rồi Dung ma ma xuất hiện, cúi người hành lễ:
"Tham kiến Trắc phu nhân."
Mai Từ Sở nâng mắt, giọng nhẹ như gió thu:
"Sao rồi? Vị Tứ Nương Tử kia đã chịu gục chưa?"
Dung ma ma thoáng ngập ngừng, sau đó thở nhẹ:
"Bẩm phu nhân... nô tì đã dốc sức thử thách nàng, từ quy tắc lễ nghi đến nữ công gia chánh, từng chỗ đều gài bẫy, từng bước đều làm khó. Nhưng..."
"Nhưng sao?" Mai Từ Sở đặt chén trà xuống bàn, đôi mắt ánh lên tia sắc lạnh.
"Nhưng Tứ Nương Tử không những không lùi bước, mà còn tinh thông cầm kỳ thi họa. Tay đàn như suối ngọc, nét bút như vẽ rồng, thêu thùa thì đều mũi thẳng hàng. Còn có thể ngẫu hứng múa một điệu rất có thần vận... Nô tì chưa từng thấy ai từng sống ở thôn quê mà có căn cơ đến mức ấy."
Mai Từ Sở khẽ cau mày. Ánh mắt lướt qua làn khói trà, tựa hồ không vui:
"Ngươi chắc chắn không phải có người lén dạy?"
"Không có. Tứ Nương Tử nói là do Trương Thị bên cạnh Phu Nhân ngày trước dạy dỗ. Dù Trương Ma Ma chỉ là thin nữ nhưng lễ nghi chu toàn, thậm chí còn dạy cả cổ tranh, thi thư và lễ tắc."
"Trương thị..." Mai Từ Sở lặp lại cái tên, môi cong lên lạnh lùng. "Xem ra ta đã đánh giá thấp mụ ta rồi "
Dung ma ma cúi đầu thấp hơn, không dám thở mạnh. Một lúc sau, chỉ nghe phu nhân lạnh nhạt nói:
"Vậy thì... nâng lên cho cao, rồi ta tự tay đạp xuống. Một mầm non dù có cao quý đến đâu, nếu không biết ngoan ngoãn, cũng phải học cách héo rụng đúng lúc."
Ngoài hiên, nắng chiều như máu, vẽ thành bóng dáng dài mảnh của một con rắn cuộn mình nơi kẽ cửa.
-------------------------------
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro