Tuyển tập truyện ngắn của Fuyu

Tình ca mây xốp trắng

 

Tôi đang sống những ngày đầu của năm đầu cấp ba.Một lần, tình cờ, khi đi mua một hộp sữa chua, tôi nhìn thấy Mr.Cloud. Đó chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua. Gương mặt cậu ấy lướt qua tôi trong tích tắc thôi, rồi biến mất giữa rất nhiều gương mặt đang chen lấn trong căng-tin giải cứu cho cái bao tử rỗng. Nhìn dáo dác, tôi vẫn chẳng thấy cậu ấy đâu.

Tôi đã luôn mong được gặp cậu ấy, một lần nữa.




***




Hồi học cấp hai, tôi có biệt danh là Bí Ngô, một biệt danh ngộ nghĩnh và đáng yêu. Nhưng đáng tiếc, đối với tôi, nó không mang ý nghĩa đó. Bí Ngô là sự trêu chọc của các bạn nam trong lớp về thân hình tròn vo của tôi. Bạn bè không ác ý, họ chỉ đùa cho vui, tôi biết thế. Nhưng lũ con trai tuổi đó đều là một lũ não không phát triển. Họ luôn trêu chọc tôi mỗi ngày, mọi nơi, cười đùa và khiến tôi mệt mỏi kinh khủng.

Nói thêm, ngoài sự tròn vo, tôi có một vẻ ngoài cực "phình phường". Tôi đơn giản hóa mọi thứ về mình. Tóc để dài, buộc đơn giản. Tôi không phải mù tịt về thời trang. Thậm chí tôi còn rất hay tư vấn cách ăn mặc cho cô em họ và có một bộ sưu tập riêng sau ba tiếng đồng hồ vẽ vời. Nhưng thiết nghĩ, mình đã tròn vo nên mặc gì cũng không đẹp nên tôi ăn mặc đơn giản nốt. Và luôn chọn những gam màu tối.

Dù vậy, tôi không quá mặc cảm về chuyện mình trông thế nào. Mỗi lần có ai đó trêu mình là Bí Ngô, tôi lại nhe răng cười cho qua chuyện. Tôi chú tâm vào học tập và những sở thích của riêng mình, như đọc sách chẳng hạn. Có lần tôi mang cả tập Harry Potter dày cộm lên lớp đọc vào giờ chơi vì đọc ở nhà không kịp.

Tôi thích một cậu bạn cùng lớp, từ năm lớp bảy, tên Hoài. Đó là một cậu bạn dễ thương với nụ cười có hai lúm đồng tiền nhỏ. Tôi thường nhìn lén bạn ấy, bối rối mỗi khi bạn ấy nhìn mình. Tôi cũng cố gắng gây ấn tượng bằng cách chép bài giùm, trực nhật giùm...

Thậm chí năm lớp chín, chẳng hiểu đào đâu ra can đảm, tôi mua quà tặng sinh nhật cậu ta và ghi vảo thiệp rằng "Tớ thích bạn". Như những cô nàng ngốc nghếch bằng tuổi, dư thừa mơ mộng, tôi thường vẽ ra những câu chuyện hoàng tử-công chúa mà nhân vật chính là tôi và Hoài. Giấc mơ hoàng tử-công chúa của tôi chính thức chấm dứt vào một hôm. Tình cờ, tôi đi ngang qua khu bán nước ngọt ở căng-tin và nghe tụi con trai cùng lớp nói chuyện. Về tôi, về tình cảm ngốc nghếch của tôi. Và tôi nghe rõ từng chữ một.

-Tao đời nào thích con nhỏ béo đó.

Lần đầu tiên, tôi khóc và cảm thấy chán ghét ngoại hình của mình. Tôi trốn ở bãi giữ xe của trường, một nơi hiếm có ai tới vì toàn là xe đạp, một đống gạch và ngói sau khi sửa thư viện vẫn chưa kịp dọn, có mỗi cây phượng già là trông lãng mạn. Tôi ôm gối, khóc thút thít như trẻ con.

-Cần khăn giấy không?

Giật mình. Tôi ngẩng lên, mặt vẫn còn nhòe nhoẹt nước mắt, nhìn thấy một cậu bạn không quen biết đang cầm khăn giấy. Tôi ghét việc người khác nhìn thấy mình khóc, nhìn thấy mình yếu đuối. Tôi đưa tay lau nước mắt, cáu kỉnh.

-Không cần.

Tưởng tên kia sẽ biết điều và quay gót biến đi. Nhưng cậu ta lại ngồi xuống cạnh tôi.

-Đã bảo là không cần khăn giấy mà.

Nhưng cậu ta chẳng có vẻ gì là nghe tôi nói. Tất cả những gì cậu ta làm là duỗi thẳng chân, ngước nhìn những đám mây xốp trên bầu trời. Có vẻ chúng không trôi đi. Hoặc cũng có thể cậu ta đang ngắm những mãng trời xanh dịu dàng. Hoặc đang ngắm những tán lá phượng xanh rì lấp lóa nắng. Được một lúc, hắn hỏi, nhưng không nhìn tôi.

-Thất tình hả?

-Cái gì?

-Lí do là vì bạn tròn hả?

Cảm giác đau khổ vì bị thất tình nhanh chóng nhường chỗ cho một ước muốn mãnh liệt rằng có một...cây chổi ở đây để tôi cho cậu ta một trận.

-Liên quan gì đến cậu?

-Sao cậu không giảm cân, cắt một kiểu tóc mới? Làm gì đó để những nét đáng yêu của mình lộ ra ngoài? 



- có vẻ cậu ta vẫn chẳng để ý xem tôi nói gì.

-Tôi chẳng việc gì phải đẹp lên cho thiên hạ ngắm cả. - Tôi gần như gắt lên.

-Ngốc. Con người đẹp lên là để chính bản thân tự tin hơn.

Cậu ta búng tay vào giữa trán tôi, mỉm cười rồi đi tiếp, sau khi nhận xét "Mây hôm nay đẹp". Tôi ngồi xoa xoa chỗ trán hơi đau, mà cũng có thể nó đã hơi đỏ, ngơ ngác. Thậm chí tôi quên luôn mình vừa khóc vì thất tình.

Tôi đặt tên cho cậu ta là Mr.Cloud. Đôi khi ngẫm nghĩ lại, tôi nghi ngờ không biết thần kinh cậu ta có bình thường không. Ai lại đi nói chuyện với một người xa lạ, xen vào chuyện riêng của ngưởi khác, rồi biến mất như thế. Lại còn "Mây hôm nay đẹp".

Nhưng lại ngẫm nghĩ, tôi thấy những điều Mr.Cloud nói chẳng sai. Đã bao lần tôi nhìn mình trong gương và mong mình bớt tròn? Đã bao lần tôi muốn mình thu lại bé xíu trước những cô bạn xinh xắn cùng lớp? Đã bao lần tôi từ bỏ ước muốn thi văn nghệ ở trường chỉ vì sợ những lời xầm xì về ngoại hình của tôi dưới khán giả, mà có khi do tôi tưởng tượng ra?

Và tôi quyết định giảm cân. Bằng một thực đơn ăn kiêng, bằng chạy bộ và bơi lội. Đó không phải là một quá trình dễ dàng mặc dù nhìn vào trông có vẻ đơn giản.Có lúc tôi muốn bỏ cuộc khi phải ăn toàn rau xanh, còn đứa em trai thì cầm cái đủi gà trêu ngươi. Có lúc tôi muốn bỏ cuộc khi đôi chân đau buốt sau những ngày đầu chạy bộ. Nhưng tôi đã không bỏ cuộc. Có thể vì ý chí trả thù quá mạnh mẽ. Tôi lại còn ngốc nghếc vẽ ra các câu chuyện khác. Đó là sau khi giảm cân, Hoài sẽ nhìn tôi bằng một con mắt khác, và lúc đó tôi sẽ lạnh lùng bỏ đi.

Tôi hiện tại, giảm cân thành công, cắt tóc ngắn ngang vai hơi so le ngộ nghĩnh. Và tôi cũng thoái mái chọn những gam màu sáng ưa thích mà không lo lắng chúng sẽ tố cáo sự tròn vo của mình. Đúng như Mr.Cloud nói, tôi cảm thấy mình tự tin hơn và thoải mái hơn tham gia những hoạt động của trường. Tình cảm ngốc nghếch dành cho Hoài và ý tưởng trả thù cũng ngốc nghếch nốt dần phai theo thời gian. Mà mỗi khi nhớ lại, tôi chỉ thấy buồn cười kinh khủng.

Mỗi khi ngước nhìn những đám mây trắng xốp trên những mảng trời xanh dịu dàng, có lúc chúng không trôi, có lúc chúng lại chậm rãi trôi đi, tôi lại nghĩ về Mr.Cloud. Đúng là một cậu bạn kì quặc đã an ủi tôi theo một cách cũng kì quặc. Tôi mong gặp lại cậu ấy, có thể để bắt đầu một tình bạn chẳng hạn.




***




Sáng nay tôi, lại nhìn thấy Vân. Cô bạn vừa trực nhật quét cầu thang vừa hát, một giai điệu rất vui tai. Thật ngộ. Vân chăm chỉ quét, chăm chỉ hát đến nỗi không nhận ra có nhiều người đi ngang qua đang nhìn mình lạ lùng. Mà với tôi, hình như lúc nào Vân cũng có một vẻ riêng rất ngộ như thế, từ năm cấp hai.

Năm lớp tám, lớp tôi thua trong một trận chung kết bóng đá. Tất cả là lỗi của tôi đã để bóng văng vào chân và phản lưới nhà. Tôi rầu rĩ ôm thất bại cay đắng, cả những cái nhìn trách móc của chiến hữu trên xe bus về nhà. Cô bạn ngồi cạnh đang nhẩm nhẩm một giai điệu rất vui tai. Rồi bằng vẻ tự nhiên đáng yêu nhất của một cô gái có thể có, bạn ấy giật giật tay áo tôi.

-Bạn có nhớ giai điệu bài này không? Tớ thấy quen mà nhớ mãi không ra tên bài hát.

Và suốt chuyến đi đó, cả hai cứ thay nhau nhẩm nhẩm lại giai điệu để cố nhớ tên bài hát. Cuối cùng, tuy không nhớ nổi tên bài hát nhưng nỗi buồn trong tôi biến mất một cách kì lạ nhờ một cô bạn cũng kì lạ nốt. Nhìn phù hiệu thêu trên áo, tôi biết bạn ấy tên là Vân, học cạnh lớp tôi.

Tôi nhìn Vân khá nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thấy cô bạn khóc. Chỉ một lần bạn ấy thu mình ở bãi giữ xe của trường, một nơi toàn xe đạp, một đống gạch và ngói sau khi sửa thư viện chưa kịp dọn, có mỗi cây phượng già là trông lãng mạn. Tôi biết Vân khóc vì điều gì. Tôi đã muốn an ủi, đã muốn cho bạn ấy mượn khăn giấy, cùng bạn ấy rủa xả tên ngốc kia. Nhưng kết quả là tôi gần như gây sự với Vân. Chán mình thật! Chắc lúc đó bạn ấy phải ghét tôi lắm!

Lên cấp ba, tình cờ Vân lại học cạnh lớp tôi. Tôi lại được tha hồ ngắm bạn ấy. Dĩ nhiên, cô bạn không biết điều đó, mà không biết có còn nhớ tôi không? Vân xinh hơn trước, mặc dù tôi thấy ngày trước Vân cũng xinh, và quan trọng nhất là thấy bạn ấy yêu đời lắm, tự tin hơn trước rất nhiều. Tôi chỉ băn khoăn, Vân bây giờ thú vị như thế, liệu có thằng con trai nào ngốc như cậu bạn năm cấp hai không? Chắc là tỷ lệ cực hiếm.

Tôi nhìn lên trời, nơi những đám mây xốp trắng đang chầm chậm trôi. Muốn bắt chuyện trước nhưng không biết cách. Không lẽ lại bắt đầu bằng mây trời ngốc xít như ngày nào....Đang tự than thở mình. Đột nhiên.

-Này, đằng ấy tránh ra cho tớ quét một tí nào.....??????.......Mr.Cloud?

Câu cuối Vân gần như hét lên, ngạc nhiên, rồi đưa tay lên miệng lẩm bẩm "Chết rồi, nhỡ miệng..."."Vẫn với vẻ riêng của bạn ấy, tự nhiên đáng yêu nhất mà một cô gái có thể có" - ý nghĩ thật nhanh xẹt qua đâu, nhanh hơn câu trả lời của tôi:

-Tên tớ là Duy. Không phải Mr.Cloud. Còn cậu thì tớ biết tên rồi, Vân ạ. Hay cậu thích tớ gọi cậu là Bí Ngô? 



FUYU

Bản tình ca màu blue 

Hôm nay trời mưa rất to và rất lâu. Tôi ngồi trên xe buýt ngắm phố nhòe nhoẹt qua ô lớp kính và những giọt nước vỡ, tai nghe Ipop, cuốn sách Momo mở ra trên gối. Tai văng vẳng những giai điệu tuyệt hay của Wake me up when September end, Green day hát. Những ký ức chợt trở về trong tôi. Vẹn nguyên. 




Giữa năm lớp mười một, bố mẹ tôi chuyển nhà, tôi cũng vì thế mà chuyển trường. Tôi không thích thú điều này chút nào. Phải chia tay với những đứa bạn cũ và làm quen với những người bạn mới không phải là một việc dễ dàng gì đối với một con bé rụt rè như tôi. 



Chỗ ngồi của tôi cạnh cửa sổ, có thể trông ra khoảnh sân trồng hoa của trường và tán phượng xanh rì. Ngồi cùng bàn với tôi là một cậu con trai. Ngay ngày đầu tiên tôi đến, cậu bạn đã mỉm cười chào và nói: 



- Xem ra bạn sẽ cứu mình khỏi kiếp ngồi một mình. Chào mừng đến trường mới. 



Tôi khẽ mỉm cười chào lại. 



- Bạn tên gì? 



- Mình là Mai Khanh. 



- Tuyệt, tớ và cậu cùng tên. Tớ là Huy Khanh. 



Học ở đây được một khoảng thời gian, tôi nhận ra Huy Khanh được rất nhiều bạn nữ thích. Họ nhìn trộm cậu ở bất cứ đâu. Trong lớp, trên sân bóng, trong căn tin... Họ cũng hay giả vờ nhờ cậu chỉ bài hộ hoặc tặng một món quà nào đó nhân một dịp nào đó. Có lẽ vì Khanh là một cậu bạn điển trai với đôi mắt nâu ấm, đôi môi trẻ con lúc nào cũng mỉm cười. Cậu hay trêu đùa mọi người và cũng rất tốt bụng. 



Tôi cũng thích Khanh. Nhưng không phải vì tất cả những lý do trên. Khanh không giống bất cứ một cậu bạn nào tôi gặp trước đây. Khanh giúp tôi trực nhật, không hề ngại phải cầm chổi. Có lần cậu còn mang giúp tôi cái cặp to đùng đầy sách vở lên cầu thang. Cậu chu đáo và đáng tin cậy. Nhưng tôi không biểu lộ những điều đó ra ngoài, cũng không giả vờ nhờ cậu chỉ bài giùm. Đơn giản tôi để cảm xúc yên lặng trong lòng tôi. Chúng tôi rất hay nói chuyện với nhau. Và một lần chúng tôi phát hiện ra cả hai cùng thích món bánh mì trong căn tin nhồi nhiều trứng cút và chả, nước mắm nên mặn một chút. Tôi thích nhất hình ảnh Khanh ôm cây đàn guitar mượn được trong phòng chơi nhạc của trường và gảy lên những giai điệu tuyệt hay vào mỗi giờ chơi. Cậu chỉ chơi đàn, không hát. Chỉ duy nhất một lần cậu hát Wake me up when September end với giọng trầm ấm. Thỉnh thoảng, cậu chơi đàn, còn tôi hát. Những lúc như thế, tôi có cảm giác chúng tôi là một đôi. 



Hôm sinh nhật tôi mưa rơi. Mưa từ tiết ba và đến tận lúc tan học vẫn không hề có dấu hiệu sẽ tạnh. Tôi đứng ở cuối cầu thang, nhìn ra màn mưa trước mắt đầy lo âu. Khanh đến cạnh tôi tự lúc nào, nói bằng giọng đùa nghịch như mọi hôm. 



- Hình như có một kẻ sợ mưa ướt ở đây này. 



- Cậu cũng thế thôi. 



- Đâu có. Tớ có áo chống mưa mà. 



Khanh lấy trong cặp ra hai cái áo mưa còn mới nguyên, đưa cho tôi một cái. 



- Mới mua trong căn tin đấy. Mặc vào đi. Khanh về cùng không tớ cho đi nhờ xe? Xe đạp thôi đấy nhé. 



- Tớ đi xe buýt được rồi. 



- Mặc nguyên áo mưa à? Ý kiến tệ quá. Quyết định vậy đi, tớ sẽ cho cậu đi nhờ xe và không lấy tiền công. 



Tôi lúng túng mặc áo mưa vào. Chợt Khanh à lên như thể nhớ ra một điều gì đó. Cậu lấy ra từ trong cặp một gói quà. 



- Chúc mừng sinh nhật Mai Khanh. 



Tôi lúng túng lần nữa, nhận gói quà mà ngay cả lời cảm ơn cũng không nói ra được. Những cô bạn khác cũng đang đứng trú mưa ở cuối cầu thang nhìn tôi đầy ghen tị. Tự dưng tôi thấy vui vui. 



Món quà là một cuốn sách có tựa Momo, tác giả là một nhà văn Đức. Nói chung tôi thấy cuốn sách rất dễ thương. 



Có một điều lạ lùng về Khanh mà mãi tận sau này tôi mới biết. Khanh thỉnh thoảng lại xin nghỉ ốm. Có lần chỉ một, hai ngày, có lần lâu hơn. Mới đầu tôi không mấy chú ý nhưng thấy Khanh cứ nghỉ mãi tôi đâm tò mò. Một lần tôi hỏi: 



- Khanh bị ốm gì đấy? 



- Không có gì, chỉ ốm vặt thôi. 



Nhìn gương mặt không tin nổi của tôi, Khanh nhún vai theo kiểu “ôi, tớ thua rồi” và nói thì thầm. 



- Thật ra là tớ vờ ốm thôi. Để hoàn thành nốt chiếc máy bay tớ đang làm dang dở. 



Tôi tròn mắt nhìn Khanh. Biết rằng đó chỉ là một lí do vớ vẩn, một lời nói đùa khác của cậu. Nhưng trong ánh mắt lại lấp lánh một niềm yêu thích khó tả. Có lẽ Khanh thích những chiếc máy bay. 



- Vậy khi nào cậu hoàn thành nó thì cho tớ đi nhờ về nhà nhé. 



Tôi kết thúc vấn đề ở đó vì biết cậu sẽ không nói lý do nghỉ học. Đến lượt Khanh tròn mắt nhìn tôi. Rồi cậu chống cằm, nhìn tôi và nói: 



- Nói chuyện với Khanh thích thật! 



Tôi thấy mặt mình nóng bừng nên vội vàng quay mặt đi chỗ khác. 



Một hôm, Khanh lại nghỉ ốm, nhưng nghỉ hẳn một tuần. Đến tuần sau vẫn không thấy cậu ấy đi học. Tôi lo lắng đến nhà tìm, bác giúp việc bảo tôi đến bệnh viện tìm. 



- Khanh bị gì mà phải vào viện ạ? 



- Bệnh nan y, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Có lẽ lần này... 



Tôi vội vã đến bệnh viện. 



Khanh nằm đó, trên giường bệnh trải drap trắng, gần khung cửa sổ nắng chiếu vào mơ màng. Trong nắng, hình ảnh của Khanh như nhạt dần rồi sẽ biến mất. Tôi cảm thấy một sự sợ hãi mơ hồ ở đâu đó trong người tôi. Tôi nắm chặt tay Khanh. Cậu bạn ra hiệu bảo tôi lại gần. Tưởng cậu định nói gì,tôi cúi gần xuống. Bất ngờ, một nụ hôn lướt nhẹ qua môi tôi. Tôi sững người nhìn Khanh, cậu chỉ mỉm cười dịu dàng. Tự dưng tôi bật khóc như một đứa trẻ con. 




Và từ lần đó tôi không bao giờ còn gặp lại Khanh nữa. Cuộc sống trở về với nhịp điệu thường ngày. Tôi cũng bận rộn với những dự định của cuộc đời mình. Nhưng tôi không bao giờ quên Khanh. Hình ảnh cậu in rất sâu trong tôi và nụ hôn đầu đời vẫn vẹn nguyên sự dịu ngọt của nó. Thỉnh thoảng, mỗi lần đọc lại cuốn Momo, hay nhìn thấy mưa rơi tôi lại như nhìn thấy khung cảnh quen thuộc năm xưa. Bên cửa sổ lớp học trông ra tán phượng xanh rì, cậu bạn ôm đàn và hát Wake me up when September end với giọng rất ấm.



FUYU

VALENTINE TRẮNG



(Tặng Ginny) ( lời đề tặng của tác giả nhé, hok phải của ta nghen)





1. Trong một buổi chiều đẹp đẽ đầu xuân, khi cùng đi shopping, Thục hỏi tôi có còn thích Nguyên không? Và liệu tôi có thể cho cậu ấy một cơ hội nữa không?



Thục là em họ Nguyên, là bạn tôi, nhưng khi ấy tôi chỉ nghĩ cậu ấy đùa. Thứ quanh quẩn tâm trí tôi lúc ấy chỉ là chiếc váy hoa mùa hè in hoa văn là những bông hoa tím li ti.



Vậy nên, tôi mỉm cười, trả lời cho qua chuyện.



- Mình không biết nữa.



Mãi đến khi Nguyên xuất hiện trước cửa lớp học thêm hôm Valentine, tặng tôi một thỏi chocolate đen, tôi mới biết đó là thật. Cậu ấy vẫn hiểu tôi đến vậy. Chẳng hoa hồng, chẳng điều gì to tát, chỉ là một thỏi chocolate trao vội không ai biết vì tôi không thích ồn ào. Điều đó sẽ tránh được những lời bàn tán không đáng có.



Nguyên không nói gì ngoại trừ một câu hỏi.



- Thục nói với cậu rồi chứ?



Tôi nhìn thẳng vào mắt Nguyên, thành thật.



- Mình không biết nữa, Nguyên à.



Câu trả lời của tôi không ăn nhập gì với câu hỏi trước đó của Nguyên. Nhưng đó là câu trả lời mà cả hai chúng tôi đều hiểu.



- Nhưng Dương sẽ suy nghĩ chứ?



Tôi gật đầu.





2. Tôi và Nguyên học chung một lớp. Không những thế, trong mắt mọi người, chúng tôi còn là một cặp bài trùng rất thân thiết. Một đôi bạn đáng ngưỡng mộ. Chúng tôi chia sẻ những khó khăn cho nhau, cụ thể hơn là môn Toán cho tôi và môn Văn cho Nguyên. Ngoài ra, chúng tôi còn chia sẻ cho nhau những cuốn sách hay, những câu chuyện vụn vặt, một ổ bánh mì… Tôi biết Nguyên thích bóng đá và rất hay chơi Fifa online vì lần nào chat với cậu ấy tôi cũng phải chịu cảnh chờ dài cổ để cậu ấy chơi game. Nguyên rất hay gọi tôi là Ginny vì theo cậu ấy, tôi mạnh mẽ và ít khóc rất giống cô bạn tóc đỏ ấy. Thân thiết là vậy nhưng trong mắt mọi người, giữa chúng tôi không có điều gì đặc biệt hơn ngoài tình bạn.



Mọi người không biết rằng chúng tôi đã từng là một đôi khoảng ba năm trước. Vì ngại bạn bè bàn tán và trêu ghẹo nên cả hai đã thỏa thuận với nhau sẽ không tiết lộ chuyện đó cho ai cả. Những buổi đi chơi của hai đứa được quán triệt ngoài khuôn viên nhà trường. Rạp chiếu phim, quán Trà sữa, nhà sách, sở thú… Cảm giác khi ấy giống như ta giấu cho riêng mình một món ăn ngon để từ từ thưởng thức vậy. Nó làm môi ta lúc nào cũng mỉm cười.



Nhưng rồi đột ngột, chúng tôi nói lời chia tay nhau mà Nguyên là nơi khởi đầu. Lý do là gì cũng không rõ. Điều ấy khiến tôi hoang mang một thời gian dài. Rồi tôi học cách tự an ủi mình, đôi khi con người ta đến một ngã rẽ thì phải rẽ thôi chứ chả có lý do gì cả.





3. Nguyên có bạn gái mới. Một cô bạn chung lớp. Nhưng chuyện này thì cả lớp đều biết. Cô bạn ấy mang cả hình ảnh của hai người khi đi chơi cùng nhau lên Facebook cơ mà.



Nhìn bề ngoài, mọi thứ đều ổn. Nhưng tôi cảm nhận rất rõ bên trong mình xuất hiện một khoảng trống rỗng mà cứ mỗi lúc một sâu thêm hay to ra. Nó khiến tôi hụt hẫng, rồi chán nản, rồi giận dữ. Nó tàn phá tôi. Tôi không biết làm thế nào để có thể tự đưa mình ra khỏi cái cảm giác chới với đến mức muốn khóc thét lên đó. Phải cắt bỏ cái gì đó thay cho mối quan hệ tôi đang gìn giữ. Và tôi quyết định đi cắt mái tóc dài của mình. Nó chỉ còn đến ngang vai. Mái tóc giờ ngắn ngủn cứ cọ cọ vào cổ khiến tôi có cảm giác kì lạ cứ như thể mình là một con người khác. “Thế cũng tốt. Một con người khác thì sẽ có một cuộc sống khác. Không có Nguyên nữa”. Tôi đã nhủ thầm với chính mình như vậy sau khi cắt tóc xong, đạp xe ra ngoại ô để ngắm chiều tà dần buông.





4. Thục dùng thìa đảo lên đảo xuống, dầm tới dầm lui mấy viên kem chocolate. Nhỏ đang sốt ruột, hoặc lo lắng, hoặc cả hai. Tôi cứ nhìn chăm chăm vào chuyển động của cái thìa.



- Cậu có còn thích Nguyên không?



- Cậu làm kem tan thành nước hết rồi, Thục ơi.



- Trả lời tớ đi.



Tôi thở dài.



- Mình đã nói với cậu rồi. Mình không biết.



Vẫn tiếp tục dùng thìa trộn đều mấy viên kem lên rồi lại xuống, giờ thì chúng gần như thành nước hết rồi, Thục cũng thở dài.



- Tớ biết là cậu vẫn còn thích anh Nguyên. Nhưng lý do cậu vẫn đang còn phân vân, nói thật đi, có phải vì cậu vẫn còn bị tổn thương vì Nguyên đã rời bỏ cậu trước đó?



Tôi không đáp, chầm chậm liếm thìa kem mát lạnh. Còn biết nói gì nữa. Thục đúng là bạn thân, cái gì của mình cũng đều biết hết.



Với mái tóc ngắn và tư tưởng đã thông suốt, tôi tin chắc rằng mình có thể quên được Nguyên. Tôi đã cố cư xử với cậu ấy như mọi ngày, như một đôi bạn đáng ngưỡng mộ vẫn làm. Và tự nhủ mọi thứ sẽ ổn. Nhưng khi cậu ấy nhìn mái tóc ngắn của tôi, rồi cười hiền nhận xét “Tóc dài trông cậu đã xinh, không ngờ tóc ngắn còn xinh hơn nhỉ?”, tôi biết quên cậu ấy là việc không hề dễ dàng tí nào.



Và khi thời gian cứ trôi đi, tôi càng nhận ra rằng mình vẫn thích Nguyên. Mắt tôi vẫn tìm kiếm cậu ấy trong bất cứ biển người nào. Tai tôi vẫn lắng nghe những gì cậu ấy nói. Và tim tôi vẫn đập nhanh một nhịp mỗi khi đứng cạnh cậu ấy. Tôi đã luôn muốn ở bên cạnh Nguyên đến mức chấp nhận trở về là bạn của cậu ấy. Thậm chí khi biết cậu ấy đã chia tay bạn gái, tôi cảm thấy một điều gì đó đè nặng trong lòng đã biến mất. Nhưng trở lại như cũ lại là chuyện tôi không hề nghĩ đến. Tôi sợ trái tim mình tổn thương lần nữa. Tôi đã luôn hy vọng rằng sẽ có một người nào đó xuất hiện khiến hình bóng Nguyên nhạt nhòa dẫn rồi mất hẳn. Nhưng cuối cùng chẳng có ai cả. “Harry” của tôi có thể đã xuất hiện ở đâu đó và tôi chỉ việc chờ đợi? Hay chính Nguyên là “Harry”?



- Dĩ nhiên là mình cũng giận anh ấy chết đi được. Nếu mình là cậu thì mình đã cầm cái thỏi chocolate ấy đập vào mặt Nguyên cho bõ ghét rồi. Nhưng mà điều anh Nguyên nói là thật đấy. Cậu hãy cứ suy nghĩ xem thế nào.



Tôi gật đầu rất máy móc.





5. Tan học, tôi vật lộn với mấy chiếc xe đạp chồng chéo lên nhau. Nguyên giúp tôi một tay.



- Cám ơn.



- Ừ, có gì đâu. Dương này, cậu có thể đi cùng tớ đến chỗ này không?



Suy nghĩ nhanh khoảng vài giây, tôi đồng ý.



Cả hai đạp xe đến công viên gần trường, nơi đó có hai chiếc xích đu màu xanh mà tôi rất thích. Đây cũng là địa điểm chúng tôi hay đến nhất lúc còn là một đôi. Chúng tôi ngồi trên hai cái xích đu, khá lâu, cho đến khi tôi lên tiếng phá vỡ không khí im lặng.



- Sao không nói gì hết vậy?



- À, – Nguyên có vẻ lúng túng – Tớ đang nghĩ xem nên nói thế nào để chắc cậu không hiểu nhầm ý tớ.



- Thì cậu cứ thử nói đi xem nào.



- Cậu giận tớ không?



Mặc dù câu hỏi này Thục đã hỏi tôi, và tôi đã tự hỏi chính mình nhưng trong tình huống nào thì tôi đều đã đối diện một cách bình thản nhất. Chẳng hiểu sao khi câu hỏi ấy do chính Nguyên nói ra, tôi lại thấy mình yếu đuối đến không tin nổi. Nó làm tôi nhớ đến khoảng trống của mình, sự hụt hẫng của mình. Tôi cố ngăn cho mắt mình ướt, chỉ thấy sống mũi cay xè.



- Đáng nhẽ cậu phải hỏi tớ còn giận cậu không.



- Tớ xin lỗi. – Giọng Nguyên đượm buồn – Đáng lẽ ra tớ phải nói câu này sớm hơn. Lúc trước, do tớ đã còn quá trẻ con nên đã không nhận ra đâu là tình cảm nghiêm túc và đâu là say nắng. Đến khi nhận ra thì có vẻ như mọi thứ đã muộn. Tớ nhận ra không ai hiểu tớ bằng cậu.



Tôi đung đưa nhẹ bàn chân, khiến cho chiếc xích đu cũng chuyển động nhẹ nhàng.



- Cũng không ai hiểu mình bằng cậu.



Nguyên nói gấp.



- Mình vẫn luôn thích cậu. Nhưng mình sợ cậu sẽ không tha lỗi cho mình nên mãi đến giờ mình mới có thể nói ra. Mình chỉ muốn cậu cho mình một cơ hội khác.



Nguyên nhìn tôi. Và cậu ấy chờ đợi. Nhưng tôi đã đứng lên.



- Chiều muộn rồi. Về thôi. Mẹ đang chờ cơm ở nhà.





6. Tôi đã mua cho Nguyên một chiếc mũ lưỡi trai và đặt nó vào hộc bàn của cậu ấy. Hôm ấy là Valentine Trắng – là ngày để cho những tình cảm được tỏ bày hôm Valentine nhận được câu trả lời. Sau cuộc nói chuyện ở hai cái xích đu, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Mọi thứ đối với tôi đều vẫn rất mơ hồ, và tôi chỉ tin vào điều rõ ràng nhất mà tôi có thể thấy. Tôi vẫn thích Nguyên. Bỏ qua những lỗi lầm của sự trẻ con, bỏ qua cả những tổn thương hay lo sợ, tôi chỉ tin vào điều ấy. Vậy thôi. Nếu như Nguyên không phải là người đó? Nếu như Nguyên sẽ lại làm tổn thương tôi?... Tất cả những câu hỏi đó không quan trọng. Vì “nếu như” mãi mãi chỉ là giả định mà thôi. Nếu muốn biết Nguyên có thật sự là “Harry” của tôi hay không thì chỉ có tiến về phía trước mới có câu trả lời.



Và tôi đang tiến về phía trước.



FUYU

Gã nhà quê

1. Thi Đại học xong, tôi đến quán trà sữa của người chị họ phụ giúp việc. Chị tôi hiện đang chuẩn bị đón chào em bé đầu tiên nên giao công việc quản lí lại cho anh Nguyên, em trai chị, là người mà tôi cũng xưng hô là anh họ. Anh Nguyên là một gã đẹp trai, lắm tài lẻ, đầu óc nhiều khi suy nghĩ kì quặc đến lập dị. Tóm lại là một người rất hay ho nhưng khó hiểu. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ yêu kiểu người giống như vậy. Mệt lắm.



Không hứng thú đi chơi xa, ở nhà mãi cũng chán nên tôi mới đi phụ quán. Mục đích là để đỡ nhàm chán chứ cũng chẳng phải vì thiếu tiền tiêu vặt. Cũng là để chứng minh cho mẹ tôi thấy con gái của mẹ không phải là tiểu thư, cũng biết lao động như ai, và lớn rồi. Tôi chọn làm ca tối để buổi sáng còn đi lang thang. Đi nhà sách, đi window-shopping, đi xem phim, đi chơi với bạn bè… Đã nói tôi đi làm thêm không phải là để kiếm tiền tiêu vặt.



Làm việc cùng ca với tôi có vài người. Trong số đó, tôi chú ý nhiều nhất người mới được nhận vào làm. Cậu ta đen nhẻm, cắt mái đầu nhìn rất ngố tàu, mắt hiền khô lúc nào cũng ngơ ngác nhìn xung quanh. Hôm cậu ta đến xin việc, tôi suýt bật cười thành tiếng trước cái bộ dạng của cậu ta, rụt rè nhìn xung quanh, trước ngực ôm cứng cái ba-lô như sợ bị ai đó giật mất.



Khi tôi hỏi tên, cậu ta ấp úng “Tớ…tớ tên Điền. Trần Văn Điền.” Tên gì mà quê một cục, lúc đó tôi đã nghĩ như vậy đấy.



Tối đó, khi mẹ đem cho tôi cốc sữa, tôi hào hứng khoe mẹ.



- Hôm nay quán có một gã nhà quê đến xin việc đó mẹ.



Bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của mẹ, tôi im lặng.





2. Điền làm việc không nhanh nhẹn. Những ngày đầu còn lúng túng, hay làm bể ly tách. Nghe anh Nguyên bảo sẽ trừ lương, cậu ta chỉ ngoan ngoãn gật đầu. Nhưng Điền rất chăm chỉ, và dần dần làm việc có tiến bộ hơn. Cậu ta hiền khô nên tôi rất thích bắt nạt. Mỗi khi lười, tôi luôn nhờ Điền rửa hộ phần ly tách của mình. Thậm chí chuyện lau sàn nhà và lau bàn, cậu ta cũng làm luôn. Và chẳng phàn nàn gì. Có hôm tôi chợt muốn ăn bánh donut, mà muốn mua bánh ấy phải sang đường rồi đi bộ thêm một quãng nữa. Tôi lười đi nên bảo.



- Này, Điền, cậu sang cửa hàng bánh Donut bên kia đường mua hộ tớ cái bánh donut phủ chocolate nhé.



Điền đứng tần ngần một lúc.



- Bánh gì cơ?



- Donut ấy. – Tôi chợt dừng việc rửa cái cốc to đựng trà sữa xoài như phát hiện ra điều gì đó – Cậu không biết bánh đó á?



Điền khẽ lắc đầu. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ rằng ai cũng biết bánh donut là bánh như thế nào. Cậu ta mân mê cán chổi, cứ đứng yên, mắt nhìn xuống chân mình. Tôi bảo.



- À, thôi, tớ không muốn ăn nữa. – Ngập ngừng vài giây tôi nói thêm – Cám ơn cậu nhé.



Và cảm thấy có cái gì đó rất khó chịu đè trên lồng ngực. Cái cảm giác như thế tôi vừa khiến một người phải thừa nhận mình quê mùa, kém cỏi so với người khác. Cảm giác ấy chẳng dễ chịu gì.





3. Làm việc được nửa tháng, tôi mới sực nhớ là mình chưa biết Điền đến từ đâu. Vốn là đứa nhanh mồm nhanh miệng, mà mẹ hay mắng là nhanh nhẩu đoảng, tôi sực nhớ ra điều ấy trong lúc rửa tách nên hỏi ngay.



- Nhà đằng ấy ở đâu?



- Tớ ở tận dưới quê cơ. – Rồi cậu ta nói một mạch – Thi đại học xong thì tớ ở lại đây kiếm vịêc làm thêm để nhận giấy báo thì cũng dư dả chút đỉnh cho cuộc sống học hành. Lúc tớ đi thi, mẹ phải bán con lợn rồi. Tớ định xin làm ở đây cả ngày, sau khi giao báo buổi sáng về, không biết anh Nguyên có chịu không?



- Ừm, cậu hỏi thử anh ấy xem sao. Nhưng làm việc thế cậu không mệt à?



- Ừm – Điền im lặng không nói gì nữa.



Tôi im lặng. Tay thì lau kĩ mấy cái cốc mà suy nghĩ tận đâu. Lúc mà cậu ta đang giao báo, hẳn là trời sớm tinh mơ. Lúc ấy hẳn là tôi còn đang ngủ.



Cuối giờ làm, trong lúc đứng chờ anh Nguyên chở về, tôi thấy Điền dắt cái xe đạp của cậu ấy ra. Cái xe đạp cũ kĩ, màu sơn bạc thếch và yên xe đã rạn nứt lớp da bọc ngoài. Khi chiếc xe lăn bánh, những tiếng cọc cạch rền rĩ mệt mỏi vang lên. Cái dáng cậu ấy như bị bóng đêm nuốt chửng.





4. Mẹ nhìn tôi từ đầu đến chân cứ như thể tôi không phải là con gái mẹ vậy. Mà có gì đâu cơ chứ. Chỉ là tôi dậy sớm hơn thường ngày và làm món trứng ốp-la cho mọi người dùng điểm tâm thôi mà.



Mẹ tôi mỉm cười.



- Xem ra việc đi làm thêm cũng làm con lớn lên được một chút ấy nhỉ?



Bố tôi khi ngồi vào bàn cùng tờ báo buổi sáng, cũng ngạc nhiên một chút, và cười. Thằng út chẳng nói năng gì đã ăn ngay sau khi mời cả nhà rõ to. Nó nhăn mặt.



- Chị hai, món trứng chị hai còn vỏ nè.



Tôi liếc nó. Mẹ thì cười rõ to. 





5. Tranh thủ quán vắng khách, tôi chạy tót ra ngoài. Một lát sau cầm về hai ổ bánh mì kẹp chả lụa. Tôi đưa cậu ta một cái.



- Nè, ăn đi. Tớ định ăn cả hai nhưng chợt nhớ ra là phải hạn chế ăn, không khéo mập ú lên thì… Ăn hộ tớ.



Lần khác, tôi mua về hai cái bánh paparoti.



- Anh Nguyên bảo tớ đi mua mà cuối cùng lại không ăn. Bực mình thật đấy. Đi từ đây sang bên kia đường cũng mệt chớ bộ. Ăn hộ tớ.



Anh Nguyên ở đâu thò cái đầu ra.



- Anh có nhờ em mua bánh hồi nào đâu?



- Đấy. Đến nhờ em đi mua mà cũng quên.



Tôi lấp liếm rồi nhanh chóng lẩn vào trong. Cuối ngày, khi thả tôi trước cửa nhà và tôi tháo mũ bảo hiểm trả, anh Nguyên cười.



- Em gái anh falling in love rồi ấy nhỉ?



- Không có đâu ạ.



Tôi đáp tỉnh bơ và rõ ràng. Rồi nhanh chóng vào nhà. Đúng là vậy mà. 



Đến ngày nhận lương, tôi nói nhỏ với anh Nguyên.



- Anh nè, tiền lương tháng này của em á…



- Sẽ bị trừ đó nhóc. Em đã làm bể mấy cái ly, biết không hả?



Tôi nhăn mặt.



- Đồ độc tài. Nhưng mà em không nói chuyện đó. Anh nè, tiền lương của em anh có thể lấy bớt cho vào tiền lương của Điền không?



Anh Nguyên nhìn tôi, ánh mắt nửa ngạc nhiên, nửa thích thú ma quái. Tôi ghét ánh mắt đó. Lúc nào nó cũng khiến tôi có cảm giác như thế mình bị bắt gặp làm một việc gì đó vụng trộm.



Tôi nói phủ đầu.



- Em không có falling in love cậu ta đâu nhé.



- Xem ra tiểu thư cũng biết sẻ chia với hoàn cảnh của người khác nhỉ?



Chẳng hiểu sao nghe anh Nguyên nói thế mặt tôi đỏ ửng lên.



- Nhưng mà nếu cậu ta hỏi sao tiền lương cậu ta không bị trừ mà còn có thêm anh phải nói sao đây? Cậu ta cũng làm bể ly tách, nhưng ít hơn em đấy. Có thể cậu ta sẽ tưởng anh để nhầm tiền lương và trả lại thì sao? Đôi khi lòng tốt có thể làm người khác khó xử, nhóc ạ.



Tôi không đề cập đến chuyện đó nữa. Đến khi sắp hết ngày, nghĩa là sắp phát lương, tôi lại hỏi anh Nguyên.



- Thế không có cách nào khác sao hả anh?



Anh Nguyên cười, xoa nhẹ đầu tôi. Thế nghĩa là làm sao?



Tan giờ làm. Như mọi hôm, tôi đứng chờ anh Nguyên trước cửa. Điền mọi hôm leo lên xe đạp về trước, nhưng mà hôm nay còn tần ngần ở lại. Khi anh Nguyên đã khoá xong cửa, Điền mới nói.



- Anh Nguyên, sao tiền lương của em không bị trừ mà còn có thêm ạ?



Tôi trợn tròn mắt nhìn anh. Anh Nguyên chỉ nhún vai.



- Số ly tách mà cậu đã làm bể tôi đã trừ rồi. Còn tôi thưởng thêm là vì cậu đã làm việc chăm chỉ và cẩn thận. Cậu còn làm hộ việc của tiểu thư đây nên tôi trừ lương nó đưa cho cậu. Cộng lại dư ra một ít, vậy thôi.



Điền bối rối nhìn tôi. Tôi liền phẩy tay bảo không sao đâu. Cậu nở một nụ cười nhẹ.



- Dạ, em cám ơn.



- Cố gắng nhé.



Khi dáng cậu ta đã xa rồi, anh Nguyên mới nói với tôi.



- Em không thể giúp cậu ta cả đời được, và anh cũng vậy thôi. Chúng ta chỉ có thể sẻ chia một phần gì đó bé nhỏ. Cậu ta phải tự nỗ lực cố gắng, như bây giờ vậy.





6. Tôi đậu. Còn Điền rớt. Cậu ấy không đến làm ở quán nữa. Anh Nguyên đưa tôi một cái túi giấy, bảo Điền gửi lại cho tôi. Tôi mở ra xem. Bên trong là một cái hộp nhựa đựng một cái bánh donut phủ chocolate. Tôi tần ngần nhìn cái bánh rồi cầm lên ăn, tuyệt nhiên không nói gì lẫn biểu lộ cảm xúc nào. Anh Nguyên xoa đầu tôi thật khẽ.



- Không sao đâu nhóc.



- Chán anh, em có khóc đâu.



Tôi hất tay anh ra. Rồi nước mắt cứ thế rơi. Cứ như chính cái xoa đầu ấy làm tôi bật khóc. Tôi vừa khóc vừa ăn cái bánh donut, không dừng được, như một đứa trẻ.



- Cậu ấy để lại cái bánh như một lời tạm biệt cho em đó. Và cả lời chúc thành công.



Anh Nguyên nói, và mỉm cười. 



Đêm ấy, trời trong và những vì sao sáng nhấp nháy rõ ràng khi tôi tắt hết đèn trong phòng đi. Ngồi bó gối trên sân thượng, lắng nghe âm thanh của lá xào xạc, và mùi hương ngọc lan dịu ngọt đâu đó, tôi thấy lòng mình tĩnh lặng. Có cảm giác vừa lớn lên. 



“Này, hẹn gặp cậu ở Đại học năm sau.” Tôi thì thầm, với gió, hay với ai đó. Chẳng hiểu sao ở tận sâu trong tim, tôi vẫn tin rằng cậu bạn chăm chỉ hiền lành đó sẽ không dễ dàng từ bỏ ước mơ của mình. Dẫu rằng ước mơ của cậu ấy phải đi trên một con đường gập ghềnh.





FUYU.

Phía bên kia con đường 



~~0o0~~



Khi nắng tắt

 

Hôm nay tôi đã lặng lẽ đi theo Nghi cả ngày. Đến lớp, nhìn cậu ấy nhăn nhó vì bài kiểm tra một tiết môn Hoá, môn mà cậu ấy ghét nhất. Đến thư viện, cậu ấy chăm chú luyện tiếng Anh hơn một tiếng đồng hồ. Đến lớp học thêm Hoá, nhìn cậu ấy hì hụi vẽ một hình chibi bên cạnh một phương trình phản ứng. Lại lười học đây mà. Tan lớp, Nghi lên xe bus về nhà, gật gù buồn ngủ với iPod. Cậu ấy xuống trạm gần nhà, mua một cốc trà sữa vị đào và đi về phía biển. Nghi chọn một chiếc ghế đá, thong thả uống cốc trà sữa và ngắm hoàng hôn. Mặt trời lúc này như một quả cà chua chin từ từ rơi xuống mặt biển, để lại một vùng cam đỏ loang trên nền mây xám ngắt. Được một lát, Nghi đứng dậy, băng qua ngã tư trở về nhà. Tôi không đi theo nữa, vẫn đứng yên ở đó, quay lưng về phía biển, nhìn theo cái ba lô của Nghi lủng lẳng móc khoá hình con ếch tròn vo, y hệt cái ví tiền của Naruto.

Chẳng hiểu vì sao, Nghi quay đầu lại, nhìn biển thêm lần nữa.

Và cũng không hiểu tại sao, dường như cậu ấy nhìn thấy tôi. Mắt cậu ấy mở to, ngạc nhiên và bang hoàng. Cậu ấy gọi tên tôi, lao vội qua đường.

Tôi đã muốn thét lên “Đừng!”, nhưng không hiểu sao cổ họng cứ cứng lại, không thể thổi thành lời.

Máu loang trên mặt đường. Nghi đã không nhìn thấy đèn giao thông đã chuyển sang màu xanh.

Ký ức

 

Chúng tôi học cùng nhau bốn năm cấp hai. Nhưng hai đứa thật sự gần nhau, bắt đầu từ nghĩa đen, là năm lớp tám khi cô giáo chủ nhiệm sắp xếp lại chỗ ngồi. Suốt cả năm đó, chúng tôi không nói gì nhiều với nhau ngoài những lúc cần mượn thứ gì đó. Không hiểu sao, tôi có cảm giác rằng, Nghi không ưa mình. Ý nghĩ đó khiến tôi cảm thấy không thoải mái mỗi khi muốn nói chuyện với Nghi.

Một hôm, tình cờ tôi mang cuốn Naruto mới nhất đến lớp vì không muốn chờ đến khi về nhà mới được đọc. Tôi đọc vào giờ giải lao. Trong khi hầu như tất cả mọi người đều đã ra ngoài sân chơi, chỉ có Nghi vẫn ở lại, nắm áp má xuống mặt bàn. Cậu ấy nhìn tôi, thì thầm.

- Naruto tập mới nhất?

Tôi gật đầu.

- Tớ vẫn chưa xem. 

- Tí nữa tớ cho cậu mượn về xem.

Không hiểu sao lúc đó, một cậu nhóc chưa bao giờ biết đến khái niệm chia sẻ như tôi lại sẵn sang cho một người bạn mượn cuốn truyện mình vẫn chưa đọc xong.

Nghi mỉm cười cám ơn tôi. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi có dịp nhìn kĩ gương mặt cô bạn cùng bàn mà không sợ bị người ta phát hiện. Tôi nhận thấy trên trán cậu ấy lấm tấm mồ hôi.

- Cậu không khoẻ hả?

- Tớ bị đau bụng.

Vậy là tôi vội vàng thưa với cô giáo để cô cho Nghi về nhà. Sau hôm đó, chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau và thân nhau hơn.Nghi thú nhận rằng lúc đầu cậu ấy nghĩ tôi không ưa cậu ấy lắm. Và ý nghĩ đó khiến cậu ấy không thoải mái khi muốn bắt chuyện với tôi.

- Tớ đâu có thấy cậu khó ưa. Tớ thấy khi cậu cười, trông cậu hay hay!

Nghi nghe thế thì cười.

- Tớ cũng không thấy cậu khó ưa. Tớ thỉnh thoảng ngửi thấy tóc cậu có mùi thơm, ừm, mùi đó “hay hay”.

Tôi ngẩn người. Đó là lần đầu tiên có người khen tóc tôi có mùi thơm. Hôm đó tôi về đến nhà là vội xem ngay mẹ đã mua loại dầu gội gì. Tôi cũng thầm cảm ơn những lúc mẹ “gào thét”, kêu tôi đừng có mải chơi mà… quên tắm.

Làm bạn với Nghi là một điều rất thú vị. Cậu ấy có nhiều điểm chung với tôi, những điều mà tôi chưa từng tìm thấy ở một người bạn nào khác. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt khiến chúng tôi đụng nhau chan chát, gây ra một số cuộc cãi vã. Nhưng chúng cũng nhanh chóng qua đi, và khiến chúng tôi hiểu nhau hơn. Tôi hay đến nhà Nghi chơi, để học nhóm và nghe cậu ấy tập đàn violon. Nghi chơi đàn không được giỏi lắm nên cây đàn phát ra những âm sắc hơi khó nghe.

Lên cấp ba, chúng tôi không học chung lớp nữa, nhưng lớp hai đứa cạnh nhau nên mọi chuyện vẫn không khác xưa là mấy. Giờ giải lao nào tôi cũng mang cho cậu ấy một hộp sữa chua. Và chúng tôi đứng ở hành lang, nói về đủ thứ chuyện trên đời. Tôi vẫn đén nhà cậu ấy, chỉ là ít hơn trước, để học nhóm và nghe cậu ấy chơi đàn violon. Âm thanh đã khá hơn.

Tôi và Nghi có cách nói chuyện rất kì lạ, bạn bèn nhận xét như vậy. Tôi chỉ nhận thấy điều ấy vào cái hôm cả hai ngồi chờ xe bus trong sắc chiều nhợt nhạt, nắng mỏng manh giòn tan. Chẳng hiểu điều gì đã xui khiến tôi nói ra điều đó. Có thể là vì gương mặt nhìn nghiêng của Nghi lúc đó. Có thể là mái tóc Nghi trong nắng chiều có màu vàng đồng thau rất đẹp. Tôi đã nói:

- Tớ nghĩ là tớ thích cậu.

Nghi quay đầu sang bên nhìn tôi. Cậu ấy im lặng một chút rồi cũng đáp.

- Tớ cũng nghĩ là tớ thích cậu.

Chúng tôi đã nói bằng một vẻ tự nhiên không thể tin được, cứ như thể chuyện chúng tôi vừa nói là thời tiết hôm nay thật mát mẻ.

Sau đó, tôi mới thấy bối rối và quay đi chỗ khác. Nghi cũng vậy. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nắm tay nhau. Thậm chí đến bây giờ, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm và sự dịu dàng của bàn tay Nghi.

Vào sinh nhật mười bảy tuổi của Nghi, chúng tôi đi uống trà sữa và đạp xe dọc đường Trần Phú ngắm biển.

- Sinh nhật cậu năm sau tớ sẽ dẫn cậu đi Vinpearl.

- Cậu có tiền à?

- Đến lúc đó sẽ có.

Nghi để hai bàn tay vào túi áo khoát của tôi, ghì nhẹ, giống như đang ôm tôi vậy. Tim tôi đập thịch một cái, và len vào một cảm xúc rất lạ lùng.

Tôi kuôn tự hỏi mình một câu hỏi. Tại sao hôm ấy trời lại mưa to đến vậy? Tại sao hôm ấy tôi lại phóng xe nhanh đến vậy? Tại sao người ta say rượu mà vẫn điều khiển xe trên đường? Tại sao tai nạn đó lại xảy ra với tôi? Tại sao tôi phải dừng lại ở tuổi mười bảy này?

Tôi thấy mẹ khóc nhiều. Nghi cũng khóc. Ba tháng trôi qua, không còn ai khóc nữa, tuy nỗi buồn vẫn ở đâu đó. Nhưng tất cả mọi người đều đã cố gắng tiến về phía trước.

Một lời tạm biệt

Tôi đi thăm Nghi ở bệnh viện. Cậu ấy không sao và đang ngủ ngon lành, tuy gương mặt vẫn còn tái nhợt.

Tôi đã nghĩ về những câu hỏi mình tự đặt ra. Không có câu trả lời nào thoả đáng. Nhưng ngay lúc này, tôi chợt nhận ra một điều. Đó là nhìn lại tuổi thiếu niên của mình, tôi cảm thấy nó thật đẹp và không cảm thấy hối tiếc. Một phần điều đó là nhờ Nghi. Từ cái hôm cậu ấy khen tóc tôi có mùi “hay hay”, và chia sẻ những điều nhỏ bé, cuộc sống của tôi êm đềm trôi qua không biến động, không cô đơn, được chia sẻ, được thấu hiểu.

Tôi thì thầm, nhưng tôi chắc rằng Nghi sẽ nghe thấy.

Nghi à, mình thật long không muốn phải nói lời tạm biệt với cậu. Mình muốn cùng cậu đi học, đi Vinpearl vào sinh nhật mười tám tuổi. Nhưng mình không thể. Còn cậu thì có thể. Vì vậy, điều mà mình sắp nói ra có thể cậu sẽ thấy giống trong một bộ phim chúng mình rất thích, mình muốn cậu hãy làm nhiều điều thật hay ho để cuộc sống của cậu trở nên thật thú vị. Rồi một ngày nào đó thật xa ngày này, cậu sẽ kể lại cho mình. Mình cũng xin lỗi, vì đã không ngăn cậu băng qua đường. Lúc đó mình đã muốn cậu đi cùng mình. Nhưng mình nhận ra mình đã sai. Vì điều mà mình tha thiết nguyện cầu, là cậu luôn vui vẻ.

Tuổi mười bảy của mình sẽ luôn ở cạnh cậu, mình hứa đấy.

Giấc mơ của Nghi

Trong giấc mơ của tôi, có một người đã ra đi và không bao giờ trở lại. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cậu ấy. Cậu ấy sẽ luôn vẹn nguyên trong ký ức cửa tôi, bên cạnh tôi-mười-bảy-tuổi. Đó sẽ là ký ức lấp lánh của tuổi thiếu thời, nhắc tôi nhớ rằng có một ngườoi đã giúp tôi không đơn độc, được chia sẻ, được thấu hiểu.

Tôi sẽ tiến về phía trước.

Tôi và câu ấy sẽ luôn bên nhau cùng tuổi mười bảy của mình.

FUYU

Trái tim hạnh nhân 

Phần 1



San rất thích những cơn mưa nhỏ. Phải là mưa, nhưng dịu dàng, với những hạt nhỏ và mảnh, khi rơi xuống - vỡ ra chỉ vừa đủ tạo một màn âm thanh râm ran nhẹ nhẹ, tựa như một bài đồng dao vui vui.

Trưa thư Hai, vừa ra khỏi cổng trường thì trời mưa - đúng kiểu mưa San thích. Ngồi chờ xe bus, San khoan khoái quan sát mọi thứ xung quanh. Những hạt nước rơi vỡ trên mặt đường, trên mặt những chiếc lá, trên khóm hoa màu tím của ngôi nhà đối diện, trên những chiếc ô của người trên phố... Mùi mưa lướt nhẹ nhàng qua mũi San, mang một cảm giác lành lạnh và dịu mát. Trong và ngay sau cơn mưa, dường như mọi thứ đều sáng lên hoặc xanh mướt, tràn đầy sức sống. Một chú ếch vừa từ đâu đó nhảy qua trước mặt San.

Chếch về bên trái ngôi nhà có khóm hoa màu tím, San vừa thoáng nhìn thấy một chú mèo con. Nó ướt sũng, đang kêu những tiếng yếu ớt nhưng thảm thiết, mon men sát miệng cống. Trước khi San kịp đứng dậy, một cậu trai đã nhanh tay hơn. Từ đâu đó San không để ý, cậu ấy chạy đến bế thốc chú mèo bằng một tay, băng ngang đường và cuối cùng là ngồi cạnh San trên băng ghế. Chú mèo con ướt nhẹp, bộ lông bết hết cả lại. Chú rùng mình, lắc mạnh, và không còn ướt nữa. Nhưng hậu quả thì "ân nhân" lãnh đủ. San thấy buồn cười nhưng nó kìm lại được, rút chiếc khăn tay đưa cho cậu bạn.

- Nó khô rồi. - cậu ta bế con mèo lên, nhìn nó, (San thề là có vẻ như giận dỡi.

- Không. Ý tôi là cậu lau mặt đi ấy.

Cậu ta ngần ngại một chút rồi cũng cầm lấy. Không đỡ ướt được bao nhiêu.

Xe bus đến. Thật trùng hợp là chỉ còn hai ghế trống, cạnh nhau. Suốt quãng đường, hai đứa chẳng nói câu nào. (Mà có gì để nói nào???) Gần đến trạm phải xuống, San đứng lên. Cậu bạn đưa trả San cái khăn.

- Cậu thích nuôi mèo không?

- Cũng không hẳn là ghét.

- Vậy cậu nuôi nó được không? Tôi ghét mèo.

San hơi bất ngờ.

- À, được.

Câu chuyện đã bắt đầu vào một trưa thứ Hai có mưa như thế đấy.



Phần 2



San nuôi chú mèo, đặt tên cho nó là Mimo. Nó ăn nhiều và rất lười, thường thích nằm dài hong nắng ở bệ cửa sổ. Mỗi lần nhìn Mimo, San lại không tin được rằng cậu con trai ghét mèo, nhưng lại cứu nó, cứu nó nhưng lại không nuôi nó.

Một cách tình cờ, San phát hiện ra rằng cậu bạn ấy cũng đi học bằng xe bus, nhưng chỉ vào những ngày mưa. Có lẽ, cậu ấy đi bằng xe đạp đến trường, những ngày khác. Kể cũng phải, mặc áo mưa đạp xe đến trường thì thật kinh khủng. Bạn sẽ ướt, dù không ướt hết, nhưng như vậy cũng đủ khó chịu rồi.

San ngồi ở băng ghế gần cuối xe. Cậu ấy lại lên ở đầu xe và ngồi ở đó. Vì vậy cùng với IPod, San có thể thong thả nhìn cậu ấy từ đằng sau. Dáng người dong dỏng cao, thường vô thức đưa tay lên gãi tai, và cũng nghe IPod.

Một ngày, khi thấy cậu ấy lên xe, San đã vẫy tay chào. Mới sớm, ghế trống còn nhiều, nhưng cậu ấy vẫn ngồi cạnh San dù hơi ngần ngại.

- Con mèo khoẻ không?

San hơi mỉm cười. Ý nghĩ cậu ta còn nhớ mình khiến nó cảm thấy vui vui.

- Nó khoẻ. Ăn nhiều. Và rất lười.

- Hóa ra cứu nó phí công quá nhỉ?

San thẫn người ra mấy giây, rồi hỏi nhỏ:

- Cậu đang đùa, đúng không?

- Uh, tôi đùa đấy - Cậu bạn cười, khoe hàm răng trắng tinh.




Phần 3



San gặp Kiên - tên cậu bạn ấy - không thường xuyên. Vì trời không hay mưa. Thậm chí là đang mùa mưa nhưng cũng thi thoảng mới thấy mưa rơi. Luôn lên sau nhưng Kiên lại luôn luôn xuống trước vì trường cậu ấy gần hơn trường San. Dù ít ỏi, nhưng san thích những lần nói chuyện với cậu ấy. Không nói quá nhiều, hài hước ngầm và đôi lúc hơi kì dị.

Có hôm cậu ấy đưa một tai nghe IPod cho San.

- Ah, phải Minute của Mozart không? Cậu thích Mozart?

- Uh. Bài sau thì vặn nhỏ đi chút nhé, kẻo xóc óc đấy. Của Metallica.

San thật sự kinh ngạc.

- Rock?

- Uh.

Cái cách mà Kiên "uh" tự nhiên và đơn giản như chuyện một quả trứng cộng thêm một quả trứng nữa thành 2 quả. San lại thấy buồn cười, và lần này nó không cố kìm lại mà quay mặt đi khúc khích. Đoan dạo đầu của bài sau đúng là... xóc óc thật. San không nghe được chất nhạc đó nên vội lấy tai nghe ra.

- Khi nào quay lại nhạc của Mozart thì nhớ nhắc tôi đeo vào.

- Tiếp theo là Chopin.

Đôi lúc, San cũng muốn thử đến trường bằng xe đạp vào những ngày không mưa. Nhưng khổ nổi, San lại không biết đi xe đạp. Hồi nhỏ có lần San háo hức leo lên xe đạp của chị và bị ngã, trầy cả tay chân. Từ đó nhất quyết không leo lên xe đạp nữa. Bây giờ, San thấy tiếc, giá hồi đó chịu khó tập có phải hay hơn nhiều rồi không?

Mà cảm giác vui sướng mỗi khi tỉnh giấc, nhận ra sáng nay trời mưa cũng rất thú vị. Và San muốn giữ cảm giác đó.

San không nhận ra rằng nó đã trở thành người chờ đợi những cơn mưa.




Phần 4



Tâm ôm con Mimo, mặc dù có vẻ con mèo không thích và dường như chỉ muốn vùng chạy ra ngoài.

- Mày nên nói cho tên đó biết những gì mày cảm nhận. Nếu không mày sẽ hối hận. Lúc đó thì đừng có mà khóc lóc ỉ ôi với tao, nghe chưa? Mày đã đọc truyện cổ tích Andersen chưa? Truyện về trái tim hạnh nhân đắng của anh chàng bánh vì một tình yêu câm lặng? Biết câu nói nổi tiếng Nhất kì nhất hội của Nishika...

- Tao đi lấy bánh cho mày ăn nhé!

San nói thế rồi chuồn ngay trước khi Tâm nói thêm nữa, mà chắc chắn là còn dài, với câu kết: "Mày đúng là ngốc không thuốc nào chữa nổi!" mà San (và Tâm) đã thuộc nằm lòng.

Nhưng những điều Tâm nói cũng làm San suy nghĩ, và can đảm hơn lên. Nó không sợ ý tưởng trái tim mình sẽ như chàng bánh câm lặng kia, vì bản thân nó, thích vị vừa đắng vừa ngọt của hạnh nhân. Nhưng cuối cùng, nó cũng ngôi viết một bức thư, rất lâu vì phải chọn lựa những từ ngữ hợp lí. Và San cất vào ba lô, định vào ngày mưa tiếp theo, nó sẽ đưa cho Kiên trước khi cậu ấy xuống xe.

Thế mà hơn một tuần liền, trời không mưa. Tâm bảo hay là để nó đèo đi học, biết đâu lại gặp, nhưng San lại từ chối. Không hiểu sao nhưng San quyết định chờ đợi. Đến ngày thứ tám, Tâm quăng cho nó một con rối đơn giản với cái đầu tròn treo ngược.

- Rối cầu mưa đó. Tao nghe người ta nói treo cái này ở cửa sổ thì trời sẽ mưa đó. Thử đi. Chán mày.

Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, San cẩn thận treo con rối cầu mưa ở cửa sổ. Và thật là khó tin, khi tỉnh dậy, San gần như hét lên vì trời đang mưa. Kiên đi hoc bằng xe bus, ngồi cạnh San và cả hai vẫn nói những câu chuyện không có điểm đầu hay điểm cuối. Đến khi nhận ra gần đến trạm mà Kiên phải xuống, San thu hết can đảm hỏi:

- Cậu đã có bạn gái chưa?

Ngập ngừng, rồi Kiên gãi tai, trả lời:

- À, chưa. Nhưng tớ có thích một cô bạn.

San ghì chặt cái ba lô có đựng lá thư, nhìn theo dáng Kiên xuống xe. Có lẽ nó đã chờ quá lâu để nói nên mọi chuyện muộn mất rồi.

Khi đến trường, vừa nhìn thấy Tâm, San đã bảo:

- Mày dạy tao đi xe đạp đi.

- Sao vậy?

- Tao không thích đi học bằng xe bus nữa chứ sao.

Tâm nhìn nó, đôi mắt thấu hiểu. Con bạn chỉ nói được "Mày đúng là..." rồi thở dài.





Phần 5:



Ba ngày tiếp theo, trời vẫn mưa. Nhưng Tâm sang đèo nó đi học. Trốn trong áo mưa, San nghe rõ những âm thanh rơi vỡ trên áo. Có lẽ Kiên vẫn đi học bằng xe bus. Nhưng San tự nhủ rằng mình sẽ không chờ đợi những cơn mưa nữa.

Trời nắng. Tâm đèo San được 2 ngày tiếp rồi lăn đùng ra ốm. San thì vẫn chưa thể tự đi bằng xe đạp. Vậy là lại leo lên xe bus. Tự nhủ, hôm này là trời nắng nên sẽ không gặp Kiên. Chính vì vậy, San đã ngạc nhiên biết bao khi nhìn thấy Kiên lên xe.

- Sao tớ không thấy San mấy hôm nay vậy?

- À... Tớ... đang tập đi xe đạp rồi. Hôm nay xe đạp của cậu bị hỏng hả?

- Không. Tớ tìm San mà.

San tròn mắt.

Rồi Kiên đưa cho san một tấm card trước khi xuống trạm. Tấm card vẽ một cô gái đang cầm ô, ghi rằng "Chủ Nhật tới tụi mình đi xem phim nhé! Mong là hôm đó trời sẽ nắng. Đi chơi mà trời mưa thì kém vui mất ^^". Khoan đã, nói vậy, không lẽ người mà Kiên nói đến lần trước... là San sao?

San áp cả hai bàn tay vào má để ngăn nó không nóng bừng lên. Và San nghĩ đến hình ảnh Tâm biết chuyện này dù đang ốm, nó cũng sẽ bật dậy và hét lên "Mày đúng là ngốc không thuốc nào chữa nổi!".


FUYU   

Chocolate muộn

Quán Ong Mật cuối tuần khá đông khách. Nhung trốn vào một góc, chỗ treo mấy giỏ phong lan đang ra hoa tím, để nhâm nhi trà sữa cũng không phải là quá teẹ. Yên tĩnh vừa đủ, ồn ào vừa đủ, thức uống ngon và đồ ăn kèm cũng tuyệt. Thêm nũa lại được với cô bạn thân từ thuở chân ướt chân ráo đi học cấp hai để tám đủ thứ chuyện trên đời thì sự riêng tư cháy xém một chút cũng là tạm chấp nhận được.

Nguyệt là cô bạn gái thân con chấy cắn đôi với loan khi hai đúa chân ướt chân ráo vào cấp hai. Cấp ba hai đứa học khác lớp nhưng ngoài việc gặp nhau trên trường vài phút hiếm hoi, cuối tuần nào hai đứa cũng ra Ong Mật ngồi để tâm sự chuyện của những cô bạn gái mà không lo bị nghe trộm.

Nguyệt mang ra hai cốc trà sữa. Cô bạn nhận tiền thừa toàn xu là xu thì tỏ vẽ buồn bã.

Loan ngẩng lên. Mắt nó sáng lấp lánh:

-  Đổi cho tớ đi. Có xu nào cậu cứ đưa cho tớ nhé.

-Chi vậy?

Loan hút một hơi trà sữa, mỉm cười.

-Tớ đang nuôi heo.

***

Chú heo bằng sứ, nho nhỏ, màu tráng hồng đáng yêu ấy là món quà sinh nhật mười bảy tuổi mà Tú đã tặng cho nó. Loan đặt tên nó là Ụt Ịt. Hôm ấy là một ngày bình thường, như mọi ngày. Loan đến lớp đã thấy Tú đến trước. Cậu ấy ngồi trên Loan một bàn, nhưng lúc nào cũng thích ngồi lên bàn nó để tám chuyện vối những người khác. Hôm nào Loan cũng vờ khó chịu về chuyện đó, và dúng sức đẩy cậu ấy xuống. Nhưng sáng nào chuyện đó vẫn lặp lại. hôm ấy cũng thế, Loan đứng trước cửa đã thấy Tú ngồi ngay bàn mình rồi.

-Tú, lên bàn cậu mà ngồi đi chứ.

Thay vì trả lồi, hoặc leo xuống, cậu ấy chỉ đột nhiên à lên như thể việc nhìn thấy Loan làm cậu ấy nhớ  ra điều gì đó. Tú lục trong ba-lô rồi đưa ra gói quà, cười toe.

-Chúc mừng sinh nhật.

Khoảnh khắc ấy làm cho nó cảm giác là tim mình ngừng đập đến nơi rồi. Nhưng cậu ấy nhanh chóng quay lên để tiếp tục bàn chuyên nên nó cũng không kịp nói lời cảm ơn. Mấy cậu bạn khác ồ lên, hỏi han trêu chọc mà Tú vẫn cứ cười như không có gì. Loan thì thấy mặt mình nóng bừng lên. Để che  giấu điều đó, nó lấy hết sức đẩy mạnh một cái làm Tú chới với.

-Đừng tưởng tặng quà sinh nhật cho tớ thì được phép ngồi lên bàn tớ

-Mười bảy tuổi rồi, dìu dàng tí đi chứ.

-Kệ

Loan lè lưỡi trêu.

Chả hiểu sao thích người ta mà nó hôm nào cũng cứ phải gây ra một cách bạo lực như thế thì mới chịu.

Từ hôm đó, ngày nào Loan cũng bỏ vào chú heo một đồng xu. Và lắc lắc nó thử xem nó đã đầy đến đâu rồi. Cô bạn nhỏ hi vọng mỗi đồng xu tượng trưng cho một chút dũng cảm. Đến khi chú heo đầy ụ, lắc lắc không còn nghe thấy âm thanh gì nữa thì khi đó, nó cũng sẽ có đủ dũng khí để nói với Tú là nó thích cậu ấy. Từ lâu rồi, tận cấp hai cơ, chính xác là lớp tám.

Loan gọi tú là Adonis, khi nó và cậu ấy còn chưa biết nhau. Khi đó Tú chưa biết là Tú, cậu bạn chung lớp, chơi bóng đá thì hay mà hát thì dỡ. Khi đó Tú chỉ là một anh chàng học khác lớp, cười lên chỉ thấy dễ thương, không cườ thì thấy hiền khô. Loan bắt gặp nụ cười đó hôm lớp nó đụng phải đá banh lớp của Adonis. Lớp nó thua, nhưng mà Loan cứ nhìn suốt tên tiền đạo đội đối thủ không hề mang cảm giác “ căm thù”. Rồi được một phen hết hồn khi lên cấp ba học chung lớp với cậu ta, lại còn ngồi ngay trước mặt.

ÙÙÙ

Trường tổ chức thi đấu bóng đá nam toàn trường. Lớp nó vốn mạnh về phong trào nên tất nhiên là có đăng kí thi đấu. Loan ở trong đội cổ vũ, lo trà đá cho mọi người sau mỗi bổi tập, và gào thết đến khàn cả giọng hôm thi đấu. Lớp nó tiến vù vù đến trận chung kết, gặp mấy anh khóa trên chơi một trận nghẹt thở rồi đoạt luôn giải nhất. Thế là cô chủ nhiệm vui mừng quyết định khao mọi người một bữa liên hoan. Tối cuối tuần, cả lớp ghé nhà cô ăn bún bò vối chè đậu, ca hát tưng bừng. Tan tiệc, mấy đứa gần nhà rủ nhau đi bộ về. Tú bị bong gân từ gần hết hiệp hai, bây giờ vẫn chưa hết nên không đi nhanh được. Được một lúc thì cậu ấy tụt lại phía sau. Loan cũng cố tình bước chậm lại để đi cùng với cậu ấy. Đám bạn vẫn ồn ào phía trước đang hồi tưởng lại trận đấ banh hôm nọ cứ như thể vừa được chứng kiến trận chung kết World Cup

Loan nhìn Tú đi khập khiễng, thấy hơi xót.

-Chân còn đau không?

-Hơi hơi. Nhưng mà cũng đáng. Thấy hôm nọ tớ oách không? Ghi tận ba bàn?

-Chẳng thấy gì cả.

Cậu ấy huých nhẹ vào vai Loan tỏ ý giận dỗi. Loan huých lại vào vai cậu ấy. Cứ vậy cho đến khi chỗ rẽ để ai về nhà ấy, chẳng đứa nào nói được câu gì cho ra hồn.

Valentine sắp đến. Thấy ai ai cũng như phát sốt lên vì ngày này thì Loan cũng quyết định cũng không đứng ngoài không khí đó. Loan hì hụi cả tuần để làm chocolate cùng với Nguyệt. Nhỏ cũng muốn làm chocolate cho cậu bạn gà bông mới quen. Còn nó, dĩ nhiên tặng cho “ Adonis” bàn trên rồi. Hai đứa đọc sách, nghiên cứu, mua nguyên liệu, làm thử, cho bố mẹ ăn thử rồi mới yên tâm với sản phẩm làm ra. Biết Tú không thích đồ ngọt nên nó làm bánh quy chocolate chip. Đến khi đã gói cẩn thận mấy chiếc bánh vào bọc giấy kính rồi thì nó lại sợ chỉ tặng cho riêng Tú thì chẳng khác nào là khai hết ra. Vậy là nó làm thêm nhiều phần nữa để tặng cho những người khác. Bố, cậu bạn thân cùng lớp, thầy giáo. Như một kiểu nghi binh. Nguyệt khen nó thông minh.

Valentine cuối cùng cũng đến. Loan đem tặng hết những người mình đã lên danh sách, trừ người quan trọng nhất. Không hiểu sao cứ lại gần Tú một chút, hoặc khi nó nhủ thầm nhất định phải đưa là Loan cảm thấy mình không thể làm được việc đó. Cứ chần chừ cho đến lúc tan học. Tú ở lại lớp gần như là người cuối cùng, cứ chần chừ làm gì đó. Loan là người thứ hai, cũng chần chừ làm gì đó. Nhưng hai đứa không nói gì với nhau hết. Rồi tạm biệt nhau ra về.

Nguyệt sang nhà mượn cuốn mâng mới của Adachi. Vẫn nằm trên giường, Loan mệt mỏi chỉ vào ba-lô, phát hiện thấy trong đó còn một gói chocolate.

-Chocolate của ai đây?

-Của Tú.

-Adonis? Sao mi không đưa cho cậu ấy?

-Không. Không đưa nữa. Lúc cuối cùng tớ quyết định như vậy.

-Sao vậy? Nguyệt có vẻ sốt ruột

-Vì chẳng có ý nghĩa gì cả. Chocolate này đâu có phải là giri * đâu. Nếu đưa cậu ấy kiểu như thế thì có nghĩa gì nữa. Tớ không muốn tình cảm của mình được hiểu theo một ý nghĩa khác. Nhưng đưa như honmei thì tớ không dám.

Loan nói mà gần như mếu làm Nguyệt cũng chẳng còn bụng dạ nào mà lên lớp. Nhỏ khẻ thở dài, vỗ nhẹ lên vai an ủi.

Loan để gói bánh quy chocolate đó trên bàn. Cũng chẳng biết để làm gì nữa. Đến một ngày đi học về nó thấy mất gói bánh. Em trai và bố nó đã ăn mất tiêu rồi. Nó thấy buồn đến mức muốn phát khóc lên.

Bố thấy nó rầu rĩ thì cười xòa, hối lỗi, cho Loan tiền để làm lại mẻ bánh khác. Nhưng Valentine đã trôi qua rồi. Mà nếu ngày đó chưa đến, thì Loan cũng không biết mình có đủ can đảm mà đưa không. Những đồng xu vẫn bỏ vào đều đặn mỗi ngày. Tối nào cũng cầm lấy lắc lắcmà sao hoài nó vẫn chưa đầy.

Sáng Loan đến lớp, thấy Tú ngồi trên bàn nó. Nhưng không như mọi ngày, chưa kịp để loan nói gì cậu ta đã nhảy xuống. Suốt cả ngày hôm đó, Tú không nói chuyện với nó. Cậu ấy cứ lơ lơ. Thậm chí có nói gì cậu ấy cũng không nhìn Loan luôn.Không nhịn được, lúc năm phút đổi tiết, Loan dùng bút chọc chọc vào lưng cậu ấy bốn năm lần mới thấy cậu quay xuống.

-Cậu giận mình cái gì à?

-Không.

Tú nói thế rồi ngoảnh mặt đi. Rõ ràng là có giận cái gì đó.

-Rõ ràng là có mà.

Tú im lặng một chút. Rõ là đang suy nghĩ dữ dội lắm. Rồi cậu ấy quyết định nói ra.

-Tớ không phải là bạn của cậu à?

-P…phải- Tự dưng Loan thấy hơi sợ trước cơn giận của cậu ấy.

-Thế tại sao thằng Hoàng, thằng Tùng, cả thầy Quang nữa đều có chocolate. Còn tớ thì không?

Loan mở to mắt nhìn Tú, vì ngạc nhiên. Nó không biết là cậu ấy để ý đến việc nó đem tặng chocolate cho những người khác.

Tú quay lên, và suốt hôm đó chẳng nhìn nó lấy một lần.

ÙÙÙ

Loan cầm ụt ịt lên, ngắm nghía nó, và nghĩ đến vẻ giận dỗi của Tú ngày hôm nay. Nếu cậu ấy không nói chuyện với nó nữa thì sao? Nếu cậu ấy mãi mãi không muốn nói chuyện với nó nữa? Loan chảng thích cái viễn cảnh đó chút nào.

Loan nhận ra rằng nó đã chờ đợi khoảnh khắc hoàn hảo nhất để bày tỏ tình cảm của chính mình. Nhưng như thế nào mới được gọi là hoàn hảo? Ngay cả Valentine, dường như là khoảnh khắc hoàn hảo đó thì Loan cũng đã làm hỏng, cũng để nó trôi qua. Và rồi Loan nhận ra khoảnh khắc đó không hề tồn tại. Chỉ có tình cảm của nó tồn tại.

Loan đỏ hết ví ra, tìm hết trong ngăn kéo, nhét hết tất cả các đồng xu vào chú heo sứ. Vẫn còn thiếu một chút để đầy. Nhưng có quan trọng gì nữa đâu. Lần đầu tiên, nó không dựa vào chú heo sứ màu hồng để biết mình sẵn sàng

Tối hôm đó Loan ở dưới bếp làm lại một mẻ chocolate chip khác, và gói nó thật cẩn thận. Hôm sau nó đưa tận tay Tú

Cậu ấy cầm gói bánh, hơi ngỡ ngàng. Nhưng khi đọc xong tấm thiệp được đặt kèm trong đó, mặt cậu ấy đỏ lên. “ Chocolate này nhìn thì nhìn giống nhưng lại không như so với giống với chocolate của Hoàng hay Tùng. Nó đặc biệt. Cũng giống như những bạn nam khác trong lớp thì cậu là đặc biệt nhất vậy”. Loan nhìn thấy cậu ấy bối rối, quay mặt đi, mỉm cười.

-Qua Valentine trắng rồi. Nhưng chủ nhật này cậu có muốn đi chơi không?

Loan gật đầu

ÙÙÙ

Có một cô bé luôn nhìn một cậu bạn lớp bên, và nghĩ đến cậu ta mỗi ngày một chút như những đồng xu nhỏ thả vào chú heo sứ. Nhưng cô bé không biết rằng cậu bạn ấy cũng thi thoảng nghĩ đến một cô bạn lớp bên luôn cười thật tươi, hơi hậu đậu một chút. Và cũng như cô bé, cậu bé hết hồn khi nhận ra người mình hay nhìn lén lại ngồi sau lưng mình ngay ngày đầu năm học mới.

Nhưng câu chuyện của họ bây giờ mới thật sự bắt đầu

FUYU

*Giri chocolate : Chocolate cho bạn bè, anh hai, bố…, kiểu như một loại chocolate mang tính lễ nghĩa thay cho lời cảm ơn

Hommei là chocolate dành cho người mà bạn thích theo một nghĩa đặc biệt.

Thẻ:truyện ngắn của Fuyu

Hẹn hò mùa thu- FUYU

        Hết hè. Mấy cây phượng rũ mình xanh tươi trở lại thì trường học cũng tái sinh. Và tất cả những đứa còn ở tuổi đi học, dù muốn dù không, dù thích dù ghét thì cũng phải vác xác đến trường. Lúc còn nghỉ hè thì nằm nhà luôn miệng than sao mà chán quá, sao mà nhớ lũ bạn nhí nhố, nhớ ai đó quá. Nhưng đến khi đi học lại rồi thì lại ngao ngán muốn hè kéo dài nửa năm nữa để ăn chơi cho đã.

        Thiệt là kì quái hết chỗ nói. Dù đã là bạn bè suốt hai năm trời nhưng sau ba tháng hè xa cách gặp lại, tự dưng đứa nào cũng có vẻ ngượng ngùng như lần đầu gặp. Nhìn đứa nào cũng có cái gì đó mới mới, ngồ ngộ, vừa lạ vừa quen. Ngay cả đứa nói nhiều nhất cũng tự dưng cấm khẩu. Ai cũng nhìn nhau cười bẽn lẽn (?). Chỉ đến khi Dũng Tạp Hóa (vì nhà chàng ta, hay nói đúng hơn là mẹ chàng ta buôn bán tạp hóa) lôi ra mấy hộp bánh kẹo cây nhà lá vườn thì bộ mặt cũ kĩ thân quen của tập thể 12A9 mới hiện hình. Chẳng còn bẽn lẽn gì hết, chúng nó chen lấn, xô đẩy và giành giật nhau như thể bị bỏ đói cả thập kỉ. Tôi tự cho mình cái vinh dự ở ngoài cuộc tranh đua đó.

        Theo thói quen ngủ nướng suốt mấy tháng trời nghỉ hè, sáng nay phải cố gắng lắm tôi mới mở mắt ra nổi, nhưng lại không kịp ăn sáng. Đến trường đúng giờ đã là may. Mẹ tôi đúng là người hay lo xa, mà lại luôn đúng. Mẹ như đoán trước tôi sẽ cuống cuồng thức dậy rồi chạy như bay xuống cầu thang, miệng oai oái vì sắp trễ giờ nên đã chuẩn bị sẵn một túi thức ăn. Tôi chỉ việc cầm nó và lên trường thôi. Chỉ còn năm phút nữa là vào tiết, tôi mở túi thức ăn lôi ra một hộp xôi và bắt đầu ăn trước ánh mắt sao-mày-dám-ăn-một-mình của con bạn cùng bàn. Mặc kệ, nó chẳng phải vừa ăn xong một cái bánh Chocopie đấy còn gì. Nghĩ vậy nhưng cũng cảm thấy tội lỗi tí. Mẹ còn bỏ vào túi thức ăn một quả lê. Tôi lôi ra, quẳng sang cho Phương.

-         Nè, gọt vỏ đi rồi hai đứa mình cùng ăn.

-         Chà chà, coi bộ bà muốn làm King Kong? – một giọng nói châm chọc ngân nga vang lên.

        Tôi liếc một cái sắc lẻm xuống bàn dưới. Tuấn đang đọc dở cuốn truyện Naruto. Thấy ánh mắt thù địch của tôi, hắn chỉ nhăn răng ra cười. Đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

        Lớp trưởng gào lên “Cả lớp. Chào thầy”. Tức khắc những đứa còn lại nhảy dựng lên như bị ong châm và gào lên câu chào quen thuộc. Thầy vào lớp, nhìn quanh rồi tủm tỉm cười.

-         Ái chà, mấy anh mấy chị qua một mùa hè mà trông lớn hẳn ra. Năm nay là năm quan trọng đó, liệu mà học hành cho nghiêm túc. Thi tốt nghiệp rồi thi Đại học, xem vậy mà bận rộn lắm, thời gian lại như chớp mắt, không có thời gian để chơi bời đâu nha.

        Mới đầu năm đã nghe thầy nhắc nhở chuyện thi cử, đứa nào cũng ngán ngẩm. Những tiếng rì rầm chán nản lan khắp lớp. Thầy lại cười tủm tỉm, như hiểu hết bụng dạ của bọn học trò còn con nít, ham ăn chơi mà khoái đòi học làm người lớn. Thầy lôi ra từ cái cặp da của mình một hộp ô mai to.

-         Lớp trưởng mang xuống chia cho các bạn. Ăn để lấy hên năm học mới.

        Lũ học trò gào lên sung sướng. Thấy đồ ăn là mắt mũi sáng bừng lên. Dường như việc ăn hết mấy hộp bánh Dũng Tạp Hóa mang lên vẫn không đủ cho dạ dày của tất cả. Hình như dạ dày học trò lúc nào cũng đói. Đâu đó vang lên tiếng xì xầm “Mỗi đứa một viên thôi, không ai được ăn gian hai viên đâu nhé lớp trưởng ơi”. Lại có tiếng chép miệng “Tao nghi lớp trưởng là đứa ăn hai viên đó”. Lớp trưởng lạnh nhạt đáp “Ai nói câu đó miễn ăn ô mai”.

        Tôi vẫn chưa ăn xong bữa sáng mà nhét nó vào lại ngăn bàn, vui vẻ nhận một viên ô mai tròn xinh. Còn gói xôi cứ được xử từ từ, cứ năm phút đổi tiết lại bị lôi ra nhét vào. Đến hết buổi học thì nó hết nhẵn.

* * *

        Năm phút đổi tiết, cả lớp ồn ào như cái chợ. Tôi lại lôi gói xôi ra nhấm nháp từng chút một. Mấy hôm nay đồng hồ sinh học vẫn chưa tự điều chỉnh lại nên tình trạng xém muộn học vẫn cứ tiếp diễn. Phương nhìn tôi ăn rồi lắc đầu, bảo “Mày ăn cứ như mèo, hay là để tao ăn hộ cho nó nhanh”. Tuấn lục lọi trên bàn rồi cả hộc bàn, dáo dác nhìn xung quanh.

-         Cuốn vở Sinh học tui mới để đây đâu mất rồi?

        Tiết tới là tiết Sinh học của cô Xuân xinh đẹp sẽ lấy chồng vào tháng sau. Không có tiếng đáp trả lại câu hỏi của Tuấn. Cậu ta tìm lại một lần nữa rồi vỗ nhẹ vào vai tôi.

-         Bà Hân, bà giấu phải không? Trả đây. Bé ngoan mới được cho quà Noel. Bé hư chỉ nhận được than đá thôi.

-         Cái gì? Bằng chứng đâu nói tui lấy? Mặt già như trái cà còn tin chuyện ông già Noel.

-         Tui chưa học bài nha. Bà trả cho tui để tranh thủ liếc sơ qua, tí nữa có bị kêu lên còn đối đáp được.

-         Hôm qua làm gì mà không học bài? Lại ôm game chứ gì. Cho đáng đời cái ngữ chơi bời.

-         Tui làm gì là chuyện của tui. Trả cho tui nhanh đi.

-         Vậy ông trả lời câu hỏi này coi, ai là người xinh xắn và tốt bụng nhất lớp?

        Tuấn khựng lại một lúc như đang cố gắng tiêu hóa câu hỏi.

-         Bà muốn nói đến bà hả?

-         Không được đáp lại một câu hỏi bằng một câu hỏi.

-         Người xinh xắn và tốt bụng nhất lớp này dĩ nhiên là người ngồi trên tui, là bà, tên Hân.

-         Vậy ai là người xấu xí và hẹp hòi nhất?

-         Tui – Mặt Tuấn nhăn lại như khỉ ăn ớt.

        Tôi nhịn không nổi phá ra cười. Lũ bạn nãy giờ theo dõi cuộc đấu khẩu cũng lăn ra cười như một bầy khỉ đang mở tiệc.

-         Bây giờ trả vở cho tui được chưa?

        Tôi đưa tay chùi nước mắt, nhe răng thành thật.

-         Nói thiệt là tui không có giữ. Tui mà nói láo là sáng mai mẹ tui quên không chuẩn bị bữa sáng cho tui liền. Hỏi mấy đứa khác đi nhá.

        Tuấn trừng mắt nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Cậu ta nhìn quanh lớp nhưng dường như không ai có ý định ra đầu thú. Phương dài giọng.

-         Tui không biết đứa nào lấy vở của ông nhưng nói thiệt nha, có biết tui cũng không có nói cho ông đâu. Mắt ông có vấn đề lắm mới khen con Hân là xinh xắn và tốt bụng nhất cái lớp này. Thế còn tui thì sao? Ông bỏ qua một mỹ nhân như tui là làm sao? Tui không bao giờ thỏa hiệp với dân dối trá.

        Cả lớp lại phá ra cười. Cuộc tranh cãi chưa chấm dứt thì cô giáo xinh đẹp đã bước vào. May mắn là Tuấn hôm đó không bị kêu lên bảng trả bài. Còn cuốn vở đến cuối tiết mới được trả lại cho chủ nhân mà vẫn không biết ai đã lấy. Cậu ta cằn nhằn.

-         Quỷ tha ma bắt đứa nào lấy cuốn vở của tui. Bài hôm nay còn chưa chép làm sao đây trời?

        Khi lẩm bẩm như thế, Tuấn nhìn tôi. Thấy cậu ta cũng tội nghiệp nên tôi đưa vở của mình cho Tuấn.

-         Nè, về chép lại bài đi. Mai nhớ mang trả tui nha.

* * *

        Tôi nhìn lại trong hộc bàn một lần nữa, không thấy hộp xôi đâu. Năm phút trước, khi rời khỏi lớp đi lấy sổ đầu bài, nó vẫn còn nằm đó. Bây giờ nó đã biến mất rồi. Linh tính mách bảo, tôi quay ngoắt xuống bàn dưới.

-         Hộp xôi của tui đâu?

-         Xôi gì? Xôi gà hay xôi gấc? Tự nhiên hỏi vô duyên à nha.

-         Không phải ông lấy thì ai lấy.

-         Cái đó…ai mà biết.

        Tuấn kéo dài giọng ra nghe tức ứa gan. Nhưng chẳng có bằng chứng gì nên tôi đành bấm bụng quay lên bảng. Suốt ba tiết đầu, bụng đánh trống lô tô khó chịu kinh khủng. Thỉnh thoảng tôi nhìn xuống Tuấn với vẻ oán giận. Hình như cậu ta trông mặt tôi sầu thảm quá nên cũng cảm thấy tội lỗi chút đỉnh, cố nở một nụ cười cầu hòa. Chuông reng báo giờ chơi. Tôi định ngoắc nhỏ Phương đi xuống căn tin kiếm cái gì ăn thì Tuấn đã kéo tay tôi lôi đi.

-         Tui nói thiệt với bà là hồi nãy tui giấu hộp xôi của bà. Nhưng đói bụng lỡ ăn hết luôn rồi. Bây giờ tui sẽ bù lại cho bà nha.

-         Cái gì? Ăn hết chỉ trong năm phút tui đi lấy sổ đầu bài á hả? Ông là người hay là quái vật vậy?

        Căn tin ồn ào đông đúc như mọi khi nhưng may mắn vẫn còn bàn trống. Tuấn ngao ngán nhìn tôi ăn hết một dĩa nui xào, một hũ sữa chua, và đang đánh chén tiếp món bánh flan.

-         Bà mới là quái vật thì có. Một con Kinh Kong ăn không biết no.

        Tôi đá thật mạnh vào chân Tuấn. Cậu ta xuýt xoa đau rồi lôi ra cuốn vở Sinh học đưa cho tôi. Có cái gì đó rơi ra từ cuốn vở. Là một tấm vé đi xem phim.

-         Quà cảm ơn bà đã cho tui mượn vở đó.

        Chớp chớp mắt, tôi nhìn lại tấm vé như thể xem đây có phải là một trò lừa bịp không. Là thật. Tự nhiên thấy mặt mình nóng lên. Nhưng đâu có phải là cái gì đặc biệt đâu. Kì cục quá đi mất, tôi nhủ thầm với chính mình, bình tĩnh nào. Tuấn vẫn bình thản như thường.

-         Vậy bà có đi hay không đây?

-         Có… có chứ.

-         Chỉ là đi xem phim thôi, không phải hẹn hò đâu.

-         Tui có nói đó là hẹn hò đâu mà đính chính.

-         Thì… tui nói vậy thôi.

        Trong một thoáng chốc, tôi nghĩ hình như mặt của Tuấn hơi ửng đỏ lên. Cậu ta chộp lấy chai nước ngọt hút một cái hết luôn nửa chai.

* * *

        Tối muộn, Tuấn ngồi cặm cụi giải mấy bài tập Toán. Chuông điện thoại reng. Chẳng thèm chào hỏi gì, bên kia đã ào ào như thác đổ.

-         Đồng ý hay là từ chối?

-         Sáng nay sợ bọn trong lớp nhòm ngó nên kéo xuống căn tin. Xém chút tim ngừng đập vì sợ bị trả lại vé. Nhưng câu trả lời là đồng ý mày ơi.

-         Tuyệt. Cố gắng lên bạn hiền. Nếu may mắn thì Noel này có đôi có cặp đi chơi, lại có người đan khăn quàng cho mà lòe bọn còn độc thân. Mai tao sẽ truyền thụ mày vài bí quyết cho buổi hẹn hò đầu tiên. Đừng quên khao tao một chầu như đã hứa đó nha.

-         Yên tâm. À, cảm ơn mày luôn vì đã giấu cuốn vở Sinh của tao.

        Tuấn cúp máy. Cậu không thể ngăn mình tự nở một nụ cười rất… ma mãnh.

        Mùa thu đã đến rồi. Kết thúc một mùa hè nóng bức, có chút năng động, thậm chí là một chút biếng lười dĩ nhiên là một mùa thu thật ngọt ngào và dễ thương. Tuyệt vời nhất là khi nó bắt đầu bằng một buổi hẹn hò.

 LỜI TỎ TÌNH TRÊN MÁ

1.Khi đang đi trên đường từ căng-tin trở về lớp, băng ngang một hành lang luôn nhộp nhịp, tôi bị Đỗ Quyên tóm dính, cung ổ bánh mì đang ăn dở. Đó không phải là một hình ảnh phong độ gì cho lắm khi bạn đang cố gây ấn tượng với một cô nàng. May mắn thay, đỗ Quyên không phải là người tôi muốn gây ấn tượng. Tôi muốn trốn cô nàng thì đúng hơn. Lần nào gặp cô nàng, tôi cũng toàn bị dính vào những chuyện phiền phức.

Đỗ Quyên là Uỷ viên Ban chấp hành Đoàntrường, phụ trách nhữg gì liên quan đến “nghệ thuật”. Nghĩa là cô nàng đảm nhiệm đài phát thanh trường, mở nhạc ra rả mỗi giờ giải lao. Cả những chương trình văn nghệ của trường cũng do cô nàng góp tay thực hiện. Tôi không thuộc nhóm những anh chàng có giọng xuất sắc hay nhảy giỏi. Tôi cũng không biết chơi thứ nhạc cụ nào cả. Tôi là một gã bình thường. Nhưng lần đầu tiên tôi gặp Đỗ Quyên, cũng là lần tôi làm cô nàng té cầu thang gãy tay, tôi bị tóm đóng vai chính cho vở kịch của trường thay vì chép bài hộ. Đỗ Quyên đã hách dịch nói thế này: “Chữ cậu xấu, tôi đã nhìn vở rồi. Vì vậy tôi không cần cậu chép bài hộ. tôi đang thiếu người vào vai nam chính vì bạn đóng vai ấy mới mổ ruột thừa xong. Ngoại hình cậu hợp vai, và tôi hiện giờ chưa tìm được ai cho nên cậu sẽ thay thế”. Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy khiếp cái khoảng khắc mình phỉa đứng trên sân khấu và đọc câu thoại: “Cứ gọi anh là tình yêu của em, thế là anh được đổi tên rồi! Anh chẳng còn muốn mình là Romeo nữa.”

Vì vậy, khi bị Đỗ Quyên chặn lại trên hành lang, tôi đã hỏi ngay, dáng vẻ phòng thủ.

-Gì đấy?

-Cậu đóng vai chính trong vở kịch mới của tôi nhé! Sẽ diễn trước toàn trường đấy. Cho buổi họp mặt học trò cũ về thăm trường nhân kỷ niệm ba mươi năm.

-Không. Không. Và không. – Tôi dứt khoát – Tớ ngán cái màn kịch cọt đó lắm rồi. Chỉ một lần phài lải nhải sến súa: “Cứ gọi anh là tình yêu của em, thế là anh được đổi tên rồi! Anh chẳng còn muốn mình là Romeo nữa” là đủ lắm rồi. Lần này thì không. Và cậu cũng nên nhận thức được tình hình là tớ không làm cậu gãy tay, hay gãy chân.

-“ Anh chẳng còn muốn mình là Romeo nữa”. Cậu thuộc bài đấy chứ. – Đỗ Quyên gật gù, không có vẻ gì là nghe tôi nói.

-Tớ không đóng kịch đâu. Nói rõ ràng rồi đấy.

Đỗ Quyên lôi trong bìa kẹp hồ sơ của mình một xấp giấy A4, trên đó đã được in một mặt chữ. Cô nàng đưa nó cho tôi.

-Kịch bản đây. Về đọc. Nghiên cứu. Chủ nhật tuần này sẽ tập lần đầu, tại hội trường. Tớ xin được chìa khoá rồi và được phép sử dụng nó.

-Cậu thật sự không nghe người khác nói gì đấy à? – Tôi cáu.

-Cậu thật sự sẽ từ chối dù người đóng vai nữ chính là Khánh Hà?

Tôi sững người. Vành tai đỏ ửng lên. Và cơn giận tự nhiên xì hơi.

-Cậu vừa nói “Khánh Hà”?

-Vai nữ chính đấy. Và nói cho cậu biết, tớ đã xin được thầy Thiêm, bí thư Đoàn trường, có màn “kiss” trong cảnh cuối.

Lần này đến lượt mặt tôi đỏ ửng lên.

-Đừng có mà đùa. Làm gì có chuyện thầy cô nào cho phép học trò “kiss” chứ,dù chỉ là diễn kịch. Nắm tay thôi là có chuyện lớn rồi.

Không nói lời nào, Đỗ Quyên chỉ cười, kiểu cười mà tôi ghét nhất. Ra vẻ bí mật, ngạo mạn, khinh khỉnh. Kiểu cười khiến “nạn nhân” không biết thực hư như thế nào mà lần. Nụ cười khiến người ta có cảm giác mình tự nguyện chui vô cái bẫy đã giăng rất rõ ràng.

Chuông reng. Giờ giải lao kết thúc. Đỗ Quyên vỗ nhẹ vào vai tôi trước khi bỏ về lớp học của mình.

-Tám giờ, chủ nhật tuần này nhé. Đừng đến muộn.

Và tôi cũng vội vã trở về lớp của mình, lầm bầm mấy câu bực bội vì ổ bánh mì ăn mãi vẫn chưa xong. Mà không biết có phải vì nguyên do đó không.

2.Chủ Nhật tuần đó, và cả những buổi chiều những ngày sau đó tôi đều phải có mặt ở hội trường để luyện tập. Hình ảnh thường thấy ở đó là một cơ số học sinh ngồi bệt dưới sàn, hoặc vất vưởng trên ghế, chăm chăm vào tập kịch bản hoặc ngồi xem các bạn khác đang tập đến phần của mình. Một số đứa tranh thủ ăn, tranh thủ nhờ đứa kia xem hộ bài tập. Một số tập cho xong phần mình rồi vội vã đi cho kịp giờ học thêm. Những người ở lại tập tiếp, đến khi mệt thì giải tán.

Mặc dù không mấy hứng thú với việc mình đang làm, nhưng tôi vẫn hết sức chú tâm, cố gắng hết sức và chăm chỉ. Tôi không muốn hình ảnh cùa mình trong mắt Khánh Hà trở nên xấu xí. Cô bạn đã rất cố gắng cho vở kịch. Và cả những người khác nữa. Tôi không thể phá hỏng công sức của cả một tập thể. Với lai, được cùng diễn tập với Khánh Hà, tôi không dại gì tự mình phá hỏng cơ hội. Chỉ cần được cùng bàn luận về lời thoại, được nhìn thấy vẻ chú tâm của cô bạn, và thi thoảng làm cô bạn bật cười là trái tim tôi đã đập trật một nhịp, và len lỏi những cảm xúc kỳ lạ.Những lần tập đến đoạn nhân vật của tôi tỏ tình với nhân vật của Khánh Hà, tôi lúng túng y hệt như mình đang tỏ tình thật. Và khi nhân vật của Khánh Hà nắm nhẹ bàn tay tôi, đặtlên má tôi một nụ hôn phớt nhẹ, tôi cảm thấy mình khó mà giữ được trái tim ở vị trí cũ.  Không khéo nó nhảy ra ngoài mất. Mặt mày đỏ tưng bừng.Dù tôi đã cố gắng hết sức tỏ ra tự nhiên, nhưng Đỗ Quyên vẫn nhận ra hết tất cả những cảm xúc đó. Tôi có thể nhìn thấy cô nàng đang mỉm cười trêu chọc mình.Khi Khánh Hà hôn vào má tôi, Đỗ Quyên mấp máy môi từ mà tôi có thể đọc được là “Kiss đó”. Tôi mấp máy đáp lại “Đồ lừa đảo”. Cô bạn bật cười to.

Một hôm, tôi hỏi.

-Tại sao cậu lại bắt tớ tham gia vào vở kịch này? Còn nhiều người khác cơ mà.

-Vì cậu thích Khánh Hà. Thế nên những biểu hiện cẩu cậu hoàn toàn phù hợp với nhân vật tôi đã viết.

Tôi sững sốt.

-Cậu lợi dụng tình cảm của người khác để tư lợi hả?

Đáp lại câu hỏi là một cái nhún vai.

Đỗ Quyên không tham gia vào vai nào của vở kịch. Cô bạn là người xem các bạn diễn tập, nhận xét, thu nhậný kiến đóng góp của mọi người vào kịch bản. Cô bạn cũng chọn “sound-track” cho vở kịch. Tôi méo mặt vì phải học thuộc một bài hát tiếng anhvà còn phải học vũ đạo. Sau một hồi chê bai trình độ hát hò của tôi, cô bạn mới thản nhiên bảo chi tiết đó thừa, không cần phải dùng đến.Sao cô nàng thích trêu tức tôi thế nhỉ?

Đỗ Quyên có thể không phải là người đến chổ tập sớm nhất, vì cũng có lịch học như ai, nhưng luôn là người về sau cùng. Có những hôm đang đứng chê bai diễn xuất của tôi, bụng réo lên. Đỗ Quyên vội vàng chữa ngượng bằng cách cười, le lưỡi, rồi im bặt. Vài hôm như thế, tôi tội nghip65 mua cho nàng một ổ bánh mình.

-Không có trứng cút à? Không thích cái này.

-Mua cho ăn mà còn ý kiến hả?

-Mua cho người khác ăn thì phải mua cho đàng hoàng chứ.

Đỗ Quyên thản nhiên cắn bánh mì, nhai ngon lành. Chỉ có tôi là tức điên.

3.Tóm tắt một chút về vở kịch, mang tên là “Ngày hôm qua trở lại”. Câu chuyện kể về một nhóm bạn học, mà trong đó tôi và Khánh Hà là hai nhân vật chính. Thời trung học, chúng tôi cùng thích nhau nhưng không ai nói ra. Cuối cùng nhân vật của tôi đã can đảm bày tỏ và chúng tôi trở thành một cặp đôi d8áng yêu. Những buồn vui, lo lắng, thành công, thất bại của tuổi trôi qua bình yên bên bạn bè, thầy cô. Rồi thời gian trôi đi, mỗi người mỗi hướng, tôi và Khánh Hà chia tay nhau. Cho đến rất lâu sau, ba mươi năm, chúng tôi gặp lại nhau trong Ngày Kỉ niệm ba mươi năm về thăm trường. Đứa nào cũng đã lập gia đình, gặp nhau mỉm cười nhắc lại chuyện xưa. Thầy cô đã nhiều tuổi, có người chẳng còn cơ hội để gặp lại. Bạn bè người còn gặp lại, người bặt tin nhau chẳng biết ở đâu, người giàu sang, người còn vất vả. Nhưng ngày gặp lại, mỗi người dường như điều trở lại thành những cô cậu học trò bé bỏng.

Mặc dù ai cũng bật cười khi xem tạo hình của mỗi người khi được hoá trang cho già đi, đặc biệt là Hùng với cái bụng phệ của nó. Nhưng vẫn có một nỗi buồn dịu dàng lắng đọng lại. Đôi mắt đen láy của Khánh Hà long lanh ướt khi tất cả chúng tôi cùng tập đoạn cuối, khi tất cả cùng nắm tay nhau hát “Thời gian trôi qua mau, xin hãy ngừng trôi”. Tôi đứng cạnh nên thấy rất rõ. Trái tim tôi cũng cảm thấy bồi hồi. Tưởng chừng như tôi thấy xác phượng rơi đỏ ngập sàn tập.

Đó là buổi tập cuối cùng. Chúng tôi tổ chức ăn uống với trái cây và nước ngọt chúc nhau ngày mai đều suôn se. Mọi người cùng dọn dẹp rồi lại vội vã đi cho kịp lịch học thêm. Cuối cùng chỉ còn lãi tôi và Đỗ Quyên là ở lại dọn dẹp cuối cùng. Tôi thu nhặt rác, còn Đỗ Quyên lau sãch sàn nhà. Tôi tahnh2 thật.

-Vở kịch hay lắm!

Đỗ Quyên mỉm cười, vẫn cái kiểu cậu ấy hay cười, khinh khỉnh, kiêu kì hoặc nghịch ngợm.

-Cảm ơn nhưng phải xem ngày mai ra sao đã.

-Cậu thật sự thích việc này nhỉ?

-Tôi muốn trở thành một đạo diễn phim và tự viết kịch bản cho bộ him mà tôi sẽ đạo diễn. Rồi mọi người sẽ biết đến tên tôi. – Ngừng ột chút, Đỗ Quyên tiếp – Có lẽ cậu sẽ cảm thấy mục tiêu của tôi là quá cao. Nhưng không thử thì không biết được, đúng không?

Đỗ Quyên chăm chú vào công việc lau dọn của mình, không nói nữa. Câu hoi lúc nãy giống như cô bạn đang tự nhắc nhở chính mình thì đúng hơn là đang hỏi tôi. Phải thú thật là tôi khá ấn tượng.

-Mọi người sẽ biết đến tên của cậu à? Tên của cậu nghĩa là gì?

-Nó là tên một laọi hoa.

Tôi nhíu mày.

-Một laọi hoa á? Tôi cứ tưởng nó là tên một laọi đậu đỗ.

Đỗ Quyên sập bẫy, đơ ra hai giây rồi ném thẳng cái khăn đang lau sàn vào người tôi.

-Dơ!-Tôi phá lên cười.

4.Buổi diễn cuối cùng cũng đến. Tôi hơi hồi hộp. TRước khi ra diễn, Đỗ Quyên đập mạnh vào vai tôi. Tôi nhăn mặt vì đau còn cô bạn lại cười tươi ra dấu chiến thắng. Rồi cô bạn nói thầm với tôi.

-Cậu định cứ thế mãi à?

-Việc gì?

-Tình cảm với Khánh Hà. Cậu định cứ im lặng mãi, lần nữa không nói ra, cho đến khi cả hai ra trường và không gặp lại nhau nữa? Thế thì cậu quá tệ so với nhân vật của cậu trong kịch bản. Ít ra anh chàng ấy đã không có gì để phải hối hận.

-Cậu khônghiểu đâu.

-Tôi không hiểu chỗ nào?

-Người chưa từng thích ai như cậu làm sao hiều được?

-Sao cậu biết tôi chưa từng thích ai?

Tôi không trả lời câu hỏi đó. Tự nhiên thấy bối rối khi nhìn vào đối mắt của cô bạn ờ cự li gần như vậy.

Và bất ngờ, cô bạn đưa một ngón tay lên môi, rồi đặt ngón tay ấy lên má tôi. Rồi Đỗ Quyên cười.

Tría tim tôi đp65 trậtmột nhịp.

5.Vở kịch đã trôi qua như một giấc mơ. Mọi người rất yêu thích vở kịch đó. Cô giáo dạy Văn của tôi đã đưa khăn lên chấm nước mắt khi xem đến cảnh cuối. Mọi người trong trường bàn tán về nó một ngày rồi mọi thứ lại trở về trật tự bình thường. Nhưng tráu tim tôi đã có một điều đổi khác. Tôi cứ nghĩ mãi về nụ hôn của Đỗ Quyên khi ấy.Nếu có thể xem đó là một nụ hôn.

Tôi tự hỏi, tại sao cô bạn lại làm thế? Và bước trật nhịp của trái tim tôi khi ấy là gì? Tình cảm trước giờ tôi dành cho Khánh Hà là gì?

Đỗ Quyên vẫn cư xử như bình thường.Ngoài giờ học trên lớp, cô bạn vẫn dành thời gian cho đài phát thanh của trường. Nếu tình cờ gập tôi ngoài hành lang, cô bạn vẫn vẫy tay chào như bình thường. Chỉ có tôi là không còn và không thể như bình thường. Đến một câu chào tử tế tôi cũng không làm được.

Không thể cứ để sự việc lơ lửng như vậy, tôi nhận ra điều đó khi môn Toán mà tôi vẫn tự hào nhật nhận về bài kiểm tra điểm 6. Tôi không thể tập trung vào nhiều việc một lúc. Đầu óc vẫn còn vẩn vơ ở đâu đó thì làm sao mà học hành cho được.Tan hoc, tôi quyết định sang lớp tìm Đỗ Quyên. Khi chỉ có hai chúng tôi ở hành lang, những người khác đã về hết, tôi mới dám đặt vấn đề. Đỗ Quyên chỉ mâm mê mấy chiếc lá phượng vừa mới ngắt.

-Tớ có chuyên muốn nói, à hỏi. Nếu không rõ ràng ra được thì tớ không thể… Lần trước, là, cậu…là…

Trong lúc tôi đang cố tìm từ ngữ hợp lý thì Đỗ Quyên đã cắt ngang.

-Lần trước tớ đã tỏ tình với cậu đấy.

Mặc dù đã phỏng đoán ít nhiều điều đó nhưng khi nghe Đỗ Quyên thẳng thắng như thế, tôi vẫn cảm thấy bất ngờ. Đỗ Quyên đã đổi cách xưng hô, cô bạn không xưng là “tôi” nữa. Cổ họng tôi nghẹn lại. không nói ra được lời nào.

-Tớ nói thật nh1. Tớ thích cậu. Sau lần cậu tham gia vở kịch đầu tiên của tớ. Vì muốn cậu chú ý đến tớ nên tớ hay trêu tức cậu. Tớ hay trêu cậu với Khánh Hà củng vì muốn cậu không phát hiện ra tình cảm của tớ. Nhưng rồi tớ biết minh không thể giấu được. Nhân vật mà cậu diễn trong “Ngày hôm qua trở lại” đã thực hiện điều tơ muốn làm. Cậu ta đã dủng cảm bày tỏ. Và tớ cũng đã bày tỏ vào ngày hôm đó.

-Nhưng… tớ…

-Tớ biết cậu thích Khánh Hà. Vậy nên nếu cậu không thích tớ, hãy xem như ngày hôm đó chỉ là một hành động khác trong chuỗi hành động tớ trêu tức cậu.

Rồi Đỗ Quyên mỉm cười, đặt ngón tay lên môi. “Suỵt”.

Lần này rõ ràng tim tôi vừa đập một nhịp rất mạnh.

6.Từ hôm đó tôi không tìm Đỗ Quyên nữa. Tình cảm cô bạn dành cho tôi rất rõ ràng. Nhưng còn tình cảm của tôi thì lại rất mơ hồ. Tôi thích Khánh Hà hay Đỗ Quyên? tại sao lúc đó trái tim tôi lại đập như thế?

Câu trả lời đến vào chiều cuối tuần. Tôi gạp Khánh Hà đang đi mua sách. Bạn ấy nhận ra tôi ngay.

-Khanh mua gì đấy?

-Bánh mì thơm cà phê đắng.

Ah, cuốn này Đỗ Quyên cũng thích lắm. Nó vùa cho tớ mượn hôm nọ.

Nghe đến hai từ “Đỗ Quyên”, tựdưng hai vành tai tôi đỏ ửng:

-Hà đi đâu đấy?

-Mình đi mua quà sinh nhật cho Đỗ Quyên.

-Câu thân với cậu ấy à?

-Hai đứa chơi thân với nhau từ hồi học cấp hai mà. Mình muốn tìm một món qua gì đó thật đặc biệt, mong làm cậu ấy vui hơn một chút. Dạo này cậu ấy cứ buồn buồn chuyện gì đó.

Khánh Hà cầm lên một chú ếch Keroppi màu xanh lá ngộ nghĩnh. Còn tôi tình mãi mê đuổi theo những suy nghĩ của mình.

Mặc dù bề ngoài tỏ ra rất cứng cỏi, nhưng Đỗ Quyên, vẫn như một co gái bình thường khác, vẫn lo lắng và e dè khi bày tỏ tình cảm với ai đó. Chỉ vì không muốn tôi khó xử mà c6 bạn đã nhận lấy phần khó khăn về phía mình. Và tôi nhận ra, thật ra Khánh hà chỉ là ảo ảnh của một ngôi sao xa xăm.Không biết từ khi nào tôi đã thích cái chau mày hay cong môi ngộ nghĩnh của Đỗ Quyên mỗi lần trêu ghẹo tôi. Tình cảm ấy đến quá tự nhiên đến nỗi tôi đã không hề nhận ra.

Tôi cầm lên một cái kẹp tóc màu tím ngọc. Không hiểu sao tôi nghĩ màu này cứ như thuộc riêng Đỗ Quyên vậy.

7.”Hôm nay sinh nhật cậu. Chúc mừng.Cậu đồng ý xem phim với tớ chứ?”.

FUYU

 Thành thật với trái tim

- FUYU

Mỗi buổi chiều cuối tuần, tôi thường tự đi mua cho mình một cái gì đó. Bất kì cái gì. Một cái móc khóa điện thoại nhỏ, một chú gấu bông có lớp lông êm ái màu dịu nhẹ, một cái kẹp tóc xinh xinh dẫu mình không dùng đến để hôm nào mang tặng mấy cô bạn gái thân… Có khi chỉ đi ngắm thôi. Nhưng việc đó mang lại cảm giác phấn chấn giống như được sạc lại năng lượng cho một tuần sau đó. Hôm nay tôi mua cho mình một cái cốc men sứ trắng mịn với hoa văn đỏ hình vuông tròn chồng chéo lên nhau.

        Trên đường về, khi đến ngã tư, tôi thấy Nguyên đang băng qua đường theo hướng vuông góc với hướng tôi đang đi. Cậu ấy lơ đãng bước đi, tai nghe để hờ hững trên cổ, không nhìn thấy tôi. Chẳng hiểu vì sao tôi lại lặng lẽ đi theo sau. Cậu ấy mặc một chiếc áo thun đen, quần jeans bình thường, nhưng vẫn có nét gì đó nổi bật kì lạ. Hoặc chính tôi tự tưởng tượng ra điều đó. Cậu ấy bước một, tôi bước một. Nguyên bước hai, tôi bước hai. Cứ thế nhịp nhàng. Tôi cứ ôm cái hộp có cái cốc trước ngực, đi theo cậu ấy như thế với một niềm vui nghịch ngợm thú vị chẳng hiểu được. Cũng chẳng biết để làm gì nữa. Trái tim nảy tưng tưng.

        Có thể khi tôi gọi tên, cậu ấy sẽ quay lại. Có thể cậu ấy sẽ mỉm cười, nụ cười nửa miệng đáng ghét thường thấy. Có thể cậu ấy sẽ chẳng mỉm cười, mà tròn mắt hỏi tôi đang đi đâu đấy. Hoặc rất có thể, vì vẫn còn giận tôi, cậu ấy sẽ vờ như không thấy và lẳng lặng bước tiếp.

        Mọi thứ đều chỉ là giả thuyết, vì tôi sẽ chẳng gọi tên cậu ấy. Tôi chỉ đi theo cậu ấy thôi.

        Đột ngột, cậu ấy dừng lại nên tôi đột ngột dừng lại theo. Tim đập mạnh hơn. Cảm giác hoảng sợ như điệp viên đang theo dõi mà bị con mồi phát hiện. Nhưng cậu ấy không hề nhận thấy sự có mặt của tôi, chỉ là Nguyên dừng lại để ngắm một thứ ở trong cửa hàng gấu bông. Như chẳng tìm thấy điều mình cần, cậu ấy lại đi tiếp. Nhưng tôi không đi theo cậu ấy nữa mà quay ngược lại. Tôi vừa nhận ra mình vừa hành động như một con ngốc vậy. Đi theo cậu ấy chẳng để làm gì cả. Tôi cũng chợt nhớ rằng hai ngày trước chúng tôi vừa cãi nhau xong. Và chính tôi đã quyết định là mọi chuyện chỉ nên dừng lại ở lằn ranh tình bạn thôi.

*

        Không hề phủ nhận, tôi thích Nguyên. Lần đầu tiên tôi gặp cậu ấy là ở văn phòng Đoàn trường, trong cuộc họp giữa các bí thư các lớp. Tôi đến muộn một chút, hết ghế ngồi nên đứng nghe thầy tổng phụ trách phổ biến kế hoạch cho đêm văn nghệ Hội trại với một chồng giấy photo công thức Hóa học. Người phía trước tôi, đang ngồi trên ghế, đột ngột ngọ nguậy cái đầu cho đỡ mỏi. Rồi cậu ta phát hiện ra tôi. Nguyên đứng dậy, nhường ghế cho tôi. Hành động ấy tôi rất ít khi thấy con trai ở tuổi này, những cậu con trai tồ tẹt vẫn chưa là người lớn. Hành động ấy khiến tôi có chút cảm động.

        Và tôi bắt đầu chú ý đến cậu ấy nhiều hơn. Mỗi ngày một chút rồi dần dần chẳng biết từ khi nào trong mắt tôi chỉ còn thấy cậu ấy thôi. Tình cảm có thể bắt đầu từ điều đơn giản như thế thôi.

*

        Khi tôi đang đứng tưới nước cho cái bồn hoa nhỏ xinh xinh trước cửa lớp, Nguyên chẳng hiểu ở đâu đột ngột xuất hiện, giật tóc tôi một cái thật mạnh.

-         Thư đang làm gì đấy?

-         Cứ thử giật tóc tôi một lần nữa đi, thử xem cậu có sống nổi không? Tưới cây, không thấy hay sao?

        Nguyên giật mạnh tóc tôi một lần nữa. Dừng lại một chút để xem mình có chết chưa. Rồi cậu ấy phá ra cười theo cái kiểu trêu chọc tôi. Tôi lừ mắt nhìn rồi cầm cái xô vẫn còn ¼ nước giơ lên đe dọa, sẵn sàng đổ ào xuống. Nguyên lập tức co giò bỏ chạy trước khi tôi kịp thực hiện ý định đang nhen nhúm trong đầu mình.

-         Dám trêu bản cô nương à?

        Tôi lẩm bẩm rồi quay lại với cái bồn hoa của mình. Những bông hoa bươm bướm vàng tươi tắn khẽ run rẩy bởi một cơn gió thổi qua. Chẳng hiểu sao tôi khẽ mỉm cười vu vơ với chúng. Nhưng cũng nhanh chóng nụ cười biến mất, để lại điều gì đó trăn trở trong ánh mắt.

        Dù tôi có thích cậu ấy đến thế nào đi chăng nữa thì điều gì đó giữa hai đứa là một cái gì rất vô vọng.

*

        Tính đến thời điểm chúng tôi cãi nhau, và không thèm nói chuyện với nhau bốn ngày rồi, thì có vài lần được xem là Nguyên nói thích tôi. Một lần, khi chúng tôi đi xem Rio . Khi rời khỏi rạp, Nguyên cười bảo “Trông hai chúng mình giống một đôi nhỉ?”. Một lần khác, cậu ấy chở tôi đi học về. Khi đi ngang qua một cửa hàng quần áo đồ đôi, cậu ấy bảo “Hay là hai đứa mình dừng lại mua một bộ nhỉ? Màu xanh da trời thế nào?”. Một lần khác, cậu ấy nắm lấy tay tôi, dù chẳng có lý do gì cả. Chẳng có đám đông nào để nắm tay tôi cho khỏi lạc. Chẳng có đường xá đông đúc nào mà sợ tôi đi đứng không cẩn thận.

        Nhưng tất cả những lần đó, tôi đều chẳng nói gì, chỉ đấm nhẹ vào vai cậu ấy một cái. Như đang nghe một lời nói đùa. Và đáp lại cũng là một hành động đùa cho vui. Như bạn bè.

*

        2. Nguyên đẹp trai. Có thể không phải tất cả mọi người đều thấy vậy, vì mắt thẩm mỹ không ai giống ai, như mình đây. Bạn bè thích mấy anh chàng mặt búng ra sữa Zac Efron, Nick Jonas, Suju, mình thì lại mê mẩn Robert Downey và Johny Deep. Người ta nói hoa hồng hoàn hảo chứ mình thấy cúc dại mới là đẹp nhất. Với mình Nguyên là cúc dại, là Robert Downey chứ không phải hoa hồng hay Zac Efron.

        Quay lại chuyện cậu ấy đẹp trai. Con trai đẹp thường gay. Mà không gay thì cũng chúa lăng nhăng hoặc đào hoa, con gái bu lại như ruồi thấy mật,  giữ thôi cũng mệt đầu mệt óc rồi. Kiểu con trai này thường làm tan nát trái tim con gái. Mà mình mong manh dễ vỡ lắm (tự hỏi nếu bạn bè mình đọc được cái này có tròn mắt mà hỏi “Thiệt không trời?” không ta) nên tốt nhất là cứ tránh xa cậu ấy ra.

        3. Nguyên rất láu cá, tính cách xấu xa, và hình như việc bắt nạt mình là niềm vui của cậu ấy. Con trai gì cứ thích giật tóc mình từ đằng sau. Đau. Mình nói câu một, cậu ấy trả treo câu một. Mà mình, vì hiền lành quá, cãi nhau không lại cậu ấy nên lần nào cũng ấm ức quá trời quá đất (nhưng mà sau đấy có mua kem cho mình ăn). Cứ thế này có khi tức mà chết cũng nên. Mình muốn thọ lâu, nên tốt nhất là tránh xa cậu ấy ra.

        4. Nguyên rất thích màu đen. Cứ xem màu áo thun những lúc cậu ấy rủ mình đi xem phim xem. Đa số là màu đen. Mình lại ghét màu đen. Màu gì lại u tối đến thế? Người mà thích màu đen chắc cũng là người…bi quan về cuộc đời lắm. Người như thế tốt nhất là nên tránh xa ra.

        5. Nguyên thích nhạc của Emiem. Mà mình thấy nhạc ấy nghe đau hết cả đầu, trình tiếng Anh nghe chẳng kịp nên chả hiểu ngài ấy hát cái gì, à, nói cái gì thì đúng hơn chăng? Sở thích hai đứa chẳng giống nhau chút nào thì sau này sẽ xảy ra cãi cọ kinh khủng lên được, rồi lại nước mắt ngắn dài làm lành. Phiền phức quá. Tốt nhất là tránh xa ngay từ đầu cho rồi.

        Tôi đọc lại lần nữa những gì mình viết trong nhật kí. Trang ấy được ghi đầu đề bằng dòng mực đỏ chóe “Những điều tôi và Nguyên chỉ nên là bạn thôi”. Rồi tôi ghi thêm bên dưới.

        6. Nguyên là đồ nhỏ nhen, con trai gì lại giận hoài như vậy chứ. Ba ngày rồi mà vẫn không thèm nói chuyện với mình.

*

        Lần hai đứa cãi nhau.       

        Tôi đang ở trong căn-tin, thưởng thức món bánh flan mềm mềm, béo béo, ngon tuyệt tan ra trong miệng, có khi ăn đến cái thứ tư rồi thì Nguyên, như ma, đột ngột xuất hiện từ đâu đó, kéo ghế xuống ngồi cạnh tôi.

-         Thư đang làm gì đấy?

-         Thư cái gì? Gọi là chị đi. Ăn bánh flan, không thấy sao?

        Mặt Nguyên đột nhiên chuyển đổi cảm xúc, đang cười thì cơ mặt nhăn lại dường như là khó chịu lắm.

-         Không thích gọi như thế.

-         Không thích vẫn phải gọi chứ. Người ta hơn Nguyên một tuổi đấy.

-         Không-thích.

        Nguyên nhấn mạnh từng chữ một rồi bỏ đi. Tôi chẳng thèm nhìn theo, cứ ăn tiếp món bánh của mình, cái thứ năm. Nhưng có cái gì nghẹn lại làm tôi muốn ứa nước mắt ra.

*

        “Những điều tôi và Nguyên chỉ nên là bạn thôi”.

        Dòng đầu tiên nhất, là dòng quan trọng nhất, cũng là dòng được tôi đọc đi đọc lại mỗi ngày. Một khi nó còn tồn tại thì tất cả những điều sau đó đều chẳng có chút trọng lượng gì cả.

        1. Nguyên nhỏ hơn mình một tuổi.

        Tôi học lớp mười một, Nguyên lớp mười. Rõ rành rành là cậu ấy thua tôi một tuổi. Lằn ranh tuổi thật sự rất khó vượt qua, dù biết bao người nói rằng chuyện tuổi tác chẳng có gì là quan trọng. Nhưng người trong cuộc hiểu rất rõ nó không phải là một chuyện dễ dàng mà cho qua, nhất là con gái. Ai lại muốn mình già hơn, là “chị” với người ta bao giờ.

        Ngay từ đầu, khi biết Nguyên thua tôi một tuổi, tôi đã biết đó là đường cụt rồi.

*

        Con người là một sinh vật vô cùng phức tạp và rắc rối. Não đã ra lệnh cho tim mạch là đừng có can dự vào bất kì chuyện gì liên quan đến Nguyên. Đừng có tiết ra bất kì thứ cảm xúc nào làm rối loạn chức năng của não. Nhưng tim vẫn không có nghe lời. Buổi sáng, vừa đi cổng trường vừa gặm bánh mì, tim đã ra nhờ tay tự động giơ lên chào trước khi não hét “Không được”.

-         Chào buổi sáng, Nguyên!

        Cậu ấy quay lại. Ánh mắt nhìn tôi vẫn còn giận dỗi chuyện hôm trước. Tính ra đã một tuần rồi không thèm nói chuyện với tôi. Nhưng có vẻ lần này cậu ấy không thể không đáp lại một lời chào hỏi. Hoặc cơn giận đã xì đi chút đỉnh.

-         Chào.

        Chỉ có thế thôi mà môi tôi đã hình thành một nụ cười.

-         Thư đang làm cái gì thế? Có biết vừa đi vừa ăn sẽ ảnh hưởng không tốt đến dạ dày không?

        Tôi lắc đầu. Không biết thì mới ăn thế chứ, nhưng dù sao thì cũng ăn đến miếng cuối cùng luôn rồi.

        Chúng tôi cứ thế đi dọc theo hành lang đến lớp học. Khi nào đến cuối hành lang, tôi rẽ phải, còn cậu ấy thì rẽ trái. Chẳng đứa nào nói với đứa nào cái gì. Não tôi thì không ngừng lẩm nhẩm “Mặc kệ cậu ấy, cứ đi trước thôi. Mày hy vọng cái gì cơ chứ, Anh Thư?”. Nhưng chân tôi thì lại cố bắt nhịp đi cho đúng với Nguyên.

        Đột ngột, cậu ấy bực dọc.

-         Thư sinh tháng mười hai, tớ sinh tháng hai. Trong lớp tớ có một bạn nữ sinh tháng tư, và gà bông của bạn ấy sinh tháng chín. Nghĩa là bạn nữ ấy hơn bạn nam kia những năm tháng. Tớ chỉ thua Thư có hai tháng thôi, tại sao tớ lại phải gọi Thư là chị chứ? Tớ không thích.

        Bất ngờ quá nên tôi không biết nói gì.

        Đã đến cuối hành lang. Nguyên có chút bối rối, cậu ấy nhìn thoáng tôi một cái rồi rẽ trái, biến mất sau cánh cửa.

        Tim tôi đập rất nhanh. Và não bộ thì chẳng suy nghĩ thêm cái gì được nữa. Nếu tính luôn lần này, là lần thứ bao nhiêu Nguyên nói cho tôi biết gián tiếp tình cảm của cậu ấy?

*

        Cuối tuần, tôi mua cho mình hai chiếc mũ lưỡi trai, màu đen. Chúng là một cặp đôi mũ. Nguyên đã rất nhiều lần nói thích tôi rồi, mà bản thân tôi cũng không thể tự dối mình nhiều hơn nữa. Tôi đã nằm thật lâu trong phòng mình, và nhớ lại hết tất cả những lúc tôi ở cạnh cậu ấy, một tuần trời cậu ấy không nói chuyện với tôi. Cả những cảm xúc khi đó nữa. Vui, buồn, hờn, giận, rộn ràng… Và tim bắt não bộ phải thừa nhận, đối với tôi, Nguyên quan trọng như thế nào. Tôi muốn có một cơ hội. Và tôi đang tự tạo cho mình cơ hội đó.

        Từ hướng vuông góc với hướng tôi đang đi, đột nhiên Nguyên xuất hiện. Cậu ấy vẫn mặc màu áo đen yêu thích, đang che một cái ngáp dài. Dẫu vậy vẫn nổi bật một cách kì lạ. Hoặc có khi chính tôi tưởng tượng ra điều đó. Ngay cả trước khi tôi kịp nhận ra mình đang làm gì, thì tôi đã cất tiếng gọi. Tôi gọi tên cậu ấy thật to giữa phố đông người.

        Và Nguyên quay đầu nhìn lại. Có một chút ngạc nhiên, nhưng thoáng mỉm cười.

        Cả trường phải chuẩn bị để chờ một xì-căng-đan “đũa lệch”, khi hai chúng tôi cùng đội mũ đôi mà đi học.

Share this:

 KHOẢNG TRỜI Ở LẠI

Khoảng thời gian sau khi thi Đại học xong còn “căng” hơn cả khi ôn luyện. Những ngày gần có kết quả, hầu như lúc nào tôi cũng lang thang trên mạng chờ xem điểm. Khi biết điểm rồi, tôi lại chăm chăm chờ điểm chuẩn của trường mà mình đăng kí. Lúc nào cũng có cảm giác bực bội và sẵn sàng nổi cáu với bất cứ ai hỏi tôi về việc tôi đậu, hay rớt.

Lại thêm một đêm nữa cảm giác nóng ruột choáng tâm trí, khiến những giấc mơ cũng trở nên mong manh. Tôi tỉnh giấc khoảng vào lúc hai giờ sáng. Sau khi uống một ngụm nước, biết chắc mình không thể ngủ lại được tiếp, tôi ngồi trước bàn học, ngắm những vì sao nhấp nháy và nghe những bản nhạc yêu thích. Tôi nhẩm hát theo, mong những bất an trong lòng sớm biến mất. Đến gần sáng, thấy mệt, tôi đi ngủ lại. Mẹ lên phòng gọi tôi dậy lúc tám giờ sáng.

-         Vân, dậy đi. Sáng rồi. con định ngủ đến chừng nào?

Tôi hé mắt. ánh Mặt Trời rọi thẳng vào mắt khiến mắt tôi nheo lại.

-         Con gái con đứa gì mà không dọn phòng gì hết vậy? Sách vở để lung tung hết.

-         Tí nữa con sẽ dẹp.

-         Con lúc nào cũng nói tí nữa, tí nữa nhưng mẹ chẳng thấy con don dẹp bao giờ cả. Phòng lúc nào cũng bừa bộn.

Tôi cáu kỉnh bước khỏi giường, nhặt một cuốn sách dưới chân giường để lên kệ sách.

-         Mẹ muốn trước giờ ăn trưa con phải dọn sạch phòng. Hôm sau cũng dậy sớm phụ mẹ đi chợ hay tưới mấy chậu cây cảnh của bố chứ. Con cũng nên xuống bếp tập nấu ăn đi. Con gái lớn gì mà…

Mẹ bỏ lửng câu nói, thu nhặt đống truyện tranh của tôi nằm trên sàn bỏ lên bàn học.

-         Kết quả thi Đại học của con đã có chưa? Bé Hạnh nhà hàng xóm đã có rồi mà.

-         Nó thi trường khác, con thi trường khác cơ mà. – tôi cáu.

-         Con không được giấu mẹ điểm thi đấy.

-         Con giấu mẹ làm gì?

-         Nhất định không được giấu mẹ.

-         Con biết rồi. sao mẹ cứ nói mãi thế?

Tôi gắt nhẹ rồi vào phòng vệ sinh đóng cửa lại. Dù không nhìn thấy, tôi có thể biết được gương mặt mẹ lúc ấy. Khó có thể diễn tả bằng lời nhưng nhất định đó không phải là một gương mặt vui vẻ.

Sau buổi sáng đó mẹ chẳng nói chuyện với tôi nữa. tôi biết mẹ giận mình. Nhưng tôi cũng chẳng buông ra lời xin lỗi. Hai mẹ con im lặng ăn cho hết bữa cơm.

Tình trạng chiến tranh lạnh cứ thế kéo dài vài ngày. Bố tôi đoán biết được tình hình, vì đây không phải là lần duy nhất mẹ và tôi xảy ra tình trạng như thế này. Tính mẹ tôi hay la và chuyện gì cũng nhắc đi nhắc lại. bố cố làm hòa bằng những câu chuyện hài hước của mình, nhưng mẹ tôi chỉ bảo.

-         Ông ăn cho xong đi.

Và như những lần mẹ giận khác, tôi biết, chỉ cần tôi mở miệng nói chuyện như mọi ngày, mẹ sẽ chẳng dỗi nữa. nhưng tính tôi bướng bỉnh, dù biết rằng mình nói thế với mẹ là sai, dẫu trong lòng khó chịu khi bị mẹ giận, nhưng tôi vẫn nhất quyết duy trì chiến tranh lạnh.

Hôm nay cả bố và mẹ đều vắng nhà, đến tối mới về. em gái đi học thêm tiếng Anh sẽ ghé nhà bạn thân nên buổi trưa tôi ở nhà một mình. Lười nấu cơm, tôi nấu mì gói rồi bưng tô ra ngoài hiên nhà ngồi ăn. Trưa nắng chang chang nhuộm màu vàng phố nhỏ vắng tanh. Thằng nhóc hàng xóm sáu tuổi đang tập đi xe đạp một mình. Tôi ngắm thằng bé cứ đi qua đi lại trước nhà mình. Thấm mệt, nó dừng lại. tôi vẫy nó vào nhà chơi. Thằng bé dựng cái xe trong sân rồi chạy đến ngồi cạnh tôi. Nó ngước nhìn cây trứng cá.

-         Chị Vân cho em mấy trái trứng cá nhé?

-         Ừ, cứ hái đi. Đừng có bẻ cành đấy nhé!

Nó bắt đầu leo lên trên cao. Tôi bảo.

-         Coi chừng té đó nha!

-         Trèo cây là nghề của em mà chị.

Tôi phì cười.

-         Ngày xưa chị mày cũng từng tự hào thế đấy. Nhưng mà có lần trèo không chú ý, ngã gãy tay đấy nhóc!

Tôi chợt im phắc khi kỉ niệm ngày xưa chợt trở về mồn một. Hồi năm, sáu tuổi, tôi thường trèo lên chạc ba của cây trứng cá, thích thú với cảm giác nhìn xuống, như thế mình chẳng còn là một cô bé con nữa. mẹ hễ nhìn thấy tôi lăm le leo trèo là cấm, và tôi cũng bảo mẹ rằng trèo cây là nghề của tôi mà. Rồi có lần tôi chẳng chú ý cành mềm, ngã gãy tay phải bó bột cả tháng trời. Mẹ giận la tôi liền mấy ngày nhưng mắt thì rơm rớm. Hồi đó tôi làm nũng mẹ nhiều vì gãy tay chẳng chơi bời gì được, lại còn ngứa ngáy khó chịu. Mẹ lẳng lặng nấu món chè hạt sen mà tôi thích, mang về cho tôi những bộ đồ hàng xinh xinh.

Tôi ngồi thẩn thờ nhớ lại, chẳng để ý thằng Toán đã trở về mặt đất với một mũ đầy quả trứng cá.

-         Chị Vân ăn không?

Nó chìa ra cho tôi một nắm tay. Tôi cười.

-         Lớn rồi không ăn trứng cá nữa đâu.

-         Lớn rồi chảnh ha.

Tiếng mẹ nó gọi nó về từ bên kia vọng sang.

-         Mẹ em về rồi. chắc mẹ đi chợ có mua chè đậu xanh cho em. Em về nha chị.

Rồi nó vội vàng dắt chiếc xe đạp đi. Sân trước nhà tôi lại trở nên yên tĩnh kì lạ, với nắng vàng, tán cây trứng cá và những cái lá rụng trộn lẫn với những cánh hoa trắng bé xíu.

Ngày bé tôi cũng hay ngồi chờ mẹ đi chợ về. Trong cái giỏ của mẹ sẽ dành sẵn những món đồ bé nhỏ. Một chiếc bánh tiêu hay bánh da lợn, một trái táo, trái cam hay một bịch chè đậu xanh. Rồi từ lúc nào nhỉ, tôi đã thôi chờ đón những món quà ấy.

Và tôi nhớ, cũng những ngày bé bỏng ấy, cũng trời trưa nắng như thế này mẹ đã đèo tôi đi học trên chiếc xe đạp duy nhất của cả nhà. Lưng áo mẹ ướt đẫm mồ hôi khi mẹ gò lưng đạp lên dốc cao. Tôi đã chẳng còn bám mẹ đi mọi nơi khi đã có thể tự đi bằng sức mình.

Có cảm giác tôi đã bỏ mẹ lại ở một khoảng trời nào đó và không hề ngoái đầu lại.

Mình phải xin lỗi mẹ thôi, tôi nhủ thầm và dẹp cái tính cứng đầu của mình một bên. Tôi khóa cửa nhà và ra cửa hàng bánh mua một cái bánh kem khá lớn với trái cây trang trí ở trên. Tôi còn mua thêm na, loại trái cây mẹ thích nhất. Mẹ có lần đã nói, những quả na làm mẹ nhớ những ngày còn bé cùng những kỉ niệm với bà ngoại. Khi về nhà, em gái đã về rồi, nó trách tôi bắt nó chờ ngoài cổng mỏi cả chân. Tôi lên phòng, mở máy vi tính lên và kiểm tra xem đã có điểm chuẩn chưa.

Tối đó, tôi cũng xuống bếp chuẩn bị bữa tối. Mẹ vẫn không nói gì. Cả nhà ăn uống như bình thường. Đến cuối buổi ăn, tôi bê ra bánh kem và túi na. Tôi nói với mẹ một cách bình thường, như chưa hề có trận chiến tranh lạnh nào cả.

-         Mẹ, con có kết quả thi rồi đó.

Mẹ vội vã hỏi ngay.

-         Sao rồi hả con?

Tôi đưa tay chữ V chiến thắng.

-         Dĩ nhiên là đậu rồi. Con gái mẹ mà!

Mẹ tôi cười rạng rỡ, cứ hỏi đi hỏi lại mãi, là thiệt hả con. Và mẹ vui vẻ ăn na cùng bánh kem, quên bẵng đi đang giận tôi. Tôi nhìn bố, thấy ông nháy mắt với tôi.

Buổi tôi, tôi lên xe vào thành phố, trời lác đác mưa.

Chiều đó mẹ kiểm tra hành lí lại cho tôi lần cuối, vẫn không ngưng chê tôi lớn rồi mà không biết tự chăm sóc mình, để quên bàn chải đánh răng. Mẹ nhét thêm vào vali thuốc đau đầu, đau bao tử… Bữa cơm tối có những món mà tôi thích.

Tôi lên xe rồi, vẫn thấy ba mẹ đứng ở bến trông theo, dưới ánh đèn vàng mù mờ ấm ấp. Vào xe rồi chẳng còn ngửi được mùi đất ẩm bốc lên khi mưa xuống, chỉ còn hơi lạnh đầy ấp phả ra từ máy lạnh. Tôi đưa tay vẫy, mỉm cười tạm biệt. Bố đưa tay vẫy lại. Chỉ mẹ đứng im, đưa tay làm động tác bảo tôi mặc áo khoát vô kẻo lạnh.

Xe chuyển bánh. Hình ảnh bố mẹ xa dần rồi khuát hẳn. Chỉ còn những ngôi nhà, những hàng cây không ngừng chuyển động về phía sau. Mưa vẫn lác đác. Tôi nhắm mắt mơ màng ngủ.

Chẳng biết là bao lâu, tôi giật mình tỉnh khỏi giấc ngủ chập chờn. Không cảm thấy buồn ngủ, tôi lôi chiếc ipod và những giai điệu country lại là người bạn đồng hành. Xe đã đi qua địa phận tỉnh khác. Trời chẳng còn mưa nữa. Thay vào đó là trăng sáng rõ soi sáng cảnh vật bên ngoài, phủ lên chúng một màu bàng bạc huyền ảo. Tôi nhận thức rõ ràng hơn rằng mình đã chính thức rời khỏi nhà rồi, rời khỏi vòng tay mẹ bảo vệ chở che. Và chẳng còn những tiếng cằn nhằn của mẹ đánh thức mỗi sớm mai.

Tôi cho tay vào túi áo khoát. Những ngón tay chạm phải một vài viên kẹo bạc hà. Có lẽ mẹ đã cho vào để cổ họng tôi không cảm thấy khó chịu vì khí lạnh và khô từ máy lạnh. Cảm nhận được tình yêu của mẹ vẫn ở đây, mắt tôi cảm thấy ươn ướt.

Fuyu

Share this:

Thức dậy thì trời đã trưa, tôi uể oải đánh răng, rửa mặt. Xuống dưới nhà bếp nấu bát mì tôm ăn sáng thì thấy mẹ đang ngâm củ kiệu vào nước tro. Tôi định phàn nàn mẹ cứ thích mua việc vào mình. Cả năm bận rộn, việc gì lại tự tay làm món kiệu này làm gì, chỉ cần ra chợ mua là có rồi. nhưng thấy mẹ đang vui vẻ nên thôi.

Đi học, bận rộn bài vở thì chỉ muốn được nghỉ học. Nhiều khi vác xác lên được tới lớp nhưng phần hồn thì cứ lơ mơ ở cái giường êm ái. Vậy mà được nghỉ học để đón Tết không có gì làm thì cũng chán. Suốt ngày ở nhà ôm máy tính lướt facebook, ôm tivi xem đến thuộc lòng Glee khiến đầu óc u mê cả ra.

Ăn xong tô mì, tôi quăng vào bồn rửa, chào mẹ, qua nhà cô bạn thân. Biết đâu qua đấy, hai đứa con gái sẽ có nhiều chuyện để kể hơn và đỡ nhàm hơn.

Ngoài đường tràn ngập không khí Tết. Người mua người bán tấp nập qua lại. Lũ trẻ con chạy rông ngoài đường khoe nhau có áo mới. Thằng em trai tôi cứ hễ lơi mắt mẹ là theo đám bạn chạy ào ra chợ hoa Tết, mặc dù năm nào cũng chỉ có bao nhiêu đó loại hoa. Chúng nó có ngắm hoa đâu. Cái chính là được cho đôi chân chạy nhảy điên cuồng, gào khản cổ tên bạn bè và được dịp phá phách nghịch ngợm. Người bán hàng vừa lơ mắt một tí là chúng nhanh tay vặt một quả quất tròn tròn be bé màu cam. Chỉ để vui vậy thôi, cũng chẳng để làm gì. Quả quất chua quá chúng cũng vứt ngay sau đó.

Tôi bình thản cho mình trôi trong bầu không khí ấy. Vì tôi không hứng thú lắm với các ngày lễ, kể cả Tết. Lúc nhỏ còn háo hức chờ mẹ mua quần áo mới, mua bánh, mua kẹo, được lì xì, về sau nhạt dần. nối háo hức đón Tết cứ mỗi năm lại vơi bớt đi. Đến giờ thì trơ ra. Năm nào cũng lặp lại có bao nhiêu đó công việc và trò chơi thì mãi cũng phải nhàm.

Đứng trước nhà nhỏ bạn thân nhưng thấy nó đang phụ mẹ nó vặt lông gà làm tiệc tất niên nên tôi lại bước tiếp. Nhưng chẳng biết đi đâu nên sau khi lang thang một vòng phố xá lại trở về nhà.

Trên đường tôi gặp mẹ đang xách giỏ.

-         Ủa? Mẹ đi đâu đây?

-         Đi chợ mua đồ về làm dưa món chứ gì.

Tôi xách giỏ về cho mẹ. Rồi phụ mẹ gọt vỏ carốt, đu đủ. Nhựa rỉ ra từ những trái đu đủ xanh thơm một mùi dễ chịu dù cảm giác nhựa dính dính đầy tay không hay ho gì lắm. Tôi cần mẫn gọt, những lớp vỏ xanh và cam nằm ngổn ngang trên bàn. Tự nhiên cảm thấy công việc nội trợ này cũng có điều thú vị. Nắng vẫn vàng rực rỡ bên ngoài, tôi và mẹ đem những gì đã gọt vỏ và xắt nhỏ đem phơi. Mẹ bảo nắng thế này đem phơi thì món dưa sẽ trắng và giòn. Thằng em trai chạy ào vào nhà, ầm ĩ, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng.

-         Mẹ, mẹ. Người ta mới bán mai kìa.

-         Không được đi chân bẩn vào nhà. – Tôi bảo.

Nó chẳng có vẻ gì thèm nghe.

-         Đẹp lắm mẹ ơi. Đẹp dễ sợ.

-         Gớm cậu, nhà mình chẳng có mai đấy à? – Mẹ tôi cười.

Thằng nhóc gật gù rồi lại chạy biến ra cây mai trước nhà. Như cánh én mùa Xuân chao liệng, mới thấy đấy lại biến mất.

Cây mai đấy ông nội đem từ chậu ra trồng trong sân từ hồi tôi còn chưa đi học lớp một. Bố trẩy lá mai từ đầu tháng Chạp, mà hình như năm nào cũng vậy. Cây mai cao nên bố tôi bắt cây thang lên trẩy lá ở phía trên, thằng em trai út cứ ngồi dưới trông lên, ra chiều thích lắm. Nó muốn phụ nhưng bố sợ nó vụng về sẽ làm hỏng hết những búp hoa ẩn mình dưới những cuống lá xanh ấy. tôi trẩy đám lá ở dưới, nơi tầm tay với tới được. Thật nhẹ nhàng, khẽ khàng.

-         Sau này con trở thành siêu sao bóng rổ, cao hơn hai mét, con sẽ giúp bố mà không cần thang.

-         Thôi đi ông. Đến bóng còn chưa chạm vào được mà mơ làm siêu sao.

Nó liếc nhìn tôi, phụng phịu, rồi lại nhìn bố nhặt lá mai bằng đôi mắt sáng lấp lánh.

Khi ấy, tôi không chú ý lắm. Nhưng bây giờ nhìn kĩ thì lại thấy đầy những búp là búp. Rồi Tết này nó sẽ căng tròn lên và bung ra những cánh hoa vàng như nắng, thơm nức phòng khách rồi rụng lả tả rực cả gốc mai.

Gốc mai này có nhiều kỉ niệm. Tôi không biết từ lúc nào đã luôn ám ảnh hình ảnh bố và ông nội ngồi uống chén trà nóng, nghe nhạc Xuân và ngắm hoa mai. Tôi cũng tập tành giống ông và bố, nhưng là với cốc sữa nóng. Nhưng cũng chỉ được một chốc đã chạy vội ra ngoài với chúng bạn. ông mất rồi. Người bạn lớn vẫn thường cho tôi ngồi trên đùi ông và kể những câu chuyện cổ tích đã không còn nữa. Tự nhiên thấy sống mũi cay cay.

Buổi chiều, tôi mang xô nước ra tưới cây mai. Vừa mới dội gáo nước đầu tiên, thằng em trai đã hớt hải chạy ra, la toáng lên.

-         Chị haiiiiiiii. Bố dặn không được tưới nước.

Tôi giật mình. Đúng là bố có dặn đi dặn lại trong những buổi cơm chiều là nụ mai năm nay căng tròn nên không tưới nước để tránh mai nở hết trước mấy ngày Tết.

-         Chết. Chị quên.

-         May là mới có một gáo nước thôi. – Nó thở phào, đưa tay vuốt trước ngực như người lớn.

Thấy vẻ mặt ông cụ non của nó tôi phì cười.

Chăm cho mai nở đúng ngày là một việc không hề dễ dàng. Nhưng ba tôi lại vô cùng thích thú với việc ấy. Mấy ngày này, chiều nào bố cũng mang bàn cờ tướng sang chơi với bác hàng xóm, vừa đánh cờ cả hai vừa nói chuyện về những cây mai.

Buổi tối kiểm tra email, nhận được mail của cô bạn đã cùng gia đình sang Mỹ được khoảng một năm.

“Ở đây chán quá mày ơi. Chẳng có gì gọi là không khí Tết cả. Buồn quá”.

Mẹ mang về rất nhiều lá chuối. Chỉ nhìn thôi tôi cũng đã biết năm nay nhà mình lại gói bánh tét. Tôi không còn nghĩ mẹ tự mua việc vào mình nữa mà phụ mẹ đem lá ra phơi. Nắng vẫn rất vàng.

-         Mẹ, mẹ. Thằng Dũng nó có áo mới rồi. Mẹ nó mới mua.

Thằng út lại chạy ào từ ngoài vào bếp, mắt nó lấp lánh khác thường. Không hỏi cũng biết cu cậu đang ghen tị với thằng bạn hàng xóm. Tôi chu mỏ trêu:

-         Đồ năm ngoái còn nhiều mà.

-         Ứ. Em không thích.

-         Đồ mới của con ở trên phòng ấy.

Tôi nghe lời mẹ dẫn thằng nhóc lên phòng và thử đồ mới cho nó. Thằng bé cứ đứng ngồi không yên. “Hệt mình ngày bé”, tôi nghĩ.

Buổi chiều, hai chị em phụ mẹ lau sạch bộ bàn ghế gỗ, quét mạng nhện. Còn mẹ giặt giũ chăn màn ở sau nhà. Tôi bậc một đĩa nhạc Xuân rộn rã cả căn nhà nhỏ. Thậm chí đôi lúc hứng khởi hát vang theo. Thằng út cũng bắt chước lúc lắc cái đầu ngân nga theo.

Ngày ba mươi, bố ngồi bệt trên nền nhà, gói từng chiếc bánh. Mẹ phụ bố chuẩn bị nếp, đậu xanh, thịt mỡ… Thằng em út lại lăng xăng ngồi kế bố, hỏi han đủ thứ, làm thế nào, cái này là cái gì… Tôi cũng tập tành gói thử một cái, cuối cùng nó không được tròn và thẳng lắm. Mà tôi cũng không chắc nó có chín không. Mặt đỏ bừng lên khi bị trêu, nhưng tôi vẫn mỉm cười, có chút tự hào về đòn bánh tét đầu tiên. Rồi năm sau sẽ đẹp hơn, phải không?

Bố đào một cái bếp lò ở sau nhà. Chị em tôi vừa ngồi canh nồi bánh, nhìn đống lửa đỏ rực tí tách, vừa bàn chuyện mồng một.

-         Chị hai, năm nay em có nhận được nhiều tiền mừng tuổi không nhỉ?

-         Chị không biết. Nhưng chị không có lì xì cho em đâu.

-         Vâng. – Nó kéo dài chữ “vâng” – Chị keo kiệt mà.

-         Cái gì?

Chợt có tiếng ai gọi váng tên mình từ ngoài cổng, tôi chạy ra. Thằng bạn cùng lớp chơi chẳng thân lắm mang cho một chiếc thiệp Tết. Nó đưa tôi rồi cười ngượng nghịu. Tôi cứ trố mắt nhìn tấm thiệp quên mất lời cảm ơn.

-         Ah, chị hai có người yêu.

Tôi vênh mặt.

-         Tên ấy mà đòi làm người yêu của chị á?

-         Vâng – Nó lại kéo dài chữ “vâng” – Anh đó sao là người yêu của chị được…

Tôi chưa kịp gật gù thì nó đã bảo.

-         Người đó phải xinh và hiền gấp triệu lần chị cơ.

Trời, nó học ai mà miệng lưỡi sắc lẹm vậy?

Tôi cốc đầu nó một cái.

Rồi lại ngồi canh nồi bánh tét.

-         Chị hai sẽ lì xì cho nếu em thức đón được giao thừa.

Đêm ba mười, bố vớt mấy đòn bánh tét ra khỏi nồi. Mọi thứ trong nhà đều sạch sẽ và gọn gang, tươi mới. Cả nhà tôi cùng ngồi xem ti vi đón năm mới. Thằng út mới đầu muốn đón Giao thừa cùng nhưng mới mười giờ nó đã ngủ gật ngủ gà, bố phải bế lên phòng. Tôi phì cười, rồi nhủ thầm xem ngày mai nên mừng tuổi nó bao nhiêu.

“Điều tuyệt vời nhất của Tết là gì nếu không phải là chiêm nghiệm năm cũ và đón chờ những điều tốt đẹp của một năm hoàn toàn mới chứ, phải không mày?”. Tôi đã ghi như vậy trong mail gửi cho cô bạn xa xứ. Dù ở đâu chăng nữa thì cảm giác ấm áp hạnh phúc của hương vị Tết quê nhà vẫn đến được với người cần nó, tôi tin vậy đấy.

Tíc tắc.

Chuông đồng hồ điểm từng tiếng một.

Năm mới sắp đến rồi.

FUYU

NGƯỜI MẪU TEEN – FUYU

1.Tiết sử tự quản vì cô giáo có việc đột xuất, không có giáo viên nào trống tiết để dạy thay. Tôi thở dài, vậy là sẽ mất thêm thời gian cho một buổi học bù hoặc tiết sau sẽ phải “chạy” cho kịp chương trình. Cả lớp bắt đầu rầm rì những tiếng chuyện trò.Những kẻ yên lặng nhất cũng chẳng phải vì ham họcmà vì mải mê chơi cờ ca-rô với nhau. Nhỏ bạn ngồi cùng lôi tờ hoa Học Trò ra đọc. Nó lướt nhanh qua các chuyên mục rồi vỗ vỗ vai tôi, thông báo.

-Hoàng Anh lại lên báo nè.

Tôi hờ hững liếc sang, đáp thờ ơ.

-Uh, thấy rồi.

Nhỏ bạn chẳng để ý đến thái độ của tôi. Nó buông lời cảm thán.

-Cậu ấy đệp trai dễ sợ.

-Chắc nhờ trang phục và photoshop mỏi tay rồi đấy thôi.

Lần này nó liếc xéo tôi một cái sắc lẻm.

Đúng là không nên động đến “thần tượng” trước những “crazyfan”.

2.Nhà Hoàng Anh cách nhà tôi ba căn. Chúng tôi từng học chung mẫu giáo với nhau. Ngay từ khi còn bé, cậu ấy đã là “hotboy”. Các cô giáo thường xuyên bẹo mà cậu nhóc bụ bẫm có hai má ửng hồng như trái đào tơ. Các phụ huynh khác đến đon con cũng vậy, kể cả mẹ tôi. Thậm chí chính tôi cũng đã có lần thử bẹo má cậu ấy, nhưng không phải vì thích, mà là bẹo cho bỏ ghét. Tôi và cậu ấy trở thành bạn thân vào một lần ngủ trưa tại lớp, cậu ấy trót… tè dầm. Nhìn gương mặt sợ cô mắng đến muốn khóc của cậu ấy, tôi đã phi tang “hiện trường” bằng cách đổ nguyên bể thuỷ tinh nho nhỏ định nuôi nòng nọc của mình – mà lúc ấy tôi cứ nghĩ là cá – lên chỗ nằm của chúng tôi. Buổi chiều ấy, cậu ấy đã mang sang nhà cho tôi một túi nilông, bên trong chứa những con nòng nọc nhỏ đang bơi lội. Đến một ngày, nòng nọc đứt đuôi thành ếch con đi mất, tôi đang mếu máo nhìn cái chậu trống không, rồi mang nó cho Hoàng Anh xem. Cậu ấy vụng về xoa đầu tôi, rồi về hỏi bố xem liệu “con cá ấy” có thể đi đâu được.

-Tâm ngốc, đó không phải là cá.

-Cậu cũng không biết đó là cá. Cậu cũng ngốc thế thôi.

Hoàng Anh cười rồi mua kem cho tôi ăn. Que kem rẻ tiền trong chiếc thùng thiếc đặt tren chiếc xe đạp leng keng vẫn mát lạnh và có sức hấp dẫn lạ thường.

3.Cấp một, chúng tôi học chung lớp hai, lớp ba và lớp năm. Sang cấp hai, nhà cậu ấy chuyển đến nơi khác xa hơn nên không còn là hàng xóm nữa, nhưng vẫn học chung trường, không chung lớp. Tình bạn vẫn vậy. Thi thoảng, những ngày cuối tuần, cậu ta đạp xe qua nhà tôi, hoặc ngược lại. Chúng tôi cùng xem phim, nghe những bản nhạc từ những chiếc CD hoặc kể cho nhau nghenhững chuyện vụng vặt nào đó. Tôi chẳng thể nào nhớ nổi nội dung của những câu chuyện ấy.

Cấp ba, chúng tôi học chung một lớp. Nhưng đó là lúc tôi mơ hồ nhận thấy có điều gì đó đã đổi thay.

Ho àng Anh đẹp trai. Đó là nhận xét  của hầu hết mọi người, còn số không đồng ý có thể vì cố tình phủ nhận hoặc dị ứng với kiểu đẹp uni-sex. Đôi mắt màu cà phê sữa đậm đặc của cậu ấy sáng lấp lánh, đôi lúc u buồn, đôi lúc ấp ámvà ací miệng nửa trẻ con nửa người lớn cứ cười ngạo nghễ nghịch ngợm. Vẻ ngoài ấy mang đến cho cậu ấy cơ hội trở thành người mẫuảnh Hoa Học Trò. Rồi cậu ấy nổi tiếng.Blog lẫn Facebook của cậu ấy có lượt truy cập rất nhiều.

Có một lần, cô nàng ha khôi cùng khối mở lời mời Hoàng Anh đi chơi cùng vào đêm Giáng sinh, cậu ấy từ chối. Cái đầu khẽ lắc lắc và nụ cười khẽ cong lên mơ hồ một cách ngạo nghễ. Cô bạn xinh đẹp hơi tái mặt, nhưngphẩy tay lạnh băng bỏ đi như muốn nói “Có cậu hay không cũng chẳng sao cả”. Từ đó, cậu ấy được mọi người hiểu ngầm là một chàng trai kiêu ngạo. Tôi hiểu Hoàng Anh. Cậu ấy chẳng bao giờ muốn là món đồ trang sức lấp lánh cho một cô nàng kênh kiệu và lũ bạn quý tộc rỗng ruột nào cả.

Tôi vẫn thường ngắm nhìn Hoàng Anh những khi cậu ấy lơ đãng nhìn ra cửa sổ, huýt sáo, dáng vẻ vô tư và vô lo đến đáng ghét. Tôi cứ nhìn thật lâu. Tựa hồ nếu nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung ra được gương mặt của cậu ấy hoà lẫn vào trong nắng. Cho đến khi cậu ấy ngẩng lên, nhìn thấy tôi liền mỉm cười và nháy mắt nghịch ngợm. Rồi cậu ấy lôi tôi ra căng-tin ăn sữa chua.

Những lúc ấy, tôi thấy Hoàng Anh thật gần bên cạnh tôi. Nhưng những khi có những cô bạn nhờ tôi xin chữ kí cậu ấy, tôi lại cảm thấy cậy ấy đã ở một chỗ nào xa lạ lắm.

Nơi ấy tôi không thể đặt chân đến.Tôi chỉ quanh quẩn trong những kí ức cũ kỹ mà thôi.

4.Một cậu bạn chung lớp rủ tôi đi xem phim với cậu ấy. Những ngày trước cậu ấy cũng mang tặng tôi một chú gấu bông nhỏ. Chẳng hiểu sao tôi lại giấu nhẹm với Hoàng Anh những chuyện đó.Nhưng chiều Chủ Nhật mẹ Hoàng Anh bảo cậu mời tôi sang ăn bún chả, tôi lại gắn chú gấu bông ấy lên cặp sách.

Ăn xong, tôi lên phòng cậu ấy mượn cuốn sách về kim tự tháp Ai Cập về xem. Trên màn hình máy tính là hình cậu ấy chụp cùng các cô bạn người mẫu ảnh cho trang phục mùa Xuân mới đăng trên tạp chí.

-Mấy cô bạn chụp chung với cậu xinh nhỉ?

-Uh.- Hoàng Anh lơ đãng trả lời, tìm cuốn sách trên đống bừa bộn trên bàn.

-Thế rồi sao?

-Sao là sao?

Hoàng Anh chớp chớp mắt nhìn tôi.Câu hỏi “Cậu có thích họ không?”trong tôi đột nhiên nghẹn lại, không thốt ra được. Tự nhiên tôi thấy mình vô duyên. Tôi nhún vai như chẳng có gì. Đột ngột, một cảm xúc lạ lùng thôi thúc tôi cầm chú gấu bông nhỏ ở cặp sách lên, giọng hào hứng.

-Con gấu bông dễ thương không?

-Có.

-Đoàn tặngtớ đấy

Hoàng Anh không nói gì. Chỉ nhìn tôi. Đôi mắt màu cà phê sữa đậm đặc ấy làm tôi bối rối. Chuyển hướng nhìn, tôi cầm cây guitar của cậu ấy lên đàn vài nốt. Tưng tưng tưng.

Hoàng Anh ngồi trên ghế, nhìn tôi nghịch cây đàn một lúc lâu. Tôi kéo nhẹ tay áo cậu ấy.

-Dạy tớ đàn bài Romance đi.

-Đến nốt nhạc cơ bản còn sai mà đòi…

Dù nói vậy Hoàng Anh vẫn ngồi xuống cạnh tôi và hướng dẫn cho tôi những nốt nhạc. Khi tôi bắt đầu chóng mặt với những gì cậu ấy nói, Hoàng Anh phì cười rồi đàn cho tôi nghe bài ấy. Tôi ngồi yên, ngoan ngoãn, lắng nghe âm thanh dịu dàng mà ngọt ngào ấy hoà lẫn trong nắng trưa.

Đã từng có lần tôi tự hỏi mình liệu tình bạn giữa tôi và cậy ấy có tiến xa hơn nũa được không? Nhưng câu hỏi đó nhanh chóng biến mất. Có lẽ vì chúng tôi quá thân nhau nên tôi không thích chia sẻ cậu ấy cho bất cứ ai. Cũng chẳng có gì đặc biệt.

5.Hoàng Anh được mới tham gia vào một bộ phim. Cậu ấy đi học thất thường buổi có buổi không. Tôi cẩn thận chép bài và đánh dấu, giải thích những đoạn mà tôi biết rằng cậu ấy sẽ khổ sở để hiểu. Cậu ấy không hề nhắn tin cho tôi trong suốt khoảng thời gian đó. Thậm chí khi xin nghỉ học gần một tuần, cậu ấy cũng không hề liên lạc với tôi. Chỉ có tôi vẫn cẩn thận chép bài lại giùm cậu ấy. Tự nhiên tôi thấy ấm ức.

“I find the way to let you leave. Inever really had is coming. I can’t belive the sign of you. I want you to stay from my heart”. Chuông điện thoại.Số lạ

-Alo, Tâm đây.

-Biết là Tâm rồi. Đây là điện thoại di động của cậu thì cậu không cầm thì cn2 ai cầm nữa.

-…

-Đừng giận tớ không gọi điện thoại cho cậu nhé. Chẳng biết tớ làm mất điện thoại ở đâu nữa. Mấy hôm nay tớ nghỉ học có nhớ không?

-Đừng thây dưa bở re mà ăn nhiều vào.

-Ha ha. Vậy là nhớ, phải không? Tớ về có mang quà cho cậu nè.

Buổi tối ngay hôm Hoàng Anh trở về, cậu ấy đã đạp xe mang qua cho tôi một chú gấu bông. Nó to đên nỗi khi ôm lấy nó, tôi cảm nhận được sự ấm áp và mềm mại của lớp lông màu socola.

6.Tôi mở trang báo, những số có đăng ảnh của cậu ấy. Đôi mắt lạnh lùng kiêu ngạo màu khói hoặc viền đậm đuôi mắt.Mạnh mẽ trong trang phục nhà binh. Một con búp bêngồi bất động u buồn giữa vườn cây, đội một chiếc mũ len đỏ rực rỡ. Cười tươi tắn rạng rỡ dạo phố bên cạnh những cô nàng xinh xắn khác.

Tôi nhìn chăm căhm vào những khuôn mặt ấy. Tự hỏi, đâu mới là Hoàng Anh thật sự trong những tấm ảnh ấy?

Này, cậu là ai vậy?Cậu đi xa tớ đến chừng nào rồi?

7. Đoàn cứ nhất quyết mời tôi đi xem phim vào sinh nhật ậu ấy.Tôi không mấy thích thú nhưng cũng ngại làm người khác buồn nên gật đầu đồng ý. Suốt buổi xem phim,tôi chẳng chú ý mấy đến nội dung bộ phim mà chỉ nhớ đến những chiều nằm dài ở nhà xèm phim cùng Hoàng Anh. Dù đã xem bao nhiêu lần Nothing Hill rồi nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán. Chỉ cần cảm giác ngọt ngào bình yên lắng động ở hình ảnh cuối của phim, khi nhân vật nữ chính gối đầu lên đùi của nhân vật nam chính, cả hai cùng đọc sách ở trong công viên.

Cả những buổi tối muộn bắt con đom đóm bỏ vào cái cốc thuỷ tinh để mong giữ được ánh sáng diệu kì của nó thật lâu.

Hay một buổi chiều mưa, hai đứa tan trường vừa chờ mưa tạnh vừa ăn một củ khoai nướng còn nóng hổi nơi bàn tay.

Phải rồi. Đối với tôi mọi chuyện sẽ trở nên hay ho và thú vị hơn nhiều khi có Hoàng Anh bên cạnh. Một điều hiển nhiên như vậy mà bây giờ tôi mới nhìn thấy rõ ràng.Hoàng Anh quan trọng như vậy mà tôi đã không giữ cậu ấy ở lại bên cạnh, lại để câu ấy đi xa quá rồi.

Tan buổi hiếu phim, tôi từ chối để Đoàn đưa về. Một mình chầm chậm đạp xe về.

Hoàng Anh chờ tôi trước cửa nhà.

Đôi mắt màu cà phê sữa đậm đặc của cậu ấy nhìn tôi thật buồn.

-Đi xem phim vui không?

-Uh, cũng được.

-Lần sau cậu đừng đi nhữa.

Không hiểu sao trái tim tôi lại đập mạnh như vậy.

-Tớ không thích cậu đi xem phim với người khác không phải là tớ. Tớ cũng không thích người nào đó tặng cho cậu một món quà to hơn của tớ.

-Tại sao? – Tôi khẽ mỉm cười. Cứ như tôi đã biết câu trả lời.

-Cậu không biết thật hay cậu giả vờ không biết?

8.”Tớ thích cậu. Cậu không cảm nhận thấy điều đó à, Tâm ngốc?”

“Cậu cũng có cảm nhận thấy điều đó từ tớ đâu. Cậu cũng ngốc đâu có kém.”

Vị khách su kem- FUYU

Cửa hàng bánh ngọt Hạnh Nhân nằm ngay ngã tư đường, đơn giản với bảng hiệu đèn ne-on, tỏa sức hấp dẫn từ những chiếc bánh ngon lành đủ mọi hình dáng, mùi vị và màu sắc. Nó lôi kéo ko chỉ những vị khách đã có ý định từ trước, mà c ả những người vô tìh đứng chờ đèn đỏ hoặc đi ngang qua.

Uyên là nhân viên part-time ở đây. Cô nàng, dù tự nhận thấy mình ko nữ tình và yêu thjck công việc bếp núc, lại có niềm say mê dành cho bánh.Đủ các loại. Bánh quy bơ, bánh ga tô với đủ kiểu trang trí, bánh táo, bánh su kem… Uyên luôn muốn tự tay mình làm ra những loại bán ngon lành ấy nên mùa hè bày, cô nàng đi học làm bánh. Ba buổi một tuần vào buổi sáng. CÒn buổi chiều mỗi ngày, từ bốn giờ chiều đến mười giờ đêm, cô nàng làm việc ở tiệm bánh Hạnh Nhân. Nhiệm vụ chỉ đơn giản là lấy bánh mà khách chọn cho vào túi giấy, thu tiền. Công việc kể ra cũng nhẹ nhàng. Nhưng gặp những lúc đông khách, Uyên phải luôn tay và đau đầu với việc nhẩm tính tiền, thối tiền thừa. Ghét môn toán chỉ sau thể dục nên khả năng tính nhẩm của cô nàng bằng tốc độ di chuyển của ốc sên. Tuy nhiên tình hình có vẻ được cải thiện sau một tuần làm việc. Uyên quen dần với những con số và hết than thở với BFF” Bán hàng chẳng mệt gì ngoài mệt óc mày àh”

Trời mưa, quán vắng khách. Uyên trống cằm nhìn ra ngoài. Lúc này nó yêu mưa đến lạ. Đang ngửa tay hấng những hạt mưa thì có một cậu nhóc ghé vô tiệm. Uyên ngay lập tức mỉm cười:

- Em muốn mua gì nào?

- Em muốn mua một cái bah sinh nhật.

- Ở đây này, nhiều loại lắm, em chọn đi.

Uyên chỉ vào tủ kính riêng đựng toàn bánh kem. Lớn có, nhỏ có, phủ chocolate có, kem dâu cũng có … Một vị khách vào sau, vừa rũ mái tóc hơi ướt vừa yêu cầu 10 chiếc bánh su kem

- Chj ơi, ko có cái nào rẻ hơn nữa ạh? E ko có đủ tiền.

- Em có bao nhiêu?

- Mười nghìn đồng thôi ạh

Vị khách đến sau nhịp nhịp tay lên mặt quầy sốt ruột

- Lấy cho tôi mười cái bánh su kem, nhanh nhanh dùm.!!!

Uyên quay sang nói thật từ tốn.

-Quý khách đến sau vui lòng đợi một chút ạ!

Quay sang cậu nhóc, cô nàng nghĩ thật nhanh. Bánh kem nhỏ nhất của cửa hàng to hơn nắm tay một chút, có trang trí bằng chocolate phủ viết chữ lên trên, giá là 15 nghìn đồng. Cô nàng lấy cho cậu nhóc cái bánh kem đó.

- Hôm nay khuyến mãi cho riêng em đấy nhé! Và chỉ hôm nay thôi.

- Cám ơn chj- hai mắt cậu nhóc lấp lánh.

Uyên bỏ mười nghìn đồng của cậu nhóc và năm nghìn đồng của mình vào ngăn kéo rồi nhanh tay lấy mười chiếc bánh sukem. Cô nàng đưa túi bánh cho vị khách đến sau – một cậu bạn trạc tuổi – với một nụ cười tươi, hi vọng cậu ta ko khó chịu lắm vì đợi.

- Chúc quý khách ngon miệng.

HÌnh như cậu ta nhận túi bánh với một chút ngỡ ngàng thì phải

Mới đầu Uyên ko chú ý mấy nhưng sự việc cứ lặp đi lặp lại nên cô nàng nhận ra rằng, vị khách đó – cậu bạn trạc tuổi hôm mưa – ngày nào cũng mua bánh sukem. Ko cố định giờ giấc, nhưng luôn mua hai chiếc. Uyên gọi cậu ta là Su

Một lần, sau khi cậu ta đã mua bánh xong và rời khỏi. Uyên chống cằm nhìn theo cái lưng cậu ta, thắc mắc với chj Thúy_quản lý cử hàng:

- Cậu ta chắc phải thjck bánh su kem lắm chj nhỉ

Chj Thúy nhún vai:

- Chắc thế!

- Dẫu e cí thjck món gì đến thế nào mà ăn liên tục ba ngày thôi là em đẫ ngấy lắm rồi. Thế mà … Cậu ta thjck bánh này dữ vậy sao trời?

Mặc cho Uyên thắc mắc, Su vẫn ngày ngày đến mua bánh. Cô nàng, có lẽ vì khâm phục tình yêu cậu ta giành cho bánh su kem nên hôm nào cũng để riêng hai chiếc.

Bị ốm, Uyên xin nghỉ hai ngày. Đến ngày đi làm lại, xe đạp lại thủng lốp giữa đường nên cô nàng phải dắt bộ tìm chỗ vá, và gọi điện xin phép đến muộn. Lúc đến được quán đã là hơn 5h. Uyên, sau khi khóa xe và dưg nó sát vào một góc, chạt vội vào cưa hàng. Su đáng đứng trước quầy, ko nhận ra Uyên đứng sau lưng mình.

- Cô bạn hay bánh thường ngày ỏ đây nghỉ làm luôn rồi hả chj?

Nghe nhắc đến tên mình, Uyên ngạc nhiên:

- Bạn tìm tồi có chuyện gì?

- Nhận ra sự có mặt của Uyên, Su bối rối và lúng túng. Cậu ta nuốt nước bọt

- Tớ mua bánh su kem

Uyên mở trong hai con mắt

Chj thúy lấy bánh cho cậu ta và ko thèm che giấu nụ cười đầy ẩn ý của minh, SAU hôm đó, cứ thấy Uyên chị lại cười. Uyên bưc lắm. Nhưng khi sau kết các sự kiện với nhau và có được một kết luận khiến nàng hơi “choáng”

Nếu ko phải ăn dưa bở, Uyên nghĩ mình có một “cái đuôi”

Sau hôm đó, Su ko đến nữa. Cứ rảnh một chút là chj Thúy lại ngồi “ suy luận”. Theo chj, Su hẳn là anh chàng nhút nhát ngại ngùng vì đã lặn mất tăm khi bị “ phát hiện”. Và mỗi lần kết thúc, chj luôn cười và nhân xét chốt hạ, thằng nhóc dễ thương thật

Uyên vẫn chăm chỉ làm công việc của mình. Dần quên đi thói quen để riêng 2 chiếc bánh su kem

Công việc bán hàng giúp Uyên gặp đủ dạng”thượng đế”,VÀ hôm nay Uyên gặp phải một “thượng đế” khiến cho đầu cô nàng muốn nổ tung. Bà ấy mua bánh kem nhưng liên tục đổi cái khác. Thế rồi cuối cùng lại chọn cái ban đầu. Bà ấy cáu kỉnh đưa tiền, cáu kỉnh cầm bánh, và cáu kỉnh rời đi. Cơn tức giận cảu Uyên mà đem đi đun nước thì có mà sôi ùng ục ngay vài phút. Vậy mà phải nuốt cưn tức xuống, cố gặn nặn một nụ cừoi

Tan giờ làm, Uyên dắt xe đi bộ một quãng để hít thở ko khi đêm mát lạnh, hi vọng cục tức sẽ dịu đi. Bỗng, Uyên có cảm giác ai đó đang theo sau mình. Thoạt đầu, đang sẵn cơn giận,Uyên định quay lại mắng cho một trận, Nhưng lí trí nhắc cô nàng cẩn thận, nhỡ người xấu. TIM cô nàng đập loạn xạ.Thu hết can đảm và trên phố xe cộ vẫn tấp nập, Uyên quay lại;

- Ai đấy? sao đi sau tôi z?

Trong ánh sáng đèn đườngm Uyên nhân ra người quen

- LÀ tớ đây – Su mỉm cười – Tớ nghĩ cậu về một mình vào ban đêm sẽ nguy hiểm nên đi theo

“ Cậu đi theo bộ ko nguy hiểm chắc”. Uyên đih nạt lại, nhưg có một điều Uyên muốn hỏi hơn:

- Cậu đi theo tôi mỗi ngày à?

Thay cho câu trả lời, Su gãi đầu và cười.

Thật lạ lùng, một cảm giác ấm áp đột ngôt xuất hiện trong Uyên. Có lẽ cô gái nào cũng cảm thấy như vậy khi có một người lặng lẽ đi theo bảo vệ mình. …

Su tên thật là Duy. Cậu ta từng chung trường tiểu học nhưng bây giờ thì ko. Cậu ta vẫn đến cửa hàng mua bánh. VÀ công khai đến đón Uyên đi làm về. Chẳng còn ngại ngùng nữa, khi hai đứa đã thân hơn.

Uyên ko thjck con trai quá ngốc, nhút nhát, như những gì cô nag lầm tưởng về Duy lúc đầu. Nhưng Duy ko như vậy. Khi đã thân, Uyên nhận ra cậu ta khá là hài hước,tự tin với bản thân, một chút ranh mãnh nữa. Và việc cậu ta đến đón Uyên đi làm về thật sự làm cô nàng rung rinh chút đỉnh. Bất ngờ nhất là cậu ta cũng hâm mộ Super Junior như Uyên

Một ngày nhu moj ngày, Duy chở Uyên đi làm về. Nhưng hôm nay có chút khác biệt vì cô nàng đã chuẩn bị sẵn một gói bánh quy bơ nướng ở nhà.

- Cậu ăn thử đi.

- Cậu làm ah?

Đúng là như vậy, nhưng Uyên ko trả lời. Mất mạt lắm !!!!

- Nếu là cậu làm thì tớ sẽ ko ăn đâu.

- Mua đấy – giọng Uyên cao hơn bt, có vẻ đang dỗi.

- Dù sao đi nữa tớ cũng ko ăn đâu

Uyên thụi cho cậu ta một cái vào vai. Duy nhăn mặt vờ đau rồi cười:

- Đùa thôi mà. Tớ sẽ ăn hết! Cảm ơn nhiều ha.!!!

- Sao lúc trước cậu lại … ừm, hay đến cửa hàng mua bánh vậy? Đừng có bảo là để mua bánh

Uyên ko nhìn thẳng về phía trước, ko giám nhìn thẳng hay hỏi thằng sao cậu lại làm “cái đuôi” của tớ. Nhưng có vẻ Duy hiểu câu hỏi, bởi vì cậu ta trả lời:

- Vì cậu cười trông xinh.

- Chỉ thế thôi?

- Lúc đầu là thế nhưng dần dần tớ thấy cậu có nhiều điếm thú vị hơn nụ cười xinh ấy nhiều.

- Uhm, … lúc đấy cậu thjck tớ àh?

Uyên vẫn nhìn thằng, tự nhủ mình đào đâu ra can đảm để hỏi vâyh nhỉ? Nhưng có một điều gì đó vẫn cứ khiến người ta phải nói hết những gì giữ trong lòng.

- Ừ

- Thế bây giờ thì sao?

- Có bao giờ thay đổi đâu.

Uyên quay sang nhìn Duy

Và cậu ấy đặt lên trán cô nàng mọt nụ hôn dịu nhẹ nhưng ấm áp.

Mùa tuyết tan – FUYU

Trời mưa tầm tã suốt mấy hôm liền. Bó gối ngồi trong nhà mãi cũng chồn chân, tôi cứ ngồi ở cửa ssổ nhìn ra ngoài, mong cho trời hửng nắng để chạy ra ngoài chơi cùng lũ bạn. Huy sẽ thả con diều làm từ những mảnh giấy học trò và điều khiển nó bay cao nhất có thể. Tôi và Thảo sẽ chạy theo sau.Thảo lúc nào cũng muốn tự cầm dây diều để làm nó bay lên nhưng chưa bao giờ thành công. Còn tôi chỉ mê mẩn nhìn con diều như mỗi lúc càng gần bầu trời hơn.Bầu trời xanh ngắt như trải rộng mênh mang.

Con đường trước nhà đã lầy lội cả ra. Nước đọng thành vũng to vũng nhỏ. Lớp đất còn lại thì nhão nhoẹt, trơn như bôi mỡ, dính vào đế dép nặng trịch. Đi không cẩn thận rất dễ trượt chân ngã. Nắng lên được hơn nửa ngày thì chúng khô cứng lại. Mặt đường gồ ghề những ổ gà ổ vịt.

Tôi ở trong nhà chơi banh chuyền một mình, chờ bố mẹ đi làm về. Đến chiều thì Huy chạy sang, mang cho tôi một rổ ổi sẻ. Những quả ổi nhỏ nhắn, lớp vỏ xanh hơi sần sùi nhưng cắn vào lớp thịt lại có màu đỏ hồng.Vị chua chua ngọt ngọt. Ổi sẻ thoang thoảng một mùi thơm không thể nhầm lẫn và dễ chịu. Chưa thấy bóng Huy đâu nhưng tôi đã ngửi thấy mùi ổi thoang thoảng trong gió.Rất nhiều lần trong đời,mỗi khi nhớ về hương vị thân thương ấykhông còn gặplại nữa, tôi cảm thấy một nỗi bồi hồi.

-Tớ mang cho đằng ấy ít ổi.

-Hái trộm à?

-Đâu. Ổi nhà bà nội tớ đấy. Hôm nay nó bị chặt rồi. Những quả cuối cùng đấy.

Có để phần cho Thảo chưa?

Huy ngẩn ra, rồi gãi đầu gãi tay cười trừ. Cậu nói cụt ngủn “Quên” rồi rủ tôi tối trăng lên ra sông chơi. Cả Thảo nữa. Tôi gật đầu đồng ý, để riêng phần cho nhỏ bạn mấy quả ổi sẻ. Nhỡ nhỏ biết được mình không có phần lại buồn. Từ trước đến nay vẫn vậy.

Tôi, Huy và Thảo rất thân nhau. Cũng chẳng biết từ khi nào và tại sao, nhưng ba đứa cùng nhau học và cùng nhau chơi. Nhà Thảo khá giả hơn nhiều so với tất cả những đứa khác trong lớp. Nhỏ chưa bao giờ thiếu thốn bánh kẹo hay bất cứ thứ gì, nhưng lại hay ghen tị với bất cứ thứ gì Huy mang cho tôi. Quà na còn chưa chín, quà xoài cát chín cây hay bó hoa đồng nội tiện tay ngắt vội trên đường tan học. Bất cứ thứ gì. Đôi khi tôi nghĩ Thảo thi thoảng khó chịu với mình có lẽ vì những thứ nho nhỏ nhưng vậy.

Tối ấy, chúng tôi ra bờ sông ngắm trăng lên. Gió mang theo hơi nước mát rượi. Trăng tròn vành vạnh sáng rõ trên đầu và phủ lên mọi thứ một màu vàng mơ huyền ảo. Mặt sông được dát một lớp vàng sóng sánh, lấp loá. Khung cảnh huyền ảo như một giấc mơ cổ tích. Huy ném những viên sỏi xuống lòng sông. Mỗi khi nghe tiếng viên sỏi chạm vào mặt nước, ánh trăng sẽ vỡ ra rồi nhanh chóng liền lại, chỉ còn những vòng tròn nước lan ra đều đặn.Thảo cũng nhặt những viên sỏi ném xuống. Đom đóm lập loè, chầm chậm, lẩn khuất trong những đám cỏ. Tôi giữ được một con trong lòng bàn tay mình, định đem về nhốt trong lọ thuỷ tinh. Nhưng cuối cùng tôi thả nó đi, vì Huy nói đừng cướp đi sự tự do của nó.

Tôi đã nghĩ những ngày tháng ấy sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Nhưng hoá ra tôi nhầm.

Khi ấy, cả tôi, Huy và Thảo đều là những đứa trẻ mười ba tuổi lắm dại khờ.

~~~o0o~~~

Năm học Muời Hai, chúng tôi bắt đầu chọn ngã rẽ cho mình. Con đường bằng phẳng trước giờ cuối cùng cũng đã đi hết. Dù muốn dù không, chúng tôi cũng phải suy tính cho tương lai của mình.Những buổi chiều cả ba đứa ngồi ở nhà Thảo học bài, chúng tôi sôi nổi bàn tán về dự định của mình. Thảo đăng kí cùng trường đại học với Huy.

Tôi đăng kí một trường đại học khác và chuyên tâm vào nó. Tôi học hành như điên. Bỏ lại sau lưng tất cả những hờn giận ngây ngô. Cả ánh mắt da diết khi Huy tặng tôi một nhành hoa bằng lăng tím thẫm đầu mùa. Cậu ấy không nói một lời. Nhưng tôi đọc được điều sâu kín mà cậu ấy gìn giữ trong ánh mắt. Chỉ là tôi vờ như không biết mà thôi. Tôi cũng bỏ qua ánh mắt buồn long lanh lẫn cái mím môi tủi thân của Thảo. Tôi không đủ thời gian để quan tâm đến những hờn giận của người khác. Mà nó cũng đâu phải là lỗi của tôi.

Tôi đậu đại học, Huy cũng vậy. Khi hai đứa khăn gói lên thành phố, Thảo ở nhà ôn luyện thêm một năm. Tôi nhìn theo dáng nhỏ nhắn của cô bạn vẫy tay rối rít chào tạm biệt cho đến khi cái dáng ấy nhỏ dần rồi mất hút.

Dù cùng ở một thành phố nhưng do việc học bận rộn, đôi khi trái giờ nhau nên tôi và Huy cũng ít khi gặp mặt.Những lần uống cà phê hiếm hoi của hai đứa, tôi và Huy cũng chỉ kể cho nhau nghe những câu chuyện vụng vặt ngày thường, và nhắc đến Thảo.

Valentine Huy mang tặng tôi nhành hoa hồng đỏ. Tôi nhận, nhưng chỉ cười.

-Cậu sợ tớ buồn vì không ai tặng hoa cho tớ à? Cám ơn nhé!

Huy cười trừ mà không thanh minh thêm bất cứ điều gì.

Khi hai đứa là sinh viên năm hai, Thảo vẫn không đủ điểm nguyện vọng một.. Lần này nhỏ không ôn luyện gì nữa, chọn mộtnguyện vọng hai rồi rời quê nhà. Không phải ngành học phù hợp, và cũng hoàn toàn không hứng thú gì với nó, Thào trờ nên chán nản. Tôi nghe Thảo bỏ học dở dang năm ba khi Verona vào mùa thu. Lá đỏ ối rơi đầy lối tôi về phòng thuê. Trong suốt những năm học đại học, tôi đã luôn cố gắng tìm được một học bổng du học. Và khi cơ hội đến, tôi như con diều cứ nương theo chiều gió bay lên, chẳng kịp đắng đo bất cứ điều gì. Giữ trong lòng hoài bão và khát vọng, tôi cắn môi vượt qua những đm6 nhớ nhà, những hoang mang tuổi trẻ mà nắm chặt lấy điều mình đã chọn. Đôi lúc nhớ về những ấm êm ngày cũ, lại thấy mình yếu đuối. Nhưng chỉ thi thoảng mà thôi.

Thảo nghỉ học rồi xin làm việc bán hàng trong một siêu thị nhỏ. Giọng điệu nhỏ trong email gửi cho tôi mạnh mẽ, cứng rắn, bất cần nhưng lại đầy ấp nỗi hoang mang. Huy không gửi bất cứ dòng nào cho t ôi. Có lẽ cậu ấy vẫn còn giận.

Ba ngày trước khi bay, t ôi mới cho Huy biết. Cậu ấy đón nhận tin bằng một thái độ bình tĩnh. Sau khi khuấy ly cà phê một cách vô thức, Huy nói mà không nhìn vào mắt t ôi.

-Uy ên th ật s ự s ẽ đi sao?

-Ừ.

-Uy ên c ó bi ết m ình th ích Uy ên kh ông?

Cuối cùng cậu ấy cũng nói ra điều ấy. Tôi đã hy vọng cậu ấy sẽ chẳng bao giờ nói ra.Vì sự thật ấy sẽ làm vỡ mất một thứ gì đó mà tôi đã cố gìn giữ. Nhìn thẳng vào mắt cậu ấy, tôi thành thật.

-Mình biết chứ. Nhưng mình xin lỗi. Mình không thể đáp lại. Huy này, đừng thích mình nữa. Tình cảm của cậu khến mình cảm thấy mất đi tự do.

Huy sững người nhìn tôi.

Rồi chúng tôi chia tay nhau ở ngã tư giờ cao điểm. Xe cộ chen nhau đông nghẹt.

Hôm ra sân bay, cả hai ra tiễn tôi. Tôi ôm chầm lấy Thảo. Nhỏ khóc. Vậy mà mắt tôi ráo hoảnh. Nhỏ cứ huyên thuyên dặn dò về đủ thứ hệt như mẹ tôi vậy.

-Thảo nè, hứa với Uyên, đừng vứt bỏ ước mơ của chính mình.

Huy bắt tay tôi. Cậu ấy cười.

Hãy tự do hơn cả chú đom đóm đó.

Thảo gửi email cho tôi, bảo rằng Huy không hề giận tôi. Cậu ấy chỉ cần thời gian để quên tôi đi và bình tâm lại. Cậu ấy ổn, và sẽ ổn hơn theo thời gian. Còn Thảo, nó cũng quyết định thi lại vào trường Sư phạm để đeo đuổi giấc mơ gõ đầu trẻ. Lần này hoàn toàn nghiêm túc và quyết tâm. “Dù muộn hơn một chút nhưng chưa bao giờ la không thể, phải không Uyên?Tớ cũng đã nói rõ tình cảm của mình dành cho Huy. Câu trả lời đúng như tớ nghĩ. Nhưng cậu đừng lo, tớ sẽ ổn thôi”. Hơn hai mươi tuổi rồi người ta cũng thành thật với chính mình.

Tôi nhận tin Huy mất cũng vào mùa Thu. Khi ấy cuối Thu rồi nên lá vàng lá đỏ cũng thưa thớt, yếu ớt, héo tàn. Thảo gọi điện thoại báo cho tôi biết, vừa nói vừa khóc nức nở.Huy gặp tai nạn giao thông.Tôi không về được mà bị kẹt ở Verona khi mùa Đông đến. Tuyết phủ trắng mọi thứ, lạnh buốt thịt da. Ngồi trong phòng nhìn trời đổ tuyết qua lớp cửa kính, tôi thấy như trời đang khóc vậy. Tự pha cho mình một tách lớn cà phê đậm đặc nhưng không chạm môi tới, tôi chỉ im lặng ngắm tuyết rơi.Buồn. Cuốn lưu bút cũ nằm trên đùi, nhắc lại những gương mặt cũ. Là Thảo tiểu thư, trẻ con, nhiều hờn giận nhưng đầy ấp tình cảm. Huy thật thà, hiền lành, lắm nhường nhịn. Tôi nhiều hoài bão, cứng rắng và tỉnh táo. Nó đã là điểm tựa cho tôi trong rất nhiều khó khăn của cuộc hành trình.

Tôi có cảm giác mình trở về là cô bé mười ba tuổi năm nào ngội đợimưa tạnh. Và thèm mùi ổi thoang thoảng theo gió bay khắp nhà. Tôi hít nhẹ. Nhưng chỉ có hơi nước lạnh buốt xộc thẳng vào mũi. Không hiểu sao lúc này tôi mới cảm nhận được nỗi mất mát lớn lao, sự thật rằng một người bạn đã rời xa mình vĩnh viễn. Tôi khóc. Nước mắt như hoà vào những bông tuyết lả tả rơi.

Nỗi buồn đau chỉ nguôi ngoai bớt khi tôi nhìn thấy một bông hoa giọt tuyết trắng muốt vươn mình từ đám sương giá còn sót lại ở sau vườn hoa của bà chủ nhà. Mùa Xuân đến.

~~~o0o~~~

Tôi giật mình tỉnh giấc. Dụi mắt, cố căng mắt nhìn mọi thứ qua cửa kính. Trời mờ sáng. Bầu trời chỉ mới tai tái ở đằng đông, ánh sáng không đủ soi rõ điều gì. Nhưng trực giá cho tôi biết mình sắp trở về nhà. Trái tim tôi đập rộn ràng trong lòng ngực.

Thu xếp tạm mọi việc ở thành phố, tôi mua ngay vé tàu về quê.Dù là việc gì thì Tết cũng là dịp để về quê, là ngày sum họp.Thêm nữa, tôi đã không được ăn Tết quê nhà quá lâu rồi, đến nỗi sợ mình sẽ quên mất không khí và hương vị ấy. Thảo đã về quê trước tôi. Nhỏ bảo sẽ ra đón tôi ở nhà ga, rồi hai đứa sẽ cùng đi thăm Huy, tặng cho cậu ấy những bông hoa vạn thọ vàng tươi.Rồi chúng tôi sẽ hàn thuyên chuyện cũ và nói về chuyện mới.

Tôi đã về rồi đây.Quê nhà ơi.

Băng đô màu thiên thanh- Fuyu

        1. Tôi chưa từng chú ý đến Linh.

        Ừ thì tôi chưa từng chú ý đến ai quá đặc biệt, cả nam lẫn nữ. Vì như thế có vẻ phiền phức quá. Tôi thích giữ mọi thứ ở chừng mực vừa đủ để mình không bị cô lập, cũng không quá thân thiết để gắn chặt với nó.

        Tôi chỉ chú ý đến Linh, một dạng của tò mò, khi cô bạn cắt tóc. Mái tóc ngắn ngủn, so le, mái ngố, giống như một cái gì đó tròn tròn ôm lấy cái đầu của bạn ấy vậy. Trông chẳng hợp tí nào. Dù không nhớ rõ, nhưng tôi chắc mẩm trước khi cắt tóc bạn ấy xinh hơn nhiều.

        Cả lớp đều ngạc nhiên trước hình ảnh mới của Linh. Hay nói đúng hơn là sốc. Chẳng ai khen cậu ấy xinh cả. Không phải một mình tôi, mà nhiều người cũng thấy mái tóc ấy tương tự một “thảm họa”.

        Dĩ nhiên là tôi chẳng biết nhiều về tụi con gái. Nhưng không phải tất cả đều có chiều hướng là làm cho mình xinh hơn hay sao?

        Tan học, tôi và Linh cùng đứng đợi xe buýt. Hai năm nay, ngày nào cũng thế. Hôm nay xe buýt đến hơi muộn một chút.

-         Sao cậu cắt tóc thế?

-         Tự nhiên thấy buồn. Nhưng cắt xong rồi còn buồn hơn.

-         Hử?

-         Tuấn không thấy sao? Trông tớ rõ là kinh khủng với mái tóc này. Lúc cắt xong, nhìn chính mình trong gương, tớ đã nghĩ đến việc ở lì trong nhà cho đến khi nó dài ra trở lại.

        Linh quấn tóc vào ngón tay, nhưng vì ngắn quá nên nó tuột ra, nhăn nhó.

        Tôi im lặng. Hóa ra cậu ấy cũng tự biết là kiểu tóc này chẳng hợp với mình chút nào. Chuyện gì nghiêm trọng đến nỗi cậu ấy lại dại dột bê nguyên “thảm họa” lên đầu thế kia?

        Đột ngột, Linh thở hắt ra, lấy lại giọng điệu tươi tỉnh.

-         Nhưng mà kệ. Cắt rồi thì khóc lóc ích gì. Vài hôm lại dài ra thôi.

        Xe buýt đến. Linh nhảy lên trước, tôi nhảy lên sau. Như những ngày đi chung suốt cả một năm qua, tôi và cậu ấy mải mê với playlist của mình. Chẳng chú ý đến ai nữa.

        2. Mẹ tôi là một người phụ nữ kì lạ. Mặc dù tôi là đứa con trai duy nhất của bà nhưng điều đó không có nghĩa là tôi được nuông chiều. Làm việc gì sai trái, ăn đòn. Lì lợm, ăn đòn. Việc nhà, không được phép xem là công việc của riêng phụ nữ, nghĩa là cũng phải làm. Từ nhỏ, mẹ đã dạy tôi không được bắt nạt các bạn gái, không được làm họ rơi nước mắt. Một thằng con trai chân chính thì phải lau khô nước mắt khi họ khóc. Chẳng biết lúc ấy tôi có hiểu “thằng con trai chân chính” nghĩa là gì không, hay tôi có thật sự chú tâm vào những gì mẹ nói không. Có thể do mẹ lặp đi lặp lại mãi nên chúng ngấm sâu vào tính cách của tôi. Chỉ biết tôi chưa từng giật tóc, bắt sâu trêu chọc các bạn nữ bao giờ.

        Tôi thử lục lại ảnh cắm trại của cả lớp năm ngoái. Khi ấy Linh vẫn còn để tóc dài, cột cao lên. Trông bạn ấy rất xinh. Mắt bạn ấy cười lấp lánh chứ không phải là cười gượng như bây giờ. Dẫu cô bạn đã tỏ ra mạnh mẽ và tươi tỉnh, nhưng tôi biết bên trong là một điều gì đó rất dễ vỡ. Tôi biết mà. Vì bản thân tôi cũng từng như vậy.

        Lại thêm một buổi chiều tan học khác. Cả hai đứng đợi xe buýt. Tôi lén nhìn trộm mái tóc ngắn ngủn của Linh, nói vội.

-         Thật ra trông cũng không đến nỗi kinh khủng lắm đâu. Khá giống một con búp bê.

        Mất vài giây, Linh mới hiểu là tôi đang nói đến “thảm họa” của bạn ấy. Linh lắc lắc đầu làm động tác như một con rối.

-         Một con búp bê bị hỏng và bị bỏ rơi như trong Toy story hả?

        Điệu bộ của cô bạn làm tôi phì cười. Linh cũng nhoẻn miệng cười.

        Hôm ấy, lần đầu tiên trong suốt một năm đi chung xe buýt, chúng tôi cất playlist của mình đi. Thay vào đó, Linh say sưa nói về series phim hoạt hình mà bạn ấy yêu thích – Toy story.

        Ừ thì tôi đã xem đâu mà biết phải nói cái gì.

        4. Giờ giải lao của mỗi buổi học, tôi thường áp mặt lên mặt bàn và lim dim ngủ. Đi học buổi trưa thì dễ buồn ngủ lắm, nhất là khi nắng cứ mơ mơ màng màng và gió hiu hiu.

        Nhưng trưa nay thì không. Nói đúng hơn là tôi không được để yên mà ngủ.

        Linh đập nhẹ vào vai tôi.

-         Này, xuống căn-tin ăn chè với tớ đi.

        Cậu ấy rủ tôi đi ăn chè, nhưng cuối cùng lại ăn một lèo hết ba hũ sữa chua. Tôi ăn nửa cốc chè thì bỏ lửng. Ngọt quá.

-         Cậu muốn ăn gì nữa không? Hôm nay tớ đãi. Sinh nhật mà.

        Tôi tròn mắt, chả biết nói gì.

-         Tí nữa tan học đi siêu thị với tớ một tí không? Tớ muốn tự mua cho mình một món quà.

-         Ừ, tớ đâu có bận gì.

        Chiều ấy, khi Linh biến mất giữa một rừng áo quần, tôi chóng mặt ở quầy băng đô cài tóc. Tôi định mua tặng ban ấy vì một lần tình cờ xem trên tivi thấy tóc ngắn mà cài băng đô thì xinh lắm. Khắc phục “thảm họa”. Làm con gái cũng thiệt là khổ. Chọn lựa một trong một đống thế này cũng đủ mệt rồi.

        Cuối cùng, màu thiên thanh của một chiếc băng đô níu mắt tôi lại. Nó có một bông hoa lệch về bên phải, cũng màu thiên thanh, với phần nhụy màu trắng nhạt màu dần. Và tôi mua.

-         Chúc mừng sinh nhật.

        Linh cầm lấy cái nơ, mỉm cười.

-         Cám ơn Tuấn. Nhưng mình không nghĩ sẽ cài băng đô đi học đâu. Thế này đủ gây sự chú ý lắm rồi.

-         Dùng lúc không ở trường ấy. Mình nghĩ khi cậu cài nó sẽ trông giống một bông hoa nemophila.

        Linh nhíu mày.

-         Là cái gì?

-         Tự lên google mà tìm đi. – Tôi tỉnh bơ.

        5. Hai tuần sau, Linh đến lớp, với mái tóc ngắn ngủn như con trai. Còn tệ hơn cả  thảm họa.

        Giờ giải lao, tôi đập nhẹ vào vai Linh.

-         Xuống căn-tin ăn sữa chua với tớ đi.

        Tôi rủ ăn cái gì thì sẽ ăn cái đó. Hai hũ sữa chua hết veo nhanh chóng.

-         Cậu có điều gì stress hãy nói với tớ. Đừng hành hạ mái tóc của mình nữa. Nó có tội gì đâu. Ăn thêm không?

        Linh siết nhẹ hũ sữa chua rỗng không.

-         Lần trước bố mẹ mình cãi nhau, um sùm hết cả, mọi thứ bay lung tung và vỡ tan tành. Lần này thì im lặng như tờ, nhưng kí đơn li dị rồi.

        Đột ngột, một giọt nước mắt rơi xuống mu bàn tay Linh. Rồi hai, ba… Tôi không đếm nữa. Mắt cậu ấy nhòe nước mà tôi chẳng biết làm cách nào để chúng khô đi.

        6. Chủ nhật sau đó, tôi rủ Linh đến nhà tôi chơi, sẵn mang cho tôi mượn mấy đĩa DVD Toy story.

        Linh nhìn quanh.

-         Nhà cậu giờ này không có ai à?

-         Có con Bucky.

        Tôi huýt sáo, con chó to đùng lông trắng xám chạy vù tới, quấn lấy chân tôi và vẫy đuôi liên tục. Mẹ tôi đã đặt tên đó cho nó vì bà rất thích chú chó Buck trong “Tiếng gọi nơi hoang dã”.

-         Bố tớ chiều mới về. Vào bếp đi, tớ đang nấu ăn. Cậu có thể phụ nhặt rau nếu thích.

        Linh không giấu được sự kinh ngạc.

-         Cậu biết nấu ăn?

-         Một trong những bài học thuộc series “Con trai chân chính” của mẹ tớ đấy. Sẵn nói đến mẹ tớ, nhìn đây nè, hoa nemophila đấy.

        Tôi chỉ vào những tấm ảnh nằm sau lớp kính trên bàn ăn. Đó là một loài hoa nhỏ, cánh hoa nửa xanh nửa trắng rất đẹp. Khi chúng cùng nở rộ bạt ngàn một vạt đất, màu xanh của chúng như nối liền màu xanh bầu trời, như cả một bầu trời vừa sa xuống. Mẹ bảo đó là cảnh tượng tuyệt đẹp không mấy ai quên được. Khi đã nhìn thấy rồi thì có cảm giác như mọi nỗi buồn phiền không còn hiện hữu nữa. Như bầu trời lúc nào cũng xanh thăm thẳm dịu dàng sau mỗi lần mưa rào.

        Tôi kể với Linh mẹ tôi đã chụp nó khi bà sang Nhật, tại đảo Honshu .

        Và còn rất nhiều những điều khác nữa. Như những lần học nấu ăn với bà. Như khi tám tuổi được bà cõng trên lưng. Cả những cuốn sách hai mẹ con cùng đọc. Những kỉ niệm như một chuỗi ngọc, hết hạt này lại dẫn đến hạt kia.

-         Mẹ cậu đâu rồi? – Linh thoáng mỉm cười khi hỏi.

-         Trên thiên đàng, tớ luôn tin như vậy. – Tôi mỉm cười trấn an khi Linh tỏ ra bối rối – Mẹ tớ mất hơn một năm rồi. Tớ vẫn thường nấu món trứng cuộn khi nhớ bà, vì đó là món mẹ tớ dạy tớ nấu đầu tiên. Dẫu có lúc tớ tưởng chừng như thế giới này đã sụp đổ rồi khi tớ biết mẹ chẳng còn nữa. Nhưng những kí ức giữ tớ đứng vững, giúp tớ nhận ra mẹ yêu mình biết bao nhiêu. Và tớ biết mình phải tiếp tục cuộc sống của mình. Cậu còn có thể gặp cả ba và mẹ. Mọi chuyện đâu có tệ đến thế, phải không?

        7. Tan học, tôi và Linh ngồi cùng một băng ghế trên xe buýt. Hôm nay, cậu ấy cài băng đô màu thiên thanh đến trường. Mái tóc đã dài ra một chút. Như một bông hoa nemophila. Trông rất ngộ ngĩnh.

-         Tuấn nè, cậu nói đúng, mọi chuyện đâu có tệ đến thế. Tớ đã thử nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ, và hiểu rằng họ chỉ kết thúc một điều gì đó không còn vừa vặn với họ nữa. Quan trọng là họ vẫn còn yêu tớ.

        Tôi không biết nói gì, chỉ mỉm cười thôi.

-         Cậu đúng là một cậu con trai chân chính đấy.

        Nói đến đây thì tôi đỏ mặt rồi.

-         Cám ơn cậu đã ở bên cạnh tớ.

        Linh ngả đầu lên vai tôi. Chiếc xe buýt cứ đi, như mọi lần, dẫn đường về tổ ấm. Dẫu có giông bão gì quét qua, nó vẫn cứ là tổ ấm.

        Tôi nghe buổi chiều bình yên.

Böôùc chuyeån muøa dòu daøng

Nhaø toâi vaø Ly chæ caùch nhau moät haøng raøo hoa daâm buït ñoû. Chæ caàn ñöùa naøy goïi ñöùa kia í ôùi laø moät luùc sau ñaõ thaáy maët nhau. Meï toâi xem Ly nhö con gaùi, moãi laàn coù moùn gì ngon luoân baûo toâi mang cho Ly. Coøn Ly thì hay ruû toâi sang nhaø noù chôi troø meï con cuøng maáy con buùp beâ, döôùi goác caây maän. Coù laàn oâi nghòch, beû gaõy tay chaân buùp beâ laøm Ly khoùc toaùng leân. Nhìn doâi maét long lanh nöôùc, toâi boái roái gaét leân “ Maøy ruû tao sang ñaây coøn gì?”.
Troø chôi aáy chính thöùc chaám döùt khi chuùng toâi hoïc lôùp moät.toâi khoâng nhôù gì veà troø chôi aáy nhieàu, nhöng kí öùc veà nhöõng böôùc chuyeån muøa döôùi goác caây maän thì raát saâu ñaäm. Khi hoa maän baét ñaàu nôû, roài nhöõng caùnh hoa traéng ruïng ñaày saân, vöông ñaày toùc, ñaày aùo, thôm nöùc. Roài nhöõng quaû maän luùc læu ñoû au.
- Chöa coù traùi maân naøo chín ñaâu. Maän non coøn chaû coù.
Tieáng Ly lanh laûnh töø coång. Toâi noùi ngoùng sang.
- Coù ai chôø maän chín ñaâu. Ñi ñaâu veà theá?
- Tôù ñi mua saùch

~~~o0o~~~

Caùi daïo loùc nhoùc ñaáy, cuùng toâi hay ñi chôi chung vôùi nhau. Thi thoaûng coù nhöõng buoåi tröa leùn ñi thaû dieàu döôùi caùi naéng oi aû, hay ñaøo deá. Coù nhöõng hoâm trôøi möa, chæ coù theå ôû lì trong nhaø, toâi vaø Ly laøm oáng nghe baèng hai voû lon vaø moät sôïi daây ñeå troø chuyeän. Lôùn theâm moät chuùt, toâi ñi ñaù banh vôùi luõ con trai, Ly cuõng khoâng theo chaân toâi nöõa. Coâ baïn ôû nhaø ñoïc saùch, ñoïc nhieàu kinh khuûng. Sinh nhaät chín tuoåi, toâi veùt saïch tieàn trong oáng tieát kieäm mua cuoán truyeän coå tích Andersen taëng cho Ly.
Caøng lôùn chuùng toâi caøng ít ñi cuøng nhau. Nhöng thi thoaûng, toâi vaãn ñeøoLy ñi hoïc, ñi mua saùch, ñi aên kem. Baïn beø nhöõng ngaøy ñaàu thaáy vaäy hay treâu choïc nhöng khi hai nhaân vaät chính khoâng theøm ñeå yù, cö phôùt lôø thì chuùng noù cuõng chaùn.

~~~o0o~~~

Muøa thu naêm möôøi tuoåi, moät laàn toâi soát cao phaûi naèm yeân treân giöôøng. Ly ñeán thaêm toâi, mang theo moät naém coû xa truïc thaûo nhöng khoâng coù laù naøo boán caùnh, ñaët chuùng leân baøn. Caû buoåi chieàu, Ly ngoài beät döôùi saøn nhaø, ñoïc cho toâi nghe nhöõng caâu chuyeän trong cuoán saùch maø toâi mua taëng. Toâi nhôù maõi caâu chuyeän veà coâ beù Giec-da ñaõ cöùu kay töø tay Baø chuùa Tuyeát. Vì Ly baûo:
- Neáu caäu bò Baø chuùa tuyeát baét ñi, tôù seõ cöùu caäu, nhö giec-da vaäy.
Toâi ñang meät vì côn soát, caû ngöôøi khoù hòu vì noùng neân baûo:
-Baø chuùa Tuyeát caùi gì? Coù Baø chuùa löûa ñaây naøy!
Toâi heát oám thì ñeán Ly. Thôøi tieát ñoûng ñaûnh neân raát nhieàu ñöùùa bò oám. Töø nhoû, Ly ñaõ voán yeáu ôùt hôn nhöõng ñaùu khaùc moät chuùt neân naèm nhaø cuõng laâu hôn. Vaäy laø toâi ñi mua cuoán truyeän coå Grim, ngoài ñoïc eâ a nhöõng caâu chuyeän veà coâng chuùa, hoaøng töø, ngöôøi khoång loà, tí hon… Cuoái cuøng laïi bò Ly, ñang naèm treân giöôøng vôùi chieác khaên öôùt treân traùn, thì thaøo moät caùch phuõ phaøng:
- Caäu ñoïc chaû hay gì caû?
Neáu Ly khoâng oám thì toâi ñaõ coác ñaàu maáy caùi cho boû gheùt.

~~~o0o~~~

Toâi chôi boùng suoát thôøi hoïc caáp hai. Khi leân caáp ba, toâi tham gia vaøo ñoäi boùng cuûa tröôøng. Vì vaäy chieàu naøo toâi cuõng cuøng ñoäi taäp luyeän ôû saân boùng ít nhaát laø moät giôø ñoàng hoà. Caøng ñeán gaàn Giaûi boùng ñaù caùc tröôøng caáp ba tænh, toâi caøng taäp luyeän nhieàu hôn. Vì vaäy, Ly hay sang nhaø toâi ñeå giuùp oân taäp nhöõng baøi hoïc treân lôùp.
Moät hoâm, khi toâi ñang taäp boùng thì trôøi möa. Luùc ñoù, caû ñoäi chia thaønh hai ñoäi nhoû vaø ñaáu taäp vôùi nhau. Möa rôi caøng naëng haït nhöng traän ñaáu taäp thì caøng haêng hôn. Maáy thaèng con trai möôøi taùm tuoåi ñaù boùng döôùi trôøi möa chaúng khaùc gì nhöõng caäu nhoùc taém möa möôøi tuoåi. Ly caàm oâ, ñi töø thö vieän tröôøng ngang qua saân boùng, ñöùng nhìn chuùng toâi taäp moät luùc roài thong thaû ñi boä veà nhaø. Tröôùc khi ñi, Ly naém tay giô veà phía tröôùc, heùt leân:
- Voâ ñòch!
Caû ñoäi boùng cuõng haøo höùng heùt leân: “Voâ ñòch!”
Sau hoâm daàm möa, toâi bò caûm. Toâi baûo Ly khoâng caàn sang nhaø giaûng baøi cho toâi nöõa, chôø khi naøo toâi khoeû ñaõ. Ly maø bò caûm thì laâu khoûi laémmaø.

~~~o0o~~~

Tuaán laø tieàn ñaïo chính cuûa ñoäi boùng, laø ngöôøi chôi aên yù nhaát vôùi toâi. Caäu ta haøi höôùc, taâhn thieän, toát tính, chôi raát ñoàng ñoäi. Noùi chung laø moät caäu baïn raát ñöôïc. Sau khi thaéng traän baùn keát, Tuaán ruû toâi ñi aên möøng chieán thaéng. Tuaán thì thaàm:
-Caäu ruû Ly ñi nöõa nheù? Hai ngöôøi laø baïn thaân maø.
Ñöôïc vaøo chung keát thì lieân quan gì ñeán Ly? Toâi vaø Ly laø baïn thaân thì lieân quan gì ñeán vieäc aên möøng? Nhöng toâi khoâng thoát ra lôøi naøo veà nhöõng thaéc maéc ñoù,chæ gaät ñaàu ñoàng yù. Tuaán ñoät ngoät laëp laïi.
-Caäu vaø Ly chæ laø baïn thaân thoâi, ñuùng khoâng?
-Chæ theá thoâi.
Suoát caû buoåi aên kem, Tuaán troâng vuïng veà hôn haún ngaøy thöôøng, coøn khaù caêng thaúng nöõa. Caäu ta goïi ñuùng loaïikem vani maø Ly yeâu thích, chaúng hieåu ñaõ laáy thoâng tin töø ai.Toâi deã daøng keát luaän raèng, Tuaán thích Ly, nhöng töø khi naøo vaø taïi sao thì chòu.
Tuaán hay mang moät thöù gì ñoù taëng Ly nhöng laïi laøm nhö tình côø.Moät hoäp söõa chua laø vì mua thöøa moät hoäp.Moät caùi moùc khoaù hình Kou Kitamura (nhaân vaät nam chính trong manga Cossgame cuûa taùc giaû AdachiMitsuru, coù ai khoâng bieát truyeän naøy khoâng) , moät nhaân vaät maø Ly thích, vì mua maø khoâng duøng ñeán. Moät caây buùt nhuõ vì khoâng thích maøu möïc ñoù.Thi thoaûng coøn cho Ly möôïn maáy cuoán saùch. Theá maø Ly cuõng chaúng hieåu gì, coøn hoàn nhieân baûo:
-Caâu baïn cuûa Huy toát thaät.
Caâu noùi ñoù chaúng coù gì ñaëc bieät. Vaäy maø khi toâi thuaät laïi caâu ñoù, Tuaán vui nhö caàm cuùp voâ ñòch saép tôùi. Toâi thaáy caû hai khaù laø gioáng nhau, chaéc chaén laø raát hôïp. Nghó ñeán ñoù, toâi töï nhieân thaáy khoù chòu. Cöù nhö Tuaán saép laáy ñi caùi gì ñoù maø toâi ñaõ coù trong suoát moät khoaûng thôøi gian daøi. Neáu Tuaán vaø Ly laø moät ñoâi, haún toâi seõ bò cho ra rìa, nhö moät caàu thuû bò phiaït theû ñoûvaø chæ coù theå xem traän boùng töø phoøng caùch ly.

~~~o0o~~~

ÔÛ gaàn nhaø cuûa chuùng toâi, maát möôøi laêm phuùt ñaïp xe seõ ñeán moät ngoâi chuøa ñöôïc xaây döïng treân nhöõng phieán ñaù voâi lôùn, caây xanh gaàn nhö phuû kín. Coù hai con ñöôøng ñeå vaøo, song song nhau. Moät laø baäc thang raát cao vaø moät laø con ñöôøng doác thoai thoaûi.Chuùng toâi thöôøng choïn caùch leo leân nhöõng baäc thang, ñeám töøng baäc moät vaø thôû doác vì meät. Trong chuøa luoân maùt röôïi vaø yeân tónh, vì theá moãi khi muoán traùnh caùi noùng oi aû, chuùng toâi laïi hay leo leân caùi thaùp cao nhaát cuûa chuøa. Ñöùng ôû ñoù, gioù bieån thoåi loàng loäng, maùt röôïi. Chuùng toâi coù theå thaáy bieån ôû phía tröôùc maët, Beân traùi laø röøng döøa, nhöõng chieác thuyeààn beù tí,nhöõng maùi nhaø laáp loù trong maøu xanh cuûa laù…Laàn ñaàu tieân khi leo leân toaø thaùp ñoù cuõng laø laàn ñaàu tieân toâi nhaän ra theá giôùi roäng lôùn ñeán möùc naøo. Dó nhieân laø trong nhaän thöùc cuûa moät ñöùùa treû.
Traän chung keát dieãn ra ñaõ ñöôïc moät tuaàn, vaäy maø toâi vaãn chöa thoaùt ra ñöôïc caûm giaùc thaát baïi. Chæ laø moät baøn caùch bieät ôû hai phuùt cuoái cuøng. Toâi uû ruû, chaùn taát caû moïi thöù. Tuaán coøn khoe Ly nhaén tin ñoäng vien vaø taëng moät maët laù coù nhaùnh coû xa truïc thaûo, boán caùnh. Toâi laïi mô hoà nghó ñeán moät chieác theû ñoû.
Cuoái tuaàn, Ly ruû toâi ñi chôi. Coâ baïn loâi toâi ra khoûi nhaø vaø ñeán coâng vieân troø chôi, haønh haï toâi soáng dôû cheát dôû vôùi maáy troø taøu löôïn sieâu toác. Xuoâng maët ñaát roài maø ñaàu toâi vaãn coøn quay moøng moøng. Naèng naëc loâi toâi vaøo ngoâi nhaø ma duø sau ñoù heùt aàm ó… Nhöng taâm traïng toâi ñaõ vui leân nhieàu. Luùc ñi mua hai caây kem ñeå nghó meät luùc chôi xong troø ñaïp vòt, toâi chôït nhôù ñeán loøi höùa naêm naøo “ Neáu caäu bò Baø chuùa Tuyeát baét ñi, tôù seõ ñi cöùu caäu, nhö Giec-da vaäy!”.
Treân ñöôøng veà, toâi ruû Ly laïi ñeán ngoâi chuøa gaàn nhaø. Caû hai laïi leo leân nhöõng baäc thang cao.
-Maáy baäc thang nhö nhoû ñi aáy nhæ? Ngaøy xöa tuïi mình tahy61 baäc naøo cuõng cao caø. Ñuùng laø lôùn thaät roài. Leo thang thích thaät.
-Thích maáy caùi thang ñeán vaäy sao khoâng ñi tu luoân ñi? – Toâi chaâm choïc.
Toâi vaø Ly leo leân toaø thaùp cao nhaát. Caûnh vaät döôøng nhö vaãn vaäy, nhöng caûm giaùc thì ñaõ khaùc. Ñaõ khoâng coøn ngaïc nhieân vaø choaùng ngoäp.Vì ôû tuoåi möôøi taùm naøy, toâi nhaän bieát ñöôïc raèng theá giôùi roäng lôùn hôn nhöõng gì tröôùc maét raát nhieàu.
Toâi nghó raát nhanh, möôøng töôïng laïi nhöõng gì ñaõ töøng coù cuûa aáu thô vaø nghó ñeán töông lai.Ly ñaõ chaúng coøn laø coâ baïn yeâu ôùt mít öôùt naêm naøo, coù nhieàu cahng2 trai ñang vaø seõ thích, quan taâm ñeán coâ aáy, chaúng ñeán löôït toâi phaûi lo laéng. Moïi thöù roài seõ thay ñoåi, nhöng tình baïn möôøi maáy naêm cuûa chuùng toâi nhaát ñònh seõ khoâng thay ñoåi deã daøng.
-Tuïi mình vaãn laø baïn, ñuùng khoâng?
Ly ngô ngaùc nhìn toâi.
-Taát nhieân laø vaäy,hoûi gì laï quaù. Caäu ñònh… boû nhaø ñi chæ vì thua traän boùng ñoù haû?
Toâi gaàn nhö muoán coác co Ly maáy caùi. Trong ñaàu toaøn chöùa nhöõng yù nghó kì quaùi ñeán khoâng tin ñöôïc.
-Caäu thaáy Tuaán theá naøo?
-Hm… caäu aáy deã thöông vaø toát buïng.
-Caäu bieát Tuaán laø tieàn ñaïo raát gioûi khong?
-Bieát.
Caäu bieát Tuaán veõ tranh raát ñeïp khoâng?
-Theá aø?
-Caäu bieát Tuaán thích caäu khoâng?
Kh!!!
Ly môû to maét nhìn toâi, laép baép ñeâìu gì ñoù, coøn maù thì öûng hoàng leân. Thieät tình, moãi laàn maéc côõ ñeàu nhö theá caû.
Toái hoâm ñoù, Tuaán nhaén tin cho toâi “ Ly vöøa caùm ôn tao, nhöng chöa traû lôøi ngay ñöôïc. Duø vaäy, tuaàn sau seõ ñi xem phim. Maøy nghó phim gì thì phuø hôïp?Help me!”
Toâi mæm cöôøi. Hai keû hoàn nhieân naøy chaéc chaén seõ hôïp vôùi nhau.
Vaø nhö vaäy, coøn ñieàu gì coù theå toát hôn!
FUYU

Phép màu của Lọ Lem

Lọ Lem.

Trùng tên với cô nàng xinh nhất lớp không phải là một chuyện dễ chịu. Nhất là khi chính bạn lại chẳng có điều gì nổi bật để sánh với cô nàng đó. Thậm chí nếu bạn quá tệ, bạn có thể sẽ trở thành trò cười mỗi khi người ta hết chuyện buôn lại đem cả hai ra so sánh.
Như Quỳnh đang ở trong tình thế như vậy.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu Quỳnh đi ra cửa lớp để gặp một người, mà người đó lại đang đợi một người khác. Khi nhìn thấy Quỳnh, thoạt đầu người đó sẽ kinh ngạc, nhưng sau đó rất nhanh, ánh mắt sẽ chuyển sang châm chọc, thậm chí là coi thường. Vì người mà họ muốn gặp nhất định không phải là một đứa con gái gầy gò, thu mình sau cái áo cadigan rộng thùng thình và dài đến nỗi che được cả hai bàn tay. Mái tóc đen dài quá lưng không được chăm sóc, cắt tỉa vì dường như nhiệm vụ của nó chỉ là để chủ nhân giấu hai vành tai và một phần gương mặt. Thoạt nhìn, Quỳnh luộm thuộm và khá bê bối.
Cậu bạn kia sau khi biết nhầm người đã cười, không hề ẩn chứa sự thân thiện, và nói ngay.
- Có vẻ như bạn nhầm rồi. Người mình muốn gặp là một người khác cơ.
Quỳnh cảm thấy như có cái gì đó nghẹn lại ở cổ họng. Khó chịu. Và dù biết rằng mình nên đáp trả lại một điều gì đó thật rắn nhưng cuối cùng cô nàng chỉ ậm ừ, định quay trở vào lớp, chấm dứt tình thế khó xử này. Đột ngột, có ai đó đứng sau lưng Quỳnh, ngăn cô bạn lại.
- Này, người cậu cần tìm là Diễm Quỳnh. Còn đây là Như Quỳnh. Chính cậu mới là người nhầm lẫn vì không hỏi cho rõ ràng. Thế giới này biết bao người trùng tên. Lần sau nhớ cẩn thận hơn.
Rụt rè quay đầu lại, Quỳnh nhận ra đó là Nguyên, cậu bạn học chung lớp. Trên tay cậu ấy còn đang cầm cái giẻ lau bảng ướt sũng nước, nhiễu từng giọt xuống sàn. Có vẻ như Nguyên vừa mới đi giặt giẻ lau bảng về.
Cậu bạn kia định đáp trả điều gì đó. Nhưng có lẽ vì e sợ sự điềm tĩnh lạnh lùng nhưng ẩn chứa sự nguy hiểm trong mắt Nguyên nên cậu ta bỏ đi. Chỉ còn lại hai người đứng lặng yên trên hành lang giữa bao người qua lại nói cười. Dường như ai cũng đang giữ cho mình những suy nghĩ riêng biệt. Quỳnh không biết phải nói gì. Lời cảm ơn nếu nói ra trong tình huống này không biết sao sẽ trở nên kì cục. Cô nàng chỉ vào cái giẻ lau bảng vẫn đang nhiễu nước long tong.
- Cậu nên vắt cho ráo nước rồi hãy mang vào.
- Tan học cậu ở lại nói chuyện với tớ một lát.
Cô bạn như không tin vào tai mình. Đó là chuyện Quỳnh chưa bao giờ nghĩ đến. Cô bạn và Nguyên chưa từng nói với nhau lời nào, dù chỉ là những câu xã giao thông thường. Liệu có thể có chuyện gì giữa hai người có mối quan hệ như vậy và quan trọng dến mức phải nói chuyện riêng? Nhưng ánh mắt cậu ta như mệnh lệnh mà Quỳnh biết không thể từ chối. Cô gật đầu.

Ông tiên đỡ đầu.

Nguyên không quá đẹp trai. Nhưng trông cậu hay hay. Có lẽ một phần nhờ kiểu tóc hợp với gương mặt. Và vì cậu luôn biết mình hợp với kiểu trang phục nào và nên nhấn điểm gì cho bộ đồng phục trở nên đặc biệt mà không làm ngài giám thị nổi sùng. Cậu không quá thân thiện, nhưng cũng không quá xa cách. Dường như mọi thứ ở cậu đều vừa phải. Và điều khiến Nguyên trở nên nổi bật hơn nữa là chuyện hoa khôi của lớp có những hành động quan tâm đặc biệt nhưng cậu ta vẫn tỉnh như không.
Buổi trưa tan học ngày hôm đó, Nguyên đã nói với Quỳnh rằng sẽ giúp cô nàng thoát khỏi vẻ ngoài luộm thuộm hiện tại. Lý do không có gì đặc biệt. Chỉ vì trông cô nàng như vậy Nguyên thấy ngứa mắt.
Thường thì Nguyên không thích dính vào rắc rối. Mà việc “tân trang” một cô nàng cũng chẳng giúp ích điều gì cho cuộc sống của cậu. Chỉ là không hiểu sao mỗi lần nhìn thấy đôi mắt của Quỳnh cụp xuống, như muốn che giấu tất cả những cảm xúc và đôi bàn tay rụt lại trong ống tay áo rộng dài, như muốn mình thu nhỏ lại luôn làm những cảm xúc trong Nguyên trở nên khó chịu. Và nó thôi thúc cậu phải làm điều gì đó.
Trong lớp học vắng người, chỉ nắng vàng rực rỡ bên ngoài hắt cả vào bên trong, Quỳnh ngồi im trên ghế, còn Nguyên thì đứng nói liên tục. Tai cô bạn ù hết cả đi.
- Tóc cậu phải đi cắt đi.
- Ngắn à? – giọng Quỳnh có chút lo sợ.
- Không. Tóc cậu dài, lại thẳng, cắt thì phí lắm. Chỉ là tỉa bớt phần đuôi tóc đã chẻ ngọn và khô thôi. Cắt ngắn đi một chút, ngang lưng là đẹp rồi. Thế này thì dài quá. Còn nữa, cậu nên dùng kẹp vén tóc lên, để lộ ra trán và gương mặt chứ. Cậu định đóng phim The Ring đấy chắc? Còn cái áo cadigan này, bỏ ở nhà ngay cho tớ. Nó đẹp, màu đẹp, nhưng quá rộng. Trông như cậu đang khoác cái bao bố trên người vậy.
Và đủ thứ phải nghe theo khác nữa. Nhưng Quỳnh không tài nào nhớ nổi.
Quỳnh đã thử làm như vậy ở nhà. Đã cắt tóc ngắn bớt và thử đứng trước gương vén tóc lên, kẹp lại bằng một chiếc kẹp nhỏ. Nhưng sáng đi học vẫn bỏ chúng ở nhà, vẫn khoác ngoài chiếc áo cadigan màu rêu. Thay đổi điều gì đó đã quá quen thuộc dường như là một điều gì đó quá khó.
Nguyên tỏ ra không hài lòng chút nào. Cậu đến tận bàn và yêu cầu cô bạn đi theo mình. Không chờ lời đồng ý, cậu đã nắm cánh tay Quỳnh kéo đi. Nguyên lôi Quỳnh ra phía sau thư viện. Nơi đó có một loại cây cô bạn không biết tên, đang trổ những chùm hoa vàng rực như những cái đèn lồng. Trảng cỏ lấm tấm những bông hoa dại màu vàng li ti như những đốm nắng. Quỳnh ngạc nhiên, đứng ngẩn ra, vì không ngờ trong trường lại có một nơi đẹp như vậy. Nhưng Nguyên đã sẵng giọng.
- Tại sao cậu không nghe lời tôi vậy? Cái này, và cả cái này.
Nguyên chỉ vào mái tóc và cái áo cadigan.
Quỳnh cụp mắt xuống.
- Tôi không quen. Với lại làm như vậy để làm gì?
- Để làm gì? Cậu thích trở thành trò cười lắm à? Cậu thích để mọi người lấy cậu ra làm trò tiêu khiển à? Cậu có biết mọi người trong lớp biết thừa những thằng ngốc kia đến tìm Diễm Quỳnh nhưng vẫn gọi cậu ra chỉ để xem gương mặt thằng đó lúc thộn ra trông buồn cười như thế nào không?
Quỳnh im lặng một chút rồi khó nhọc trả lời.
- Mình biết.
Nguyên ngạc nhiên vì câu trả lời. Rồi nét mặt cậu giãn ra và giọng nhẹ nhàng trở lại.
- Điều đó không làm cậu tổn thương sao?
Quỳnh không trả lời. Nhưng cô nàng vẫn không ngẩng mặt lên. Cô bạn không thích ai đó nhìn sâu vào những cảm xúc của mình. Quả thật là trở thành tâm điểm của sự trêu đùa, dù có thể chẳng có ý xấu, vẫn chẳng ai có thể thích nổi. Cô bạn cảm thấy tự ti khi tiếp xúc với người khác, nhưng lại ngại thay đổi bản thân. Thêm nữa, Quỳnh cảm thấy an toàn hơn ở trong thế giới của mình.
- Nghe này. Thay đổi mình tốt đẹp hơn không bao giờ là xấu cả.
Nguyên vừa nói, vừa lôi ra trong túi hai cái kẹp tóc nhỏ màu xanh da trời, có hình một quả dâu tây màu hồng. Cậu nhẹ nhàng vén mái tóc của cô bạn lên và kẹp lại. Quỳnh cứ im sững cho đến khi cậu làm xong, và mỉm cười.
- Đấy. Thế có phải tốt hơn không?
Đột ngột, cậu chuyển giọng.
- Không được tháo xuống đấy. Liệu hồn.
- Ở đâu cậu có mấy cái này vậy?
- Không hiểu tại sao tôi biết cậu sẽ không dễ dàng nghe lời. – Nguyên phẩy tay, nghe như có tiếng thở dài khe khẽ.

Phép màu.Quỳnh cũng đã chịu nghe lời. Cô bạn làm theo những lời Nguyên dặn dò, dù vẫn còn chút e dè.
Những ngày đầu, mọi người trong lớp bàn tán về sự thay đổi của Quỳnh. Trông cô nàng giờ đây đã gọn gàng hơn và dễ nhìn hơn, nếu không muốn nói trông có vẻ xinh xắn. Rồi lâu dần người ta cũng quen đi và thôi chẳng bàn tán nữa.
Mối quan hệ giữa Nguyên và Quỳnh trở nên thân thiết hơn. Mọi người trong lớp thấy cậu bạn hay nói chuyện với Quỳnh, dù là trong giờ giải lao, trong căntin hay những buổi học ngoại khóa, dù thực chất những câu chuyện ấy vẫn chẳng có gì quan trọng. Người ta thấy anh chàng thường hay cốc đầu cô bạn hiền lành, hoặc bắt ép ăn một thứ gì đó. Tin đồn họ thích nhau lan truyền nhưng hai nhân vật chính vẫn chẳng chú tâm đến. Chỉ có một người không vui.
Diễm Quỳnh chờ Nguyên ở cửa lớp, vì biết cậu luôn thích ra về lúc tàn cuộc để không phải chen lấn với ai. Như Quỳnh vẫn còn chưa về, cô bạn chậm rãi thu dọn những vật dụng của mình. Hoa khôi cứ vờ như không nhìn thấy. Bằng một nụ cười rạng rỡ và tự tin, cô bạn ngăn Nguyên lại bằng hai tấm vé.
- Cậu đi xem phim với mình Chủ nhật này nhé?
- Mình xin phép từ chối.
- Cậu bận à?
Nguyên bình thản.
- Không. Mình không thích đi xem phim. Xin lỗi cậu.
Để mặc cô nàng xinh đẹp với lòng tự trọng bị tổn thương, Nguyên vẫy tay chào rồi đi thẳng. Như Quỳnh lặng lẽ đi theo sau. Hôm nay Nguyên muốn lôi cô bạn đi xem một số loại quần áo để biết trang phục nào phù hợp với mình.
Chủ nhật, nằm dài ở nhà cũng không biết làm gì, Nguyên lấy xe đạp vòng vòng thành phố. Cậu muốn mua một ít sách để lại tiếp tục nằm dài mà đọc. Cuối cùng, cậu dừng chân tại một tiệm sách cũ. Trong khi đang mải mê đọc tựa đề những cuốn sách bày trên những dãy kệ, Nguyên giật mình nhìn thấy Quỳnh đang ngồi duỗi thẳng chân, dựa lưng vào tủ sách sau lưng một cách thoải mái. Cô bạn đang chăm chú đọc một cuốn sách. Đây là lần đầu tiên Nguyên nhìn thấy Quỳnh trong trang phục thường ngày. Hôm nay cô mặc một chiếc áo T-shirt màu hồng phấn – chiếc áo mà Nguyên đã chọn – và quần jean lửng ngang gối, tóc buộc cao. Cô mở từng trang sách nhẹ nhàng. Không hiểu sao hình ảnh đó khiến Nguyên thấy choáng váng, dù một chút thôi. Cậu định không phá hỏng không gian riêng ấy nên tìm chủ cửa hàng. Thanh toán rồi đi.
- Xin hỏi, có ai tính tiền không ạ?
- Qúy khách mua gì?
Người cất tiếng là Quỳnh. Nguyên ngạc nhiên thêm lần nữa. Quỳnh cũng tròn mắt nhìn vị khách.
Cuối cùng, cậu bạn ngồi cạnh Quỳnh, dựa lưng vào quầy sách phía sau và nhấm nháp chút bánh quy mà cô bạn vừa mang ra. Bên cạnh còn có một ấm trà mà khi cẩn thận rót trà vào tách, làn khói mỏng sẽ bay lên nhẹ nhàng. Có cảm giác như thời gian trôi chậm đi và dừng lại ở cửa hàng này.
- Quầy sách này của nhà cậu hả?
- Của ông tớ. – Quỳnh giải thích thêm – Tớ sống với ông từ nhỏ. Bố mẹ tớ không còn nữa.
Đột ngột cậu cảm thấy không biết phải nói gì khi nhắc đến một chuyện buồn như vậy. Nhưng Quỳnh đã mỉm cười nhẹ, ánh mắt lấp lánh như muốn nói “Không sao đâu”.
- Ông cậu đâu rồi?
- Đi chơi cờ tướng với mấy người bạn rồi. Chủ nhật nào cũng vậy cả. Để ông đi chơi cho khỏi buồn. – Quỳnh kín đáo liếc nhìn sang Nguyên – Cậu không đi xem phim với Diễm Quỳnh thật à?
- Ừ.
- Cậu không thích đi xem phim, cũng là thật à?
Nguyên lắc đầu, thành thật.
- Không. Nguyên nhân chính là vì cậu ta mời tớ cái chính không phải là xem phim. Tớ ngại nguyên nhân đấy nên không đi.
- Cậu ấy thích cậu đấy. Cả lớp đều biết vậy.
- Chẳng biết được. Có thể vì tớ chưa từng quan tâm đến nên cậu ta nên mới cố gắng thu hút sự chú ý từ tớ thôi. Kiểu như ai ai cũng ở sau mình mà lại có người dù cố gắng cách mấy cũng không thèm chú ý đến nên cảm thấy không phục, không chấp nhận được. Người quen đứng trên đỉnh cao là vậy đấy.
Nguyên nhấp một ngụm trà nhỏ. Không hiểu sao cậu luôn cảm thấy như vậy từ cô bạn xinh nhất lớp, luôn cười tươi như hoa và thân thiện với tất cả, nhưng chưa bao giờ nói với ai. Vậy mà hôm nay lại nói với cô nàng này.
Quỳnh nhíu mày, không hiểu lắm.
- Cậu cũng vậy à?
- Không. Tớ mà ở trên đỉnh à? Cậu đang đọc gì đấy?
Như tìm đúng chìa khóa để mở, giới thiệu cho Nguyên cuốn sách đang đọc, những nhân vật và những chuyến hành trình của họ. Rồi như thể cả hai đã cùng ngồi như thế này rất nhiều lần, Quỳnh và Nguyên say sưa kể cho nhau nghe những câu chuyện về sách, về sở thích, về ước mơ, về những điều vụn vặt. Như niềm vui trong việc mở những cuốn sách cũ, ngửi mùi giấy cứ ngỡ như cả thế kỷ đã trôi qua hay cảm thấy ấm áp vì lời đề tặng của ai đó dành cho một người mà họ trân trọng được ghi bên trong cuốn sách… Những điều mà bản thân họ khám phá về người kia khiến họ ngạc nhiên. Cứ thế cho đến trưa, ông của Quỳnh về. Cậu được mời ở lại dùng cơm. Và không biết điều gì xui khiến, cậu rủ Quỳnh đi dạo phố, trên chiếc xe đạp của cậu.
- Tớ sẽ dạy cho cậu biết sức mạnh của phụ kiện.
Nguyên đã bảo lí do là thế. Nhưng cậu biết, từ sâu thẳm, có điều gì đó không đúng.

Tiếng chuông nửa đêm.

Tin đồn “hoàng tử” và “Lọ Lem” thích nhau được dịp lan rộng khi một thành viên trong lớp nhìn thấy cả hai đi chơi chiều Chủ nhật.
Trước đây Nguyên chẳng quan tâm gì đến những tin đồn đó, nhưng dạo gần đây cậu cảm thấy mất tự nhiên khi cứ mỗi lần cậu nói chuyện với Quỳnh là bọn bạn là ồ lên và phá ra cười. Dù không chủ đích trước, cậu hạn chế nói chuyện với Quỳnh ở trên lớp hay ở bất cứ đâu. Cậu cảm thấy vùng đất bình yên của mình bị chòng chành, bị xáo trộn. Và cậu không muốn như vậy. Tốt nhất là chẳng có điều gì nên thay đổi cả.
Quỳnh cũng hiểu như vậy, và chẳng bao giờ trách Nguyên. Cô biết rằng dù cậu có đối xử tốt với mình thế nào thì cũng không nên hy vọng vào bất cứ điều gì. Ai cũng sợ những đổi thay, như chính cô đã e ngại thay đổi bản thân mình. Nguyên cũng vậy thôi. Thế giới của Nguyên trước đây rất bình yên và năng động, vì cô mà nó đã trở nên hỗn loạn một chút. Đã đến lúc dừng lại mọi thứ. Những phép màu cổ tích rồi cũng có lúc kết thúc.
Quỳnh gửi cho Nguyên một tin nhắn. “Tớ thấy mình như nàng Lọ Lem vậy. Bỗng chốc hóa thành công chúa nhờ một phép màu nào đó. Nhưng khi cô hầu đã hóa thành công chúa, nhiệm vụ của ông tiên đã hết rồi. Vậy tớ và cậu trở về như trước nhé? Cám ơn cậu.”
Dù rằng nó làm Quỳnh cảm thấy tim mình như vỡ ra.

Hoàng tử.

Nguyên nằm dài sưởi nắng ở nơi chốn riêng sau thư viện, ngủ quên, vô tình bùng luôn hai tiết cuối. Cậu ngửa mặt lên trời và ngắm những chùm hoa màu vàng tươi tắn như những cái đèn lồng. Cậu không biết tên của loài hoa ấy. Nhưng chúng vẫn thật đẹp. Và hơn cả là chúng gợi cho cậu cảm giác dễ chịu, an tâm.
Điện thoại rung. Tin nhắn từ Quỳnh.
“Vậy tớ và cậu trở về như trước nhé?”. Nếu là như vậy có nghĩa là cậu và cô bạn sẽ lại im lặng với nhau như trước đây. Quãng thời gian vừa qua sẽ chỉ như một giấc mơ lạ lùng nào đó. Mọi thứ sẽ trở về trật tự của nó.
Nhưng có đúng như vậy không? Hơn ai hết, Nguyên biết thừa rằng chẳng có giấc mơ nào cả. Tất cả đều là hiện thực. Và cả những cảm xúc ở sâu trong cậu nữa. Nó chưa thành hình rõ ràng là gì. Nhưng nó cũng không chịu nằm yên để rồi chìm vào trong quên lãng. Nó phảng phất một mùi thơm dịu nhẹ như mùi từ tách trà bay lên một làn khói mỏng.
Thật buồn nếu không sống thật với những cảm xúc của chính mình.
Nguyên ngồi dậy và trở về lớp. Dừng chân ở cửa lớp, cậu thấy chỉ còn Diễm Quỳnh và Như Quỳnh ở trong lớp. Tự nhiên cậu nép vào cửa và lắng nghe cuộc trò chuyện. Diễm Quỳnh đang hỏi, giọng lạc đi.
- Cậu thích Nguyên à?
Nguyên không nghe câu trả lời của Như Quỳnh. Điều đó khiến cậu lo lắng.
- Cậu tưởng chỉ cần thay đổi bề ngoài một chút là cậu có thể thay đổi được tất cả mọi thứ sao? Cậu không thể là tôi được, dù có muốn hay cố gắng đến thế nào? Nguyên thích cậu à? Cậu thì có gì hơn tôi?
Nguyên vẫn không nghe thấy Quỳnh nói gì. Cậu định bước vào, làm một điều gì đó để bảo vệ cô bạn nhỏ, như đã từng ngăn cô chạy trốn khỏi những kẻ thích làm tổn thương người khác. Phải đáp trả. Nhưng Nguyên chợt dừng lại, vì cô bạn đã lên tiếng, chầm chậm nhưng rõ ràng.
- Hoa hồng là hoa hồng. Hoa dại là hoa dại. Có những loài hoa không tên vẫn đẹp theo cách của riêng nó. Tớ chưa bao giờ muốn là cậu. Vì tớ nghĩ tớ có điểm mà người khác không thể có được, và nó rất đáng trân trọng.
Diễm Quỳnh bỏ ra khỏi lớp. Có lẽ cô nàng đã hiểu ra được điều gì đó. Cũng có thể là không. Nhưng cô nàng đã học cách chấp nhận nó.
Nguyên bước vào. Như Quỳnh thoáng chút ngạc nhiên nhưng rồi cũng chỉ mỉm cười nhẹ.
- Cậu biết phép màu kì diệu nhất là gì không?
Quỳnh khẽ lắc đầu.
- Chính là sự tự tin. Khi cậu đã có đủ niềm tin vào chính mình thì không ai có thể làm cậu ngã gục được.
Và cậu bước tới, giữ bàn tay của Nguyên trong tay mình.
- Bây giờ cậu đã có nó rồi, không cần đến phép màu của tớ nữa. Vậy tớ cũng không cần làm ông tiên nữa. Cho phép tớ trở thành một nhân vật khác đi.
Quỳnh đứng im, nhìn Nguyên một lúc lâu. Và cậu cũng không nói thêm lời nào nữa. Dường như những cảm xúc tinh khiết nhất của tuổi trẻ đã được lắng đọng lại trong ánh mắt. Và họ hiểu nhau dù không phải nói lời nào.
Nhẹ nhàng. Quỳnh đặt lên má Nguyên một nụ hôn.
Đó là phép màu biến ông tiên thành một chàng hoàng tử.

Nơi ngọn gió dừng chân

Trường tôi đang học là trường năng khiếu nghệ thuật. Chúng tôi, những học sinh của trường, ngoài việc học các môn như những bạn trong những ngôi trường bình thường, còn học thêm vài môn đặc biệt. Như thanh nhạc, diễn xuất, nhạc cụ… Nhạc cụ lại chia nhỏ ra violon, piano, trompet, trống, guitar…

Việc học khá là vất vả. Vì là một ngôi trường đặc biệt đến thế nên học sinh của trường cũng có khối kẻ đặc biệt. Người là ca sĩ teen sắp ra album, người thì là diễn viên nhí đã từng đóng vài bộ phim truyền hình, hay là tay piano đi thi quốc tế…

Tôi không phải là một người nổi bật. Tôi chỉ là một học sinh bình thường, học ở lớp piano bình thường. Tôi không có ý định trở thành nghệ sỹ vĩ đại nào đó, hoặc thi tài quốc tế, hoặc ra album. Tôi học piano chỉ vì thích. Nếu được thì sau này tôi sẽ gắn bó với piano bằng cách trở thành một cô giáo dạy piano.

Trong khuôn viên trường, tôi thích nhất là căn phòng ở cuối dãy lầu một. Căn phòng có một cây piano và rất nhiều nhạc phổ, tuy đã cũ, nhưng vẫn chơi tốt, là nơi dành cho những ai yêu thích piano đến đây tập luyện, hoặc hứng chí chơi vài đoạn. Từ cửa số của căn phòng, nhìn ra sẽ thấy một khu đất nhỏ bị bỏ trống. Căn phòng và khu đất vốn ít người ghé thăm vì sau khi trường được tu sửa thì có một phòng khácđẹp và tiện nghi hơn.

Thật may vì tôi vốn thích yên tĩnh và luôn có cảm giác lạc lõng với những “cậu ấm cô chiêu” ở ngôi trường này. Một bữa, tôi rụt rè xin bác bảo vệ trồng hoa ở khu đất bỏ hoang ấy. Bác cười hiền rồi đồng ý.

Những người (hiếm hoi) đến chơi piano ở căn phòng này thường không chú ý gì đến tôi. Thi thoảng có người nhìn thấy tôi cắm cúi nhổ cỏ, gieo hạt hay tưới nước, họ… đóng cửa sổ lại. Tôi trồng hoa mười giờ, hoa cúc trắng ở một khoảnh riêng. Tôi gieo hạt hoa hướng dương riêng ở một khoảnh đất khác, cách xa những luống hoa khác.

Hoa hướng dương sau này sẽ vươn cao nên rất cần ánh nắng Mặt Trời. Khi tưới nước lên mấy hạt mầm mới gieo, tôi thường mường tượng ra một rừng hoa hướng dương vàng rực rỡ như trong một tấm bưu thiếp mà mẹ đã tặng tôi. Khi hoa mười giờ nở những bông đầu tiên, cúc bắt đầu cứng cáp, hướng dương nảy mầm. Rồi khi tôi bắt đầu trồng hoa tú cầu, một cái đầu thò ra khỏi cửa sổ, hỏi:
- Hoa gì đấy?
- Hoa nào?
- To nhất, màu xanh nhạt. Đằng ấy đang trồng đấy!
- Tú cầu.
Cậu ta nhìn chăm chú một lúc.
- Tớ chưa từng thấy bao giờ. Đẹp đấy.

Tôi biết cậu ta. Đó là Hoàng Linh, một trong số những học sinh nổi tiếng của trường. Cậu ta là nam sinh xuất sắc nhất của lớp piano cao cấp, nơi chỉ dành cho những năng khiếu thực thụ, những nghệ sỹ nổi tiếng trong tương lai. Đã từng dự thi quốc gia, quốc tế và đạt giải cao. Nhưng hai năm gần đây cậu ta không tham gia bất kì giải nào nữa.

Dường như Linh thích hoa tú cầu. Sau lần đó, cậu ta thường ra xem hoa. Ngồi một chỗ, gần bụi hoa tú cầu rồi ngắm nghía. Ngoài việc đó ra thì cậu ta không làm gì cả. Thi thoảng thì có tưới nước giùm. Dù không giúp được gì, nhiều khi tôi còn lo cậu ta làm úng mấy mầm cây mới, nhưng có bạn cũng vui. Tôi hỏi gì thì cậu ta trả lời nấy. Không ai nói gì thì tôi làm việc của mình, cậu ta làm việc của cậu ta, dù việc đó có khi chỉ là ngồi.

Linh không gọi tôi bằng tên, chỉ gọi là đằng ấy, hay này, hay cô gái thực vật. Tôi ghét cái tên Cô gái thực vật. Định bụng tìm cho cậu ta một cái tên nhưng nghĩ mãi vẫn chưa ra. Tụi con gái trong lớp tôi, nhiều đứa thích cậu ta lắm. Những chàng trai tài năng, vẻ ngoài khá như cậu ta, và thêm tính cách lạnh lùng nữa… “hút” các cô gái là chuyện bình thường nhất trong những chuyện bình thường.

Tuy nhiên, khi đã khá quen thân với Linh, tôi không cho là cậu ta lạnh lùng. Đó chỉ là do tính cách cậu ta không thích nói nhiều, không thích phiền phức, và đôi khi hơi cáu kỉnh. Tính cách cậu ta dùng từ trẻ con có khi lại chính xác hơn.

Những cô nàng thích Linh thấy tôi và cậu ta ở cạnh nhau thì lân la hỏi tôi xem chúng tôi có mối quan hệ nào đặc biệt không. Tôi lắc đầu. Họ à lên, ra chiều đã hiểu, và lại túm tụm nhau thoải mái “tám” về Linh, chẳng quan tâm sự có mặt (quá đỗi bình thường) của tôi nữa. Vẫn là những câu chuyện cũ, sao mà cậu ta cute thế, sao mà cậu ta chơi piano hay thế.

Nhưng có thêm một câu chuyện khác mà tôi lần đầu nghe. Chuyện rằng ba cậu ta đã bỏ đi theo một tình yêu nào đó. Mẹ cậu ta vì quá đau khổ đã uống thuốc ngủ tự tử, nhưng không chết, nhưng từ đó bà bị trầm cảm, đến con trai mình bà cũng không bao giờ nói chuyện hay nhìn. Vì gương mặt cậu ta giống bố.

Hôm đó, lúc ra vườn hoa, nhìn Linh tưới mấy khóm hoa tú cầu, tôi tự hỏi có phải đó là lí do cậu ta không tham gia một cuộc thi tài nào nữa? Và cậu ta có buồn không? Bất ngờ, hoàn toàn vô thức, tôi đột nhiên xoa đầu Linh, một cái xoa đầu nhẹ và nhanh. Mẹ tôi vẫn thường làm thế mỗi khi tôi lơ đễnh.
- Làm gì thế?
- Hoa hướng dương cao hơn tụi mình rồi.
- Chỉ cao hơn cậu thôi.
Tôi cười.

Hoa hướng dương đã có nụ. Tôi rất phấn khởi. Hôm nào cũng xuống xem xét rất cẩn thận. Một hôm, khi tôi đến nơi thì đã nhìn thấy Linh đang lúi húi làm một cái giàn nhỏ bằng tre. Lần đầu tiên tôi thấy cậu ta chịu động tay động chân.
- Đang làm gì thế?
- Cái giàn? Không thấy sao?
- Uh thì biết là cái giàn, nhưng để làm gì?
- Cho cây này leo lên.

Linh cho tay vào túi áo lấy ra một nắm hạt giống. Cậu ta bảo hàng xóm nhà cậu ta có trồng một hàng rào hoa này, màu xanh tím rất đẹp nên muốn trồng ở đây. Tôi ngồi yên xem Linh gieo hạt giống, tưới nước. Nhìn cậu ta vui như trẻ con.

Và như mọi lần, Linh chỉ làm công việc của cậu ta, tôi vẫn phải tưới nước cho đám hoa còn lại. Những nụ hoa hướng dương có vẻ sắp nở. Linh ngồi, tay phe phẩy, có lẽ để tìm một cơn gió cho mát.

Cuối cùng những bông hoa hướng dương đã nở. Không giống như trong tưởng tượng. Cánh hoa nhỏ và màu không vàng rực rỡ, nhụy cũng nhỏ và cũng không sậm màu nhưng tôi rất vui. Vừa tưới nước cho chúng vừa khẽ hát nho nhỏ. Linh thò đầu ra khỏi cửa sổ, lãnh đạm:
- Nở rồi đó hả?
- Đẹp không? – Tôi háo hức.
- Không. Tú cầu đẹp hơn.
Tôi chép miệng, cậu ta luôn luôn thế mà. Linh rụt đầu vào. Tiếng đàn piano vang lên. Đó là bản “Dream of the shore bordering another world”. Tiếng Linh vọng ra:
- Tặng cậu đấy.

Tôi không nhìn thấy, nhưng có thể tưởng tượng thấy những ngón tay của Linh đang lướt trên các phím đàn. Những âm thanh kì diệu. Những nốt nhạc như những hạt nắng lấp lánh, nhảy nhót trong không trung, xoay vòng, ấm áp và vui nhộn. Lại có cảm giác chúng như vô số những hạt nước văng tung tóe, tươi mát, dịu dàng.

Bất giác tôi lại mỉm cười. Mà không hiểu sao tôi có cảm giác Linh cũng đang mỉm cười. Tiếng nhạc chấm dứt. Linh thò đầu ra khỏi cửa sổ, vẫy tôi:
- Vào đây chơi một bản nhạc đi.
- Tôi đàn không giỏi bằng cậu đâu.
- Tôi biết. Làm sao cậu đàn bằng tôi được?

Tôi vẩy thật mạnh những ngón tay đang ướt về phía Linh. Những hạt nước bé xíu văng lên tóc, vào mặt Linh. Chảnh hả? Cậu ta kêu oai oái như mèo con, hừ mũi trêu tôi, rồi rụt đầu vào.

Cuối cùng thì cái giàn hoa Linh trồng đã nở những bông hoa đầu tiên. Những bông hoa màu xanh tím. Cậu ta có vẻ rất tự hào về chúng
- Hoa này tên là gì thế, Như Anh?
- Cậu biết tên tôi?
Tôi ngạc nhiên, cứ tưởng cậu ta chỉ biết gọi tôi bằng biệt danh.
- Dĩ nhiên là biết. Cậu là bạn tôi, đúng không? À, cậu đặc biệt hơn bạn chút xíu.

Câu nói cuối cùng Linh nói nhỏ như gió thoảng. Trông cậu ta có vẻ lúng túng, khịt khịt mũi, tay thì không thôi mân mê mấy cái lá cây.
Tự nhiên tôi thấy vui khi nghĩ rằng hóa ra Hoàng Linh “chảnh” cũng biết tên mình.
- Hoa này là hoa đậu biếc.

Một ngày nắng rất đẹp, có cảm tưởng như một hũ mật ong vàng óng vừa trút xuống mọi thứ xung quanh. Hướng dương cũng nở nhiều hoa hơn trước, màu vàng rực. Tất cả tạo thành một bức tranh ấm áp. Tôi đang tưới hoa, Linh ngồi sau lưng tôi, trên cái ghế đá.
- Như Anh, không biết khi nào thì tôi mới gặp lại cậu?
- Cậu nói vậy là sao?
- Tôi sẽ đi du học. Ở Áo.

Tôi ngừng tay, quay lại nhìn Linh. Cậu ấy cũng đang nhìn tôi. Cũng giống như mọi lần, tôi không thể đọc được trong mắt cậu ấy nghĩ gì. Còn tôi, tôi cũng không rõ mình đang nghĩ gì. Có một điều gì đó vừa bị rút mất, như miếng mút hút cạn nước, để lại một khoảng trống vô hình.

Nhưng cũng có một điều gì đó ấm áp, tựa hồ như an ủi và mừng vui. Tôi mỉm cười, buột ra một câu hỏi tưởng như ngô nghê:
- Cậu tìm lại được… cậu rồi, đúng không?
Linh gật đầu, miệng cười tươi và ánh mắt nhìn thẳng vào tôi, thân thiết và thấu hiểu.

Linh đi đã được hai tháng. Tôi vẫn nhận email của cậu ta, không thường xuyên. Bản chất mèo lười không cho phép cậu ta viết quá ba email trong một tháng và nội dung của những cái email cũng rất ngắn gọn. Như Trời lạnh. Thành phố Viên đẹp. Chăm sóc mấy khóm hoa tú cầu cho tôi. À, giữ gìn sức khỏe nhé!

Cũng có những email dài hơn, kể chi tiết cuộc sống của cậu ta, và không email nào quên nhắc tôi chăm sóc hoa tú cầu và giàn đậu biếc. Tôi có chụp ảnh mấy khóm hoa ấy rồi gửi cho cậu ta xem. Này, sau này cậu tốt nghiệp rồi thì mấy khóm hoa tú cầu của tôi sẽ ra sao nhỉ?

Mà thôi, việc của cậu vẫn quan trọng hơn chứ… Tôi nghĩ cậu ta nói đúng. Tôi dán thông báo thành lập một câu lạc bộ trồng hoa. Hóa ra cũng có nhiều người yêu cây và có thời gian rảnh. Hội viên có cả những người cùng khóa, có cả mấy nhóc khóa dưới. Vườn hoa trở nên rộn ràng hơn.

Những bận rộn của những kì thi cuối năm cuốn tôi đi. Đôi lúc, chỉ có một mình ở vườn hoa, tôi ngồi thừ người trên ghế đá nhìn khóm hoa tú cầu và giàn đậu biếc. Tôi muốn khóc. Tôi rất nhớ Linh. Cậu ta như một làn gió, ào vào cuộc sống của tôi một cách thật lạ lùng. Làn gió vừa cô độc vừa thân thiết, khó hiểu mà lại hết sức gần gũi…

Và tôi tin, giữa chúng tôi điểm chung không chỉ là giàn đậu biếc, hàng tú cầu và khoảnh đất giờ-không-còn-trống nữa… Và, tôi cũng tin, rằng một mai rời khỏi trường, vẫn còn nhiều điều có ích để tôi làm, những lúc rảnh rỗi, như đến chơi nhà mẹ Linh, một việc đã trở thành quen thuộc và cũng là bí mật của riêng hai bác cháu…
Tạm thời, Linh chưa cần biết điều ấy

Trời mưa Linh ghét trời mưa.Ghét cảm giác chạm vào cái gì cũng cảm thấy ẩm ướt.Ghét những lúc phải ra phố,ống quần thế nào cũng ướt,thậm chí cả vai và tóc, mặc dù đã mang ô.Cậu ngồi trên giường,trùm chăn qua đầu ,lựa chọn những từ ngữ hợp lí để gửi một email.Cho Như Anh.Cô nàng chơi piano bình thường,gương mặt lúc nào cũng ngơ ngác, thích cặm cụi chăm sóc khu vườn bé nhỏ ở trường cấp ba năng khiếu nghệ thuật.Như Anh có nụ cười rất dịu dàng.Ngoài việc cô bạn rất thích trồng cây ,thì nụ cười là “món” làm Linh nhớ đến nhiều nhất.

Từ khi đi du học, việc viết email cho Như Anh trở thành 1 công việc mà Linh xem như việc phải làm.Cậu thích thời điểm gõ từng chữ ,từng chữ và tưởng tượng ra Như Anh sẽ có phản ứng gì khi đọc chúng.

Quân gõ cửa vài cái cho có lệ rồi mở cửa,thò đầu vào:

-Đi chơi không?

-Không!-trả lời ngay lập tức.

-Suy nghĩ rồi hãy quyết định chứ?

-Không quyết định không suy nghĩ.

Quân thở hắt ra.Trước khi đóng cửa còn dỗi 1 câu:

-Cậu thật là khó ưa!

Tiếng đóng cửa khô khốc.Linh ngồi thừ ra,nhìn chăm chăm cánh cửa vừa đóng.Rồi cậu viết câu cuối cùng vào email,nhấp chuột gửi đi.

“Trời mưa.Tôi vẫn khỏe.Như Anh nhớ ghé thăm mấy khóm hoa tú cầu của tôi nhé.Và phải giữ gìn sức khỏe.Quân-thằng bạn cùng phòng của tôi nó phiền phức lắm…Như Anh nghĩ tôi có khó ưa không?”

Như Anh không trả lời email.Thật là kì lạ.Thường thì ngay ngày hôm sau,Linh sẽ nhận được wmail hồi đáp. Mỗi tuần ít nhất Như Anh cũng gửi hai email kể tỉ mỉ những chuyện không đâu vào đâu,vặt vãnh và không liên quan đến nhau.Con mèo Dandelion mới có bốn chú nhóc, cô nàng vẫn hay ghé thăm 1 cô lớn tuổi nào đấy bị trầm cảm và mọi chuyện có vẻ đã tốt hơn, hôm trước bị mắc mưa nên ốm mấy ngày (đã bảo giữ gìn sức khỏe cơ mà),mẹ Như Anh hôm trước lơ đãng thế nào để bị đứt tay…Luôn kèm theo ảnh.Đã bảo chỉ chụp hoa tú cầu thôi,nhưng có khi Như Anh gửi cả ảnh mèo con,ảnh hoa hướng dương,những thành viên mới của câu lạc bộ trồng hoa…

Một tuần,rồi 2 tuần , vẫn không thấy email nào của Như Anh. Linh bắt đầu cảm thầy bực bội .Buổi trưa còn giật miếng bánh pizza của Quân ăn cho bõ ghét,mặc cho Quân la ó rầm trời.Buổi chiều ,cậu lững thững đi ngang lớp học rồi ghé vào đàn một bài. Dream of the shore bodering another world. Được một đoạn,chắc cũng gần nửa bài ,cậu không đàn nữa.Không có chút cảm xúc nào khiến những nốt nhạc khô khốc,vô cảm đến lạ lùng.

Linh bỏ về phòng trọ .Vừa đi vừa lầm bầm “Cậu dám không gửi email cho tôi hả?”. Lúc đi ngang qua hành lang của học viện ,nhìn lên bầu trời ,cậu nhận thấy không còn dấu vết gì của cơn mưa dai dẳng hôm trước .Mặt trời hiện ra,tỏa sáng rực rỡ như 1 đóa hướng dương khổng lồ.

Hơn một tháng, chính xác là 1 tháng sáu ngày.vẫn không thấy email nào của Như Anh.Từ bực bội ,cảm xúc của Linh có thêm lo lắng.Có khi nào Như Anh bị ốm? Ốm gì mà những hơn 1 tháng? Hay là Như Anh thấy cậu khó ưa nên không thèm liên lạc nữa? Nghĩ đến từ “khó ưa” ,Linh lại thấy bực bội. Buổi tối hôm đó ,cậu giật luôn cái bánh pizza cuối cùng của Quân ăn.Lần này,Quân nhất quyết đòi lại dù đã bị Linh ngoạm 1 miếng khá to.Quân cằn nhằn:

-Sao cứ giật bánh của tớ ăn hoài vậy?

-Dám gọi người ta là khó ưa.Linh làu bàu.

-Gì???

Tối đó ,Linh thấy buồn buồn,trống trải nên không ngủ được .Cậu bật dậy, mở iPod nghe Moonlight sonata của Beethoven. Cậu nghĩ về Như Anh .Mối quan hệ của 2 đứa có phải chỉ giống như những người bạn thân?Có phải tự Linh cho rằng nó đặc biệt?Rốt cuộc 2 đứa có nói gì với nhau lúc chia tay đâu?

Rồi lại gửi 1 email khác: “Trả lời email của tớ đi chứ!”

Mẹ Linh gọi điện cậu thực sự sửng sốt khi nghe thấy giọng bà ở đầu dây bên kia. Bà đã không nói chuyện với cậu cũng đã lâu rồi. Kể từ ngày ống bố nghệ sĩ của cậu bỏ đi theo 1 tình yêu nào đó. Linh cũng không muốn ăn cơm cùng,nói chuyện hay nhìn vào mắt bà, thậm chí là chơi đàn piano. Cậu sợ gương mặt của mình sẽ làm vết thương lòng của bà nhói đau, rồi bà lại tìm đến thuốc ngủ.

Mẹ hỏi cậu khỏe không? Học hành thế nào? Những câu hoi binh thường, nhưng Linh hiểu bà đã vui vẻ trở lại. Và cậu thấy vui.

-Mấy bông hoa tú cầu đẹp lắm con ạ. Nhà mình có trồng 1 bụi ở trước nhà đấy. Khi nào con về mà xem.

-Hoa?

-Ừ,màu xanh nhạt.Mẹ thích màu đấy nhất mà.Cô bé bảo mẹ rằng con thích màu xanh nhạt, giống nhau.

-Cô bé?-trong đầu Linh lúc này hiện lên 1 dáng người quen thuộc.

-Cô bé đáng yêu, bạn con ở trường cấp 3 đấy. Như Anh,tên đẹp con nhỉ?

Mẹ cậu nói chuyện thêm vài câu rồi cúp máy. Câu cuối cùng bà nói 1 câu rất nhỏ “Mẹ xin lỗi con”. Linh biết bà xin lỗi vì điều gì, nhưng cậu đâu có trách gì. -Mẹ ơi, con yêu mẹ.

Shall I compare thee to a summer’s day?”. Quân ngân nga câu đấy lúc 2 đứa đang dùng cơm trưa ở nhà ăn.

- Cậu biết tớ đang đọc cái gì không?

- Tớ không quan tâm.

- Là thơ Shakespeare đấy. ” Shall I compare thee to a summer’s day? Thou art more lovely and more temperate. Rough winds do shake the darling buds of May”.(Liệu ta có nên so sánh em với 1 ngày mùa hè/ Em dễ thương hơn và cũng hiền hòa hơn/ Gió bão làm rung mạnh những mầm nhú đáng yêu của tháng Năm.)

Linh đã ăn xong,cậu đứng lên

- Tớ đi trước.

- Eh, tớ còn chưa bình thơ mà.

Quân làu bàu mắng Linh câu quen thuộc “Khó ưa!”. nhìn dáng Linh nhỏ dần, rồi lại cúi xuống quyển sách lầm bầm 1 mình: “Ngốc thế,cứ tỏ ra lạnh lùng khó ưa đi, nhưng rốt cuộc cậu vẫn là thằng tình cảm thôi. Chấc lại đang đau đáu em nào rồi…”.

Buổi chiều , khi tiết học cuối cung kết thúc ,Linh nấn ná ở lại. Lớp học chẳng còn ai. Cậu ngồi thừ trước cây đàn piano, vô thức lẩm bẩm ” Liệu ta có nên so sánh em với 1 ngày mùa he?”. Ngón tay cậu chạm vào phím đàn, những nốt nhạc vang lên.

Linh mất 4 ngày để hoàn thành bản nhạc ngẫu hứng đó. Những giai điệu da diết, ưu tư, một chút ngập ngừng. Liệu tớ có nên so sánh cậu với một đóa hướng dương?

Cậu tươi sáng và ấm áp

Khi tớ ngồi lặng yên trong 1 khối vuông đen thẫm

Không thấy lối ra

Cậu hé ánh sáng ở cuối đường

Mỗi khi tớ cảm thấy đơn độc

Cậu nắm nhẹ lấy bàn tay tớ

Tớ ước mình được nắm lấy bàn tay ấy mãi

…..

Linh thu âm bài đấy, nhưng chỉ đàn thôi. Cậu định nhờ ai đó hát rồi lại thôi. Cậu gửi nó cho Như Anh, qua email, kèm lời: ” Tặng cậu đấy”.

Trời lại đổ mưa đã hai tháng, Như Anh vẫn không gửi email nào cho Linh. Cậu không thấy bực bội nữa ,chỉ còn cảm thấy một khoảng trống vô hình, và buồn. Chuông điện thoại reo. Giọng Như Anh ở đầu dây bên kia, rất hào hứng và có phần gấp gáp. Linh cứ sợ mình nghe nhầm.

- Tớ đây.Tớ đang đứng trước học viện, nơi cậu đang học nè. Cậu đang ở đâu thế? Tìm được địa chỉ của cậu khá vất vả đấy, tớ cứ tưởng không tìm được…

- Ở yên đấy.

Linh nói vội như thế rồi đi thật nhanh về cửa chính. Quân đi từ phia đối diện, đang cầm 1 chiếc bánh pizza , bảo “Lần này đừng có tranh ăn vời tớ nữa nhé. Ủa đi đâu đấy? Này!”. Đáp lại là nụ cười rạng rỡ của Linh, làm cậu bạn im bặt, sững sờ. Nhìn theo hướng đi của Linh, Quần “à” lên một tiếng ra vẻ ta-hiểu-rồi.

Như Anh đứng đấy, trước mặt Linh, với 2 cái va li. Thấy Linh cô bạn vẫy tay,cười thật tươi. Tóc Như Anh dai hơn trước, nhưng nụ cười vẫn dịu dàng và tươi sáng. Tay cô cầm 1 bông hoa tú cầu màu xanh nhạt.

- Nè tặng cậu tớ làm bằng vải đấy vì không hái được hoa thật mà.Từ giờ tớ sẽ học chung trường với cậu đấy. Tớ kiếm được học bổng hay không? Phải luyện tập cũng vất vả lắm.

Rõ ràng có 1 niềm vui lạ lùng trào lên từ đâu đó. Linh phải cố kìm lắm để không hét lên hoặc ôm chặt lấy Như Anh, hoặc làm 1 điều gì đấy điên rồ tương tự. Nhưng rốt cục, điều điên rồ nhất là câu nói cáu kỉnh:

- Sao tôi gửi email mà cậu không trả lời? Lại còn tự mang vác nặng thế kia?

Như Anh chẳng có vẻ bất ngờ trước thái độ của Linh.Cô bạn cười dịu dàng:

- Tớ….tớ phải tập luyện mà …đã bảo…

Linh cầm lấy bông hoa tú cầu. Và như vô tình cầm luôn cả tay Như Anh. Mặt cả hai đỏ lựng lên .Nghe rõ tiếng huýt sáo của Quân . Nhìn sang bên đường , cậu bạn cùng phòng khó ưa đang cười thật tươi và hét rõ to: “Chào Anh!Tên khó ưa kia cứ lẩm bẩm tên ấy trong mơ suốt đấy!”.

Một tay vẫn nắm tay Như Anh thật chặt, một tay giơ nắm đấm dọa Quân, Linh quay sang cô bạn thì thầm: “Nó nói linh tinh đấy.Tôi nhắc tên cậu suốt, đâu chỉ trong mơ”

FUYU

Trái tim hạnh nhân

Phần 1

San rất thích những cơn mưa nhỏ. Phải là mưa, nhưng dịu dàng, với những hạt nhỏ và mảnh, khi rơi xuống – vỡ ra chỉ vừa đủ tạo một màn âm thanh râm ran nhẹ nhẹ, tựa như một bài đồng dao vui vui.

Trưa thư Hai, vừa ra khỏi cổng trường thì trời mưa – đúng kiểu mưa San thích. Ngồi chờ xe bus, San khoan khoái quan sát mọi thứ xung quanh. Những hạt nước rơi vỡ trên mặt đường, trên mặt những chiếc lá, trên khóm hoa màu tím của ngôi nhà đối diện, trên những chiếc ô của người trên phố… Mùi mưa lướt nhẹ nhàng qua mũi San, mang một cảm giác lành lạnh và dịu mát. Trong và ngay sau cơn mưa, dường như mọi thứ đều sáng lên hoặc xanh mướt, tràn đầy sức sống. Một chú ếch vừa từ đâu đó nhảy qua trước mặt San.

Chếch về bên trái ngôi nhà có khóm hoa màu tím, San vừa thoáng nhìn thấy một chú mèo con. Nó ướt sũng, đang kêu những tiếng yếu ớt nhưng thảm thiết, mon men sát miệng cống. Trước khi San kịp đứng dậy, một cậu trai đã nhanh tay hơn. Từ đâu đó San không để ý, cậu ấy chạy đến bế thốc chú mèo bằng một tay, băng ngang đường và cuối cùng là ngồi cạnh San trên băng ghế. Chú mèo con ướt nhẹp, bộ lông bết hết cả lại. Chú rùng mình, lắc mạnh, và không còn ướt nữa. Nhưng hậu quả thì “ân nhân” lãnh đủ. San thấy buồn cười nhưng nó kìm lại được, rút chiếc khăn tay đưa cho cậu bạn.

- Nó khô rồi. – cậu ta bế con mèo lên, nhìn nó, (San thề là có vẻ như giận dỡi.

- Không. Ý tôi là cậu lau mặt đi ấy.

Cậu ta ngần ngại một chút rồi cũng cầm lấy. Không đỡ ướt được bao nhiêu.

Xe bus đến. Thật trùng hợp là chỉ còn hai ghế trống, cạnh nhau. Suốt quãng đường, hai đứa chẳng nói câu nào. (Mà có gì để nói nào???) Gần đến trạm phải xuống, San đứng lên. Cậu bạn đưa trả San cái khăn.

- Cậu thích nuôi mèo không?

- Cũng không hẳn là ghét.

- Vậy cậu nuôi nó được không? Tôi ghét mèo.

San hơi bất ngờ.

- À, được.

Câu chuyện đã bắt đầu vào một trưa thứ Hai có mưa như thế đấy.

Phần 2

San nuôi chú mèo, đặt tên cho nó là Mimo. Nó ăn nhiều và rất lười, thường thích nằm dài hong nắng ở bệ cửa sổ. Mỗi lần nhìn Mimo, San lại không tin được rằng cậu con trai ghét mèo, nhưng lại cứu nó, cứu nó nhưng lại không nuôi nó.

Một cách tình cờ, San phát hiện ra rằng cậu bạn ấy cũng đi học bằng xe bus, nhưng chỉ vào những ngày mưa. Có lẽ, cậu ấy đi bằng xe đạp đến trường, những ngày khác. Kể cũng phải, mặc áo mưa đạp xe đến trường thì thật kinh khủng. Bạn sẽ ướt, dù không ướt hết, nhưng như vậy cũng đủ khó chịu rồi.

San ngồi ở băng ghế gần cuối xe. Cậu ấy lại lên ở đầu xe và ngồi ở đó. Vì vậy cùng với IPod, San có thể thong thả nhìn cậu ấy từ đằng sau. Dáng người dong dỏng cao, thường vô thức đưa tay lên gãi tai, và cũng nghe IPod.

Một ngày, khi thấy cậu ấy lên xe, San đã vẫy tay chào. Mới sớm, ghế trống còn nhiều, nhưng cậu ấy vẫn ngồi cạnh San dù hơi ngần ngại.

- Con mèo khoẻ không?

San hơi mỉm cười. Ý nghĩ cậu ta còn nhớ mình khiến nó cảm thấy vui vui.

- Nó khoẻ. Ăn nhiều. Và rất lười.

- Hóa ra cứu nó phí công quá nhỉ?

San thẫn người ra mấy giây, rồi hỏi nhỏ:

- Cậu đang đùa, đúng không?

- Uh, tôi đùa đấy – Cậu bạn cười, khoe hàm răng trắng tinh.

Phần 3

San gặp Kiên – tên cậu bạn ấy – không thường xuyên. Vì trời không hay mưa. Thậm chí là đang mùa mưa nhưng cũng thi thoảng mới thấy mưa rơi. Luôn lên sau nhưng Kiên lại luôn luôn xuống trước vì trường cậu ấy gần hơn trường San. Dù ít ỏi, nhưng san thích những lần nói chuyện với cậu ấy. Không nói quá nhiều, hài hước ngầm và đôi lúc hơi kì dị.

Có hôm cậu ấy đưa một tai nghe IPod cho San.

- Ah, phải Minute của Mozart không? Cậu thích Mozart?

- Uh. Bài sau thì vặn nhỏ đi chút nhé, kẻo xóc óc đấy. Của Metallica.

San thật sự kinh ngạc.

- Rock?

- Uh.

Cái cách mà Kiên “uh” tự nhiên và đơn giản như chuyện một quả trứng cộng thêm một quả trứng nữa thành 2 quả. San lại thấy buồn cười, và lần này nó không cố kìm lại mà quay mặt đi khúc khích. Đoan dạo đầu của bài sau đúng là… xóc óc thật. San không nghe được chất nhạc đó nên vội lấy tai nghe ra.

- Khi nào quay lại nhạc của Mozart thì nhớ nhắc tôi đeo vào.

- Tiếp theo là Chopin.

Đôi lúc, San cũng muốn thử đến trường bằng xe đạp vào những ngày không mưa. Nhưng khổ nổi, San lại không biết đi xe đạp. Hồi nhỏ có lần San háo hức leo lên xe đạp của chị và bị ngã, trầy cả tay chân. Từ đó nhất quyết không leo lên xe đạp nữa. Bây giờ, San thấy tiếc, giá hồi đó chịu khó tập có phải hay hơn nhiều rồi không?

Mà cảm giác vui sướng mỗi khi tỉnh giấc, nhận ra sáng nay trời mưa cũng rất thú vị. Và San muốn giữ cảm giác đó.

San không nhận ra rằng nó đã trở thành người chờ đợi những cơn mưa.

Phần 4

Tâm ôm con Mimo, mặc dù có vẻ con mèo không thích và dường như chỉ muốn vùng chạy ra ngoài.

- Mày nên nói cho tên đó biết những gì mày cảm nhận. Nếu không mày sẽ hối hận. Lúc đó thì đừng có mà khóc lóc ỉ ôi với tao, nghe chưa? Mày đã đọc truyện cổ tích Andersen chưa? Truyện về trái tim hạnh nhân đắng của anh chàng bánh vì một tình yêu câm lặng? Biết câu nói nổi tiếng Nhất kì nhất hội của Nishika…

- Tao đi lấy bánh cho mày ăn nhé!

San nói thế rồi chuồn ngay trước khi Tâm nói thêm nữa, mà chắc chắn là còn dài, với câu kết: “Mày đúng là ngốc không thuốc nào chữa nổi!” mà San (và Tâm) đã thuộc nằm lòng.

Nhưng những điều Tâm nói cũng làm San suy nghĩ, và can đảm hơn lên. Nó không sợ ý tưởng trái tim mình sẽ như chàng bánh câm lặng kia, vì bản thân nó, thích vị vừa đắng vừa ngọt của hạnh nhân. Nhưng cuối cùng, nó cũng ngôi viết một bức thư, rất lâu vì phải chọn lựa những từ ngữ hợp lí. Và San cất vào ba lô, định vào ngày mưa tiếp theo, nó sẽ đưa cho Kiên trước khi cậu ấy xuống xe.

Thế mà hơn một tuần liền, trời không mưa. Tâm bảo hay là để nó đèo đi học, biết đâu lại gặp, nhưng San lại từ chối. Không hiểu sao nhưng San quyết định chờ đợi. Đến ngày thứ tám, Tâm quăng cho nó một con rối đơn giản với cái đầu tròn treo ngược.

- Rối cầu mưa đó. Tao nghe người ta nói treo cái này ở cửa sổ thì trời sẽ mưa đó. Thử đi. Chán mày.

Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, San cẩn thận treo con rối cầu mưa ở cửa sổ. Và thật là khó tin, khi tỉnh dậy, San gần như hét lên vì trời đang mưa. Kiên đi hoc bằng xe bus, ngồi cạnh San và cả hai vẫn nói những câu chuyện không có điểm đầu hay điểm cuối. Đến khi nhận ra gần đến trạm mà Kiên phải xuống, San thu hết can đảm hỏi:

- Cậu đã có bạn gái chưa?

Ngập ngừng, rồi Kiên gãi tai, trả lời:

- À, chưa. Nhưng tớ có thích một cô bạn.

San ghì chặt cái ba lô có đựng lá thư, nhìn theo dáng Kiên xuống xe. Có lẽ nó đã chờ quá lâu để nói nên mọi chuyện muộn mất rồi.

Khi đến trường, vừa nhìn thấy Tâm, San đã bảo:

- Mày dạy tao đi xe đạp đi.

- Sao vậy?

- Tao không thích đi học bằng xe bus nữa chứ sao.

Tâm nhìn nó, đôi mắt thấu hiểu. Con bạn chỉ nói được “Mày đúng là…” rồi thở dài.

Phần 5:

Ba ngày tiếp theo, trời vẫn mưa. Nhưng Tâm sang đèo nó đi học. Trốn trong áo mưa, San nghe rõ những âm thanh rơi vỡ trên áo. Có lẽ Kiên vẫn đi học bằng xe bus. Nhưng San tự nhủ rằng mình sẽ không chờ đợi những cơn mưa nữa.

Trời nắng. Tâm đèo San được 2 ngày tiếp rồi lăn đùng ra ốm. San thì vẫn chưa thể tự đi bằng xe đạp. Vậy là lại leo lên xe bus. Tự nhủ, hôm này là trời nắng nên sẽ không gặp Kiên. Chính vì vậy, San đã ngạc nhiên biết bao khi nhìn thấy Kiên lên xe.

- Sao tớ không thấy San mấy hôm nay vậy?

- À… Tớ… đang tập đi xe đạp rồi. Hôm nay xe đạp của cậu bị hỏng hả?

- Không. Tớ tìm San mà.

San tròn mắt.

Rồi Kiên đưa cho san một tấm card trước khi xuống trạm. Tấm card vẽ một cô gái đang cầm ô, ghi rằng “Chủ Nhật tới tụi mình đi xem phim nhé! Mong là hôm đó trời sẽ nắng. Đi chơi mà trời mưa thì kém vui mất ^^”. Khoan đã, nói vậy, không lẽ người mà Kiên nói đến lần trước… là San sao?

San áp cả hai bàn tay vào má để ngăn nó không nóng bừng lên. Và San nghĩ đến hình ảnh Tâm biết chuyện này dù đang ốm, nó cũng sẽ bật dậy và hét lên “Mày đúng là ngốc không thuốc nào chữa nổi!”.
FUYU

Phía bên kia con đường

~~0o0~~

Khi nắng tắt

Hôm nay tôi đã lặng lẽ đi theo Nghi cả ngày. Đến lớp, nhìn cậu ấy nhăn nhó vì bài kiểm tra một tiết môn Hoá, môn mà cậu ấy ghét nhất. Đến thư viện, cậu ấy chăm chú luyện tiếng Anh hơn một tiếng đồng hồ. Đến lớp học thêm Hoá, nhìn cậu ấy hì hụi vẽ một hình chibi bên cạnh một phương trình phản ứng. Lại lười học đây mà. Tan lớp, Nghi lên xe bus về nhà, gật gù buồn ngủ với iPod. Cậu ấy xuống trạm gần nhà, mua một cốc trà sữa vị đào và đi về phía biển. Nghi chọn một chiếc ghế đá, thong thả uống cốc trà sữa và ngắm hoàng hôn. Mặt trời lúc này như một quả cà chua chin từ từ rơi xuống mặt biển, để lại một vùng cam đỏ loang trên nền mây xám ngắt. Được một lát, Nghi đứng dậy, băng qua ngã tư trở về nhà. Tôi không đi theo nữa, vẫn đứng yên ở đó, quay lưng về phía biển, nhìn theo cái ba lô của Nghi lủng lẳng móc khoá hình con ếch tròn vo, y hệt cái ví tiền của Naruto.
Chẳng hiểu vì sao, Nghi quay đầu lại, nhìn biển thêm lần nữa.
Và cũng không hiểu tại sao, dường như cậu ấy nhìn thấy tôi. Mắt cậu ấy mở to, ngạc nhiên và bang hoàng. Cậu ấy gọi tên tôi, lao vội qua đường.
Tôi đã muốn thét lên “Đừng!”, nhưng không hiểu sao cổ họng cứ cứng lại, không thể thổi thành lời.
Máu loang trên mặt đường. Nghi đã không nhìn thấy đèn giao thông đã chuyển sang màu xanh.

Ký ức

Chúng tôi học cùng nhau bốn năm cấp hai. Nhưng hai đứa thật sự gần nhau, bắt đầu từ nghĩa đen, là năm lớp tám khi cô giáo chủ nhiệm sắp xếp lại chỗ ngồi. Suốt cả năm đó, chúng tôi không nói gì nhiều với nhau ngoài những lúc cần mượn thứ gì đó. Không hiểu sao, tôi có cảm giác rằng, Nghi không ưa mình. Ý nghĩ đó khiến tôi cảm thấy không thoải mái mỗi khi muốn nói chuyện với Nghi.
Một hôm, tình cờ tôi mang cuốn Naruto mới nhất đến lớp vì không muốn chờ đến khi về nhà mới được đọc. Tôi đọc vào giờ giải lao. Trong khi hầu như tất cả mọi người đều đã ra ngoài sân chơi, chỉ có Nghi vẫn ở lại, nắm áp má xuống mặt bàn. Cậu ấy nhìn tôi, thì thầm.
- Naruto tập mới nhất?
Tôi gật đầu.
- Tớ vẫn chưa xem.
- Tí nữa tớ cho cậu mượn về xem.
Không hiểu sao lúc đó, một cậu nhóc chưa bao giờ biết đến khái niệm chia sẻ như tôi lại sẵn sang cho một người bạn mượn cuốn truyện mình vẫn chưa đọc xong.
Nghi mỉm cười cám ơn tôi. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi có dịp nhìn kĩ gương mặt cô bạn cùng bàn mà không sợ bị người ta phát hiện. Tôi nhận thấy trên trán cậu ấy lấm tấm mồ hôi.
- Cậu không khoẻ hả?
- Tớ bị đau bụng.
Vậy là tôi vội vàng thưa với cô giáo để cô cho Nghi về nhà. Sau hôm đó, chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau và thân nhau hơn.Nghi thú nhận rằng lúc đầu cậu ấy nghĩ tôi không ưa cậu ấy lắm. Và ý nghĩ đó khiến cậu ấy không thoải mái khi muốn bắt chuyện với tôi.
- Tớ đâu có thấy cậu khó ưa. Tớ thấy khi cậu cười, trông cậu hay hay!
Nghi nghe thế thì cười.
- Tớ cũng không thấy cậu khó ưa. Tớ thỉnh thoảng ngửi thấy tóc cậu có mùi thơm, ừm, mùi đó “hay hay”.
Tôi ngẩn người. Đó là lần đầu tiên có người khen tóc tôi có mùi thơm. Hôm đó tôi về đến nhà là vội xem ngay mẹ đã mua loại dầu gội gì. Tôi cũng thầm cảm ơn những lúc mẹ “gào thét”, kêu tôi đừng có mải chơi mà… quên tắm.
Làm bạn với Nghi là một điều rất thú vị. Cậu ấy có nhiều điểm chung với tôi, những điều mà tôi chưa từng tìm thấy ở một người bạn nào khác. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt khiến chúng tôi đụng nhau chan chát, gây ra một số cuộc cãi vã. Nhưng chúng cũng nhanh chóng qua đi, và khiến chúng tôi hiểu nhau hơn. Tôi hay đến nhà Nghi chơi, để học nhóm và nghe cậu ấy tập đàn violon. Nghi chơi đàn không được giỏi lắm nên cây đàn phát ra những âm sắc hơi khó nghe.
Lên cấp ba, chúng tôi không học chung lớp nữa, nhưng lớp hai đứa cạnh nhau nên mọi chuyện vẫn không khác xưa là mấy. Giờ giải lao nào tôi cũng mang cho cậu ấy một hộp sữa chua. Và chúng tôi đứng ở hành lang, nói về đủ thứ chuyện trên đời. Tôi vẫn đén nhà cậu ấy, chỉ là ít hơn trước, để học nhóm và nghe cậu ấy chơi đàn violon. Âm thanh đã khá hơn.
Tôi và Nghi có cách nói chuyện rất kì lạ, bạn bèn nhận xét như vậy. Tôi chỉ nhận thấy điều ấy vào cái hôm cả hai ngồi chờ xe bus trong sắc chiều nhợt nhạt, nắng mỏng manh giòn tan. Chẳng hiểu điều gì đã xui khiến tôi nói ra điều đó. Có thể là vì gương mặt nhìn nghiêng của Nghi lúc đó. Có thể là mái tóc Nghi trong nắng chiều có màu vàng đồng thau rất đẹp. Tôi đã nói:
- Tớ nghĩ là tớ thích cậu.
Nghi quay đầu sang bên nhìn tôi. Cậu ấy im lặng một chút rồi cũng đáp.
- Tớ cũng nghĩ là tớ thích cậu.
Chúng tôi đã nói bằng một vẻ tự nhiên không thể tin được, cứ như thể chuyện chúng tôi vừa nói là thời tiết hôm nay thật mát mẻ.
Sau đó, tôi mới thấy bối rối và quay đi chỗ khác. Nghi cũng vậy. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nắm tay nhau. Thậm chí đến bây giờ, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm và sự dịu dàng của bàn tay Nghi.
Vào sinh nhật mười bảy tuổi của Nghi, chúng tôi đi uống trà sữa và đạp xe dọc đường Trần Phú ngắm biển.
- Sinh nhật cậu năm sau tớ sẽ dẫn cậu đi Vinpearl.
- Cậu có tiền à?
- Đến lúc đó sẽ có.
Nghi để hai bàn tay vào túi áo khoát của tôi, ghì nhẹ, giống như đang ôm tôi vậy. Tim tôi đập thịch một cái, và len vào một cảm xúc rất lạ lùng.
Tôi kuôn tự hỏi mình một câu hỏi. Tại sao hôm ấy trời lại mưa to đến vậy? Tại sao hôm ấy tôi lại phóng xe nhanh đến vậy? Tại sao người ta say rượu mà vẫn điều khiển xe trên đường? Tại sao tai nạn đó lại xảy ra với tôi? Tại sao tôi phải dừng lại ở tuổi mười bảy này?
Tôi thấy mẹ khóc nhiều. Nghi cũng khóc. Ba tháng trôi qua, không còn ai khóc nữa, tuy nỗi buồn vẫn ở đâu đó. Nhưng tất cả mọi người đều đã cố gắng tiến về phía trước.

Một lời tạm biệt

Tôi đi thăm Nghi ở bệnh viện. Cậu ấy không sao và đang ngủ ngon lành, tuy gương mặt vẫn còn tái nhợt.
Tôi đã nghĩ về những câu hỏi mình tự đặt ra. Không có câu trả lời nào thoả đáng. Nhưng ngay lúc này, tôi chợt nhận ra một điều. Đó là nhìn lại tuổi thiếu niên của mình, tôi cảm thấy nó thật đẹp và không cảm thấy hối tiếc. Một phần điều đó là nhờ Nghi. Từ cái hôm cậu ấy khen tóc tôi có mùi “hay hay”, và chia sẻ những điều nhỏ bé, cuộc sống của tôi êm đềm trôi qua không biến động, không cô đơn, được chia sẻ, được thấu hiểu.
Tôi thì thầm, nhưng tôi chắc rằng Nghi sẽ nghe thấy.
Nghi à, mình thật long không muốn phải nói lời tạm biệt với cậu. Mình muốn cùng cậu đi học, đi Vinpearl vào sinh nhật mười tám tuổi. Nhưng mình không thể. Còn cậu thì có thể. Vì vậy, điều mà mình sắp nói ra có thể cậu sẽ thấy giống trong một bộ phim chúng mình rất thích, mình muốn cậu hãy làm nhiều điều thật hay ho để cuộc sống của cậu trở nên thật thú vị. Rồi một ngày nào đó thật xa ngày này, cậu sẽ kể lại cho mình. Mình cũng xin lỗi, vì đã không ngăn cậu băng qua đường. Lúc đó mình đã muốn cậu đi cùng mình. Nhưng mình nhận ra mình đã sai. Vì điều mà mình tha thiết nguyện cầu, là cậu luôn vui vẻ.
Tuổi mười bảy của mình sẽ luôn ở cạnh cậu, mình hứa đấy.

Giấc mơ của Nghi

Trong giấc mơ của tôi, có một người đã ra đi và không bao giờ trở lại. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cậu ấy. Cậu ấy sẽ luôn vẹn nguyên trong ký ức cửa tôi, bên cạnh tôi-mười-bảy-tuổi. Đó sẽ là ký ức lấp lánh của tuổi thiếu thời, nhắc tôi nhớ rằng có một ngườoi đã giúp tôi không đơn độc, được chia sẻ, được thấu hiểu.
Tôi sẽ tiến về phía trước.
Tôi và câu ấy sẽ luôn bên nhau cùng tuổi mười bảy của mình.
FUYU

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #widy