Đào viên tình sử - Phạm Thái Quỳnh
Một đêm xuân năm Mậu Tý 1228, tướng công Trần Liễu vừa chợp mắt đã gặp một giấc mơ lạ: Ngài vào yết Hoàng đế Thái Tông, lúc Ngài trở về, hoàng hôn đã nhuộm vàng kinh thành.
Câu nói của phu nhân lúc Ngài cất bước vào cung: "Tối nay, thiếp sẽ thưa với tướng công một chuyện vui mừng..." cứ vang vang trong đầu Ngài. Bởi vậy, Ngài không ghé vào nơi nào nữa mà phải về nhà ngay. Vậy mà phu kiệu lại đưa Ngài tới khu rừng trúc đẹp tựa tranh vẽ. Giữa mênh mông trúc, cây nào cũng óng vàng thẳng tắp, vài ba vạt cỏ xuân non mơn mởn hiện lên gần đó.
Trăng đã nhô lên.
Ánh trăng bảng lảng như vàng rơi. Ngài thấy lạ, mới là ngày mùng Tám tháng Giêng mà trăng đã vành vạnh tròn. Trời cũng trong lắm. Đêm tháng Giêng, trời thường nhiều mây. Vậy mà đêm ấy trời rất trong, kể cũng là hiếm thấy.
Trần tướng công mơ mơ tỉnh tỉnh. Cách chỗ Ngài đứng chừng hơn trăm bước chân, một con nai béo tốt đang gặm cỏ. Bên cạnh con nai là một con sư tử "đồng ấu" đang tập nhảy, tập vồ. Đó là thiên năng của chúng. Trời ban cho chúng cách kiếm mồi nên mới lọt lòng mẹ chúng đã biết nhảy biết vồ.
Con sư tử có vẻ thân thiện với con nai lắm. Hai loài này vốn là kẻ thù truyền kiếp. Thế mà con sư tử và con nai hiển hiện trước Ngài lại tử tế với nhau.
Bỗng một đàn sói xuất hiện. Hàng chục con sói mắt như lửa, gầm gừ vây quanh con nai và con sư tử thơ dại. Con nai run rẩy nép vào sát con sư tử. Đàn sói đói sẽ xé xác con nai béo tốt và con sư tử non nớt trong chốc lát.
Nhưng đàn sói chỉ gầm gừ xoay quanh hai con mồi mà không một con nào dám xông vào, cho dù bụng chúng cồn cào mà thịt nai đối với chúng là cực phẩm nhân gian.
Con sư tử nhỏ bé làm sao chống chọi được đàn sói hung dữ? Tại sao đàn sói không xông vào phanh thây con mồi? Chợt Trần tướng công nhận ra, hai luồng sáng từ mắt con sư tử phóng ra như hai ánh gươm sắc lạnh. Dù bầy sói có thèm khát con nai đến mấy nhưng hai luồng "kiếm quang" của con sư tử đã làm cho bầy sói phải chờn.
Vậy là uy vũ của con sư tử đã xua đuổi được kẻ thù.
Trần tướng công đang mải mê suy ngẫm việc vừa diễn ra trước mắt, chợt Ngài thấy một vật rất sáng từ trên trời rơi xuống chính giữa vạt cỏ xanh vuông vắn như cái khay. Ngài bước tới chỗ vật sáng vừa rơi xuống và nhận ra đó là viên bạch ngọc.
Trần tướng công mừng lắm cúi xuống nhặt lấy viên ngọc đó. Nhưng Ngài đã chậm tay, viên ngọc trắng đã tan vào khay cỏ xanh.
Trần tướng công đang chập chờn trong mơ, bỗng có tiếng động lớn vang lên. Ngài bừng giấc điệp. Phu nhân tướng công vội vén màn, rời giường bước tới phía vừa có tiếng động. Hóa ra con mèo mướp đuổi chuột đã làm rơi chiếc bình gốm.
Tướng công Trần Liễu rời giường bước tới án trà. Phu nhân tướng công hiệu ý bèn pha một chuyên trà ngon dâng Ngài. Chén trà thơm đã làm cho Ngài tỉnh táo khiến giấc mơ hiện lại rõ mồn một. Rồi Ngài cất lời rành rọt:
- Có phải phu nhân đã có tin vui?
Phu nhân tướng công giật mình thầm nghĩ. "Mình chưa thưa với tướng công, sao tướng công đã biết...". Rồi phu nhân thi lễ:
- Thưa tướng công, thiếp thấy như mới có tin vui. chờ dăm ba ngày nữa cho thật chắc, lúc ấy thiếp mới thưa với tướng công.
Trần tướng công nghĩ: Giấc mơ vừa qua ứng với tin vui chăng? Đứa bé có phải là con sư tử, còn con nai? Lại còn viên ngọc trắng rớt xuống vuông cỏ xanh?". Ngài không sao trả lời được những câu hỏi do mình đặt ra.
Hơn bảy tháng sau, phu nhân tướng công sinh cho Ngài một đồng nam. Đứa bé mặt vuông, mũi cao, mắt sáng, mày nét mác, vai rộng, tóc đen dày và cứng. Ngắm nghía con, thấy con có quý tướng, Ngài bèn tìm đến một vị túc nho, uyên thâm dịch lý hỏi tương lai của con minh. Vị túc nho thân hành tới tư dinh Trần tướng công ngắm kỹ đứa trẻ rồi hỏi:
- Trước khi câu nhà cất tiếng khóc kính cáo thiên địa đe làm người, Ngài có thấy điềm gì lạ không?
Trần tướng công khẽ hất hàm. Phu nhân tướng công và gia thuộc lui cả. Lúc ấy,
Ngài mới đáp:
- Có.
Với giọng nói trang nghiêm, Trần tướng công kể lại giấc mơ lạ Ngài đã gặp trước đây. Ngẫm nghĩ một lúc, vị túc nho giảng giải:
- Sau này, cậu nhà sẽ là trụ cột của triều đình, làm lớn giang sơn đấy.
Vị túc nho ngừng lời nhưng ánh mắt thể hiện có điều không tiện nói ra. Trần tướng công bèn nói:
- Tiên sinh không phải e ngại gì. Ta không gây phiền phức cho tiên sinh đâu.
Lúc ấy, vị túc nho mới bộc bạch:
- Cậu nhà làm việc gì cũng quyết làm bằng được nên có việc rất rắc rối, sự chết kề bên.
Trần tướng công vừa mừng vừa lo. Suy nghĩ giây lát, Ngài nói:
- Phúc họa do thiên, người tính sao được xin tiên sinh cho nó cái tên.
Rất điềm tĩnh, vị túc nho hỏi:
- Thảm cỏ như cái khay, viên bạch ngọc từ trời rơi xuống chính giữa cái khay rồi hòa vào cỏ. Ngài xem đó là chữ gì?
Trần tướng công chau chau vầng trán rồi hỏi lại:
- Có phải đó là chữ "quốc"?
- Còn chữ nào được nữa. Làm lớn giang sơn phải là tuấn kiệt. Lão xin tặng tướng công chữ "tuấn".
- Vậy là "Quốc tuấn"?
Vị túc nho nghiêm nghị:
- Chữ Giời cho đấy!
- Thế còn con nai thì sao? - Trần tướng công hỏi.
Lặng đi giây lát, vị túc nho đáp:
- Có những điều không biết lại tốt hơn là biết.
Nắng tháng hai rắc phấn làm cho kinh thảnh khoác tấm áo lụa hồng mỏng mảnh.
Hôm ấy là ngày rằm, công chúa Thiên Thành xin phép đức vua đi viếng chùa Trấn Quốc. Hoàng đế Thái Tông ưng chuẩn. Ngài dặn bọn hầu gái:
- Công chúa lớn rồi, tính tình lại phóng khoáng. Trung Thành vương là đứa hay ghen nên các ngươi không được chiều Công chúa.
Người hầu gái lớn dáng vẻ đoan trang cúi đầu thưa:
- Bẩm đức vua, chúng con hiểu ý Người rồi ạ.
Chưa yên lòng, Hoàng đế Thái Tông còn nói nhỏ với bọn phu kiệu điều gì, những người hầu gái không nghe rõ.
Lá ngọc cành vàng có nỗi khổ của lá ngọc cành vàng. Ngày ngày, Công chúa chỉ quanh quẩn bên nhũ mẫu, thầy dạy chữ và những người hầu gái. Những gương mặt ấy thân quen đến nhàm chán, muốn gần bố mẹ cũng khó được gần. Có đi đâu, Công chúa cũng bị kẻ canh trước, người coi sau. Kinh sách, lễ nghi thì thừa, tuổi hoa hồn nhiên thì thiếu.
Năm lên mười. Công chúa biết hôn nhân của mình đã được ngầm sắp đặt từ bốn năm trước. Nhưng nam nữ thụ thụ bất thân", bảy tuổi trai gái đã không được ngồi chung chiếu nên Công chúa có muốn gặp hôn phu - Phò mã tương lai cung khó như Phò mã tương lai muốn gặp Công chúa.
Mười lăm tuổi, Công chúa sẽ vu quy - nghĩa là chỉ năm sau thôi Công chúa sẽ về nhà chồng. Vậy mà, Công chúa mới chỉ được ngó người ấy một lần, mặc dù người ấy và Công chúa cùng trực hệ tôn tộc.
Khi chưa biết mặt hôn phu, Công chúa hy vọng. Gặp hôn phu rồi, Công chúa chán ngán, hy vọng tiêu tan. Bao nhiêu anh hùng, tuấn kiệt trong kinh sách, Công chúa đã gặp. Ngoài đời, anh hùng tuấn kiệt chắc là không hiếm. Đáng buồn, hôn phu của Công chúa lại không như Công chúa tưởng tượng. Tại sao hôn nhân cứ phải tuân theo sự sắp đặt? Lẽ nào ta không được chọn người ta yêu?
Thắp hương bái niệm chùa Trần Quốc xong, Công chúa bảo phu kiệu vòng sang Ngọc Hà. Những người hầu gái nhìn nhau. Họ biết Công chúa có ý đi thăm làng đào.
Ngày xuân, làng đào Ngọc Hà là chốn du ngoạn của tao nhân mặc khách. Những kẻ "bụi bặm" cũng tìm tới đó. Nơi đó còn là nơi trai gái hẹn hò, tròng ghẹo nhau. Chuyện tục cũng có, chuyện thanh cũng có, xảy ra chuyện gái đối với Công chúa thì chết. Người hầu gái đã hứa với đức vua trước lúc Công chúa bước lên kiệu bèn thưa:
- Xin Công chúa thương chúng con, đức vua đã dặn lễ chùa xong phải quay về ngay.
Thấy người hầu lên tiếng, phu kiệu mới dám nói:
- Nghe theo Công chúa, chúng con chắc sẽ bị phạt.
Công chúa nhỏ nhẹ:
- Các người không biết nỗi khổ của ta. Điện ngọc lầu vảng đấy nhưng ta có khác gì con chim trong lồng. Đức vua có quở trách ta, ta chịu cả.
Bọn phu kiệu vả những người hầu không dám nói gì nữa.
Kiệu vàng trôi về Ngọc Hà. Dù đã giữa xuân, nhưng vườn đào Ngọc Hà vẫn rực rỡ một góc trời. Đào Nguyên mà Lưu, Nguyễn đã đặt chân lới chắc gì đã đẹp hơn nơi đây?
Công chúa sai hạ kiệu. Thị nữ vội vén rèm hoa. Người ngọc buông những bước chân nhẹ như sướng giữa rừng đào long lanh nắng xuân. Nắng làm cho những giọt sương còn sót lại hóa thành những giọt thủy tinh óng ánh. Sắc đỏ của hoa cùng màu hồng của nắng làm cho dung nhan diễm lệ của Công chúa ngời ngời như gương. Công chúa đi tới đâu, người người nhường lối và lặng lẽ cúi chào.
Công chúa ngất ngây trước cảnh "Đào Nguyên". Một trang tuấn tú bàng hoàng trước vẻ thiên hương, ánh mắt của chàng không rời người ngọc. Rồi chàng thầm thốt lên: "Thiên Thành đây ư? Cô ta đây ư?".
Tuy là cô cháu nhưng hai người mới gặp nhau vát lần từ thuở nhỏ. Lớn lên, Thiên Thành giảm mình trong lầu son, còn trang tuấn tú thì vùi đầu vào binh thư, lại còn bận bịu với kiếm cung nữa. Thiên Thành công chúa thì đã có nơi có chốn. Trang tuấn tú còn mơ theo cánh chim bằng nên dù đã hơn hai mươi tuổi mà chàng chưa nghĩ đến tình gia thất. Thêm nữa, chưa có giai nhân nào làm cho chàng động lòng, chàng như con thuyền chưa buông neo là vì vậy.
Chợt Công chúa nhận ra có hai luồng sáng như sao băng đang hướng tới. Đến lượt công chúa sững sờ: "Người đâu mà tuấn tú thế! Phan An bên Trung Hoa xưa chắc cũng chỉ như người này thôi. Công chúa bèn thì thầm với một người hầu gái.
Cô hầu thè thọt:
- Bẩm, người ấy là người nhà Công chúa đấy!
- Người nhà?
Ngẩn ra giây lát, Công chúa lại nói:
- Không thề.
- Thưa, con đâu dám nói sai, cậu Quốc Tuấn đấy.
- Có phải Quốc Tuấn con An Sinh vương?
- Bẩm, đúng như vậy.
- Trời ơi, cháu ta! Gần mười nam rồi! Giá là con dân quê, cô cháu ta sẽ được gặp nhau luôn. Đằng này, chao ôi lầu son, quyền quý!
Một nỗi buồn vu vơ xâm chiếm lòng Công chúa. Rồi Công chúa thủng thẳng:
- Phu nhân cháu ta là ai vậy?
- Bẩm, cậu Tuấn như cánh chim chưa có cành đậu.
- Có lẽ nào lại như thế, ngươi có biết rõ không?
- Thưa, điều này Công chúa phải hỏi cậu Tuấn chữ sao lại hỏi con.
- Ờ phải, ta thật lẩn thẩn.
Có mấy kẻ bất trị hoặc không biết người ngọc là Công chúa, hoặc không coi giời đất là gì đã bước tới gần Công chúa rồi buông lời bông lơn. Quốc Tuấn thoăn thoắt bước tới trước mấy kẻ lêu lổng. Chàng quắc mắt, ánh mắt như một làn kiếm sắc. Bọn lêu lổng bỏ đi ngay. Công chúa mừng lắm reo lên:
- Quốc Tuấn!
- Cô cũng còn nhớ cháu à?
- Quốc Tuấn tệ lắm! Ngày đại hỷ mà quên Thiên Thành.
Quốc Tuấn lắc đầu rồi hỏi:
- Cô đã đính hôn với Trung Thành vương?
Nét mặt Công chúa trở nên rầu rầu:
- Cậu mừng à?
- Cháu phải mừng chứ.
- Đó là ý của đức vua.
- Còn ý cô?
- Ta xin cậu một lời khuyên.
Lòng Quốc Tuấn bỗng rộn ràng. Trước khách má hồng, Quốc Tuấn chưa bao giờ có cảm giác ấy. Thế mà hôm nay... Tình xuân dào dạt, Quốc Tuấn bẻ ngay cành đào làm bút, lấy mặt đất làm giấy thảo bốn câu thơ nôm na như sau:
Ngàn năm giai nhân tuấn kiệt
Vấn vương như mắc nợ nhau
Ngoảnh lại cây xuân úa lá
Thoắt thôi mây trắng cài đầu!
Công chúa vui đến bối rối cả lòng.
Bóng nắng đã xế. Mấy cô hầu lòng như có lửa cháy. Công chúa chào rồi quay gót. Quốc Tuấn hóa đá trông theo. Ba lần Công chúa ngoảnh lại. Lòng bối rối, Công chúa liền chỉ vào thị nữ. Là người thông tuệ, Quốc Tuấn hiểu ngay.
Từ đó, người hầu gái lén đem thư đi rồi lại nhận thư về. Một lần, Công chúa hỏi người hầu đó:
- Vì ta chẳng may em bị liên lụy, em có oán ta không?
Người hầu vui vẻ đáp:
- Công chúa mà được hạnh phúc thì con chẳng ngại gì cả.
Tháng Giêng năm Tân Hợi - 1251 (Nguyên Phong năm thứ nhất), Hoàng đế Thái Tông ban bố "Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương... Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm bày các tranh vẽ lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành vương". Dù biết cái ngày này sẽ đến, Công chúa Thiên Thành vẫn ngỡ sét đánh bên tai. Éo le hơn nữa, trước ngày đức vua ban cho Công chúa được xuất giá, thân sinh của Trung Thành vương là Nhân Đạo vương đã đón Công chúa Thiên Thành về dinh của Ngài tự nhiên như chú đón cháu về nhà chơi. Thâm ý, Ngài tránh điều bất trắc. Ấy là vì Nhân Đạo vương nghe phong thanh "Quốc Tuấn đã lén gặp Công chúa ở vườn đào Ngọc Hà...". Nhân Đạo vương chột dạ. Bởi Ngài biết Quốc Tuấn rất bạo gan. Việc dù lớn Quốc Tuấn đã quyết thì bể cả cũng thành ao con. "Tam thập lục kế cẩn vi thượng sách". Do dó, Nhân Đạo vương đón Công chúa Thiên Thành về dinh của Ngài trước ngày Công chúa vu quy.
Từ khi đức vua ban bố lệnh ấy, Công chúa Thiên Thành như người mất hồn, thở ngắn than dài, không ăn không ngủ. Đã vậy Nhân Đạo vương còn cho quân lính canh gác tư dinh rất nghiêm cẩn. Người hầu gái đóng vai "Nguyệt lão" không làm sao ra khỏi tư dinh của Nhân Đạo vương.
Trong dinh của Nhân Đạo vương, người người tấp nập chuẩn bị cho ngày đại hỷ của Trung Thành vương. Quốc Tuấn cảm thấy như đang ngồi trên chảo than đỏ. Thời gian vun vút trôi. Ngày 15 đã qua đi, rồi 17, 18 cũng đã qua đi. Ngày 20 cũng sắp qua mà người hầu của Công chúa không hề lai vãng, Quốc Tuấn cũng chưa nghĩ ra cách gì khả dĩ. Bỗng một đốm sáng vụt lên "Không thể... không thể... Đêm nay, nhất quyết phải đêm nay...". Ý nghĩ ấy đã xui Quốc Tuấn không thể không hành động.
Vừa bảnh mắt ngày 21, người hầu Công chúa đã cất bước. Dinh của Nhân Đạo vương chưa ai thức giấc. Ra tới cổng dinh, người hầu Công chúa bị lính gác ngăn lại:
- Tâm phúc Công chúa đi đâu mà đi sớm thế?
- Ta đi sang dinh Công chúa Thụy Bà.
- Có việc gì?
- Việc hôn nhân của Công chúa.
Tên lính gác lưỡng lự... Người hầu Công chúa đốp ngay:
- Ngươi không cho ra chứ gì? Thôi được, ta vào bẩm với Công chúa và thưa với vương vậy.
Tên lính gác vội sụp xuống vái lấy vái để:
- Em lạy chị! Hỏi thế thôi chứ em đâu có dám ngăn. Chị mà bẩm thì em chết.
- Vậy thì mở cổng. Ta ra ngoài chỉ một mình ngươi biết. Hễ có ai biết ta ra ngoài, ta sẽ bẩm với Công chúa là ngươi mỏng môi đấy.
- Em nhớ, em nhớ.
Công chúa Thụy Bà nâng trản trà thanh tâm chưa kịp nhấp thì thấy hầu gái Công chúa Thiên Thành hớt hải bước vào. Bà linh cảm có chuyện chẳng lành nên hỏi ngay:
- Có chuyện gì mà đến đây sớm thế?
- Tâu lệnh bà, Quốc Tuấn đang ở chỗ Công chúa con.
Công chúa Thụy Bà rụng rời chân tay. Nhưng là người từng trải nên bà đã lấy lại được sự bình tĩnh cần thiết. Vì bà biết trước những việc tày đình thì bình tĩnh đúng là vàng... Bà lại hỏi:
- Quốc Tuấn đến chỗ Thiên Thành từ bao giờ?
- Thưa lệnh bà, cậu Tuấn trèo tường vào chỗ cô con từ đêm rồi ạ.
- Lính canh phủ của vương đi đâu cả mà không ngăn lại?
- Bẩm, cậu Tuấn thì lệnh bà biết rồi.
- Quốc Tuấn và Thiên Thành đã... chưa?
- Bẩm, con đâu có biết. Con chỉ thấy hai người nằm chung giường...
Công chúa Thụy Bà tái người. Giận cháu lắm, nhưng lòng thương của người cô dành cho cháu còn lớn hơn nỗi giận. Sự ngông cuồng của Quốc Tuấn đã đánh thức kỷ niệm trong bà. Công chúa Thụy Bà là chị ruột của Hoàng đế Thái Tông, là cô ruột Quốc Tuấn. Bà là người khoan dung khiêm từ nhận Quốc Tuấn làm con và nuôi Quốc Tuấn từ bé. Người cháu tuấn tú rất hiếu thảo với bà khiến Công chúa Thụy Bà quý cháu như quý bản thân mình. Nhận được tin không lành, Công chúa Thụy Bà "Liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu Vua hỏi có việc gì. Thụy Bà trả lời:
- Không ngờ Quốc Tuần ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành. Nhân Đạo vương đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu.
Vua bèn sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo vương. Đến nơi thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Hôm sau, Thụy Bà dâng lên (vua) 10 mâm vàng sống, tâu rằng:
- Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật".
Hoàng đế Thái Tông không nói gì mà chỉ nhìn chị ruột bằng ánh mắt đầy ý tứ. Ánh mắt của Hoàng đế rất nhân từ nên Công chúa Thụy Bà thấy yên lòng.
Nghe được tin dữ, Thái sư Trần Thủ Độ bèn vào cung. Hoàng đế Thái Tông hỏi ngay:
- Có phải Thái sư đến vì việc Quốc Tuấn?
Trần Thái sư dõng dạc:
- Thần lấy làm vinh vì được phò tá một thánh minh.
Hoàng đế khẽ cười:
- Giời phải chịu đất thôi.
Thái sư Thủ Độ mừng rỡ:
- Thật phúc cho thiên hạ. Quốc Tuấn là chỗ tựa của triều đình sau này đấy.
Không còn cách nào khác: "Vua bất đắc dĩ phải gả Công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên (gốm Ứng Hoà, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay) để hoàn lại sinh vật cho Trung Thành vương".
Sau lễ thành thân, Quốc Tuấn cùng Thiên Thành đến cảm ơn cô ruột. Công chúa Thụy Bà nghiệm sắc diện nói:
- Con gái chưa lễ tác hợp mà đã chuyện này nọ là hư.
Cổng chúa Thiên Thành cười:
- Người hầu hoẹt ra chuyện ấy. Có làm như vậy, Công chúa mới cứu Quốc Tuấn.
Công chúa Thụy Bà dịu giọng:
- Thì ra mấy đứa hùa nhau lừa bà già này.
Rời dinh Công chúa Thụy Bà, Quốc Tuấn dắt Thiên Thành đến tạ ơn Thái sư Trần Thủ Độ. Trần Thái sư hỏi Thiên Thành:
- Ngươi đã phỉ nguyền chưa?
Thiên Thành khiêm từ:
- Bẩm Thái sư, cháu mãn nguyện rồi ạ.
Thái sư nghiêm giọng:
- Trời ban cho ngươi báu vật mà trên thế gian này không có gì sánh bằng. Đó là chồng ngươi. Ngươi phải làm thế nào để chắp cánh cho chim bằng. Nếu ngươi làm phiền Quốc Tuấn, ta hỏi tội đấy.
Công chúa Thiên Thành chỉ còn biết nín lặng.
Thái sư lại hỏi Quốc Tuấn:
- Còn hơn má phấn là gì ngươi biết chứ?
- Bẩm Thái sư, đó là thanh gươm ạ.
- Được!
Thái sư suy nghĩ rồi nói:
- Phải mài gươm cho sắc. Thế nào giặc Bắc cũng sang. Nam Tống sắp vỡ rồi. Dù ta không muốn nhưng vẫn Jphải vung gươm. Giặc sang, chỗ nào là chỗ chết ta giao cho ngươi đấy.
Quốc Tuấn ứa nước mắt. Chàng biết, có quý và tin cháu lắm, Thái sư mới nói câu ấy.
Trên đường về, Quốc Tuấn trêu bạn trăm năm:
- Từ nay, Công chúa không được lấy quyền làm cô mà nạt nộ cháu đấy.
Thiên Thành cười:
- Chàng thật khéo đùa. Cô cháu sánh sao được với phu thê. Có là gì đi nữa, gái vẫn phải theo chồng.
Tháng Giêng năm Giáp Tý - 1264, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ tạ thế.
Vào một đêm xuân năm ấy, Trần Quốc Tuấn một mình tới mộ Thái sư dâng hương rồi khấn: - Nhiều kẻ sàm ngôn nói Thái sư tàn bạo. Cháu lại thấy Người rất nhân từ. Nhân từ của Người là đại cuộc làm cho nước vững dân yên. Không có Người, cháu đã thành ma. Lòng khoan dung của Người chỉ có trí giả mới nhìn thấy. Noi theo Người, cháu xin đặt chữ trung lên đầu, mặc cho bao kẻ bóng gió. gièm pha... Thuộc hạ trai trẻ có tài mà lầm lỡ, cháu sẽ hết lòng bao dung. Ngọc cũng còn có vết huống nũa là người. Chao ơi, nếu người giữ ngôi cao mà hẹp lượng thì hiền tài nảy nở sao được, không khéo cón ngậm oan nơi chín suối...
Với tài cầm quân lỗi lạc của Quốc cộng tiết chế Trần Quốc Tuấn, Đại Việt thắng Mông Nguyên lần thứ II (1284-1285). Nhiều người lúc ấy mới hiểu. Để bảo vệ một thiên tài vua Trần, Thống quốc Thái sử Trần Thủ Độ và Công chúa Thụy Bà đã phải gắng hết sức có lúc đến nghẹt thở.
Chuyên tình Công chúa Thiên Thành không chỉ là chuyện riêng của hai người mà còn là an nguy của xã tắc.
Thống quốc Thái sư đã không nhầm. Phò mã Quốc Tuấn đã làm sáng Đại Việt, khiến cho thiên tình sử của Công chúa Thiên Thành càng lộng lẫy.
P.T.Q.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro