viễn phương(5)
5. Hoài niệm
“Công chúa, người xuống đi, ở trên đó nguy hiểm lắm!” – Thân Cảnh Phúc thở hắt ra, ngửa cổ nhìn lên cành cây.
“Ngươi không biết ta là cao thủ trèo cây sao? Không việc gì đâu! Rất xin lỗi nếu làm ngươi nhầm tưởng ta là công chúa đoan trang, nhu mì, nền nã nhé!” – Thiên Thành nghiêng đầu nhìn xuống, cười khanh khách. Trong cơn gió mát lành, tà áo lụa hồng của nàng khẽ bay bay, mơ mộng và nên thơ.
“Cảnh Phúc” – Nàng tiện tay ném quả ổi trong tay mình cho người thanh niên đứng bên dưới – “Bao giờ ngươi định cưới Ma Ngọc Cẩn về làm thiếp đây? Ta đảm bảo sẽ không làm vợ lớn ức hiếp vợ nhỏ của ngươi đâu. Ta là người rất rộng rãi mà!”
Bàn tay đang cầm quả ổi chà lên ngực áo chợt ngừng lại. Chàng suy nghĩ một hồi rồi mới chầm chậm nói:
“Nàng ấy… đã kết hôn rồi. Thần không ra gì nên Ngọc Cẩn kiên quyết không chấp nhận. Công chúa, chuyện này người đừng để trong lòng, không liên quan đến người”.
“Ta đã nói là ‘cưới vợ phải cưới liền tay’ cơ mà, ai khiến ngươi cứ chần chừ như vậy chứ? Ta đã bảo…”
“Thần không phải với Ngọc Cẩn. Nhưng công chúa mới thành hôn với Cảnh Phúc, nếu thần ngay đó cưới thứ thiếp về là không đúng với người, là không coi người lẫn Hoàng thượng ra gì”.
“Chuyện này…”
Thiên Thành bỏ lửng câu nói ở đó, né tránh ánh mắt nghiêm túc và những lời nói rõ ràng của người thanh niên đang tựa lưng vào tảng đá bên dưới. Nàng không rõ những điều mình đang cảm thấy có phải sự xúc động thật sự hay không, trong những lời kia của người có tiếng là chồng nàng bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là ảo. Hôn nhân chính trị là như vậy, không có tình yêu, cả hai bên phải nhìn mặt nhau, nhìn vào họ hàng, dòng tộc sau lưng mà cư xử từng chút, từng chút một sao cho thật đúng, thật hoàn mỹ như những gì bề trên trông đợi.
Hoàng đế ban hôn, gả cho công chúa vàng ngọc, biến một kẻ ở nơi biên cương thô kệch thành quý tộc bậc nhất là ân. Điều này Thân Cảnh Phúc quá hiểu, là dùng ân điển, dùng sự sủng ái mà trói buộc. Nhưng càng nâng lên cao, càng coi trọng thì sức ép lẫn đòi hỏi cũng càng lớn. Đó là uy. Một dải biên giới cả nhà Tống lẫn Thăng Long đều ra sức tranh lấy để đoạt được lợi thế trên chiến trường, trong muôn vạn nước cờ hạ xuống, có một nước thông qua hôn nhân mà có đất, có người. Nhận ơn thì phải trả, đó là cái lẽ thường tình. Nhưng, cũng còn một lẽ khác, sự mềm mỏng, trọng dụng ấy của Hoàng đế vốn chỉ dành cho những kẻ biết điều, nhược bằng không phải vậy, chỉ một chiếu chỉ ban xuống, vương tử, tướng quân thiện chiến nhất sẽ không ngần ngại mà san phẳng nơi này, trừng phạt những kẻ dám mưu đồ cát cứ, phản bội Thăng Long.
“Ngươi kể cho ta về Ma Ngọc Cẩn đi, về chuyện của ngươi và nàng ấy nữa!” – Thiên Thành đề nghị, đôi mắt đen sáng long lanh, tò mò nhưng thành thực.
Thân Cảnh Phúc vốn là người kiệm lời, thường những chuyện cá nhân không bao giờ để ra ngoài miệng. Thế mà trong buổi chiều hôm ấy, chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, chàng lại kể cho Thiên Thành nghe, lan man từ khi còn nhỏ đến cả lúc trưởng thành. Cảnh Phúc chỉ kịp ngăn bản thân lại khi cảm thấy việc đứng trước mặt đích phu nhân thân phận tôn quý của mình kể về người cũ e rằng không được nhã nhặn cho lắm.
“Còn… công chúa thì sao?” – Chàng đằng hắng, lảng sang truyện khác.
Những ngón tay gõ nhẹ lên lớp vỏ xù xì của thân cây chợt dừng lại. Hàm răng cắn nhẹ lên bờ môi hồng, Thiên Thành suy nghĩ một hồi rồi đung đưa chân, mỉm cười:
“Ngươi với Ngọc Cẩn đúng là thanh mai trúc mã nhỉ? Còn ta với người đó… cũng chẳng biết gọi là gì nữa”.
Ngày phụ hoàng ban hôn, là hắn buông tay. Thiên Thành chợt nhận ra, có khi những gì mình giữ chỉ là chút kỉ niệm thời thơ trẻ ngây ngô, lẫn lộn giữa sự chiều chuộng, phục tùng với thứ tình yêu có thể chống lại mệnh lệnh của Hoàng đế.
Ngày Phạm Sinh tiễn nàng đi lấy chồng, là nàng buông tay.
Chiếc xe ngựa cùng đoàn người đưa dâu dừng lại trên đỉnh đèo bên ngoài đất động Giáp. Núi rừng trùng điệp xanh ngắt, mây trời bàng bạc tràn xuống cà mặt đường. Trong tiết đông hàn, Thiên Thành cuốn chặt mình trong tấm áo gấm, lắng tai nghe âm thanh đinh đang đinh đang của những món đồ trang sức trên mái tóc đen va vào nhau trong gió lạnh, nghe những điều Phạm Sinh nói như có như không.
“Giờ thì không được nữa rồi!” – Thiên Thành ngước lên, đôi mắt lấp lánh dịu dàng hòa vào nụ cười trên đôi môi hồng tạo thành một vẻ đài các xa cách mà lạnh lùng như bạch ngọc – “Lúc ngươi còn có thể lấy ta, trước mặt phụ hoàng, ngươi chọn im lặng. Bây giờ thì muộn rồi. Thân là công chúa, bổn phận của ta là phải đến châu Lạng, trở thành con dâu nhà họ Thân, đem tấm thân này củng cố giang sơn của Hoàng đế. Ngươi nói xem, những thứ ta gánh trên vai có thể hất cả đi để đổi lấy thứ tình cảm của ngươi hay không?”
“Người không cần hạnh phúc sao? Nơi ấy hoang vu, hẻo lánh lại…”
“Ngươi có tư cách hỏi ta điều đó?” – Thiên Thành nhướn mày, cười lanh lảnh – “Cái gọi là hạnh phúc của một công chúa, ta không biết. Năm xưa là ta tin tưởng giao tương lai của mình cho ngươi. Giờ ta tự chọn nơi này!”
Nàng lưu lại cho hắn một tấm lưng thẳng, một dáng vẻ thanh tao, đường hoàng khi đưa tay gạt tấm rèm che trước xe ngựa. Nàng là công chúa, mãi mãi là công chúa, là vị chủ nhân của hắn trong cung Bích Đào.
“Người không ngắm cảnh nữa?” – Cảnh Phúc định nói gì đó đáp lễ những điều Thiên Thành kể cho chàng nghe nhưng rồi nhận ra, bản thân chẳng biết phải nói gì mới phải. Chàng toan đưa tay ra đỡ nhưng Thiên Thành đã nhanh chóng nhảy xuống đất mất rồi.
“Không ngắm nữa, từ giờ không ngắm nữa!” – Nàng khom lưng phủi phủi chiếc váy lụa rồi cởi đôi hài thêu, phăm phăm lội xuống suối.
“Công chúa, người coi chừng, lòng sông trơn lắm… Người…”
Cảnh Phúc chưa nói hết lời đã vội đưa tay đỡ lấy eo Thiên Thành nhưng loạng choạng thế nào, cả hai lại cùng ngã nhào.
“Người không sao chứ?” – Chàng đưa tay xoa xoa đầu sau cú đập vào mấy hòn sỏi, chống tay ngồi dậy, thấy nước chảy lướt thướt xuống nửa người.
“Ta không sao! Phải là ta hỏi phò mã câu ấy mới đúng!” – Nàng ngã đè lên nửa thân trên của chàng, lúng túng một hồi mới ngẩng được mặt lên. Nước vương thành giọt trên mái tóc đen, thấm ướt chiếc áo lụa biến nó thành sắc hồng thẫm như sắc hoa đào. Nước lăn dài trên đôi gò má, chảy xuống khóe môi đang nhoẻn cười.
“Công chúa, người…”
Lúc trước, Thiên Thành từng hỏi chàng Thăng Long ở hướng nào. Trừ những lúc đọc sách, làm thơ, vẽ tranh, nàng có thói quen trèo lên một ngọn cây nào đó, đăm đăm nhìn về nơi ấy từ khi trời còn sáng rõ đến lúc chiều tà không tỏ mặt người. Nhưng thiếu nữ không thể mãi là thiếu nữ, giấc mơ nào rồi cũng đến lúc phải tỉnh dậy, dù có nhìn, nhìn mãi cũng chẳng còn có thể thấy một bóng dáng quê nhà hay một chút gì quen thuộc.
Thân Cảnh Phúc vẫn nghĩ những người con gái nhà họ Lý đều là những thiếu nữ như hoa, là những đóa hoa nở vào lúc thái bình thình trị nơi lầu son gác tía. Hoa đẹp thật nhưng mưa dập gió vùi rồi cũng tả tơi theo năm tháng. Nhưng xem ra, chàng nhầm rồi, càng về sau càng nhầm hơn nữa.
Một năm, rồi một năm nữa lại trôi qua… Tương kính như tân[9], không là phu thê, chỉ là bằng hữu.
“Công chúa, người làm thế này là…” – Cảnh Phúc vừa bước vào phòng đã khựng lại, khuôn mặt đỏ ửng lên dần như uống qua mấy tuần rượu. Chàng liền quay mặt đi, vờ như chưa thấy gì.
“Ngươi quay lại đây!” – Thiên Thành ra lệnh – “Nếu phải thẹn, ta nên là người làm việc ấy mới đúng, cái trò cọc đi tìm trâu này…”
Với tay lấy chiếc áo vắt trên tấm bình phong, chàng bước lại, vội choàng qua bờ vai thon của cô gái, che đi chiếc yếm lụa điều trên nước da trắng ngần. Những ngón tay thon đặt khẽ lên bàn tay quen cầm kiếm, cầm nỏ của Cảnh Phúc, nàng nhướn người, cười cợt nói nhỏ vào tai chàng:
“Chúng ta đã kết hôn. Kết hôn rồi thì có những việc buộc phải làm. Phò mã không thể để người ngoài nói mình bạc đãi ta. Ta càng không thể mang tiếng là cái cây có hoa không quả. Việc sinh con nối dõi là nghĩa vụ với dòng họ Thân, với triều đình. Mối quan hệ của Thăng Long và châu Lạng, không phải chúng ta nên thắt thêm vài cái nút tình cảm nữa sao?”
Nụ cười của Thiên Thành hoàn mỹ nhưng trống rỗng. Nụ cười ấy chỉ nhạt đi khi người thanh niên cúi xuống, thô bạo ép môi mình lên môi nàng. Tấm áo lụa bị lột bỏ, quẳng sang bên. Những chiếc trâm tinh xảo nàng chỉ dùng vào ngày hôn lễ, đêm nay mới được cài lên mái tóc chẳng mấy chốc bị rút ra bằng sạch, nằm lẫn trong những lớp lụa là. Suối tóc đen mềm, óng ả đổ xuống tấm lưng thon, đổ xuống cánh tay Cảnh Phúc vương vấn như tơ trời.
“Công chúa, dù sao người cũng là nữ nhân, nên giữ cho nam nhân là thần chút thể diện mới đúng!” – Chàng cười gằn, cắn nhẹ lên bờ môi Thiên Thành rồi đưa tay cởi dải yếm lụa mỏng mảnh.
“Không phải phò mã nên tắt đèn sao?” – Đôi mắt nàng long lanh ngước lên, ẩn chứa ý cười.
“Công chúa sợ bóng tối kia mà, tắt đèn được không?”
“Có ngươi ở đây thì được!”
Thân Cảnh Phúc không hiểu từ lúc nào, phải chăng từ đêm hôn lễ nhìn Thiên Thành ngồi một mình nơi cuối giường, quay lưng về phía mình, đã luôn tự hỏi con người đằng sau những lớp lụa thượng hạng, mỏng tang ấy cuối cùng là một nữ nhân thế nào. Cơ thể mềm mại trong tay chàng, mùi hương nhè nhẹ của thứ hoa dưới xuôi mơ mơ hồ hồ tựa một áng thơ thấm vào mái tóc, vào da thịt vương trên tấm áo chàm, vương trên người Cảnh Phúc từ đó về sau không nhạt đi nữa.
“Là ta ép buộc ngươi” – Thiên Thành xoay mình, kéo tấm chăn mỏng lên, ánh mắt nhàn tĩnh nhìn ánh trăng lạnh quá nửa đêm lọt qua khe cửa, rơi trên tấm áo lụa quẳng trên sàn. Nàng vươn tay nhặt chiếc trâm ngọc, mỉm cười mỉa mai – “Buộc ngươi phản bội Ngọc Cẩn, là ta sai, ngươi không phải để chuyện đêm nay vào lòng. Sau này…”
Đưa tay vén những sợi tóc vương trên gương mặt thanh tú ấy ra sau mang tai, cảnh Phúc cúi xuống, thì thầm:
“Công chúa, chuyện này đâu phải một mình người muốn làm là làm được. Nếu sai, là thần sai cùng với người. Cái gọi là quả báo, thần chịu cùng với người”.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro