[53] Ngoại xâm

Cứ ngỡ thái bình sẽ kéo dài mãi. Cuối cùng, điều Cảnh lo sợ cũng đã tới.

Ở phương bắc từ lâu đã bị chia cắt. Người Mông Cổ thống nhất dưới quyền Thành Cát Tư Hãn, trở nên lớn mạnh. Mông Cổ tiếp tục tiến xuống phía nam để tiêu diệt Nam Tống.

Vua Mông Cổ quyết tâm đánh chiếm Đại Việt để tạo thế gọng kìm bao vây Nam Tống.

Năm Nguyên Phong thứ bảy.

Chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất chạy đến Thăng Long báo tin có sứ Nguyên sang để đề nghị mở đường cho quân đội Mông Cổ đi qua để đánh lên đất Tống, bắt vua Nam thần phục Mông Cổ. Nhưng Trần Thái Tông không những từ chối mà lại còn cho bắt giam sứ giả Mông Cổ. Chiến tranh nổ ra vào cuối năm  khi Ngột Lương Hợp Thai cùng con trai là A Truật đem 3 vạn quân Mông Cổ và 1,5 vạn quân Đại Lý tấn công Đại Việt. Khi ấy thế giặc như vũ bão, lại có kinh nghiệm tác chiến nên Cảnh ngày đêm lo lắng.

Một hôm Cảnh đến thăm Quốc học viện thì gặp Trần Quốc Tuấn. Mới đó mà thằng bé ngày nào đã lớn phổng thành một thanh niên cường tráng, tuấn tú. Thấy Cảnh, Quốc Tuấn quỳ hành lễ. Cảnh mới hỏi thử.

-Thế giặc dữ dội như thế e rằng cuộc chiến sẽ kéo dài gây tàn hại cho dân chúng, thôi thì để trẫm đầu hàng giặc để cho dân chúng bớt khổ.

Khi ấy, cậu bé đã khảng khái chắp tay tâu với Cảnh:

-Bệ hạ nói câu đó thật là vị vua có lòng thương dân, nhưng rồi sơn hà xã tắc sẽ ra sao? Nếu bệ hạ muốn hàng giặc thì xin chém đầu thần trước đã.

Cảnh lấy làm hài lòng, phong Quốc Tuấn làm Hưng Đạo vương, xuống chiếu lệnh đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới phía bắc và truyền cả nước sắm sửa vũ khí.


Đêm đó, Cảnh ngồi trước linh bài của Thượng hoàng suy nghĩ rất lâu. Cuối cùng mới đến gặp Thiên Hinh.

-Thế giặc như vũ bão, muôn dân lại lầm than. Nàng có cho ta lời khuyên gì không?

-Giang sơn này là của tổ tiên Đại Việt ta, dẫu là Lý hay Trần thì vẫn là người Đại Việt. Bọn ngoại bang muốn sang cướp lấy, ta không thể không đánh. Cảnh, mất tiền mất của, tuyệt nhiên không được mất nước!

Cảnh mỉm cười nhìn nàng. Trong lòng nàng toan nói gì đó nhưng lại thôi.

-Thiên Thiên, nàng muốn nói gì cứ nói. Chúng ta đã đi qua ngần ấy năm rồi.

-Cảnh, lần này thế giặc mạnh, chàng phải thân chinh để củng cố tinh thần ba quân chiến sĩ. Dẫu thiếp lo cho chàng, nhưng thiếp càng lo cho xã tắc.

-Đó cũng chính là điều ta đang nghĩ. Dẫu sao ta đã có Hoảng, lỡ có bề gì, mong nàng nuôi dạy con trở thành một bậc thánh quân.

Thiên Hinh trầm ngâm nhìn khuôn mặt đầy những dấu tích của khổ đau trên gương mặt Cảnh. Cảnh già đi nhiều quá. Nhưng đôi mắt sâu và sống mũi cao vẫn như ngày nào, đẹp như tranh vẽ. Nàng gõ nhẹ lên sống mũi y, mỉm cười.

-Ngốc quá, sao lại suy nghĩ như thế. Chàng sẽ trở về mà. Biết tiến biết lui, ắt thành công.

Cảnh cười hiền. Y nắm lấy đôi bàn tay gầy xương của nàng.

-Đời ta có được nàng ở bên đã là mãn nguyện.











Tháng 12, ngày 12, năm Nguyên Phong thứ bảy.

Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm địa phận An Nam. Quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nghênh chiến ở Bình Lệ Nguyên. Nhưng Quốc Tuấn ít quân đánh không nổi phải lui về Sơn Tây. Ngột Lương Hợp Thai thừa thắng xông lên, đánh đến sông Thao.

Cảnh thân hành đốc chiến. Nhưng quân Đại Việt so với quân Nguyên hung tợn hiếu chiến kia, những hung thần trên thảo nguyên kia, có phần không bằng.

Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Tần một thương một ngựa, tả đột hữu xông, sắc mặt bình thản như không. Y đi tới đâu, giặc tan tới đấy. Cảnh lấy làm hài lòng lắm. Lê Tần từng giúp y đánh dẹp Nguyễn Nộn, tính tình cũng rất hòa nhã.

Nhưng quân Trần đánh không lại, quan quân khuyên Cảnh phải đưa quân chạy về Phù Lỗ. Y không phục, ngang ngược nhìn về phía giặc. Lê Tần mới huých ngựa lên ngang Cảnh, đầu cúi thấp nhưng giọng lại nói to:

-Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!

-Trẫm không đánh trận này, giặc sẽ được nước lấn tới!

-Bệ hạ, biết tiến biết lui, trăm trận trăm thắng!

Cảnh bàng hoàng nhìn Lê Tần. Thiên Hinh cũng từng khuyên y như thế. Bấy giờ, Cảnh mới lui quân về đóng ở sông Phú Lương. Lê Tần giữ phía sau cho Cảnh chạy.

Ngay ngày hôm sau, hai bên chạm trán một lần nữa tại Phù Lỗ. Cảnh biết quân mình đánh không nổi, thương vong quá nhiều, nhưng nếu lui nữa, quân Nguyên sẽ tràn vào Thăng Long.

Thiên Hinh ở đấy.

Hoảng ở đấy.








Tiếng ếch nhái kêu râm ran, màn đêm dần trở nên tịch mịch. Binh sĩ bị thương, tiếng rên đau đớn truyền đến từ chỗ quân y.

Cảnh ngồi trong lều, mắt thẫn thờ nhìn xuống đất. Y nhìn tấm bản đồ cuộn trong tay rồi thở dài thườn thượt. Đánh nữa sẽ thương vong, nhưng không đánh sẽ mất kinh thành.

Gió lạnh từ ngoài ùa vào, Cảnh chau mày trông ra. Rồi y trợn trừng mắt nhìn một thân ảnh bé nhỏ, trùm chiếc áo choàng màu nâu tối kéo thấp, chỉ để lộ chiếc cằm thanh tú và đôi môi anh đào.

-Thiên Thiên?

Đây chính là Thiên Thiên của lần đầu tiên y gặp nàng. Chính là nàng mười lăm tuổi.

Nàng cẩn thận kéo lại chiếc màn mỏng ngăn cách thế giới bên ngoài, rồi chậm rãi kéo áo trùm xuống.

-Thật là nàng?

Đôi đồng tử màu hổ phách kia như sáng rỡ lên, ngập trong niềm nhớ nhung lai láng.

Thiên Hinh mỉm cười rồi ngồi xuống cạnh Cảnh. Tay nàng khẽ đặt lên vết thương vẫn còn mới mặt y.

-Nàng...sao lại mạo hiểm đến đây?

-Thiếp hay tin quân ta thất thế, không thể ngồi yên.

-Ngày mai ta sẽ cho người hộ tống nàng về cung, nàng..

-Cảnh.

Nàng dịu dàng gọi, ánh mắt thoáng buồn.

-Chàng biết ta không thể giữ được kinh thành mà.

Cảnh mím môi, đến cả Thiên Hinh còn thấy như vậy.

-Nàng muốn ta phải làm sao, đầu hàng ư? Thiên Thiên, ta đã hèn nhát một lần, ta sẽ không bao giờ hèn nhát lần nữa.

-Chàng lui quân để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho trận chiến lớn hơn, đó mới là anh dũng. Hy sinh mấy trăm mạng binh sĩ chỉ để giữ cái sĩ diện hảo, có ích gì?

Cảnh bần thần, y ôm lấy mặt mệt mỏi.

-Cảnh, ở kinh thành thiếp đã phân phó Hoàng Bỉnh cùng các tướng chủ động sơ tán người dân và của cải ra khỏi kinh đô. Ta sẽ bỏ kinh đô, để lại kho tàng trống rỗng, gọi là kế vườn không nhà trống.

-Vườn không nhà trống?

-Ta đem hết gia súc gia cầm đi để giặc cạn kiệt lương thực, ta lấp hết giếng lại để giặc chết khô. Nếu chúng đến vùng ven để cướp bóc lẻ tẻ, ta dùng quân kinh thành chặn đường mai phục.

Cảnh như tìm thấy ánh sáng trong màn đêm, lập tức quay hẳn người sang Thiên Hinh.

-Đã bắt đầu từ khi nào?

-Từ khi chàng ngự giá thân chinh. Đến nay đã di tản gần hết rồi. Tam phi và Linh Từ Quốc mẫu đã đưa các con chạy về Hoa Lư.

-Thiên Thiên, kế sách của nàng quả thật không tồi. Vừa cầm chân giặc để quân ta lui về bảo toàn lực lượng, vừa khiến giặc chiếm được Thăng Long nhưng vô ích.

-Vì thế, ngày mai, chàng hãy lui quân ngay về đóng ở sông Thiên Mạc. Không được chậm trễ.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro