Chương II: Dì tôi
Hôm nay là một ngày cuối thu.
Tôi đang ngồi học bài trên gác mái. Gác mái nhỏ trong căn nhà cấp bốn nhưng không hề xập xệ, đây là chỗ tôi ngủ và cũng là chỗ học bài. Nơi này, nào là sách giáo khoa, nào là tiểu thuyết rồi lâu lâu tôi còn lục lọi được mấy cái hay ho khác, chẳng hạn như mấy bức ảnh của dì tôi.
Hôm nay, trời đang se se lạnh rồi. Tôi ngồi trên đây mà còn thấy run người, đành chạy xuống nhà bê tạm cái chăn của dì lên mà đắp.
Rõ là, học bài cũng không yên với ông trời!
Lục xục mãi thì tôi cũng nhấc được cái chăn mỏng bằng vải thô màu nâu sồng của dì ra khỏi cái tủ. Tôi ở với dì, ăn sung mặc sướng thì không có, dù không giàu có hay khá giả gì nhưng dì vẫn lo cho tôi gần nửa năm nay đấy thôi. Dì tôi cần kiệm, chăm làm mà chẳng chăm cho thân mình, tại dì bảo dì chăm cho tôi ăn học rồi trả về cho thầy u tôi đã mới tính đến chăm cho mình. Thế tôi cũng ghẹo lại:
-Cháu còn tính học Đại học xong mới về quê cơ. Dì nhắm xem nuôi nổi cháu thêm sáu, bảy năm nữa không?
Thì cũng chỉ là câu nói trêu, nói đùa mà dì tôi làm thành nghiêm trọng lắm, lại còn có vẻ băn khoăn rồi rằng:
-Lo được cho mày nửa năm nay rồi dì cũng không ngại. Thêm mấy năm cũng chẳng sao! Chỉ sợ thầy u mày mong.
Tôi biết từ cái hôm dù tôi xuống Nghệ An đón tôi lên đây, thầy u tôi có dặn dò rồi uỷ thác các kiểu cho dì nhiều lắm. Mà tôi cũng chẳng hiểu sao lại có một bà dì thương cháu đến thế? Tuổi dì tôi còn trẻ, đang tuổi yêu đương ấy nhưng lại sẵn sàng đón tôi lên Hải Phòng mà trông nom, lo ăn học. Kể ra, mỗi lần tôi thấy dì đi làm về khuya xong chỉ vội tắm rửa mà lăn ra ngủ cũng xót ruột lắm. Dì nuôi tôi, như những gì mà thầy u đã làm. Dì đi làm, dì mua gạo, dì đi chợ, dì đóng tiền học và cả mua quần áo cho tôi. Cái gì trong cái nhà này dì đều quán xuyến cả. Còn cái việc của tôi chỉ là nấu nồi cơm, kho nồi cá, học và ăn. Không phải do tôi lười mà hễ động vào việc khá là dì tôi lại ca cái bài "Mày đừng hòng giành việc của dì! Mau mà lo học. Liệu cái thần hồn, dì mà bắt được mày làm cái nọ cái chai là mày ra sân ngủ."
Dì tôi lạ lùng!
Cũng là dì tôi, dì thương tôi.
Tôi lúc này thôi xuýt xoa, biết ơn dì thì chợt rùng hết cả mình vì gió ngoài lùa vào. Gió mùa Đông Bắc rét đậm, rét hại thốc thẳng vào sống lưng tôi qua lớp áo vải mỏng. Tôi run người, choàng cái chăn vào người và toan chạy lên gác ngồi học bài tiếp.
Vừa đóng được cái cửa tủ của dì, tôi bỗng giật mình chạy ra khỏi phòng, vì tôi vừa nghe ai đó gọi tên dì tôi "Mi ơi! Mi ơi!".
Vừa phóng ra sân, tôi ngó nghiêng xung quanh mà không thấy ai cả. Ô, tôi thề là tai tôi khá thính, ít cũng chỉ kém cái tai hay hóng hớt của cái Mai thôi. Tôi không nghĩ mình nghe nhầm, liền chạy ra gần cổng ngóng xem ai vừa tới.
Vừa chạy ra gần cánh cổng sắt. Tôi thấy một ai đó mặc bộ đồ xanh lá, đầu đội mũ cối, lưng khoác cái balo to vạc - nhìn cái là biết một đồng chí bộ đội. Anh ta đứng tựa lưng vào cây cột điện trước cổng nhà tôi, tay nắm chặt một mảnh giấy như thư, mắt ngóng vào sân nhà dì tôi. Rồi tôi đẩy cổng, thì anh ta có vẻ mừng lắm, mặt mày hớn hở mà vẫy vẫy tờ giấy trên tay.
-Ngọc Khuê? Khuê hả? - Anh bộ đội hét to và chạy đến.
Tôi nhìn rõ mặt anh hơn, tôi biết anh là ai rồi. Là anh Miên - anh bộ đội của dì tôi đấy.
Tôi có dịp gặp qua anh không ít lần, cũng coi là thân quen. Mà anh đi biền biệt mấy năm nay, không chỉ dì tôi mà cả tôi cũng buồn. Tôi lại nhớ mỗi lần anh sang thăm dì hay thăm thầy u tôi hồi còn ở Nghệ An đều mang trái cây đến. Nhưng lần này thì không, anh chỉ khoác theo balo.
Tôi vội mở cái khoá cửa. Chưa bao giờ lòng tôi lại rạo rực và khẩn trương như vậy.
-Từ từ, Khuê! Mở nhẹ thôi không hỏng khoá.
Thấy tôi cứ loạch xoạch rồi huỳnh huỵch mở khoá, anh Miên đứng ngoài mà cười nắc nẻ.
Tạch, cái chốt khoá khó ưa cuối cùng cũng chịu mở. Anh Miên vừa bước vào thì tôi bỗng ôm bụng cười lăn. Da anh đen sì như mật, cái dáng ốm ốm nay cũng phổng phao lên phết nhưng chỉ tội cái mặt vẫn ngô nghê. Anh tháo chiếc mũ cối, để lộ mái tóc húi cua cụt lủn lại càng hài hơn.
Tôi túm chặt mảnh chăn trên vai mình rồi cười:
-Anh đi hải đảo thật à? Ôi, cười chết mất!
-Con nhỏ này, anh vừa về mà mày đã cười anh. Anh cũng chỉ vì Tổ quốc mà xấu đi thôi.
-Xấu thế rồi dì Mi không gả cho anh đâu!
Không chào hỏi hay cợt nhả nữa, anh Miên ngó vào nhà tôi rồi hỏi:
-Mi có nhà không?
Tôi quay mặt vào nhà rồi bảo:
-Dì em đi làm rồi, tới chiều muộn mới về cơ. Anh đến thăm dì thì vào nhà mà ngồi, ngoài này lạnh lắm.
Rồi tôi dắt anh vào căn nhà cấp bốn nhỏ bé của dì cháu tôi. Anh Miên bước vào nhà thì liền hỏi:
-Dì cháu em ở đây lâu chưa?
Tôi vốn chạy vào bếp rót nước mời khách, nghe anh hỏi thì cũng nói vọng ra:
-Em mới lên đây từ hè nay thôi. Còn nhà này, dì em ở mấy năm rồi, nhớ là sau hồi anh đi công tác.
-Thế mà sao không bảo Mi đánh giấy báo cho anh biết hai người ở đây? Làm anh vòng từ Nghệ An về đây tìm hai người mệt đứt ruột đứt gan.
Anh hỏi tôi thế. Tôi lật đật từ trong bếp bê cốc nước chè ấm lên cho anh rồi ngồi lại nói chuyện đôi câu cho đỡ tủi thân anh, tôi biết anh lên đây cũng vất vả, hơn nữa anh Miên cũng không phải người Hải Phòng, lên đây cũng làm gì biết đường xá đâu mà lần.
Tôi mời anh nước, nhìn mặt anh. Bỗng nhiên lại thấy tức liền nói:
-Anh Miên đòi hỏi nhiều nhỉ?
Nhấp được ngụm nước chè đặc, anh tròn mắt nhìn tôi.
-Anh đòi hỏi gì?
-Anh đi đảo mà chỉ báo mỗi dì em, lại đi mất tăm mất tích ba, bốn năm liền. Một tờ thư, một mẩu giấy cũng không gửi cho dì em mà giờ còn đòi dì em báo cáo à?
Tôi chỉ thấy thiệt thòi cho dì mà mắng anh thế. Tôi cũng không ngờ là những lời đó của mình lại làm anh khóc. Anh Miên dấm dứt khóc rồi ngẩng khuôn mặt đen nhẻm dính đầy nước mắt đó lên mà bảo:
-Mày làm như anh muốn thế à? Anh đi xa chỉ sợ dì mày lấy chồng... Anh đi xong cũng không biết phải gửi thư cho dì mày thế nào. Lại bận công tác, anh cũng hết cách.
Nhìn thế này, lòng tôi như thắt lại với nhau. Trong lòng buộc chặt lại, hai mắt cũng muốn khóc nhưng khóc lúc này chẳng phải dơ lắm sao? Tôi vừa mắng cho anh Miên khóc mà giờ lại lăn ra khóc thì còn gì là liêm sỉ.
Tôi cố nhìn thẳng vào anh rồi thở dài:
-Thì cũng nào trách được em. Mà nay là thứ bảy, dì em được về sớm, ba rưỡi chiều thôi.
Tôi lại ngoái cổ ra đằng bếp để nhìn cái đồng hồ cúc cu của dì. Nheo mắt hết cỡ, tôi mới nhận ra cái kim giờ, kim phút nó đang nằm ở chỗ nào của cái mặt tròn toàn số kia.
-Khoảng một tiếng nữa dì em về rồi. Giờ anh có muốn đi loanh quanh, lòng vòng gì không? Em dẫn anh đi.
Anh Miên nhấp xong ngụm nước chè, cười hiền rồi chỉ tay ra ngoài phố, bảo:
-Dẫn anh ra Nhà hát lớn chơi nhé?
-Ôi dào, tưởng gì gớm! Chờ em tí, em gấp chăn lại cho dì rồi dẫn anh đi.
Tôi búng tay cái tách, bảo anh thế. Anh chỉ nhìn tôi và xua tay.
Vậy là đi tong một buổi nằm dài trên gác xép. Mà thôi cũng kệ, cứ cho là tôi đang tập thể dục đi vả lại ra Nhà hát lớn lại hay có mấy ông bán kẹo kéo, kẹo bông gòn, tôi vòi vĩnh chắc là anh sẽ mua.
Thú thật, tôi thèm mấy cái món đó mà dì tôi cấm. Dì bảo ăn nhiều quà vặt rồi lại mập ú ra như cái lu, cái chum nên không cho tôi ăn. Đấy, tôi chỉ là "nghiện mà ngại" thôi.
Tôi cất cái chăn vào đúng ngăn tủ cho dì. Vội vội lên gác lôi ra cái áo khoác bò đã cũ nhưng có lẽ là cái đẹp, hợp mốt nhất trong đống quần áo của tôi bây giờ ra mà khoác tạm để đi chơi với anh Miên. Chưa có vị khách nào tới mà thấy bộ dạng trưng diện như này của tôi.
Một đứa con gái da ngăm màu bánh mật, tóc ngắn ngang cổ rồi thì cái mái úp bát thì do cái Mai cắt, cái áo vải bông màu cam, quần bò ống rộng và cái áo khoác bò. Trông cũng rất mốt! Tôi chỉ nhanh nhanh chóng chóng muốn có chút đồ ăn vặt thôi mà thật sự mệt đứt hơi.
Lúc tôi xuống nhà, anh Miên đã đứng ngoài sân chờ sẵn rồi. Ngay lập tức, tôi vơ lấy cái khóa cửa rồi xỏ đôi xăng-đan cũ mà chạy ù ra. Tôi cười nheo mắt nói với anh:
-Anh muốn đi bộ hay đi xe?
Nghe vậy, anh tròn mắt nhìn tôi, hỏi với vẻ ngạc nhiên lắm:
-Khuê biết đi xe rồi á?
-Ơ hay cái anh này, em lại chẳng biết đi từ thuở còn ở Nghệ An là gì?
-À thì ra là chạy "con cào cào" đấy hả?
Anh Miên ngước mặt lên trời mà cười to. Tôi là tôi không thích người khác chọc quê chiếc xe đạp yêu quý của tôi như thế đâu, cũng chẳng biết có phải anh đang trêu tôi không chạy xe máy hay thế nào nữa. Vậy là tôi cũng hậm hực một chút, mới cấu cho anh một cái.
Anh kêu cái á nên có vẻ đau điếng, đang định quay lại nạt tôi nhưng bỗng khựng lại khi nghe tiếng người gọi ngoài cổng, và cả tôi cũng vậy.
-Khuê ơi! Khuê ơi!
Tôi xem ai gọi tôi, là cái Mai. Nó đứng ngoài cổng vẫy tôi. Tôi mới hét lớn lên:
-Cổng không khóa đâu! Mi cứ đẩy mà vô.
Thế là như mọi khi, nó cứ chạy vùn vụt vào như nhà của nó. Nhưng hình như nãy nó chưa để ý tới anh Miên mà chỉ chăm chăm nhìn vào cái tờ giấy mà nó cầm trên tay.
Nó xồng xộc chạy gần tới chỗ tôi thì bỗng khựng lại, mắt tuy vẫn dán vào tấm giấy mà thốt lên:
-Ôi trời, mày nghe tin gì chưa?
Tôi chống nạnh, nhìn nó rồi lắc đầu ngao ngán. Tôi hắng giọng, bảo:
-Mi chưa nói thì tao biết cái gì chứ? Nhưng cho xin khoan, lát tao về rồi nói nhé!
Nó nghe xong, nghe chữ "lát về" từ miệng tôi nên chắc giật mình nhận ra gì đó. Ánh mắt nó phóng khỏi tấm giấy màu trắng ngà trên tay, lướt từ dưới nền sân lướt lên chỗ tôi. Nhận ra là có tận hai đôi giày trước mặt nó, nó giật mình mà giấu đi tấm giấy.
Nó nhìn anh Miên, nét mặt díu vào mà dò xét. Rồi nó đánh động cho tôi, chân nó giậm xuống sân, mắt thì liếc qua tôi rồi đánh qua anh. Ý nó bảo "Này là ai thế?".
Tôi khoanh tay, bởi bỗng dưng như có một niềm tự hào nào đó trỗi dậy trong lòng tôi khi chuẩn bị mở miệng nói người này là anh Miên, anh bộ đội của dì tôi.
-À! Tao biết rồi nhé!
Ơ... Tôi còn chưa kịp mở miệng thì hai mắt nó đã sáng lên, búng tay cái tách rồi cười ha hả. Anh Miên vỗ vai tôi, nói be bé:
-Đây là cái Chi à?
Cái Chi, một người bạn thơ ấu ở quê của tôi. Nó cũng là bạn hàng xóm thân thiết nhất của tôi khi ở xứ Nghệ ấy. Nhưng chắc anh đã lầm vì thái độ hai nhỏ này giống nhau như đúc, hễ vui là lại búng tay, cười lớn. Tôi cười, nói lại:
-Không anh ạ! Chi ở quê chứ không có lên đây với em. Đây là Mai, nhà nó ở bên cạnh.
-Ồ, ra thế! Mà này, bạn mày, anh thấy ai nấy đều... bị hâm nhỉ?
-Thôi, anh bớt chọc em đi. Nó nghe thấy là nó dỗi đấy!
Tôi lắc đầu bảo anh thế. Nói chứ anh Miên bảo đúng thật, chơi với tôi từ Nghệ An vào Hải Phòng, bạn bè ai cũng có chút "thế này" giống cái Mai. Không đứa nào điềm đạm cả! Nhưng thế nó mới hợp tính tôi, thế mới chơi được với tôi.
-Mi cười ít thôi! Biết cái chi mà cười kinh thế?
Quay sang cái Mai vẫn đang cười, tôi hét to. Nó vẫn cười như được mùa, nhìn anh Miên rồi hít một hơi dài, bảo:
-Thì đây là anh Miên, bạn trai của dì mày đúng không? Nhìn cái là biết ngay.
Tôi cũng bàng hoàng, ngạc nhiên. Chẳng hiểu sao mà nó lại nhận ra anh Miên nữa, đến tôi còn suýt nhận không ra anh cơ mà.
Nhìn mặt tôi ngơ ra mà nó cười ha ha, nó lại ngó qua anh Miên, cười chúm chím mà hỏi thăm:
-Nay anh lên thăm chị Mi mà giờ lại định đi chơi đâu với cái Khuê thế này?
Cái điệu cười của nó sao hôm nay lại xinh xắn đến thế mà rõ ràng những câu nó hỏi anh như cà khịa tôi vậy. Tôi lườm nó, nhéo một cái vào tay nó mà mắng yêu:
-Ơ nhỏ ni hay nhỉ? Tao đang định dẫn anh Miên đi giải ngố, dì tao tận ba rưỡi mới mần về cơ mà. Mi sang đây lại có ý định gì vớ vẩn phỏng?
Hai con ngươi của nó nở to ra, mặt cũng đỏ bừng lên - thế là tôi đã đoán đúng ý nó rồi. Nhỏ ni chẳng giấu tôi được cái chi cả. À mà nãy giờ nó cứ giấu giấu cái tờ giấy gì sau lưng mà không cho tôi xem thế nhỉ?
Tôi kéo tay nó, toan giật tờ giấy kia khỏi tay nó thì Mai đã nhanh nhẹn ấn tờ ấy đó vào lưng áo, nhất định không cho tôi xem. Rồi nó lại ghé sát tai tôi mà thì thầm:
-Giấy này, lát tao cho mày xem, nhưng giờ mày cho tao theo với!
Nhỏ Mai năn nỉ, nhìn mặt nó cũng tội...
-Anh Miên ni, dẫn Mai theo nhen?
Nghe tôi hỏi xong, nét mặt anh hiện lên vẻ gì đó bối rối, hơi ngại ngùng. Tay lại còn đút vào túi quần mân mê một lúc nhưng không dám mở lời. Cứ thế mà anh đứng đó với nét khó xử nhìn tôi với nhỏ Mai.
Tôi biết anh đang nghĩ, làm sao để có thể mua đồ ăn cho tôi với Mai bằng cái số tiền ít ỏi đang nằm yên trong túi quần kia. Kể ra, lộ phí từ Nghệ An ra Hải Phòng cũng không rẻ lại còn cho tôi, cho nhỏ Mai đi chơi xong tối chắc chắn lại nghĩ cách mua quà cho dì tôi nữa. Nghĩ mà thương anh thật!
-Anh Miên cho em theo với, em không đòi gì đâu. Em trốn mẹ một tí ấy mà, giờ mà về thì mẹ bắt em đi nhặt trứng gà thì cực chết ấy!
Cái Mai vội xua tay mà nói. Tôi cũng hùa theo nó, tạm tạm cho vơi đi lòng anh:
-Em cũng không xin xỏ chi mô. Anh mua quà cho dì là được rồi! Đi mà!!!
-Nhưng mà chẳng lẽ anh lên đây mà dẫn bay đi chơi "chay" thế à? Không sao mô, anh còn ít tiền cho bay ăn quà mà.
Anh Miên miễn cưỡng mà cười với chúng tôi. Nhưng cả hai đứa tôi hiểu lòng anh mà. Thôi thì đành anh đã muốn khao anh thì chúng tôi cũng chiều, lỡ không lằng nhằng cả buổi.
Tôi với nó kéo anh đi dọc theo đường Cầu Đất lên trung tâm thành phố lúc bấy giờ rất nhộn nhịp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần. Hôm nao vào tầm tầm chiều này cũng nghe tiếng ông bán bắp nướng ngang qua "Ngô đây! Bắp đây!", cái mùi thơm của bắp nướng thực sự là một cái mùi hảo hạng - ngửi thôi là đã mê mẩn. Và cả gần chục cái quán ăn vỉa hè nữa, món gì cũng có, món gì cũng ngon, nào là bánh đúc Tàu, cháo hoa với lòng thịt, kẹo kéo,... Tôi và cái Mai khoái món bánh đúc vô cùng! Nhưng để dành cả tuần mới dám trốn dì, trốn mẹ đi ăn. Khi nào gặp bố nhỏ thì chắc chắn hôm đó rất xôm, bố nó sẽ đưa cả hai đứa đi ăn hét cái chợ Cố Đạo cho xem, mừng lắm!
Những ngày đầu thu, hoa sữa nở, hoa cúc vàng cũng nở. Những chiếc xe thồ chở đầy hoa cúc vàng cũng chẳng còn gì là xa lạ với chúng tôi. Mỗi khi thấy chiếc xe chở hoa đi qua tầm mắt, tôi lại muốn giơ ngay cuốn nhật ký ra mà viết vào đó một câu chuyện tình lãng mạn của những người xa lạ nào đó - chất thơ không ngừng chảy trong một đứa học ban D như tôi.
Anh Miên đi cùng chúng tôi cũng nói chuyện rôm rả lắm. Nhưng căn bản, anh chỉ toàn hỏi dì tôi sống ra sao, ăn uống thế nào rồi dạo đây có anh nào tán không. Tôi nghe mà cười vỡ bụng, trêu trêu anh "Dì em lại chẳng suýt cưới mấy người", ấy mà anh tin là thật, cái mặt rũ xuống đến mà thương.
-Ôi dào, anh này buồn cười ghê nhỉ? Khuê nói vậy mà anh cũng tin. Khiếp, anh lại nhẹ dạ quá!
Cái Mai thốt lên, tôi vẫn cười còn mặt anh thì ngơ ngác hẳn ra. Nó tiếp:
-Chị Mi đã có mối nào ra hồn đâu. Mẹ em làm mai cho mấy nhà khá giả đều từ chối hết, xong quay ra dỗi mẹ em, bảo là có người thương nơi xa rồi nên không tơ tưởng vụ cưới xin.
-Thế á? - Anh vừa cười vừa hỏi.
-Lại không thế thì sao? Thầy u em cũng hết mực muốn gả dì đi mà dì có chịu đâu. Một câu đợi anh Miên, hai câu đợi anh Miên. Chán quá, thầy u kệ dì em luôn.
-Hóa ra vậy...
Anh Miên cười tủm tỉm, hai gò má ửng hồng lên nét ngại. Ai cugngx hiểu mà, hiểu rằng anh đang rất vui và rất cảm động trước tấm lòng của dì tôi. Giờ còn ai chịu ở vậy chờ người đi lính ở đảo như anh chứ. Chắc có mỗi dì tôi dám để mặc hai mấy cái xuân xanh mà đợi một người.
Anh Miên về rồi và anh nợ dì tôi rất nhiều. Anh nợ dì một lời xin lỗi, một lời cảm ơn. Anh nợ dì một đám cưới và một gia đình suốt mấy năm nay. Tôi rất trông xem đến khi dì tôi mặc chiếc áo dài đỏ, thành cô dâu về nhà anh Miên từ đã lâu và chỉ mong đó sẽ là một ngày trong mùa thu năm nay! Một mùa thu mà dì tôi vẫn luôn mong.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro