Ánh trăng
Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác năm 1978 - 3 năm sau ngày đấy nước thống nhất. Cả dân tộc đang tập trung xâu dựng, phát triển kinh tế, văn hóa. Nguyến Duy lúc bấy giờ đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống sôi nổi, phát triển và đầy đủ tiện nghi khiến nhà thơ suy ngẫm về con người và cuộc đời. Đó là lúc ở nơi đô thị tiện nghi hiện đại, những người lính trở về và để lại sau lưng cuộc chiến gian khổ, nghĩa tình. Ba năm sống trong hòa bình – một khoảng thời gian không dài nhưng không phải ai cũng còn nhớ những gian khổ và kỉ niệm trong quá khứ. Nguyễn Duy viết bài thơ này như một lời tâm sự, một lời nhắn nhủ chân tình với chính mình và với mọi người về lẽ sống thủy chung, nghĩa tình.
1. Dòng hồi tưởng của nhân vật trữ tình về vầng trăng trong quá khứ
Trăng trong thơ vốn là một vẻ đẹp trong trẻo tròn đầy, đó là cái gì lãng mạn nhất trong cuộc đời, nhất là trong hai trường hợp: khi con người ta còn ở tuổi ấu thơ hoặc rơi vào những vùng tâm sự cần phải chia sẻ, giãi bày. Ánh trăng của Nguyễn Duy là cái nhìn xuyên suốt cả hai thời điểm trên. Chỉ có điều, đây không phải là một cái nhìn xuôi, bình lặng từ trước đến sau, mà là cách nhìn ngược: từ hôm nay mà nhìn lại để thấy có cái hôm qua trong cái hôm nay. Nó không xuôi chiều, phẳng lặng nữa. Tính chất tâm sự có ý nghĩa như một hối hận, ăn năn tạo nên con sóng ngầm đằng sau một câu chuyện kể. Câu chuyện kể trong thơ, cũng là một cách cấu tứ của văn xuôi, hấp dẫn chúng ta một cách bất ngờ từ năng dựng cảnh. Cảnh mất điện ở thành phố mà gặp ảnh trăng tròn. Nay đã gặp xưa, trong một bối cảnh mà con người rất khó ngoảnh mặt quay lưng như thế.
Hai khổ thơ đầu bởi vậy mới như một hồi tưởng, hồi tưởng về cái đã quên hiện về trong hai cái mốc. Cả hai đều xuất phát từ cái nhìn đánh thức. Sự thức dậy đến xôn xao, ấy là một thời thơ trẻ:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Bài thơ mở đầu bằng giọng điệu rất bình thản như thế, bình thản như lời của một người khác, từ một địa điểm và góc nhìn khác. Mới đọc lên thật khó xác định nhà thơ đang đứng ở đâu, đang viết trong tâm trạng nào.
Cả một hệ thống với những đồng, sông, bể mở ra một vùng không gian quen thuộc của tuổi ấu thơ, nó cứ mở rộng dần ra cùng với thời gian lớn dần lên của đứa trẻ. Nhưng cái chính là nó diễn tả một nỗi niềm sung sướng đến hả hê được hòa mình vào thiên nhiên mây trời, được chan hòa, ngụp lặn trong cái mát lành của quê hương như dòng sữa ngọt. Ba chữ với nối tiếp nhau, giàu có biết bao như một mối ân tình, quấn quýt giống như hơi thở, máu thịt khăng khít. Cái thế bè đôi thật quấn quýt. Nó chia sẻ, cảm thông, dìu đỡ con người, và đồng hay sông, rồi biển như những người bạn vô tư. Kí ức tuổi thơ chưa nhắc đến trăng chẳng phải vì vầng trăng không phải là một phần của tuổi thơ mà bởi vì vầng trăng khi đó hòa lẫn với đông, với sông nước, tự nhiên như khí trời vẫn hít thở mà không nhận ra. Chỉ đến khi lớn lên, cái ánh sáng mơ hồ kia mới neo đậu vào trí nhớ con người khi phải xa cách quê hương. Đó là hồi chiến tranh ở rừng, khi con người trưởng thành rời khỏi đồng ruộng thân thương, ánh sáng bàng bạc của vầng trăng mới neo vào tâm trí con người xa xứ một ấn tượng đặc biệt. Vầng trăng đối với người cầm súng ở trong rừng đã thay thế cho tất cả những đồng, sông, biển để trở nên một người bạn đồng hành, thành vầng trăng tri kỉ. Như vậy là tuổi thơ như một cái chớp mắt đã qua. Cái còn lại lúc này là vầng trăng thật đơn sơ nhưng chung thủy. Vầng trăng trở thành tri kỉ, cùng tâm sự, cùng bầu bạn, im lặng nhưng có thể thấu hiểu mọi điều. Nó đã gieo hạt vào tâm hồn người lính và tưởng như nó sẽ mãi xanh tươi:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Chẳng phải chỉ riêng đối với vầng trăng mà thái độ của con người đối với thiên nhiên cũng vậy, hoàn toàn trần trụi, hồn nhiên, sống hòa hợp. Một cuộc sống mộc mạc, trong sáng, vô tư, con người sống chan hòa, chân thật, mở lòng với thiên nhiên. Giữa nhà thơ với thế giới thiên nhiên, cây cỏ dường như không còn khoảng cách, chẳng có sự phân biệt, xa cách hay kênh kiệu nào giữa "tôi" và "vầng trăng tri kỉ kia", chỉ trần trụi tấm lòng với tấm lòng, không giấu diếm. Tình cảm của con người đối với vầng trăng là tri kỉ, là tình nghĩa. Trăng trở thành người bạn thân thiết, tri âm, tri kỉ. Trăng đồng hành trên mỗi bước đường gian lao và trở thành người bạn chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Trăng gắn bó máu thịt và trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn con người. Con người sống giản dị, thanh cao, hòa hợp với thiên nhiên trong lành. Với sự gắn bó tình nghĩa ấy, nhà thơ từng tâm niệm "ngỡ không bao giờ quên". Mối quan hệ ấy đẹp đẽ biết bao. Vậy mà hai câu thơ cuối "ngỡ không bao giờ quên – cái vầng trăng tình nghĩa" khép lại đoạn thơ bằng một dấu bỏ ngỏ, một nghi vấn, băn khoăn. Giọng thơ hồi tưởng đều đặn nhưng từ "ngỡ" vừa bâng khuâng, vừa tiếc nuối như báo trước một sự thay đổi lớn. Sự rắc rối bắt đầu từ đây. Cái gì chắc chắn nhất có khi lại dễ dàng lung lay nhất. Câu thơ khép lại dòng hồi tưởng quá khứ xa xăm đồng thời là bản lề để mở ra một ý thơ mới: Những gì tưởng như không thể quên cuối cùng con người đã quên, thậm chí lãng quên rất nhanh.
2. Hình ảnh vầng trăng trong hiện tại
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Hiện tượng tâm lí mà cũng là đạo lí này thường vẫn xảy ra khi nay đã khác xưa, hoàn cảnh sống của con người thay đổi. Những câu thơ đã cũ nhưng tính thời sự vẫn còn, vẫn chờ đợi ở chúng ta những lời giải đáp. Và quả thật trong bài thơ của Nguyễn Duy, sự giải đáp là rất đáng buồn. Câu hỏi thì thiết tha đến vậy mà không có hồi âm!
Khi không gian sống thay đổi đột ngột, những tiện nghi, văn minh, những giá trị vật chất thời hậu chiến ùa về. Thay cho ánh trăng là ánh điện, cửa gương rực rỡ hơn, tiện lợi hơn, hào nhoáng hơn và nhất là vô cùng mới lạ với một người lính chỉ quen sống với cuộc sống đồng ruộng, sông nước. Quen ánh điện, cửa gương tức là đắm chìm, say sưa trong sự hưởng thụ đời sống xa hoa, rực rỡ. Đó còn là nghệ thuật ẩn dụ chỉ cuộc sống phú quý phù vân. Tất nhiên, hôm nay phải khác hôm qua, đời sống phải đổi mới, đâu thể trách một con người cố gắng hưởng thụ đời sống tốt hơn cho bõ những tháng ngày gian khổ chiến đấu. Nhưng ta buồn nhiều hơn bởi người ta dường như thay lòng đổi dạ quá đột ngột. Từ tri kỉ, từ vầng trăng tình nghĩa năm nào, giờ lướt qua như người dưng qua đường, như một người khác qua đường xa lạ. Nào phải con người vì bận bịu mà quên bẵng người bạn của mình. Vầng trăng vẫn đến nhưng đến như người dưng, không được chào hỏi, không được đón tiếp.
Từ "người dưng" ở đây không phải chỉ là một người xa lạ mà đó còn là người quen, người tình nghĩa mà giờ đây không dám nhận, không nhận ra. Con người vẫn nhìn thấy vầng trăng đi qua ngõ nhưng con người kia chẳng con hào hứng với một vật thể đã mất đi công dụng chiếu sáng. Có lẽ nào sự biến đổi về kinh tế, về điều kiện sống tiện nghi lại kéo theo sự thay dạ đổi lòng? Thế giới vật chất của ánh điện, cửa gương ngăn cách giữa con người với vầng trăng hay chính tâm hồn đã trở nên ích kỉ, chai sạn và thực dụng mới thực sự là tấm màng ngăn cách trăng và người? Câu thơ thật nhức nhối, xót xa, bởi sự phản bội ở đây không chỉ với lịch sự, với thiên nhiên mà còn với chính bản thân mình nữa.
3. Tình huống bất ngờ dẫn đến sự nhận thức trong tâm hồn con người
Sự xuất hiện trở lại của vầng trăng thật đột ngột, ở vào một tâm thế không ngờ. Sống giữa nơi phố phường, mấy ai còn nghĩ đến một vầng trăng hoài cổ:
Thình lình đèn điện tắt
phòng building(*) tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Một sự cố đột ngột xảy ra: đèn điện tắt, phòng ốc tối om. Vốn quá quen với cuộc sống tiện nghi sang trọng, giờ đây con người bỗng loay hoay khổ sở. Thiếu vắng ánh điện, cửa gương rực rỡ, căn phòng trở nên ngột ngạt, tăm tối. Ba động từ vội, bật, tung đặt liền nhau để diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương, hối hả của con người để tìm kiếm một chút hi vọng sáng sủa. Hình ảnh vầng trăng tròn tình cờ mà tự nhiên, đột ngột hiện ra vằng vặc giữa trời. Vầng trăng ấy, người bạn tri kỉ thuở nào vẫn ở đó, ngay bên ngoài cửa sổ, lặng lẽ làm công việc chiếu sáng. "Vầng trăng tròn" vẫn đầy đặn, vẫn nguyên vẹn như xưa. Nó trang trọng, nó thủy chung như ngày xưa. Chua chát thay! Con người giờ chỉ còn nhớ đến trăng như là công cụ chiếu sáng, tìm đến trăng như giải pháp thay thế những tiện nghi vật chất đã quá quen thuộc.
Tình huống của bài thơ là một loạt những đột ngột: đèn điện đột ngột tắt, không gian tiện nghi đột ngột biến mất, vầng trăng tròn đột ngột trước mắt con người. Chữ "đột ngột" không mô tả sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng mà diễn tả sự ngỡ ngàng, bối rối của con người. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, anh nhận ra sự hiện diện của vầng trăng ngoài cửa sổ. "Đột ngột" là một va chạm mạnh, một bước ngoặt, một cú sốc tâm lí cần thiết, giúp đánh thức con người đang ngủ quên trong cuộc sống vật chất.
4. Những cảm xúc và suy tư của con người trong cuộc hội ngộ với trăng
Trăng lãng du và con người lãng quên đã gặp nhau trong một phút tình cờ. Con người không còn trốn chạy vầng trăng, trốn chạy cả bản thân mình được nữa. Tư thế ở đây là tư thế mặt đối mặt: mặt người và mặt trăng – khuôn mặt của hai linh hồn sống.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng khiến cho con người bừng tỉnh nghẹn ngào. Sự bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, nhịp điệu gấp gáp nơi đô hội có thể bào chữa cho sự bội nghĩa với trăng, cũng như ánh điện cửa gương có thể giúp thanh minh cho sự dửng dưng, hờ hững kia chăng? Ai đó có thể bỏ qua nhưng nhà thơ thì không! Vầng trăng đến đột ngột đã làm sáng lên cái góc tối nơi con người, đánh thức sự ngủ quên trong điều kiện sống của con người đã hoàn toàn đổi khác. Một sự cố rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp vĩnh hằng. "Ngửa mặt lên nhìn mặt" là hai khuôn mặt đối diện với nhau, cũng là hai tâm hồn đối diện với nhau trần trụi, không có khoảng cách. Hai cố nhân lâu ngày gặp lại, một người vẫn nhớ, một người đã quên, kẻ đã quên "rưng rưng" dòng nước mắt trực trào. "Rưng rưng" diễn tả nỗi xúc động đến không nói được bằng lời, ngôn ngữ bây giờ là nước mắt dưới hàng mi. Một tình cảm chừng như nén lại nhưng nó cứ trào ra đến thổn thức, đến xót xa chính là tâm trạng ấy. Cuộc gặp gỡ không "tay bắt mặt mừng", nó đã lắng xuống ở độ sâu cảm nghĩ. Đây là sự đối diện giữa thủy chung và bội bạc, giữa sâu sắc và nhạt nhòa, giữa lòng vị tha và thói ích kỉ. Đõ cũng là sự đối diện giữa quá khứ và hiện tại, giữa cao thượng và thấp hèn. Trăng thì vẫn vô tư, phóng khoáng, độ lượng biết bao, như "bể", như "rừng" mà con người thì phụ tình phụ nghĩa. Người lính cảm thấy có cái gì rưng rưng từ trong tận đáy lòng và dường như nước mắt đang muốn trào ra vì xúc động trước tấm lòng vị tha của người bạn tri kỉ. Trước caí nhìn xám hối của nhà thơ, vầng trăng một lần nữa, gợi lên bao cái "còn" mà con người tưởng như đã mất. Những cảm xúc trong niềm xót xa, ân hận khiến giọng thơ không thể bình thản. Nhịp thơ hối hả, dâng trào khi trăng đã trả lại cho con người tất cả. Cái quý giá nhất mà nó trả lại ấy là tình người, một tình người dào dạt "như là đồng là bể - như là sông là rừng". Nhịp thơ như mạch cảm xúc tuôn trào cùng biết bao kỉ niệm của quá khứ ùa về. Khi người và trăng đối mặt, trong phút chốc làm ùa dậy trong tâm trí người lính xưa bao kỉ niệm của những năm tháng gian lao, bao hình ảnh của thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu, gợi cả một quá khứ nghĩa tình gắn bó cùng thiên nhiên, đất nước, nhân dân. Chuỗi hình ảnh đồng, sông, bể, rừng trở lại đã trả lại vầng trăng về không gian quen thuộc là vầng trăng tình nghĩa trong qua khứ. Thì ra những kí ức đẹp đẽ ấy không mất đi và con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Con người trong lúc bận rộn có thể lãng quên đi nhưng chỉ cần một tác động nhỏ nào đó, chúng sẽ lại sống dậy, vẹn nguyên, thậm chí còn đậm sâu hơn nữa. Những kỉ niệm ấy vầng trăng vần không quên, chỉ có con người là đã quên. Vầng trăng vẫn thủy chung, chỉ có con người là ích kỉ hai lòng. Khổ thơ đã diễn tả sâu sắc cảm giác hạnh phúc không nói nên lời của con người khi tìm lại được một phần quý giá trong tâm hồn đã vô tình bỏ quên trong quá khứ. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao. Nó lấp lánh bao điều không dễ nói. Nhưng niềm vui đã nhanh chóng lắng xuống, nhường chỗ cho sự hối hận. Bởi cái vô tư mà vầng trăng trả lại, nhà thơ chỉ dám nhận về một nửa. Nửa còn lại kia dành cho những ăn năn, hối hận của sự "vô tình":
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Trăng vẫn thế, vẫn tròn vành vạnh, vẫn là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, nhân hậu, vẹn nguyên, chẳng thể phai mờ. Khổ thơ kết lại bài thơ bằng hai vế đối lập mà song song. Đối lập giữa "tròn vành vạnh" nghĩa là sự đầy đặn của vầng trăng với cái hụt vơi của kẻ "vô tình". Đối lập giữa cái im lặng của ánh trăng (im phăng phắc) và con người "giật mình" thức tỉnh. Vầng trăng hay ánh trăng chính là đại diện cho cái tĩnh, cho những giá trị bất biến, cái vĩnh hằng của cuộc sống, tượng trưng cho vẻ đẹp nghĩa tình, qua khứ đầy đặn, thủy chung, nhân hậu, bao dung của thiên nhiên, của cuộc đời con người, của đất nước. Trăng vẫn sẽ là biểu tượng cho sự tròn đầy, thủy chung, trọn vẹn của thiên nhiên, nghĩa tình của quá khứ dù cho con người có đổi thay, bạc bẽo, vô tình. Trong cuộc gặp lại này, trăng im lặng, không một lời trách cứ, trăng còn là biểu tượng cho tấm lòng bao dung, độ lượng, cho nghĩa tình thủy chung, trọn vẹn, trong sáng, vô tư, không đòi hỏi sự đền đáp; đó chính là phẩm chất cao đẹp của nhân dân mà Nguyễn Duy và nhiều nhà thơ khác đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc trong thơ ca từ thời chiến tranh chống Mĩ. Vầng trăng tròn vành vạnh nào có quan tâm, có trách móc gì thói bạc bẽo, vô tình của con người. Ánh trăng im phăng phắc không hề lên tiếng, không hề trách móc hay phán xét những hành động của con người. Vậy nhưng chính sự tròn đầy và sự im lặng kia có ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta: Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên và nghĩa tình quá khứ luôn tròn đầy, bất diệt. Và cái "im phăng phắc", sự lặng im đầy tình nghĩa, bao dung, độ lượng có phần nghiêm khắc của vầng trăng đã đánh thức con người. Sự im lặng kia giống như một tấm gương khiến cho con người tự soi mình mà "giật mình", mà xấu hổ với lương tri. Giật mình thể hiện sự trăn trở, day dứt, thức tỉnh, tự thấy bản thân cần phải thay đổi cách sống. Con người giật mình trước ánh trăng lặng lẽ là sự bừng tỉnh của nhân cách, trở về với lương tâm trong sạch tốt đẹp. Đó là nỗi ăn năn, thức tỉnh lương tâm, làm đẹp nhân cách con người. Giật mình cũng là để tự nhắc nhở bản thân phải trân trọng quá khứ, giữ gìn truyền thống, khắc ghi đạo lí uống nước nhớ nguồn. Giật mình là một phản xạ hoàn toàn có điều kiện, như một sự thức tỉnh của lương tâm khi nhận ra sự vô ơn, bạc bẽo của bản thân mình. Đây là sự thức tỉnh rất đáng trân trọng. Thì ra những bài học sâu sắc về đạo lí làm người đâu cứ phải tìm trong sách vở hay từ những khái niệm trừu tượng xa xôi. Và sự bừng tỉnh của con người, trong trường hợp đó không thể nào quên, vì nó là tiếng nói bên trong, của chính lòng mình khi lương tâm mỗi người mách bảo.
Ánh trăng của Nguyễn Duy gây nhiều xúc động bởi bài thơ không chỉ là chuyện của một người, một thế hệ mà có ý nghĩa với nhiều người, với mọi thời đại. Bài thơ ngắn gọn, đơn sơ như dáng dấp của một câu chuyện ngụ ngôn ít lời mà giàu hàm nghĩa. Hình ảnh vầng trăng tròn nhiều lần xuất hiện trong bài để gợi nhắc về quá khứ thủy chung, tình nghĩa, vẹn nguyên, còn ánh trăng là ánh sáng của lương tâm, của đạo đức, cái ánh sáng soi rọi, thức tỉnh để xua đi phần khuất tối trong tâm hồn con người. Ánh trăng thật sự đã như một tấm gương soi để thấy được gương mặt thực của mình, để tìm lại cái đẹp tinh khôi mà chúng ta đôi khi để mất. Bài thơ có ý nghĩa cảnh tỉnh, gợi cho mọi người sống có ý nghĩa, sống đẹp, xứng đáng với những người đã khuất, đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, xứng đáng với chính mình, trân trọng quá khứ để vững bước trên đường tới tương lai. Bài thơ khuyên tất cả mọi người cần biết thủy chung, tình nghĩa với cái cao đẹp của quá khứ để nó mãi tỏa sáng. Hãy là người biết trân trọng quá khứ, hãy giữ gìn, nâng niu tuổi thơ êm đẹp của chúng ta để rồi một lúc nào đó, ta không phải có những phút giật mình!
(*) Văn bản gốc là buyn-đinh nhưng tôi muốn sửa thành building vì nghe hay hơn.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro