Tết 2029

GHI CHÚ: ĐƯỢC VIẾT KHI BITCOIN 60K!

À hôm nay hai mươi chín tháng chạp? Nếu cái lịch máy tính và cái lịch điện thoại đều sai thì tôi chịu, không thể trả lời được. Sao mẹ có gọi lỡ cho mình nhỉ? Tôi gọi lại cho bà.

"Sao mày không gọi bằng phòng mè ta?"

"Là phòng Meta mẹ ạ."

"Me tây với chả me ta! Con với chẳng cái. Không về được thì ít nhất cho mẹ thấy mặt chứ?"

Tôi thở dài, bật camera lên. Mẹ tôi hiện lên. Chính xác là cái trán của bà. Tôi đặt điện thoại xuống, bật chế độ hình rỗng lên. Đầu bà được phóng chiếu từ màn hình – nổi lềnh bềnh trong không gian phía trên cục nhựa kia. Giờ ai cũng làm như vậy cho tiện, chứ ai lại dùng công nghệ cũ của những thập kỉ trước!

"Alo con trai. Mẹ chưa thấy mặt con?"

"À mẹ chưa chọn chế độ 'Hologram' ấy mà."

"Là sao con? Quay cam trước được rồi chứ?"

"Khổ mẹ ghê lúc đòi thấy toàn mặt, giờ đòi quay camera trước."

"Tôi già rồi có biết gì đâu. Khổ ông cứ tinh tướng!"

Tôi gãi đầu chịu thua, đành phải cầm điện thoại lên theo cách vô cùng cổ điển là chìa nó ra trước mặt và quay màn hình vào mình. Lần này bà đã chỉnh lại cự ly nên tôi cũng thấy được toàn mặt: Bà đón được hơn năm mươi cái Tết và điều này được thể hiện rõ qua số lượng chân chim, nếp nhăn và sợi bạc. Chính xác bao nhiêu thì tôi không biết, nhưng chắc chắn là nhiều. Giờ tôi tầm hai – ba thập kỷ nữa cũng sẽ giống bố và mẹ vậy. Có thể là không. Nhưng thôi Tết không cần nhắc mấy chuyện không vui làm gì.

"Sao thế con? Thưởng Tết không đủ nhiều để con vào tiền ảo hả?"

Mẹ nói. Tôi giật mình.

"À không sao... Chỉ là suy nghĩ vẩn vơ thôi."

"Lại đâm đầu làm quần quật như bố mày! Coi chừng già trước tuổi đấy. Phải nghỉ ngơi hợp lý đặng còn kiếm vợ..."

Cuộc điện đàm cứ thế kéo dài gần nửa tiếng. Tôi biết bà rất mong tôi về nhưng không kịp vì lý do lịch trình và chích mũi nhắc lại nên bà chấp nhận. Bố cũng chấp nhận. Cả nhà sắp gom đủ tiền cho một mảnh đất trên Metaverse 2.0 rồi. Xong chúng tôi sẽ bán nhà để sống trong một phòng với người máy chăm sóc. Tôi và bố vẫn sẽ cởi kính để đi làm còn mẹ sẽ tập trung hoàn toàn vào cửa hàng ở trên Metaverse hi vọng kiếm thêm đồng vô đồng ra.

Cuối cùng cũng xong. Tôi hứa với mẹ là sẽ dùng lên Meta đón giao thừa cùng gia đình. Nhìn lại căn phòng của mình tôi cảm thấy nó khá bừa và nguy hiểm để dùng: Rác vương vãi – hộp thức ăn nhanh, vỏ lon, vỏ bao cao su...; những thứ đồ lỉnh kỉnh như cái Kindle, cái laptop, cái kính, cái âm vật nhựa,...; và hàng tá đồ dơ chưa giặt. Tôi thở dài, chẳng muốn động tay động chân gì cả. Nếu mà tầm chục năm trước thì hẳn tôi đang ở nhà cố gắng chùi cho xong bộ bàn ghế gỗ có bốn chục cái lỗ để nhét bàn chải đánh răng vào. Nghĩ đến tôi phi cười, đủ động lực để đứng dậy gom rác vào thùng, gom đồ dơ thành một đống và gom đồ lỉnh kỉnh vào một chỗ. Cũng mất gần cả tiếng. Metaverse chỉ thật đến mức cởi kính ra ba ngày một lần để ăn và làm vệ sinh mà thôi nên giờ bụng sôi. Tôi lại đặt thức ăn ngoài. Chẳng biết từ bao giờ mà nồi cơm điện của mẹ trở nên xa xôi quá. Tôi chẳng cần mang tiền về cho mẹ, chỉ cố gắng chỉnh phòng Metaverse của bản thân sao cho đẹp nhất có thể và chuyển tín dụng về tài khoản bà hàng tháng.

Tôi đánh một trận game giết thời gian chờ thức ăn. Đã trả trước nên tôi chỉ cần rung đùi chờ báo tới thì xuống chỗ giao hàng không tiếp xúc mà nhận. Vẫn là loại đùi gà công nghiệp nhạt toẹt nhúng trong dầu cũ cùng cơm gãy như rạ. Thôi chả sao, mai ăn lẩu một mình loại lớn cũng được. Ít nhất Tết này tôi sẽ không bị tra hỏi nhiều như mọi năm. Thật ra cũng thèm cảm giác đấy lắm nhưng thôi, thế này tiện hơn. À dọn dẹp tiếp nhỉ? Mới hai mươi chín chứ có phải ba mươi đâu? Tôi lại đăng nhập phòng Metaverse mà tỉa cây, mua thêm phướn dán tường, vài chữ, một ít pháo. Ít ra đã có không khí Tết như ngày nhỏ vậy, mỗi tội khi cởi kính ra thì mọi thứ trông như một đống hổ lốn, xám xịt chán chường. Tôi mở rèm, nhìn xuống khung cảnh bên dưới. Đèn nhấp nháy chào. Căn hộ trong khu tập thể ở vùng ven, và xây với quảng cáo cho những người chuyên sống trong thế giới Meta. Hầu hết những thứ trong này toàn thuê cả, cứ chắp vá và thuê bao hàng tháng là đủ dùng.

Tết mà nhỉ?

Tôi thở dài. Hơi mờ ám trên tấm kính. Nhịp sống này mới chỉ vài năm mà sao tôi cảm tưởng mình đã như thế này hàng thập kỷ. Đường phố rực rỡ sắc màu của áo gió và logo các hãng giao hàng, chuyển phát. Không tính những máy bay không người lái xẹt qua xẹt lại. Mới hai mươi chín mà nhỉ? Tôi với lấy cái khẩu trang, mặc tạm bợ và lục lọi để tìm cái thẻ ra vào. Thành ra tôi mất gần mười phút mới ra được bên ngoài phòng.

Thật ra chặng đường từ hành lang xuống dưới cũng chẳng có gì đặc biệt vì dù sao tôi cũng vừa xuống lấy đồ ăn. Thế nhưng chỉ mới cách vài chục phút mà mọi thứ khác quá bởi các giác quan của tôi nhạy bất thường. Tôi nhìn kỹ được cái thiếu sáng của chỗ này; rằng tiếng thở, tiếng bước chân của tôi là âm thanh duy nhất ở đây dù đằng sau những cánh cửa kia đầy những người đang đeo kính VR; dù vậy mùi chủ đạo là chất tẩy – nhờ bà lao công không đủ tiền thuê một phòng trong này; làn da cảm nhận được một làn hơi lạnh quét ra từ những lỗ thông gió. Những cánh cửa xám xịt cứ thế im lặng nhìn theo. Không có mai vàng, không có rộn ràng, không một chút cười đùa.

Chờ thang mà tim tôi đập mạnh đến nhức cả ngực, lảng vào tai là những tiếng pháo nổ xa xăm. Chúng đến từ kí ức hay là thực tại? Mới có mấy năm sao mà mọi thứ thay đổi nhanh nhỉ? Đột nhiên mũi cũng nghe thấy mùi nồi thịt kho Tàu. Ảo giác rồi – vì rõ ràng trong cái khu tập thể này có ai nấu nướng gì đâu! Tôi lắc lắc đầu, cố xua đi những nực cười kia. Có lẽ căng da bụng chùng da mắt nên bản thân trở nên lú lẫn.

Nhạc chờ trong thang máy là một nhạc xuân. Không hiểu vì sao họ không phát ra lời. Có thể do bán NFT rồi nên sợ bản quyền chăng? Nhưng dù gì đi nữa những giai điệu này làm tôi lạnh sống lưng. Không phải do chúng quá hay, cũng không phải do chúng gợi lại kí ức gì cả, mà chỉ đơn giản là do chúng quá quen thuộc. Nghe đi nghe lại gần ba chục năm thì cũng phải nhớ da diết thôi. Tôi cười khì, nhịp chân.

Bên ngoài gió sương lạnh chạy theo khói xe. Tôi hít một hơi đầy, cảm thấy phổi đầy. Mùi Tết là một thứ vừa quen vừa lạ, ngửi thấy là biết. Nhưng mấy năm vừa qua tôi toàn ở trong nhà và trên Metaverse nên chỉ biết mùi xi măng và đồ hộp. Râm ran từ khu chợ những tiếng nói cười. Tôi cứ đứng bần thần trước cửa chung cư như vậy.

Hôm nay hai mươi chín có về nhà kịp không?

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro