Tôn sư trọng đạo
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã trải qua 4000 năm lịch sử với những trang sử vàng chói lọi. 4000 năm, các thế hệ của dòng máu lạc hồng đã ghi lại những thành quả lớn lao trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và đấu tranh chống thực dân khắc nghiệt. Những kinh nghiệm sống ngàn đời của cha ông ta đã trở thành di sản vô giá. Những truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của cha ông ta đã kết dệt nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, trường tồn suốt mấy nghìn năm lịch sử. Những truyền thống đáng quý ấy thể hiện tâm hồn đẹp đẽ của dân tộc ta, thể hiện phẩm chất cao quý của đồng bào ta, thể hiện nhân sinh quan của con người trước thực tại khách quan. Trong những truyền thống quý báo ấy, chúng ta không thể không nhắc tới truyền thống "tôn sư trọng đạo".
Tôi rất tâm đắc với câu nói của một ai đó rằng: "Muốn trưởng thành, trước phải tôn sư, sau cần trọng đạo". Quả thực như vậy. Con người lớn lên cần đến rất nhiều phẩm chất quý giá, phải học hỏi và làm theo rất nhiều những đạo lý làm người. Nhưng đạo lý đó cũng có thể giúp con người trưởng thành hơn, nhưng muốn hoàn thiện về nhân cách, tôi cho rằng "tôn sư trọng đạo" là không thể thiếu.
Vậy "tôn sư trọng đạo" nghĩa là gì?
Chữ Tôn là tôn trọng, tôn kính
Chữ Sư là thầy
Chữ Trọng là nặng, coi trọng
Chữ Đạo là đạo lý, là lẽ phải.
Theo quan niệm xưa thì bất kỳ một đạo nào, một tri thức gì cũng được chia ra làm 3 cấp bậc: Đạo, Kinh và Thuật. Đạo là tột cùng của học vấn, Kinh là diễn giải Đạo, và Thuật là các biện pháp phương pháp thực hiện Đạo.
Đạo là tột cùng của học vấn, là mục đích cuối cùng để con người hướng tới vươn tới. Chẳng thế mà Khổng Tử nói: "Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ" (Sáng nghe đạo, tối chết cũng mãn nguyện)
Bậc Thánh nhân khi đã đắc đạo hiểu thấu đạo lý thì viết những sở đắc ra gọi là Kinh. Bậc hiền nhân nghiên cứu kinh am hiểu lời dạy trong kinh và từ quá trình học tập nghiên cứu thực tế của cá nhân mới viết ra các biện pháp phương pháp thực hiện đạo, tiếp cận đạo gọi là thuật.
Người giả thích đạo lý trong kinh sách, hướng dẫn thực hiện đạo, tiếp cận đạo gọi là Thầy.
Người đi học lấy mục đích tối cao là Đạo, tức hiểu thấu đạo lý, hiểu rõ thế giới xung quanh, mà để đạt được thì cần có Thầy giảng giải chỉ bảo.
Do đó người đi học đặc biệt coi trọng Đạo (Trọng Đạo), và kính trọng người dìu dắt mình trên con đường học vấn, con đường tầm đạo gian nan xa xôi (Tôn Sư).
Hiểu đơn giản hơn, "tôn sư" là lòng tôn kính, biết ơn của người học trò đối với thầy; "trọng đạo" là đề cao, xem trọng đạo lý.
Có ai từng thắc mắc vì sao phải tôn sư? Tại sao phải trọng đạo?
Đầu tiên, người thầy là người biết thương mến, lo lắng cho học trò mình, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ, trở nên người tốt ở trên đời. Thầy trao cho chúng ta những chiếc chìa khóa tốt nhất để mở cánh cửa tương lai. Thầy giảng cho chúng ta nghe về đạo lý ở đời, về cách sống sao cho phù hợp, sao cho văn hóa. "Thầy" hiểu rộng ra, bao gồm tất cả những người đã từng dạy dỗ bảo ban cho chúng ta lời khuyên.
Biết tôn sư, ta mới biết quý trọng các giá trị bắt nguồn từ những điều đơn giản. Biế tôn sư ta mới có thể hoàn thiện nhân cách bản thân. Biết tôn sư ta mới có thể nên người.
Tiếp theo, không chỉ cần biết "tôn sư", người học còn phải biết "trọng đạo". Một trong những biểu hiện của tinh thần "trọng đạo" là xem trọng , biết ơn người thầy. Ngày xưa, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở con cháu đi chúc Tết "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy". Trong không khí "vui như Tết", mọi người vẫn không quên dành cho những người thầy những lời chúc tốt đẹp, những sự quan tâm đầy tình nghĩa.
Có trọng đạo, ta mới hiểu hết được sự quan trọng của nhưng người xung quanh, từ những cái bình dị thường ngày, từ những điều nhỏ bé nhưng ngọt ngào. Từ trọng đạo, ta biết yêu người thân, kính người thầy, trọng người già, thương người trẻ. Từ trọng đạo, tình yêu của ta cứ lớn dần lên, lan tỏa khắp, hòa quyện vào núi sông, trở thành tình yêu đất nước. Chỉ có như vậy, ta mới có thể trở thành người có ích cho dân tộc, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ được những nét văn hóa truyền thống ngàn đời truyền lại.
"Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nó đã nói lên tầm quan trọng của người thầy trong mỗi con người, đưa ra lời khuyên thấm thía mà nhẹ nhàng, đưa ra bài học và trách nhiệm của mỗi người làm trò. Cần tôn kính người thầy, cần biết "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" hay "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".
Ngày nay nhà giáo được vinh danh là kĩ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là " Nghề cao quí nhất trong tất cả các nghề cao quí." Hay như nhà sư phạm người Nga Jan Amos Comenxki cũng đã nói: "Dưới ánh mặt trời, không nghề nào cao quý hơn nghề sư phạm". Các thế hệ nhà giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người bằng tài năng, trí tuệ và nhiệt của mình. Những học sinh từ Mẫu giáo đến việc đào tạo ra không chỉ những công nhân, viên chức bình thường mà cả rất nhiều kĩ sư, bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng đều trải qua sự dạy dỗ chuyên cần của người thầy. Và không giống những nghề cho ra đời những sản phẩm vật chất, nghề giáo đã tạo ra những con người tri thức, có đạo đức. Mà muốn tạo ra những sản phẩm con người vừa có đạo đức, vừa có tri thức trong thời buổi hội nhập, trong sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, chắc chắn làm một thầy giáo, cô giáo cũng chẳng dễ dàng gì. Để có một bài giảng tốt, một lời khuyên hay, người thầy trước tiên phải là tấm gương sáng, và đã phải trăn trở, nghĩ suy biết bao đêm ngày, lo lắng tất cả mọi thứ từ việc dặn dò học sinh học bài cũ, soạn bài mới cho đến việc thiết kế , soạn giáo án lên lớp. Đó là chưa kể đến những thầy cô nhà ở rất xa trường, phải đi rất nhiều cây số mới đến được lớp học, rồi lại có những thầy cô có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ già yếu, con cái đau ốm,.... Nhưng vượt lên tất cả sự vất vả, người thầy luôn dành những gì tốt nhất mà mình chuẩn bị, dành hết cái tâm của mình để học sinh có thể hiểu bài, với một hi vọng giản đơn là mỗi học sinh sẽ trở thành một người có ích cho xã hội trong hiện tại và tương lai. Chính vì vậy mà hình ảnh người thầy đã khắc sâu vào tâm hồn của những ai từng là học sinh. Chắc chắn không ai có thể quên được "ngày đầu tiên đi học mắt ướt nhạt nhòa", được cô giáo "vỗ về an ủi thật thiết tha". Rồi trong một khoảng thời gian dài làm học sinh, biết bao người đã được thầy cô uốn nắn từng chữ viết, dạy cho cách làm người, cung cấp bao nhiêu kiến thức. Viên phấn trên tay thầy cô càng ngắn dần, tóc thầy cô càng điểm nhiều sợi bạc thì học sinh càng được mở rộng thêm về kiến thức, về sự hiểu biết. Trong miền kí ức của học sinh, thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai, những người đã thắp lên trong trái tim học sinh ngọn lửa tri thức, ngọn lửa của lòng yêu thương, của ý chí, của niềm tin và khát vọng vươn tới thành công.
Tấm lòng của thầy cô bao la như trời biển, vậy mà trong môi trường học đường, vẫn còn đâu đó một số học sinh còn có biểu hiện xem thường kỉ cương học tập và xem thường truyền thống tôn sư trọng đạo. Ở lớp, họ không chú ý nghe thầy cô giảng. Ở nhà, họ không chịu học bài, làm bài, ý thức tự giác của họ chưa cao, thậm chí họ còn có thái độ vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô. Đó là chưa kể đến một số học sinh đã rời trường, bất chợt gặp thầy cô trên đường thì nhìn đi chỗ khác hoặc cứ giương mắt rồi đi mà chẳng hề chào hỏi cô thầy. Những học sinh đó thật đáng trách, bởi vì họ đã vô tâm quên đi truyền thống "tôn sư trọng đạo"
Người dân Việt Nam có tinh thần hiếu học và rất biết ơn người có công dạy dỗ mình dù người ấy chỉ dạy mình một chữ hay nửa chữ "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" . Mang ơn thầy là bổn phận của người học bởi "Không thầy đố mầy làm nên". Bổn phận này không phải chỉ là sản phẩm của lý trí thuần túy , nó xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu xa bền bỉ: đó là sự thương mến kính trọng thầy. Mà đã thương mến, kính trọng, biết ơn thầy thì phải thể hiện bằng hành động thật cụ thể, chí ít phải chú trọng việc duy trì nề nếp, kỷ cương học tập và có thái độ "tôn sư trọng đạo". Mỗi học sinh cần có thái độ học tập nghiêm túc. Ở lớp học, chúng ta cần chú ý lắng nghe thầy giảng, học tập cùng bạn, thi đua giành nhiều điểm tốt, lễ phép, tôn kính với thầy cô và thân ái, đoàn kết với bạn bè. Đó chính là món quà tinh thần lớn nhất mà chúng ta dành tặng thầy cô . Thiết nghĩ, khi còn ngồi trên ghế học đường mà học sinh không học hành nghiêm túc, không kính trọng thầy, cô giáo thì sau này khó trở thành công dân tốt. Chắc chắn, các thầy cô giáo hết lòng với học sinh, với nghề nghiệp, ngày xưa họ từng là những học sinh có tinh thần "Tôn sư trọng đạo".
Ngày 20 tháng 11 đã đến, một ngày như bao ngày nhưng lại trọng đại hơn bao ngày bởi đây là ngày Hội của các thầy, các cô; ngày mà các thầy cô có dịp nhìn lại thành quả do công sức khó nhọc của mình bỏ ra, ngắm những cây xanh do chính tay mình ươm mầm và chăm sóc, là ngày mà vẻ đẹp của các "kĩ sư tâm hồn" được tôn vinh, là ngày mà dân tộc Việt Nam thể hiện rõ nhất truyền thống "tôn sư trọng đạo". Với ý nghĩa ấy, học sinh chúng ta hãy trân trọng kính dâng các thầy, các cô những đóa hoa thành tích tươi thắm cùng lời chúc thầy cô dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành tốt công tác, mãi mãi thương yêu và dìu dắt học sinh từng bước trưởng thành bằng tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro