Foreword

Mọi tình tiết trong câu chuyện bạn sắp đọc đều là hư cấu. Các mốc thời gian đều tương đối. Nhân vật cũng chỉ là tương đối. Làm ơn không đánh đồng fic với đời thực.

Hoặc bạn có thể hiểu là, mỗi nhân vật ở đây đại diện cho một điều gì đó cao hơn chính nguyên mẫu của họ ngoài đời thực.

Nghe hơi to tát nhỉ? Hì, suy cho cùng đây chỉ là một câu chuyện nhẹ nhàng về tình bạn thôi. Và có lẽ là về tuổi trẻ nữa.

Như mọi khi, mình xin lỗi trước vì mình không phải người chuyên về đá bóng. Nếu bạn bắt gặp những chi tiết chướng tai gai mắt, làm ơn hãy chỉ ra cho mình nhé, mình thực sự cảm kích.

Chúc bạn có những giây phút vui vẻ khi đọc fic mình!

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

"In three words I can sum up everything I've learned about life: it goes on. In all the confusions of today, with all our troubles... with politicians and people slinging the word fear around, all of us become discouraged... tempted to say this is the end, the finish. But life - it goes on. It always has. It always will. Don't forget that."

- Robert Frost -

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

2015

Nguyễn Thị Thu Hiền

Mãi những năm sau này, chẳng hiểu sao tôi vẫn còn nhớ cái nắng của buổi chiều tháng Năm ấy. Nắng bỏng rẫy, nắng rát mặt, nắng như thiêu đốt từng tấc da thịt trên cơ thể. Tôi ngồi trên bậc thềm, nheo mắt nhìn ra trảng cỏ không một bóng cây, chỉnh lại chiếc áo đá bóng chưa gì đã ướt sũng mồ hôi, rồi mím môi buộc dây giày, chuẩn bị cho một buổi tập mới.

Bên cạnh tôi, Hải Linh cũng đang cắm cúi xỏ tất, băng chân. Con bé mới mười bốn tuổi thôi nhưng đã cao nhất đội - mặc dù người nó vẫn gầy nhẳng như xưa, chân tay khòng khoeo, tóc cắt kiểu đầu nấm trông ngố khôn tả. Trước đây Hải Linh thường được xếp đá cặp tiền đạo với tôi nhờ đôi chân sở hữu lực sút tốt, nhưng từ hồi nó cao vống lên chẳng vì lý do gì, các thầy cô bắt đầu kéo nó xuống vị trí trung vệ. Tôi nhìn những động tác thuần thục của nó, đầu lan man nghĩ tới đĩa khoai tây xào sẽ chờ chúng tôi ở nhà ăn tối nay, biết rằng thế nào con bé cũng chê ỏng chê eo.

Thắt dây giày xong xuôi, Hải Linh đứng dậy, dậm nhảy vài bước tại chỗ theo thói quen. Nó nhìn ra ngoài sân, nheo đôi mắt hí, trên gương mặt nhanh chóng xuất hiện biểu cảm chán ngán, có lẽ đến lúc này mới để ý cái nắng ngoài trời đang chói chang đến mức nào. Nhưng khi cúi xuống nhìn tôi, thay vì buông ra lời than thở mà tôi đã chờ sẵn, Hải Linh chỉ nói, "Ê Hiền, tập xong ở lại với em tí."

"Làm gì mày?" Tôi quệt mồ hôi trên trán. "Chiều nay mà các cô lại bắt tập như hôm qua, chắc chị thở còn không nổi nữa."

"Ở lại em chỉ cho cái này, lạ lắm." Giọng Hải Linh bâng khuâng. Ánh mắt con bé khi nói điều đó cũng không tỏ vẻ tinh nghịch như ngày thường.

"Mày học kiểu ăn nói úp mở từ bao giờ vậy?" Tôi lấy khuỷu tay huých khẽ vào chân nó.

Nhưng Hải Linh vẫn nhất quyết giữ im lặng. Nó hất đầu về xung quanh ý muốn bảo, nhiều người quá không nói được, rồi buông một câu gọn lỏn. "Cứ ở lại rồi biết."

Cái này lạ lắm của Hải Linh hóa ra là một... thằng con trai. Tôi phải hết sức kiềm lại thôi thúc nắm lấy mái đầu nấm của nó giật trụi lủi, khi chưa kịp nghỉ xả hơi sau buổi tập kéo dài ba tiếng đồng hồ đã bị nó kéo xồng xộc sang phía đội nam U17 Hà Nội T&T. Đội bên ấy cũng vừa hoàn thành giáo án trong ngày, đám cầu thủ trẻ đang ngồi tụm lại nói chuyện trên cỏ còn các thầy tập trung ở một góc sân, cắm cúi bàn thảo điều gì đó. Ánh hoàng hôn đã bắt đầu buông, không gian đã bắt đầu mờ tối, cái nóng cũng dịu lại phần nào. Chúng tôi đứng nép vào sau một gốc cây, cố gắng không để bản thân bị bắt gặp.

"Đâu, mày định cho chị xem cái gì nào?"

"Hiền nhìn kia kìa," Hải Linh đưa tay chỉ về cầu gôn phía đối diện chỗ hai đứa đang đứng.

Tôi nhận ra một người mặc áo trắng, màu áo của cầu thủ T&T trên sân hôm nay, bèn căng mắt theo dõi thêm. Cái bóng ấy chỉ có một mình, cứ luẩn quẩn vật vờ nơi cầu gôn, hết bên này lại bên nọ, trong khi những thành viên khác của đội đều ở trong sân cả, kể cả mấy cậu thủ môn mặc đồ xanh neon. Đúng thực là có chút bất thường.

Và cũng có chút... quen quen nữa.

"Bùi Hoàng Việt Anh?" Tôi buột miệng kêu lên khe khẽ, mắt vẫn không thể rời khỏi bóng người ấy.

Bên cạnh tôi, giọng Hải Linh vang lên đầy ngạc nhiên. "Hiền biết nó hả?"

"Mình phải gọi là anh đó, sinh năm chín chín." Tôi thì thào. "Cạ cứng của Mạch Ngọc Hà lớp chị. Thỉnh thoảng chị có chạm mặt trên trường."

Hải Linh nghiêng đầu quan sát một hồi, rồi lại quay sang tôi. "Trông cứ thương thương thế nào ấy, Hiền có thấy vậy không?"

"Có." Tôi gật đầu.

"Em để ý cả tuần nay rồi, từ hôm T&T đổi giờ tập cùng với đội mình ấy. Hôm nào em cũng thấy nó - à, anh đấy - loanh quanh chỗ cầu gôn như thế. Chẳng hiểu trong lúc cả đội tập thì có vào cùng không, nhưng cứ hết giờ là lại lủi thủi một mình." Hải Linh chép miệng. "Hay là anh này bị kỷ luật gì đó nên chỉ được tập lúc đầu giờ, không được khớp đội hình hay học chiến thuật nhỉ..."

"Được rồi," tôi thở dài. "Để mai lên trường chị mày hỏi thử Ngọc Hà xem."

Rốt cuộc lời hứa đó lại vô tình trở thành nguồn cơn cho việc tôi lẫn Ngọc Hà bị đứng phạt ngoài cửa lớp suốt bốn mươi lăm phút tiết Văn ngày hôm sau. Mặc dù để mà thanh minh thì, tất cả là tại nó, không phải tại tôi.

Tranh thủ lúc cô giáo đang viết tiêu đề lên bảng, tôi quay sang khều Ngọc Hà, vốn chỉ ngồi cách tôi có một lối đi, "Hà ơi!"

"Gì?" Ngọc Hà đáp mà không ngẩng đầu lên, bàn tay cầm bút bi vẫn viết nhoay nhoáy lên trang vở.

"Anh Việt Anh ấy, cái anh chơi thân với mày ấy, làm sao thế?"

Thường ngày Ngọc Hà là một đứa nghịch ngợm, hiếu động nhưng không đến mức quậy phá, với bạn bè trong lớp nó vẫn tương đối cởi mở, hòa đồng. Nên tôi không ngờ câu hỏi rất đỗi bình thường của mình lại làm nó nổi cáu. Nó nhìn tôi, gương mặt hiện rõ vẻ đừng đùa với bố mày, và xẵng giọng như thể không kiềm chế nổi cơn giận, "Mày hỏi làm khỉ gì?"

"Mày làm sao thế?" Tôi ngạc nhiên, cố giữ giọng thấp hết mức có thể, khi nhác thấy xung quanh đã có một vài đứa bị âm lượng giọng nói của Ngọc Hà đánh động, đang quay về phía chúng tôi hóng hớt. "Tao hỏi chơi, không thích trả lời thì thôi. Tại hôm qua tao thấy anh đấy..."

"Tao đếch buồn quan tâm nữa." Ngọc Hà quăng bút, tuôn một tràng khiến tôi hoảng hồn. "Bảo bao nhiêu lần rồi mà đếch nghe. Cứ để kệ đấy. Mặc xác đấy. Cho đi tong đi teo sự nghiệp cũng được."

"Ngọc Hà, Thu Hiền." Trên đầu hai đứa tôi bỗng vang lên một giọng nói đầy nghiêm khắc, và tôi ngẩng đầu, lạnh cả sống lưng khi thấy cô giáo dạy Văn đã đi xuống chỗ hai đứa tôi từ bao giờ. Ánh mắt cô đang xoáy vào tôi. "Hiền, ngay từ đầu giờ cô đã nhắc hôm nay là bài trọng tâm ôn thi, sao em vẫn cố tình quay sang nói chuyện với bạn?"

Tôi im lặng, câu trả lời tắc nghẹn trong họng vì sợ, không tuôn ra nổi.

"Còn em Hà," cô quay sang Ngọc Hà, "em thử nhớ lại xem em vừa dùng những từ ngữ gì, và liệu rằng nó có phù hợp trong môi trường lớp học hay không?"

Ngọc Hà cúi gằm đầu, hai tai đỏ ửng.

"Nếu Hà và Hiền đã nói chuyện hăng say như vậy, mời hai em mang sách vở ra ngoài để khỏi ảnh hưởng đến các bạn xung quanh," cô giáo chỉ tay về phía cửa lớp đầy dứt khoát.

Vậy là ba mươi giây sau, tôi thấy mình và Ngọc Hà đang đứng áp mặt vào cửa sổ lớp học, vở kê lên tường, căng tai ra nghe cô giảng. Thời tiết mùa hè đã nóng nực thì chớ, ngoài hành lang lại không có quạt, tôi đứng viết một lúc đã thấy tay mỏi mắt hoa. Quay sang Ngọc Hà, tôi thấy mồ hôi cũng đang lấm tấm trên trán nó, nhưng nó không phản ứng gì, chỉ thoăn thoắt chép bài vào quyển vở bằng thứ nét chữ mà chỉ có nó đọc nổi.

Mãi đến lúc cô cho cả lớp thực hành, nó mới quay sang tôi, hất đầu. "Sao hôm qua mày lại gặp Việt Anh?"

"Không phải gặp, chỉ là vô tình nhìn thấy thôi." Tôi cố gắng không tỏ vẻ khó chịu, thuật lại vắn tắt cho nó những gì tôi nhìn thấy từ chiều hôm trước. Trong lúc kể, tôi như thấy hình ảnh Việt Anh lủi thủi trước cầu gôn hiện ra nguyên vẹn trước mắt.

Nghe xong, Ngọc Hà suy nghĩ một hồi, rồi chép miệng thú nhận. "Việt Anh chấn thương, tám tháng nay rồi."

Tôi phải bụm miệng để ngăn cơn sửng sốt. "Tám tháng? Tức là gần một năm?"

"Ừ, bảy hay tám tháng gì đó. Từ mãi tháng Chín, tháng Mười năm ngoái cơ." Ngọc Hà liếc mắt vào lớp để chắc chắn cô giáo đang không nhìn chúng tôi, rồi mới bắt đầu câu chuyện của nó bằng giọng trầm trầm. "Ông ấy bị đau đầu gối không rõ nguyên nhân. Các thầy có đưa đi khám dăm ba lần rồi. Lúc nào kết quả trả về cũng là không có vấn đề gì cả."

"Nhưng vẫn không được tập?"

"Nhưng vẫn không được tập." Ngọc Hà máy móc lặp lại. "Việt Anh thì khăng khăng là đầu gối mình vẫn còn đau. Các bác sĩ lại năm lần bảy lượt nói chắc nịch là không vấn đề gì cả. Tao nghĩ ngay đến các thầy cũng không biết xử trí ra sao. Nên họ vẫn cho Việt Anh ra sân tập, nhưng chỉ tập nhẹ thôi. Đến lúc chia đội đá đối kháng thì không được vào, chỉ được ngồi ngoài xem. Nên mày với bạn mày mới thấy ông ấy... như thế đó."

Tôi lặng người, không rõ phải nói gì hơn.

"Mày biết không... tám tháng nay, gần như tuần nào Việt Anh cũng khóc. Ban đầu ông ấy không kể cho ai đâu. Thấy ông ấy vắng mặt mấy hôm, ông Thành Tài lẵng nhẵng bám theo hỏi mãi, Việt Anh mới chịu tâm sự đấy. Tính ông ấy như thế rồi, không sửa được." Ngọc Hà nhún vai. Tôi nhớ lại cơn giận của nó hồi nãy và thoạt đầu có hơi ngạc nhiên trước thái độ buông xuôi của nó lúc này, trước khi kịp hiểu rằng có lẽ tất cả đều đến từ việc nó đã quá mệt mỏi khi phải nghĩ mãi về vấn đề này suốt quãng thời gian qua. "Thế mà bố mẹ của Việt Anh vẫn chưa biết đâu. Mày tin được không hả Hiền? Bọn tao đứa nào cũng giục ông ấy phải gọi cho người nhà, may ra mới đủ sức thuyết phục và đủ kinh phí để đi chụp chiếu một lần cho tử tế. Ông ấy cứ ậm ờ cho qua chuyện, rồi lờ lớ lơ đi. Tuần nào tao, ông Tài, ông Tuấn Anh cũng chia nhau nhắc. Tuần nào Việt Anh cũng giả vờ quên. Bọn tao biết ông ấy không quên đâu, nhưng mà không đứa nào có số điện thoại của các bác cả."

"Từ từ," tôi ngơ ngác, "tại sao Việt Anh lại nhất quyết không gọi cho bố mẹ?"

Ngọc Hà nhìn tôi như thể tôi vừa lỡ lời.

"Gia đình Việt Anh phức tạp. Như tao với mày thì đến cái quần bị rách cũng lôi ra kể cho phụ huynh được. Việt Anh thì không. Những chuyện nghiêm trọng như này lại càng không."

"À," tôi gật đầu, mặc dù không hiểu lắm. Đúng lúc ấy tiếng trống chuyển tiết vang lên, và Ngọc Hà cầm sách bút đi thẳng vào lớp, không để tôi hỏi thêm câu nào.

Trưa hôm đó khi trở về ký túc xá, tôi lặp lại y nguyên lời giải thích của Ngọc Hà trước mặt Hải Linh. Con bé nhíu mày suy nghĩ một hồi lâu, ánh mắt mông lung hướng về tôi như thể đâu đó trên gương mặt tôi đang ẩn chứa câu trả lời. Nhưng tất cả những gì nó nói với tôi sau đó chỉ là một câu hỏi bâng quơ, "Theo như em hiểu thì, tình hình đang rất là bế tắc đúng không?"

Tôi nhún vai, thay cho câu mày biết rồi còn gì nữa.

"Tất cả người lớn có liên quan đều đưa ra lý lẽ của họ để từ chối giải quyết, và Việt Anh là người lãnh đủ?"

"Như chị có nói ban nãy rồi đó," tôi chậm rãi. "Có thể vẫn sẽ tìm được lối ra, nếu gia đình Việt Anh biết chuyện. Việt Anh lên cấp ba rồi, bắt đầu tập chuyên rồi nhưng có lẽ cũng vẫn như bọn mình thôi, không có quá nhiều tiếng nói đâu. Vấn đề là anh ấy không hé răng câu nào với gia đình cả. Nhìn thái độ của Ngọc Hà thì có vẻ không thuyết phục Việt Anh báo cho bố mẹ được đâu."

"Nhưng đó là cách duy nhất mà? Chẳng nhẽ anh ấy thà bỏ bóng đá còn hơn nhấc máy lên gọi cho gia đình à?" Hải Linh nhăn nhó vung tay, càng nói càng cao giọng, và tôi phải ngạc nhiên vì sự gay gắt của nó. "Vô trách nhiệm vãi chưởng! Em không biết anh ấy nghĩ gì, nhưng càng để dằng dai như vậy thì chỉ càng khiến mọi chuyện nghiêm trọng hơn thôi."

"Thì chị cũng chỉ nghe kể có thế. Anh ấy nghĩ gì làm sao mình biết được." Tôi thở dài.

Hải Linh bặm môi suy nghĩ, vẻ mặt cực kỳ tập trung. Lại thêm một lần nữa thái độ của nó khiến tôi ngạc nhiên. Tôi ít khi thấy nó như thế này.

Cuối cùng, nó vỗ đùi đầy quyết tâm. "Phải có người giúp anh ấy thôi."

Tôi trố mắt nhìn điệu bộ hăm hở của nó. "Là mày đó hả?"

"Em tép riu giúp được gì," Hải Linh lườm tôi một cái sắc lẻm. "Nhưng mà Hiền nói xem, trong việc này nhất quyết phải có phụ huynh xen vào, đúng không?"

"Đúng, thì sao?"

Hải Linh huơ tay giảng giải. "Việt Anh dứt khoát không chịu gọi điện cho gia đình, nhưng biết đâu bố mẹ các anh khác gọi được. Như mẹ em với mẹ chị đó, tháng nào chả gọi điện rủ nhau lên thăm hai đứa mình. Em đoán chắc là bố hoặc mẹ của anh nào đó trong đội nam bên ấy sẽ liên lạc được với bố mẹ Việt Anh."

"Hay đấy," tôi gật gù. "Chị sẽ bảo thằng Hà."

Nếu tôi không nhầm, vẻ mặt của Ngọc Hà có chút rạng lên khi tôi trình bày gợi ý của Hải Linh. "Tuấn Anh kể là bố ông ấy cuối tuần này lên thăm đội. Tao sẽ bàn với Tuấn Anh xem. Biết đâu bác ấy giúp được. Mỗi tội..."

"Mỗi tội gì?" Tôi hồi hộp hỏi.

"Mỗi tội nếu mà biết bọn tao lén lút làm chuyện này, chắc Việt Anh cạch mặt cả lũ quá."

Tôi huých vào người nó. "Thế mày muốn Việt Anh khỏi chân hay không đây?"

Ngọc Hà chỉ một tiếng.

Tuần sau, trong giờ chào cờ buổi sáng thứ Hai, Ngọc Hà tìm đến ngồi cạnh tôi và nói bằng giọng đầy hờn dỗi, "Việt Anh giận bọn tao thật rồi. Tại mày với con bé Hải Linh đấy." Thấy tôi xịu mặt, nó nhanh chóng đổi thái độ, vỗ vai tôi và mỉm cười. "Nhưng bố Tuấn Anh gọi được cho bố Việt Anh rồi. Đợi vài ngày xem sao. Tao cũng mong sớm giải quyết được vụ này."

Ba hôm sau, nó lại thông báo, khi bắt gặp tôi và Hải Linh đang sốt ruột chạy sang bên đội nam tìm xem Việt Anh có bên đó hay không. "Việt Anh được đưa đi chụp chiếu rồi. Đi mấy chỗ liền cơ, có cả bố và các thầy đi cùng, cũng yên tâm phần nào. Giờ ngồi chờ kết quả thôi, đến đâu hay đến đó."

Và đây là thông báo cuối cùng của nó vào thời điểm một tuần sau nữa, khi hai đứa đang bắt cặp chữa đề Toán thi thử trên trường. "Tin vui đây. Việt Anh không vấn đề gì, và được điền tên dự giải U17 Quốc gia rồi nhá. Tao nghĩ hai đứa mày nên được biết, mặc dù tao không rõ bọn mày quan tâm đến ông ấy thật, hay chỉ là thích chõ mũi vào chuyện thiên hạ."

"Tại bọn tao thích ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng đó," tôi thò tay qua bàn định giật tóc nó, nhưng nó đã nhanh chóng ngoảnh đầu tránh xa. "Chứ tội tình gì phải quan tâm đến một ông anh bọn tao không quen, nhỉ? Trên đời này làm gì có ai tốt như vậy!"

Ngọc Hà bật cười trước câu đùa của tôi. Nó không phản bác mà lảng sang chuyện khác. "À, với cả một việc nữa."

"Gì?"

"Việt Anh bảo hôm nào tao mời mày và Hải Linh, bốn đứa đi ăn chè với nhau một bữa."

Đó là điều mà tôi không hề ngờ đến. "Thật? Nhưng làm sao anh ấy biết bọn tao?"

"Thế mày nghĩ vì sao?"

Tôi à lên một tiếng. Còn ai vào đây nữa, ngoài cái đứa đang cười nhăn nhở trước mặt tôi. Bỗng dưng tôi chẳng còn thấy kiểu cười đó của nó đáng ghét như mọi ngày nữa. "Mày lắm chuyện quá."

"Thì mày coi như một buổi đi chơi thôi, nghĩ nhiều làm gì," Ngọc Hà tiếp tục. "Vậy nhé, đợi ông ấy đá giải trong Thành phố Hồ Chí Minh về, đến lúc đó bọn mình cũng thi chuyển cấp xong rồi, mày rủ con bé Hải Linh đi cùng bọn tao. Đừng có ngại đấy!"

"Hâm, ai thèm ngại với bọn mày," tôi bĩu môi.

Giải U17 Quốc gia năm ấy không phải là một giải đấu thành công với U17 Hà Nội T&T, khi đội phải dừng chân rất sớm ngay từ vòng loại. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, việc tham gia giải đấu ấy giống như một cơ hội thứ hai mà cuộc đời đã trao cho Việt Anh. Nó là sự khởi đầu cho một chuỗi những thăng tiến vượt bậc của anh sau đó. Quãng thời gian khó khăn rồi cũng đã lùi lại vĩnh viễn phía sau.

Nhưng mãi những năm sau này, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi hình bóng anh trong buổi chiều tôi và Hải Linh đứng lặng người bên sân tập của đội trẻ Hà Nội. Cậu thiếu niên mười sáu tuổi người gầy gò, ánh mắt trống rỗng, quanh quẩn bên cầu gôn như một kẻ đã không còn hồn phách. Hình ảnh ấy, mỗi lần nhớ về, tôi lại cảm thấy lòng mình trào dâng bao sầu muộn, đắng cay, tuyệt vọng, như thể nỗi niềm của anh bằng một cách nào đó đã chạm đến sâu thẳm trong tôi vậy.

Những ngày tháng mười lăm, mười sáu tuổi chênh vênh, nào ai trong số chúng tôi đã có gì trong tay? Danh vọng tiền tài tất nhiên chưa tới, nhưng ngay cả một điểm tựa niềm tin cũng mịt mờ chẳng thấy đâu. Chẳng có gì để làm động lực theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số, ngoài niềm đam mê cháy bỏng. Mà thực tình nghĩ lại, tôi không rõ cái khao khát được chơi bóng đến hơi thở cuối cùng của chúng tôi ngày ấy có phải là đam mê không nữa. Hay chỉ là sự cố chấp điên rồ của tuổi trẻ.

Và lúc bấy giờ tôi cũng không thể tưởng tượng nổi, nếu một ngày kia Việt Anh, Hải Linh, Ngọc Hà, hay bất cứ ai trong chúng tôi không thể đá bóng được nữa, sẽ kinh khủng đến mức nào.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

☘☘

2017

Mạch Ngọc Hà

Tôi lật đi lật lại hộp quà trong túi, miết ngón tay lên những chỗ giấy gói bị bong ra vì dán băng dính không khéo, ngần ngừ chưa muốn vặn tay nắm cửa. Đứng ở ngoài hành lang nhìn qua lớp kính, tôi thấy trong phòng bệnh kê sáu giường cả thảy, giường nào cũng có người nằm, các cửa đều đóng cả, ấy vậy mà tôi vẫn có thể nghe rõ tiếng Hải Linh cười đùa bên trong. Bằng cách nào đó, ở con bé luôn tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực không bao giờ tắt, khiến những người xung quanh nó không thể không vui theo.

Nguồn năng lượng đó nhanh chóng lan tỏa đến tôi, khi tôi bước vào trong phòng và con bé ngay lập tức vẫy tôi lia lịa, "Hà bơi! Phía này này!"

Tôi tiến về phía góc phòng nơi đặt chiếc giường mà Hải Linh đang ngồi cạnh. Con bé đang say sưa bóc bưởi, miệng thơ thẩn hát vài câu vu vơ, như thể nó không phải đang ngồi trong bệnh viện mà ở trên sân tập vào một ngày đẹp trời vậy. Nằm xụi lơ trên giường là Thu Hiền, toàn bộ chân phải bó trong nẹp cứng. Thu Hiền mới được cho phép nhập viện một tuần nay, mặc dù đã cắn răng nén đau để thi đấu suốt nửa năm qua. Và đến mãi hôm kia, chính bản thân nó mới biết mình bị đứt dây chằng chéo trước.

Khi đọc được ba chữ "đứt dây chằng" trong tin nhắn của nó, tôi không rõ nên gọi điện mắng nó một trận, hay đợi đến lúc vào thăm nó mới xả giận một thể. Cuối cùng tôi đã quyết định không mắng nó qua điện thoại. Và giờ này khi đã ngồi trước mặt nó, nhìn gương mặt của nó, tôi cũng chẳng nỡ buông lời nặng nề với nó nữa.

Vậy là, tôi chỉ nhìn nó khẽ hỏi, "Mày thấy sao rồi?"

"Vẫn giống như sáu tháng qua thôi, không khác mấy," Thu Hiền cười, nhưng tôi thấy rõ ràng rằng ánh mắt đang nhìn xoáy vào tôi của nó không có nét cười.

"Vẫn âm ỉ đau ấy hả?"

"Ừ, kiểu vậy."

"À ghê," Hải Linh ở phía đối diện xen vào bằng cái mồm xoen xoét của nó, chẳng hề nể nang gì. "Trước mặt Hà bơi thì chỉ âm ỉ đau thôi. Chứ không phải năm phút lại than thở một lần như ngồi với em, nhỉ?"

Giọng Hải Linh đầy dỗi hờn. Tôi quay sang Thu Hiền, nhíu mày, "Đau đến thế cơ à?"

Thu Hiền thở dài thườn thượt. "Đúng là ở trong viện có cảm giác đau hơn thật. Tao cũng không rõ vì sao nữa. Chắc là tại hồi ở đội thì đầu óc còn phân tán, nghĩ cái này cái kia. Vào đây thì lúc nào cũng được nhắc nhở rằng mình đang là người bệnh. Nói chung là mệt mỏi."

"Ăn bưởi đi cho đỡ mệt này," Hải Linh lại xem vào, lần này là để dúi một bát tép bưởi đã xé vụn vào tay Thu Hiền. Ngày chúng tôi còn nhỏ, ở đội ít khi có bưởi, trừ một vài lần được người nhà đứa nào ở quê mang đến, nên đám lâu nhâu chúng tôi hay ăn kiểu đó: xé nhỏ múi bưởi thành từng tép, rồi dùng tay bốc chấm muối ô mai ăn. Đứa nào nhanh tay thì ăn được nhiều, chậm thì ăn ít, nhưng ngồi châu đầu lại vừa chén bưởi vừa cãi nhau chí chóe kể cũng vui.

Sau câu nói của Hải Linh, bầu không khí giữa ba đứa rơi vào im lặng. Ánh nắng cuối thu hắt lên sàn phòng bệnh hơi chói, không khí trong phòng có chút ngột ngạt. Những tiếng rì rầm vẫn vọng vào từ hành lang. Thu Hiền và Hải Linh đều cắm cúi ăn bưởi, thỉnh thoảng lại chia cho tôi một ít.

"À," tôi sực nhớ ra hộp quà nãy giờ vẫn cất trong túi, bèn lôi ra đặt lên giường. "Cái này của Việt Anh nhờ tao chuyển hộ cho mày, trước khi lên máy bay. Ông ấy đến Yangon với đội U18 từ hôm qua rồi."

"Báo đưa tin đầy ra mà mày." Thu Hiền có vẻ cảm động khi cầm lấy chiếc hộp gói giấy hoa. "Việt Anh làm màu thế, không quen lắm," nó tủm tỉm khi cẩn thận bóc từng lớp giấy quà và lôi ra một hộp kẹo chocolate. Một tấm thiệp nhỏ rơi ra, bị gió quạt thổi bay xuống đất, và tôi nhặt lên đặt trả vào tay Thu Hiền. Chúng tôi phải lần mò từng chữ mới hiểu được nội dung tấm thiệp:

"Gửi Hiền,

Anh không nghĩ ra quà gì để tặng em, nên lại nhờ Hà mang ít chocolate vào cho em và Linh. Linh nó kêu gào anh với thằng Tới vụ ăn chocolate hụt suốt mấy tháng rồi, điếc hết cả tai..."

"Đùa!" Hải Linh kêu lên đầy oan ức. "Lần đấy là Việt Anh chơi khăm em trước mà, rủ em sang bên đội nam ăn chocolate, mà đến lúc em sang thì đã hết veo rồi!"

"Yên nào, ai bảo mày ham ăn." Thu Hiền quay sang suỵt Hải Linh. "Chỉ được cái láu táu thôi."

Ba đứa lại cắm cúi đọc tiếp:

"... Cũng chẳng biết nói gì. Chỉ mong em cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đừng từ bỏ em nhé. Mình còn trẻ, tương lai còn dài, phải giữ vững niềm tin.

Hiền vẫn luôn là một tiền đạo tài năng mà. Đó giờ anh chưa bao giờ thôi thần tượng em đấy, Hiền có biết không?

Bùi Anh"

"Eo ơiiiiiiii," Hải Linh giật lấy tấm thiệp từ tay Thu Hiền, kéo dài giọng một cách đầy phấn khích. "Việt Anh có chép văn mẫu ở đâu không thế Hà bơi? Suýt liệt môn Văn thi tốt nghiệp mà viết lách mượt mà thế nhỉ?"

"Văn mẫu là thế nào? Tấm lòng của Việt Anh cả, ngồi cắn bút nghĩ nát óc một buổi chiều đấy." Nhìn đôi mắt hí của Hải Linh nãy giờ vẫn chăm chú dán vào tấm thiệp, tôi lại không thể không trêu nó. "Sao, mày ghen à?" Gán ghép Việt Anh với Hải Linh là một trò đùa nho nhỏ giữa bốn đứa, do Thu Hiền khởi xướng. Hai khổ chủ chối đây đẩy, rồi lại đồng tâm quay qua ghép đôi Thu Hiền với tôi. Trò đùa ấy thỉnh thoảng cũng nhạt, nhưng ít nhất nó giúp cho cuộc nói chuyện của chúng tôi bớt phải rẽ sang những vấn đề nặng nề hơn. Như chuyện thi đấu, chuyện chấn thương, chuyện xung quanh chúng tôi những ngày này có quá nhiều người bạn từng gắn bó bao năm đang xin rời đội.

"Ghen mả cha nhà ông, Hà bơi nhá." Hải Linh lập tức quay sang lườm tôi cháy mắt. "Có khi ông mới là người ghen í."

Còn Thu Hiền bên cạnh chỉ nhìn tấm thiệp và mỉm cười bâng quơ. "Bảo tuyển thủ nhà mày là em Hiền sắp giải nghệ về quê đến nơi rồi, quan tâm em làm gì cho phí công."

Sau câu nói ấy, bầu không khí trong phòng lại nhanh chóng chùng xuống. Lần này, ngay cả Hải Linh cũng có vẻ bất ngờ trước sự bi quan nơi Thu Hiền. Nó cầm tay Thu Hiền lắc lắc, sự vui vẻ đã biến mất trên gương mặt. "Em đã bảo Hiền thế nào? Đừng có nhắc đến hai chữ giải nghệ cơ mà? Có biết là càng nói nó càng vận vào người không hả?" Rồi nó quay sang tôi, ánh mắt ra chiều cầu cứu. "Mấy nay Hiền cứ thế đó Hà bơi ạ, em nói không nghe."

Đã từng chứng kiến Việt Anh suy sụp đến mức nào vì chấn thương, tôi không quá ngạc nhiên trước phản ứng của Thu Hiền. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chỉ thấy nhớ cô bạn cùng lớp của tôi năm xưa, đã bước vào cuộc đời tôi chẳng hề hẹn trước. Thu Hiền đã chẳng còn là đứa trẻ như ngày ấy nữa. Đường đi càng lúc càng chênh vênh. Và cái mốc tuổi trưởng thành cũng ngày một đến gần, như một hồi chuông báo đầy ám ảnh. Người ta nói, đã đi đến bước đường này rồi, từ bỏ có phải là quá uổng phí bao năm luyện tập không? Nhưng họ không biết rằng con đường đi tiếp mới thực sự mịt mờ.

Tôi cố gắng ghìm lại những suy nghĩ lộn xộn, đặt tay lên vai Thu Hiền, động viên nó một cách chân thành nhất có thể. "Mày vẫn nhớ chính Việt Anh hai năm trước, đúng không? Ngày đó Việt Anh lận đận kinh khủng lắm. Không chỉ chuyện chấn thương đâu, mà còn chuyện tranh suất lên tuyển, tranh suất thi đấu, lúc nào cũng xui xẻo đủ đường. Qua một cơn khó khăn tưởng như sắp phải bỏ bóng đá, cuối cùng may mắn lại liên tiếp mỉm cười. Biết đâu ông trời cũng đang thử thách mày lần cuối..."

"Tao không có tiền phẫu thuật, mày hiểu không?" Thu Hiền cắt ngang, khiến tôi phải im lặng vì xấu hổ, những lời trong miệng bỗng chốc trở nên đắng ngắt. Tôi bối rối quay sang Hải Linh, nhưng con bé chỉ cúi đầu, không nhìn tôi.

"Việt Anh không giống tao. Hồi đó Việt Anh không gặp vấn đề gì cả, chỉ là chẩn đoán nhầm thôi." Thu Hiền tiếp tục. "Tao thì khác. Tao bắt buộc phải đi mổ mới hy vọng chơi bóng lại được. Và điều kiện của tao không cho phép. Ít nhất, không phải bây giờ."

Tôi lặng người, chẳng biết phải nói gì hơn. Thu Hiền cũng nhắm mắt lại, có vẻ mệt mỏi sau khi phải gắt lên với tôi.

Cuối cùng, Hải Linh là người phá vỡ im lặng. "Em nghĩ bây giờ Hiền cứ cố gắng ăn ngủ cho thật tốt đã," nó chép miệng. "Coi như quãng thời gian này là quãng nghỉ sau những giải đấu triền miên. Mai em mang thêm ít sách vào cho Hiền hén? Đọc sách cho đỡ phải suy nghĩ linh tinh." Nó vươn người vuốt tóc Thu Hiền, và động tác dịu dàng ấy khiến lòng tôi buồn xao xác.

Đúng lúc ấy, một cô y tá bước vào, báo rằng Thu Hiền cần phải đi làm thủ thuật gì đó. Ngay cả Hải Linh cũng không được đi theo. Trước khi ra về, tôi nắm chặt tay Thu Hiền. "Cuối tuần rảnh rỗi tao sẽ mang sách vở vào đây học với mày. Đợi Việt Anh về tao rủ cả Việt Anh vào nữa. Mày thích ăn gì cứ nhắn tao để tao mua cho nha?"

"Cảm ơn mày và anh Việt Anh nhiều. Đi đường cẩn thận đó."

Câu trả lời của Thu Hiền đầy khách sáo. Và thấm đẫm những dự cảm chia ly.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

☘☘☘

2019

Trần Thị Hải Linh

Tôi kéo phéc mơ tuya áo khoác lên sát cằm, quay lại kiểm tra khóa phòng một lần cuối, trước khi khoác túi rời đi. Bên cạnh tôi, Vạn Sự vai đeo ba lô, hai tay xách hai túi đồ nặng trịch, cái va li xanh lơ của nó đang được nó di chuyển bằng cách vô cùng trái khoáy: dùng chân đạp từng đoạn một. Nó nhờ tôi chở nó lên bến xe Mỹ Đình để bắt chuyến xe khách về Nghệ An, và trong một buổi sáng rảnh rỗi như thế này tôi không có lý do nào để từ chối cả. Quãng thời gian thảnh thơi cuối năm, bản thân tôi cũng có những dự định của riêng mình - đi kiểm tra một vài giấy tờ, hẹn hò với một vài người quen cũ, thăm thú vài địa điểm trong thành phố, trước khi quay về bên Gia Lâm cùng gia đình. Tôi liếc đống hành lý của Vạn Sự, nhẩm tính làm sao để chất được hết chúng lên con xe cà tàng của tôi. Đi xa không biết bao nhiêu chuyến rồi, trong nước có mà xuất ngoại cũng có, con bé vẫn chẳng thể học được cách sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng.

Năm nay mùa đông ở Hà Nội đến muộn. Đã là giữa tháng Mười hai, mà nhà đài vẫn chỉ dự báo rằng thành phố sắp đón đợt gió mùa đầu tiên. Trên mặt sân tập, ánh nắng hanh hao vẫn đang rải lên cỏ một màu vàng rực rỡ. Gió đi xào xạc qua tán cây, thổi lá úa rụng xuống đầy đường. Khi tôi còn nhỏ, nắng hanh và gió đầu đông luôn là kiểu thời tiết tôi và Thu Hiền thích nhất trong năm. Những ngày như thế, chúng tôi có thể ngồi hàng giờ trên hiên sưởi nắng, học bài, nghe nhạc và đùa giỡn nhau không biết chán.

Tôi bước xuống những bậc cầu thang cuối cùng, ngẩng đầu để những tia nắng ấm áp rọi lên mặt, khoan khoái hít vào lồng ngực mùi của cây cỏ, mùi của sớm mai. Mười tám tuổi, tôi vẫn hay nghe nhạc, vẫn thích được tắm mình trong ánh nắng hanh. Chỉ là, Thu Hiền đã chẳng còn đi cùng tôi trên con đường này nữa.

Tôi chở Vạn Sự trên những cung đường vàng nắng và huyên náo tiếng xe cộ. Đi qua những tòa chung cư, chúng tôi thấy cờ đỏ sao vàng treo rợp trên ban công các căn hộ. Càng tiến gần về Mỹ Đình, càng xuất hiện nhiều những tiệm tạp hóa bán cờ, hoa, kèn, áo hơn. Tối hôm qua, ngay sau khi trở về ký túc sau giải U19 Quốc gia ở Hà Nam, chúng tôi đã tụ tập trong phòng sinh hoạt chung, hò hét cổ vũ tuyển nữ, khản cả giọng lúc chị Hải Yến ghi bàn ở hiệp phụ. Tối nay đến lượt U22 nam đá chung kết. Tôi thích bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt này, mặc dù nó không hẳn - chưa hẳn - là dành cho tôi.

Thả Vạn Sự ở trước cổng bến xe xong xuôi, tôi bỗng nảy ra ý định tạt qua sân tập của Liên đoàn một tẹo.

Chưa kịp dựng xong con xe cà tàng ở bãi gửi, tôi đã nghe thấy những tiếng người lao xao vọng đến từ đằng xa. Buổi tập của U20 Việt Nam, đội hình tuyển chọn của những cầu thủ vừa tham dự giải U21 Báo Thanh niên ở Đà Nẵng. Những người không được gọi tên để tham dự SEA Games ở Philippines những ngày này. Không phải giờ luyện chiến thuật, các huấn luyện viên khá cởi mở để người ngoài vào xem, mặc dù theo như quan sát của tôi thì cũng ít có cánh báo giới đến đây đưa tin, chụp hình.

Tôi tìm thấy Ngọc Hà trước, bởi anh đang tập ở ngay gần chỗ tôi đứng. Ngọc Hà cũng vừa kịp nhận ra tôi, bèn toét miệng cười, hất đầu thay cho lời chào, rồi chỉ tay về phía xa. Theo hướng tay chỉ của anh, tôi không khó để tìm ra cái dáng cao kều của Việt Anh, đang luyện đánh đầu cùng một vài hậu vệ khác. Ngọc Hà nháy mắt với tôi, môi mấp máy câu đợi bọn tao xíu, rồi nhanh chóng chạy đến chỗ của các đồng đội.

Mười lăm phút sau, hai người họ xuất hiện trước mặt tôi, và Việt Anh khiến tôi nửa ngạc nhiên nửa cảm động ngay từ câu nói đầu tiên, "Xin chào nhà vô địch U19 Quốc gia nhé!"

"Tuyển thủ vẫn để ý bọn em thế cơ à?"

"Vẫn thế mà," Việt Anh thản nhiên gật đầu. "Nếu lúc đấy không phải giờ tập thì anh đã xem mấy đứa rồi. Anh có theo dõi cả giải U19 châu Á nữa," tới đoạn này anh mỉm cười. "Mấy đứa đá tốt lắm. Em, Vạn Sự, Vũ Hoa, Tú Anh..."

"Trung vệ cắm tương lai của tuyển đấy," Ngọc Hà đùa đùa xen vào.

Tôi dang tay định đấm vào vai Ngọc Hà, nhưng anh đã nhanh chóng chạy ra xa. Tôi quay sang nhìn Việt Anh, và reo lên khi chợt nhớ ra mẩu tin hôm qua mình vừa đọc được. "A, anh mới được gọi về Hà Nội rồi đúng không?"

"Ừ anh sắp..." Việt Anh gãi đầu. "Từ tháng Mười đã nghe phong thanh rồi, nhưng chưa chính thức nên chưa dám báo với mọi người. Về ngoài này lại có không khí giống ngày xưa hơn. Trong Hà Tĩnh cũng đông bạn bè đấy, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ."

"Việt Anh bảo Việt Anh ra đây lau ghế với tao cho đỡ buồn," Ngọc Hà lại cười cười chen ngang.

"Im không ai bảo câm," Việt Anh sa sầm mặt, nhưng lại đưa tay kéo Ngọc Hà về sát người mình.

"Này, chính mồm ông vừa nói hôm qua đấy nhớ!" Ngọc Hà nhất định không chịu thua.

Tôi bật cười trước cái cảnh ấy. Có phải ngày xưa đang quay trở lại bên tôi không? Tôi cũng vừa mới nhận được tin mình sắp lên đội một. Như vậy là cả tôi, Ngọc Hà, Việt Anh đều sẽ khoác áo Hà Nội mùa giải tới. Mơ ước tưởng như xa vời những ngày tháng xa xưa ấy, những câu từ mà ngày đó bốn đứa chúng tôi chỉ mang ra để đùa cợt nhau trong những cuộc trò chuyện phiếm ấy, giờ đã đến thật gần rồi.

Bỗng dưng tôi lại nhớ Thu Hiền đến rã rời.

Không hiểu là do quãng im lặng khi ấy khiến chúng tôi chợt nhận ra cuộc nói chuyện còn khuyết mất một người, hay là vì anh đọc được suy nghĩ trong lòng của tôi, Việt Anh chợt hắng giọng, rồi cất tiếng hỏi, "À, dạo này cái Hiền sao rồi nhỉ?"

"Đi dạy ở trung tâm bóng đá cộng đồng, anh ạ."

"Ừ, vậy cũng tốt. Anh cũng có vài đứa bạn đi dạy, chúng nó bảo cũng tạm vơi bớt nỗi nhớ môi trường bóng đá," Việt Anh chép miệng. "Lâu quá rồi anh chưa gặp được Hiền nữa."

"Hiền cũng bảo Hiền nhớ hai người lắm đấy."

"Thật không?" Đôi mắt Việt Anh chợt xa xăm. "Ngày xưa nhìn nó chơi bóng mê lắm. Xử lý một chạm gọn gàng, tư duy tinh tế, sút tốt. Anh từng nghĩ nó sẽ là người đầu tiên trong bốn đứa mình được lên tuyển. Thế mà..."

"Cuộc đời không nói trước được điều gì đâu," Ngọc Hà cúi đầu, di di lớp cỏ dưới chân.

Chúng tôi lặng im chìm trong những suy tư của riêng mình, mãi cho đến lúc chia tay. Nhưng tôi còn đứng nán lại một lúc, xem Ngọc Hà và Việt Anh tập sút bóng trước khung thành. Nhìn đôi chân thoăn thoắt cùng những động tác tự tin của họ, tôi chỉ biết cầu mong may mắn sẽ mỉm cười với cả hai, trong chặng đường sắp tới. Giải U23 Châu Á tháng Một năm sau là một ví dụ.

Có phải vậy không? Tôi bâng khuâng nghĩ khi dắt xe rời khỏi cổng Liên đoàn. Có phải cuộc đời này xét cho cùng vẫn phụ thuộc phần nhiều vào vận mệnh? Trước những vòng quay, những cú ngoặt đầy khắc nghiệt của số phận, dường như mọi nỗ lực của chúng tôi chỉ như muối bỏ bể. Thu Hiền vẫn luôn tự trách bản thân chị không cố gắng hết sức, không đủ kiên trì trong những ngày tháng tập hồi phục ấy, dẫn đến việc chấn thương dai dẳng phải giải nghệ, nhưng ngay từ đầu, chấn thương nào phải lỗi lầm của chị? Và cả Việt Anh, những năm thiếu niên đầy trắc trở của Việt Anh, nào ai dám nói anh chưa nỗ lực hết mình?

Tôi dừng lại, ngẩng đầu cho ánh nắng rọi lên mi. Cho những cơn gió lành lạnh vuốt ve gương mặt, xoa dịu nỗi buồn thương trong lòng.

Bởi vì số phận chẳng nhân từ với ai, nên chúng tôi lại càng cần phải cố gắng. Để ít nhất có thể không thẹn với lòng mình.

Điện thoại tôi rung lên. Tin nhắn từ Thu Hiền, "Tối nay chị tan ca sớm, đi ăn với chị nhá?"

Tôi mỉm cười nhắn lại, "Được luôn bà già." Có lẽ chị sẽ muốn nghe về cuộc gặp gỡ của tôi ở sân tập Liên đoàn hôm nay, với hai người bạn cũ.

Ít nhất, tôi thấy mình may mắn vì vẫn còn theo đuổi được nghiệp cầu thủ. Và vì vẫn còn tất cả bọn họ ở bên.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

☘☘☘☘

2021

Bùi Hoàng Việt Anh

Tiếng còi kết thúc hiệp một vang lên, cùng những tràng pháo tay không ngớt. Hai bàn thắng, cùng với thế trận áp đảo cho Việt Nam trước đội tuyển quốc gia Malaysia, trong một trận đấu mà toàn đội đã tưởng rằng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Mặc cho đám Văn Đạt, Hoàng Anh bàn tán rôm rả bên cạnh, tôi ngáp dài, mở điện thoại, nhấn gọi video cho Ngọc Hà. Hiếm có đất nước Đông Nam Á nào mà dịch vụ Internet lại tiện dụng hơn quốc đảo Singapore này. Hôm qua Ngọc Hà đã dặn đi dặn lại tôi rằng hãy gọi nó trong giờ nghỉ nếu có thể. Nó bảo nó có điều bất ngờ dành cho tôi.

Màn hình chờ hiện lên trong vài giây.

Sau đó, là gương mặt của một đứa bé.

Đứa bé lạ hoắc, chỉ khoảng năm, sáu tháng tuổi, da trắng hồng, má phúng phính, tóc lún phún thành từng chỏm trên đầu. Nó đưa bàn tay bụ bẫm chạm vào màn hình, nghiêng đầu nhìn tôi bằng đôi mắt tròn xoe.

Tôi bật cười, "Con ơi, con là ai thế?"

Đứa bé vẫn nhìn tôi ngơ ngác, đôi mắt đã xoe tròn lại càng mở to hơn, có lẽ vì nghe thấy tiếng người phát ra từ cái thiết bị ngồ ngộ trước mặt.

Phía sau lưng tôi, Thanh Bình từ đâu bỗng chồm tới ngồi cạnh. Nó có vẻ cũng cùng chung thắc mắc với tôi, nhưng thay vì hỏi thì nó lại toét miệng cười với đứa bé trong điện thoại, "Con anh đây hả? Anh có con rồi cơ à? Em bé xinh quá!"

"Bậy nào!" Tôi nạt Thanh Bình.

Bên kia đầu dây, gương mặt Ngọc Hà xuất hiện, cùng nụ cười đầy khoái chí.

Thanh Bình bày ra một vẻ mặt ngây thơ mà tôi không hiểu là thật hay nó chỉ đang cố tình, "Ơ, thế là con Hà bơi à?"

Thay vì đáp trả, Ngọc Hà giơ cao điện thoại, "Việt mõm, Bình loe, nhận ra ai đây không?"

Tôi đơ người. Khung cảnh hiện lên là quán cà phê quen thuộc trên đường Lê Đức Thọ. Chỗ ngồi cũng quen thuộc, bởi tôi từng lê la không biết bao nhiêu lần ở đó. Sau lưng Ngọc Hà là Hải Linh, với mái tóc cắt ngắn và điệu cười tít mắt chẳng khác nào ngày nhỏ...

Và Thu Hiền, cùng đứa bé ban nãy trong vòng tay.

"Mấy bạn ở đội nữ Hà Nội năm nào đây mà." Thanh Bình có vẻ cũng đang ngỡ ngàng. Nó quay sang tôi, "Đợt tập trung giải U16 ở Liên đoàn đám bọn em với Hà bơi gặp suốt. Anh quen hai bạn này hả?"

"Tất nhiên rồi, bọn anh học cùng trường mà. Ngày xưa tập ở đội trẻ cũng hay gặp nhau lắm." Tôi nhún vai. Những kỷ niệm cũ loang loáng lướt qua. Buổi ăn chè xả xui sau giải U17 Quốc gia, cuối cùng cả bốn đứa cùng dính mưa ướt lướt thướt. Những trận đấu đầu tiên của tôi và Ngọc Hà ở giải Hạng Ba, bên ngoài sân đôi khi chỉ có đúng hai khán giả nữ, cùng những dòng cổ động viết bằng bút dạ trên bìa carton trắng thô sơ. Cảm giác buồn thương khôn tả khi trở về từ Trung Quốc và nghe tin Thu Hiền đã rời đội. Những ngày hào hứng đọc báo theo dõi từng bước tiến của Hải Linh. "Không chỉ quen đâu. Bạn thân của anh đó."

Không có chúng nó, có lẽ giờ này anh đã chẳng thể ngồi ở đây được rồi.

"Thân ai nấy lo," Ngọc Hà xen vào.

"Im không ai bảo câm!" Tôi nạt nó. Hải Linh cười khúc khích.

"Tóm lại là đây là con của cái Hiền đúng không?" Thanh Bình vẫn chưa chịu thôi.

"Con chào chú Bình, con đích xác là con mẹ Hiền đây ạ," Thu Hiền nhấc đứa bé đứng dậy, vẫy tay vào điện thoại. Rồi nó mỉm cười, lần này là nói với cả tôi và Bình. "Vợ chồng em sau Tết này sẽ mở thêm cơ sở dạy bóng đá cộng đồng. Hai tuyển thủ đến dự cho vui nha? Mấy đứa nhỏ thần tượng hai chú Việt Anh Thanh Bình U23 lắm. Em cũng mời cả Hà bơi, nhưng nó bảo nó phải vào Quảng Nam mất rồi."

"Còn tùy lịch của đội tao nữa," Thanh Bình nhún vai. "Năm nay đội mà tập trung sớm là tao cũng hết đường chạy qua chỗ khác luôn à."

Tôi nhẩm tính trong đầu. Như các năm trước, đội Hà Nội khai xuân khá sớm, tầm mùng bốn hoặc mùng năm âm lịch. Tôi biết địa điểm dạy bóng đá mà vợ chồng Thu Hiền sắp khai trương, đi đi về về rồi lại tham dự sự kiện cũng phải mất nguyên ngày. Chắc lại phải lỡ hẹn với con bé rồi, không nhớ là lần thứ mấy nữa. Nhưng tôi sẽ thử sắp xếp. "Anh không hứa, nhưng sẽ cố gắng hết sức."

"Thế tuyển thủ này có được mời không nè? Hiền ơi em cũng tuyển thủ đó?" Hải Linh nghiêng người tựa đầu lên vai Thu Hiền, dụi dụi như con cún nhỏ.

"Mày thì không cần mời cũng tự mò đến, chị lạ gì nữa," Thu Hiền bĩu môi. "Nhưng cứ cố đi giải châu Á đi đã, giành cái vé dự World Cup là các cháu nhớ mặt ngay."

Mỗi người góp một câu, cuộc trò chuyện cứ diễn ra rôm rả như vậy suốt tới tận khi hiệp hai bắt đầu. Sau một lúc, Văn Đạt cũng tham gia với chúng tôi. Nó, Thanh Bình và Ngọc Hà ôn lại quãng thời gian tập trung cùng đội tuyển ở trụ sở Liên đoàn, quãng thời gian mà có vẻ cả Thu Hiền và Hải Linh đều nhớ khá rõ. Tôi dần tách mình khỏi những câu chuyện ấy, chỉ ngồi cầm điện thoại và lặng lẽ quan sát những người đồng đội của mình. Tôi thử tìm kiếm trong những gương mặt, những giọng nói ấy xem có chút gì nuối tiếc hay không, nhưng có vẻ mỗi đứa đều đang bằng lòng với hiện tại. Cũng phải thôi. Tuổi trẻ chẳng nên ngoảnh đầu lại quá nhiều.

Giây phút ấy, tôi bỗng nhớ đến một câu nói tôi từng lướt qua đâu đó trên mạng. Bằng ba từ tôi có thể tổng kết lại mọi điều tôi đã học được về cuộc sống: nó tiếp diễn. Cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn mà thôi, mặc kệ những phận đời chìm nổi. Mặc kệ những ước mơ dở dang, mặc kệ cả những đau thương mất mát. Cuộc sống tiếp diễn dù bạn có muốn hay không, dù bạn có dùng hết sức lực níu kéo nó lại thế nào.

Tôi nghe tiếng đứa con trai nhỏ của Thu Hiền cười khanh khách, nhìn ánh mắt trìu mến của em khi ngắm con chơi đùa, rồi lại nhìn những đứa còn lại, cố gắng ghi vào lòng kỷ niệm đẹp của ngày hôm nay. Mỗi chúng tôi đều đã chọn cho mình một con đường rất khác, và tôi không rõ những người đồng đội của tôi đang tiến tới điều gì, nhưng tôi hy vọng rằng khi đi hết con đường ấy, tất cả đều sẽ được thanh thản và bình yên.

Về phần tôi, tôi sẽ nỗ lực hết mình. Vì đó là cách duy nhất trên đời để đền đáp lại tình yêu, hy vọng của những người đã làm nên tôi của ngày hôm nay.

Hết.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

Afterword

Từ ngày gõ chiếc fic đầu tiên cho Việt Anh khoảng năm tháng trước cho đến tận bây giờ, có bốn chữ vẫn luôn ám ảnh trong đầu mình mỗi khi nghĩ về bạn. Bốn chữ ấy bao trùm lên mọi thứ mà mình viết cho bạn, dù là những câu chuyện lấy bối cảnh bóng đá, đời thường, làng quê, hay giả tưởng tận thế. Bốn chữ ấy là: "cảm hứng chia ly."

Mình thật sự không hiểu vì sao. Viết về Việt Anh, với mình, là bắt tay vào khai thác những trải nghiệm về sự chia ly, sự rời bỏ. Trong hầu hết các thế giới fic của mình, Việt Anh luôn hiện lên như một nhân vật "còn sót lại." The one who remains. The one who persists. Người vẫn bước tiếp trên con đường của mình mặc cho những mất mát sau lưng. Mình không rõ bao nhiêu phần trong cách xây dựng đó đến từ cảm nhận của mình đối với bạn, và bao nhiêu phần là phóng chiếu những suy tư của chính bản thân mình trước cuộc đời.

"Life goes on" không phải chiếc fic khiến mình hài lòng nhất, về cả nội dung lẫn cách thức thể hiện. Nhưng chắc chắn nó đã làm được điều mà mình từng cố gắng làm trong các fic trước đây nhưng chưa thể: khơi gợi cái "cảm hứng chia ly" ở Việt Anh một cách trực diện nhất, gần gũi với sự nghiệp của bạn nhất. Bởi vậy, hoàn thành được nó, sau một tháng rưỡi ngâm ý tưởng, mình cũng tương đối nhẹ lòng.

Bốn nhân vật chính của "Life goes on" đều được dựa trên bốn hình mẫu có thật. Bùi Hoàng Việt Anh, người hâm mộ bóng đá quốc nội dạo này không muốn biết cũng phải biết. Mạch Ngọc Hà, có lẽ phần lớn ở đây đều nghe đến, dù mình không chắc mọi người có xem bạn ấy trên sân không. Trần Thị Hải Linh, ai theo dõi đội tuyển nữ trong khoảng hai năm trở lại đây hẳn sẽ nhận ra. Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn theo đuổi bóng đá theo cách của riêng bạn, dù đã không còn là một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhiều chi tiết trong fic cũng lẫn chút gì đó sự thật, mặc dù tình bạn giữa bốn nhân vật ngoài đời có thể đã không còn nữa.

Ở trên mình nói nhiều về Việt Anh, nhưng đây không phải câu chuyện của riêng Việt Anh. Mình viết "Life goes on" trước hết là để dành cho bốn nguyên mẫu, bốn tài năng trẻ một thời của bóng đá Hà Nội. Sau, là dành cho các cầu thủ trẻ. Cho những trắc trở, những khó khăn trên con đường sự nghiệp của họ. Người thì vượt lên được, người thì không, nhưng mình tin mỗi người trong số họ - cũng như chúng ta vậy - đều xứng đáng được nhìn nhận bằng sự nỗ lực không ngừng. Mình không muốn đóng khung họ trong những mỹ từ như "nghị lực," "dũng cảm," hay "mạnh mẽ" - chúng sáo rỗng và chật hẹp - vậy nên mình chọn cách kể chuyện, dù chỉ là những câu chuyện tưởng tượng thôi, hy vọng có thể khơi nên một chút nào đó của hiện thực ngoài kia.

Nếu mọi người đã dành chút thời gian đọc chiếc fic này, mình thật sự vô cùng, vô cùng biết ơn.

╭─────────╮
30.09.2022
╰─────────╯

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro