#9
Ở tuổi của tôi, tuổi 20, đứng trước những ngã rẽ cuộc đời, phải tự mình lựa chọn giữa nhiều con đường, như vậy đã được coi là người lớn chưa?
Nếu là người lớn, họ sẽ cư xử thế nào? Lúc ở giai đoạn này, họ nghĩ gì?
Dù có trí tưởng tượng tốt, tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra điều đó. Hoặc do có lẽ, dường như đó là bản năng mà khi ta trưởng thành và nghĩ lại, thì không biết ta đã lớn từ bao giờ.
Tôi suy nghĩ về rất nhiều thứ, nhưng không có bất cứ điều gì đi đến đích cả. Dù người ta thường nói nghĩ nhiều khiến con người già đi, chín chắn hơn, còn tôi vẫn thấy mình nông cạn như đứa trẻ con chưa lớn. Có thể do tôi chưa nghĩ đủ nhiều. Ít nhất, không đủ nhiều để lớn lên. Và cũng có thể, thời gian của tôi bị kẹt lại từ khi tôi gặp con bé đó.
Hình ảnh con bé trong tâm trí lúc tôi lúc tôi còn là một đứa trẻ không rõ ràng. Điều kì lạ nhất là khi gặp lại tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt con bé đó. Giống như sự hiện diện này đã khắc sâu trong tôi đến độ muốn cũng không thể quên được. Giọng nói của con bé giống như tiếng chuông kêu, nhẹ nhàng mà lanh lảnh, văng vẳng bên tai tôi hằng đêm, xoa dịu những cơn ác mộng.
Đã bao lâu kể từ lần cuối tôi gặp con bé đó?
Sự thật cho thấy rằng tôi buộc phải quên đi, buộc phải ngưng mong chờ vào kì tích sẽ xuất hiện. Có thể giống chị ta nói, con bé vốn là ảo ảnh do tôi tạo nên để làm lắng lại những cơn gào thét trong não bộ, bởi sự thất vọng về toàn thế giới.
Đã lâu lắm rồi tôi mới về nhà. Không phải căn nhà trọ rẻ tiền, thiếu ánh sáng ở một khu nhà trọ cho du học sinh. Mà là nhà, nơi lớn lên, ở Nhật Bản. Mặc dù tôi không sinh ra ở Nhật, nhưng tôi lớn lên ở đấy, cùng với bố mẹ nuôi, những người tôi thực sự ngưỡng mộ nhưng lại không có chút cảm giác yêu thương.
Ở tuổi 20, không biết yêu thương là một khiếm khuyết về tâm hồn. Tôi chưa từng cố gắng yêu thương họ, và cũng chẳng tin rằng cứ cố gắng là sẽ thành công như những câu mà người Nhật luôn nhai đi nhai lại.
Việc phải chăm lo cho một đứa trẻ mồ côi vốn không phải trách nhiệm của họ. Vì vậy tôi không bao giờ đòi hỏi họ quá nhiều. Họ luôn cố gắng để thấu hiểu một đứa trẻ của thế hệ khác là tôi, và sự thực là tôi coi trọng điều đó. Nhưng việc một đứa trẻ có thể nhận thức được rõ ràng việc mình không thuộc về nơi này, gia đình này có lẽ cũng là một loại ám ảnh. Và loại ám ảnh đó cứ thế khiến tôi trở nên xa cách họ mà những người hàng xóm, những người có thể chứng kiến toàn bộ thái độ của tôi luôn dùng hai chữ "hời hợt" để diễn tả. Còn gia đình thì luôn nghĩ tôi bị tổn thương về mặt tâm lý nên không bao giờ quá hà khắc hay chỉnh đốn thái độ của tôi với thế giới xung quanh. Thành ra, tôi được coi là một đứa trẻ quen được nuông chiều và trở nên tệ hại.
Tôi không phủ nhận về việc tôi là một kẻ chẳng ra làm sao, nhưng việc nói rằng tôi được nuông chiều thì có đôi chút không đúng. Có thể bạn không nhận ra, nhưng những đứa trẻ như chúng ta luôn được người lớn buộc một sợi dây trên cổ, tùy theo độ dài ngắn của dây xích mà chúng ta nhìn có như sự "gò bó", hay "tự do". Họ có thể không cần thiết phải chứng kiến, nhưng họ luôn kiểm soát chúng ta ở một mức độ nhất định.
Càng nhận ra nhiều thứ, tôi càng ghét con người, và càng ghét con người, thì tôi càng thấy chán ghét bản thân mình. Đôi khi, có những suy nghĩ bất chợt trong tôi như: nếu như cuộc đời này đi theo một thứ gọi là "định mệnh", thì có phải những suy nghĩ này của tôi cũng là sự sắp xếp của số mệnh đó không? Hoặc nếu như có ai đó, một thế lực vô hình đang điều khiển những sự việc xảy ra xung quanh, cố hướng tôi đến một con đường thì có phải những thất bại, hay những thành công đều có ý nghĩa của chúng không? Càng cố gắng hiểu, thì càng chẳng thể hiểu được. Tôi đã từng nhận ra được những thứ thuộc về mình, đến nỗi tự mỉm cười và nói rằng: "Rốt cục thì mình cũng trở nên có ích cho một ai đó, về một khía cạnh nào", thế rồi cơ hội đột nhiên biến mất. Chỉ còn để lại cảm giác hụt hẫng, lạc lối.
Nếu tôi là tác giả cho câu chuyện của chính mình, thì tại sao tôi không thể khiến nó trở nên suôn sẻ hơn được, tại sao tôi lại luôn phải bước trên một con đường quanh co, biết rằng sẽ chẳng đi tới đâu nhưng không còn lựa chọn nào ngoài việc bước tiếp.
Nếu chết đi, tôi có thể gặp được con bé đó không? Nếu có thể nói chuyện với con bé đó, có thể giải đáp được hết những thắc mắc thì sự ám ảnh này có kết thúc không?
Đứng ở bên kia tấm kính cường lực của quán bar quen thuộc, tôi cười vào những âm thanh ồn ào bên trong. Gió giống như những lưỡi dao, cứa qua da mặt đau rát. Phía dưới là một khoảng không tối đen, phía bên kia là thành phố, được thắp sáng bởi đèn điện và con người. Nhiệt độ thấp, dự báo thời tiết là sẽ có tuyết trong đêm nay, nhưng tôi lại chẳng hề cảm thấy chút giá lạnh.
Ừ, nếu chết rồi thì cần gì phải quan tâm đến những thứ như vậy nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro