X-Lenghiabk05
Bữa cơm ngày xưa của tôi
Tôi sinh ra trong gia đình có 3 anh em trai, gia đình nghèo, phải nói là rất nghèo, thậm chí không có gạo để mà ăn. Tôi còn nhớ có hôm nhà tôi không còn gì để mà ăn, dù làm lụng rất cực khổ, nhưng miếng ăn không đủ no.
Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, không nhớ nỗi là mình đã bao nhiêu tuổi nữa, Mẹ bảo tôi đi mượn gạo về cho cả nhà ăn, tôi còn nhớ như in ngày hôm đó, tôi cầm cái thao đi mượn gạo của nhà Ông, Bà bảy hàng xóm (Cái xóm quê Cần Thơ Bé, Phường Trung Kiên, Quận Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ ngày nay) mượn được 2 lon gạo, cảm giác lúc đó thật không thể nào tả nỗi: vừa mừng rỡ còn hơn được ai cho miếng bánh nữa, vừa cảm thấy hạnh phúc vì có được bữa ăn.
Trên đường đem gạo về nhà, trong lòng tôi rất hý hửng...tung tăng không suy nghĩ gì nữa hết, không biết tôi đã làm gì, và làm như thế nào mà để thao gạo mượn được đó tất cả đều đổ xuống mặt đường toàn là cát, đá, lá tre, bụi bậm..., lúc đó tôi rất sợ! Cái sợ cả nhà sẽ bị đói, rồi bị la, bị đòn, cái cảm giác của một đứa trẻ chưa hiểu biết gì nhiều. (cái thời đó của tôi tắm mưa còn...), cuối cùng tôi cũng quyết định lấy tay hốt vào thao những hạt gạo đã đỗ, lượm & lượm...lượm rất lâu, lâu lắm, một đứa trẻ còn nhiều vụng về....về nhà Mẹ thấy thế..cũng không nỡ đánh con, rồi mẹ con cùng nhau lượm đá, cát lẫn lộn cùng gạo,... sao nhà mình lại nghèo khổ đến thế?! Cuối cùng thì nhà mình cũng có được một bữa cơm chiều chưa đủ no, nước cơm mẹ chắc ra chia nhau mà húp cho no bụng của những đứa trẻ đang tuổi mới lớn....
Gia đình dù nghèo, khổ nhưng Ba, Mẹ cũng cố gắng hết sức và bằng mọi giá cho 3 anh em tôi đi học được đến nơi đến chốn. Công ơn Ba, Mẹ chúng con luôn ghi nhớ & không có gì có thể đền đáp được, tôi chỉ mong sao Ba, Mẹ luôn dồi dòa sức khỏe và vui sống quây quần cùng đám con cháu ngày một lớn khôn như anh em chúng tôi ngày xưa....
Mực mắm thấm cơm
Ngày xưa, mỗi khi mùa mực rộ, là những người dân miền Trung thường tự làm lấy món mắm mực cho gia đình. Mực con nhỏ, bây giờ gọi là mực cơm, lúc đó nhiều vô kể. Những ngư dânĐầm Môn, Vạn Giả, Khánh Hoà, đi biển thường than về cái nạn mực nhiều này, vừa thắp điện lên là chúng say ánh đèn nổi lên dày đặc sát mặt nước. Thế là một đêm không bắt được bao nhiêu cá vì lũ mực phá đám…
Không có cá thì mang mực cơm về bán bù tiền dầu với cái giá bèo. Mực ứ chợ. Giải pháp của các bà má lúc bấy giờ là mua về làm mắm mực từng thẩu nhỏ, ăn dần.
Từ lúc ủ mắm cho đến lúc mắm chua, mất mấy ngày tuỳ theo ướp muối mặn, lạt. Đấy là thời gian bọn nhỏ chúng tôi cứ chạy ra chạy vào, lựa lúc không có người lớn, mở gácmăngrê, bắc cái ghế đẩu, leo lên thò đầu vào tầng trên, kéo cái thẩu mực má tôi để sát bên trong ra, mở nắp, hít thử xem chúng đã chua chưa…
Má biết ý lũ nhỏ háu ăn, bà muối lạt, vừa ăn với cơm, nhanh chua. Rồi bữa cơm với mắm mực đến trong nỗi rạo rực. Hôm đó, trên mâm không có món gì khác ngoài mắm mực và rau sống. Bọn trẻ chúng tôi không ăn rau sống mà cứ mắm mực, được má dùng kéo cắt ngang từng khoanh, gắp vào chén. Một khoanh mắm là một miếng cơm.
Đã biết trước cớ sự, má đã cho thêm gạo vào nồi. Nhưng rồi lớp cơm cháy của mấy con heo cũng bị tước đoạt. Nhìn chúng tôi ăn, má cười, khuôn mặt vui rạng rỡ. Bà nói: “Ăn mắm thấm cơm”.
Bây giờ mực, kể cả mực cơm, cũng đang dần đi vào lớp “thượng lưu” ở đất Sài Gòn đắt đỏ này. Mắm mực cũng không phải dễ dàng mà có được. Mỗi khi ăn mắm, tôi lại được ăn cả cái đoạn ăn mắm thấm cơm ngày xưa.
Theo nhà văn Sơn Nam, cơm tấm ngày xa xưa là món ăn của người bình dân, lao động miệt lục tỉnh thuộc Nam kỳ. Theo chân người dân thôn quê lên thành thị, cơm tấm góp mặt trong bữa ăn của giới bình dân, sinh viên học sinh, viên chức. Từ chỗ là món điểm tâm, nay cơm tấm được dùng trong các bữa ăn chính.
Những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, ở Sài Gòn tiệm cơm tấm Thuận Kiều quận 11 được dân cư quanh vùng biết tiếng. Sau năm 1975 với nhu cầu của thực khách ngày càng tăng, cơm tấm Thuận Kiều bắt đầu được bán lấn qua cả bữa trưa và chiều. Sau Thuận Kiều là cơm tấm Kiều Giang trên xa lộ Hà Nội. Rải rác khắp thành phố những tiệm cơm tấm nổi tiếng được nhiều thực khách lui tới như tiệm cơm tấm 150/1 Nguyễn Trãi, quận 1, cơm tấm 500 An Dương Vương, quận 5, cơm tấm Nguyễn Kiệm…
Đến năm 2007, hiệu cơm tấm Mộc và sau đó là cơm tấm Cali, cơm tấm 44 Mạc Thị Bưởi cùng góp mặt để món cơm tấm Sài Gòn thật sự được nâng cấp và trở nên đa dạng, phổ biến đến nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, kể cả đối với người nước ngoài làm việc, sinh sống ở thành phố. Những hiệu cơm tấm mới có cung cách phục vụ lịch sự, chổ ngồi sạch đẹp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng…
Xưa cơm tấm lấy từ gạo dưới sàn, tức là không nhiều, nay để đủ cơm tấm cho cả Sài Gòn, người ta phải có công nghệ riêng để làm gãy hạt gạo. Và món cơm tấm Sài Gòn bây giờ đã vượt ra khỏi ranh giới địa lý của nó để chinh phục những vùng đất mới. Cuối năm 2009, cơm tấm Mộc đã có mặt tại Hà Nội.
Sớm khuya cơm tấm
Tuy cơm tấm có thể xuất hiện trong nhà hàng máy lạnh, với một số người, thưởng thức món này phải ở một góc đường, con hẻm nào đó với mùi sườn nướng lan toả trong khói lửa mịt mù. Đặc biệt là những dĩa cơm tấm khuya ấm lòng giữa Sài Gòn vắng lặng nửa đêm về sáng.
Nhiều quán cơm tấm bình dân khuya, bán bên đường, không bảng hiệu nhưng khách rất đông. Chẳng hạn, khu vực bùng binh Cây Gõ có gần chục quán cơm tấm bình dân. Nổi bật có quán cơm bà Ba, bán từ 6 giờ chiều cho đến nửa đêm và quán chị Yến bán từ 2 giờ khuya đến 7 giờ sáng. Hai quán này được nhiều người biết đến do lượng khách lúc nào cũng nườm nượp và nổi tiếng với món sườn nướng không chê vào đâu được.
Quán của chị Yến mỗi đêm bán được khoảng 300 dĩa cơm với hơn 8kg sườn. Chị Yến kể, ban đầu quán bán lúc 5 giờ sáng, nhiều khách góp ý sao không bán sớm hơn và cứ sớm hơn riết đến hiện nay là 2 giờ sáng.
Mặc dù người bán phải thức khuya, làm việc lệch “múi giờ” với người khác nhưng không phải vì vậy mà dĩa cơm không được chăm chút, cơm tấm đêm lại có giá khá bình dân, chỉ khoảng mươi mười lăm ngàn. Cơm tấm khuya tuy không nhiều món ăn kèm nhưng đặc sắc nhất, hấp dẫn nhất vẫn là bì, chả và sườn nướng.
Những miếng sườn cốt lết được ướp gia vị, nướng trên bếp than toả hương thơm khó lòng cưỡng lại. Bí quyết của món sườn là không bị cháy đen, sườn vàng rộm, thơm và mềm. Hãy thử tưởng tượng, trên bếp than hồng, khói lẫn với mùi thơm của sườn nướng toả ra ngào ngạt cả góc trời đêm se lạnh. Dĩa cơm tấm nóng hôi hổi lẫn vài cọng lá dứa hoà quyện cùng mùi gạo thơm vừa chín khiến người ta khó lòng không ghé chân vào lúc nửa đêm.
Căn nhà nát và những bữa cơm nghèo
SGTT - Chúng tôi ghé thăm gia đình thầy Ngô Xuân Quang, giáo viên trường THCS Phan Văn Trị, thị xã Vị Thanh, Hậu Giang vào một đêm mưa nặng hạt đầu tháng 10.2009. Không ai nói với ai nhưng chúng tôi đều xót xa, ái ngại khi chứng kiến bữa cơm muộn của gia đình thầy hôm ấy.
Trong căn nhà dột tứ bề, chỗ đặt bàn ăn mưa cũng len vào, nước mưa xăm xắp dưới chân, cả nhà thầy quây quần bên mâm cơm nghèo nàn: chỉ vài lát thịt mỏng dành cho cô con gái út đang ho sốt, thầy cô và cô con gái lớn nhường nhau tô mì gói lạnh lẽo và một nồi nước cơm.
Những bữa cơm như thế, không phải là chuyện lạ, chuyện hiếm hoi ở gia đình thầy. Từ lâu lắm, cả nhà thầy phải tiết kiệm từng đồng… Dừng tay chèn mái nhà cũ nát, không ngừng tuôn mưa, thầy kể cho chúng tôi nghe những khó khăn của mình. Là giáo viên chưa đạt “chuẩn” nên sau 27 năm đứng lớp, thầy phải xa bục giảng, về làm công tác quản lý thiết bị dạy học. Yêu nghề, không muốn rời xa học sinh nên ngày trước, thầy đã tự sắp xếp để theo học chương trình đào tạo đại học từ xa, chuyên ngành văn.
Học được sáu tín chỉ thì con gái nhỏ bệnh nặng. Thầy kêu bán cái nền nhà với giá 17 triệu đồng để lo cho con rồi cả gia đình dắt díu nhau về khu quy hoạch giải toả gần trường, mua lại miếng đất nhỏ, cất lên mái nhà tạm bợ để sống qua ngày. Đó là khu đất trũng, mới có điện gần đây. Cả xóm tạm cư nghèo nàn, rách rưới dựa vào nhau để sống. Biết là ở đây không ổn định, phải ra đi bất kỳ lúc nào, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. Lúc đó, gia tài đi dạy hơn 20 năm của thầy, sự tần tảo sớm hôm của cô gần như là con số không. Cái nền đất giá chỉ ba triệu rưỡi, vậy mà cũng phải vay mượn thầy cô mới mua nổi… Việc theo đuổi chương trình đại học từ xa của thầy cũng dừng lại từ ngày đó.
Giờ đây, đồng lương của một nhân viên quản lý thiết bị dạy học của thầy chỉ đủ để trang trải những chi tiêu trong gia đình. Mấy năm nay nhà xuống cấp. Mùa mưa, ở trong nhà cũng chẳng khác gì ở ngoài sân. Ướt át, ẩm thấp, bẩn chật. Cũng đôi lần thầy dành tiền, định mua lá lợp lại nhà cho con cái có được giấc ngủ ngon nhưng chưa kịp làm thì con ốm, con đau, không đủ tiền uống thuốc. Cứ vậy, cả gia đình thầy lây lất sống trong mái nhà nát ấy mà không biết sẽ phải chuyển đi đâu khi ngày giải toả đến.
Hai mươi năm chia ngọt sẻ bùi với thầy là 20 năm cô Tưởng, vợ thầy hôm sớm vun vén việc nhà, tảo tần buôn bán nuôi con. Hết đi phụ việc quán ăn, rồi đi rửa chén, không việc gì cô từ chối không làm, miễn là lương thiện. Nhiều năm qua, ngày nào như ngày ấy, cứ khoảng 3 giờ sáng, cô lại thức dậy, đồ xôi, bưng đi bán khắp các ngả đường. Một sáng thức nấu xôi, cùng cô đi bán, chúng tôi mới thấy hết những vất vả của người phụ nữ lam lũ hiền lành ấy. Thức dậy khi mọi người còn say ngủ, cặm cụi thổi lửa, bào dừa, dỡ xôi, bưng đi bộ mất cả một buổi sáng âm u mưa gió, mới bán hết. Cầm mớ tiền lẻ bán được trong ngày trên đôi tay to, cứng và chai sần như tay đàn ông, cô tính toán rồi cười hiền: “Bữa nay lời hơn hai chục ngàn”. Hôm nay là ngày cô “vít” xôi khá “khéo tay”.
Cô kể hôm nào lỡ tay, “vít” nhiều, tiền lời lại vơi đi một ít, chưa kể ngày ế khách, không những không lời mà cả nhà còn phải ăn xôi trừ cơm. Số tiền chắt chiu đó chỉ đủ lo hai bữa cơm đạm bạc, không thấm vào đâu mỗi khi các con đau ốm. Gánh nặng gia đình cứ đè nặng trên đôi vai tần tảo của cô, trên sức khoẻ vốn đã hao mòn của thầy.
Hỏi chuyện nhà, cô nghẹn ngào gạt nước mắt: “Không biết sao nhà tui cứ nghèo hoài. Cũng chịu cực chịu khó, tiết kiệm lắm mà chưa bao giờ có dư. Hai đứa nhỏ cứ ốm đau liên miên. Làm ra bao nhiêu cũng không đủ cho tụi nhỏ uống thuốc. Mấy hôm nay thấy người ta đi đo đất, chắc cũng sắp lấy lại rồi, sợ là người ta lấy trước tết, lúc đó không biết phải làm sao…” Thầy thì trầm ngâm, mắt hướng về cô con gái lớn đang chăm chú học bài rồi nhìn đứa con gái nhỏ đang mải mê nghịch chiếc thuyền giấy trong cái thau hứng nước mưa đặt giữa nhà, buồn bã: “Thiệt lòng, chưa biết đi đâu… Chắc phải kiếm một căn phòng trọ cho hai đứa nhỏ có chỗ ở mà đi học”.
Tôi đi với miệt rừng tương đối thường xuyên. Cảnh nghèo se sắt, cảnh hoang rậm bịt bùng, những tưởng sẽ không còn là một chân trời lạ
ong mắt tôi nữa. Vậy mà, không hiểu sao, chuyến ngược bắc ải Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) này lại ám ảnh đoàn công tác từ thiện chúng tôi đến như vậy.
1. Hàng nghìn bức ảnh được bấm, nhiều giờ máy quay phim hoạt động tích cực. Về xem lại, nhiều nhất vẫn là những đứa trẻ ở truồng, rét tím tái, thịt da ngoang nguếch. “Sinh thực khí” hồn nhiên của chúng phô ra, vương vãi với bùn đất, cỏ cây. Cha mẹ nuôi con như núi rừng nuôi cỏ. Cho đến trước khi cắp sách bước vào lớp một, trẻ em ở nhiều bản làng tôi đã qua, hầu như các cháu không biết đến khái niệm mặc quần, đi dép, đội mũ và tiếng Kinh.
Những bàn chân trần nhỏ bé xéo òm ọp trên bùn đất giữa mây mù giăng bủa, giữa giá rét như kim châm phọt máu mười đầu ngón tay.
Đặc biệt là hàng trăm mái lều xiêu vẹo của học trò dựng ven các ngôi trường. Mười trường như nhau cả mười, hầu như suốt tuổi học trò, bữa cơm nào cũng chỉ có cơm và rau cải.
Khoảnh vườn trường nào (do học trò tự trồng), bữa cơm nào cũng chỉ có rau cải. Ăn chỉ là để no cái bụng đói, gạo bố mẹ đóng góp, rau cải ngoài núi đồi. Nấu cơm chỉ là nấu một nồi ba mươi cơm trắng; đun sôi nồi nước lã, xắt nhỏ rau cải xanh ra, ném vào quấy đều.
Bữa cơm chỉ gồm hai cái nồi, một nồi cơm trắng toát, một nồi canh xanh lét. Trên chiếc bàn học sinh bằng gỗ dài thượt, mỗi “mâm” chỉ có hai cái bát to đùng, một bát xanh lét rau cải lõng bõng nước; một bát là cơm trắng. Trẻ con hau háu ăn như nong tằm ăn rỗi nó ngốn lá dâu. Và, ai đó bảo, có cơm ăn thay mèn mén muôn thuở (bột ngô đồ lên) là may mắn lắm rồi.
Chúng ta coi việc bữa cơm chỉ có nhõn nhòn món rau cải, bữa này qua bữa khác, năm nay qua năm khác, trường này qua trường khác… (bữa cơm ấy đi hết tuổi học trò của các cháu) là việc hết sức bình thường? Chúng ta bằng lòng với điều đó? Nỗi đau, ai ngờ lại nằm ở chỗ ấy.
2. Thào Chư Phìn là xã đầu tiên trong toàn huyện Si Ma Cai núi đá xa xôi thực hiện mô hình lớp bán trú dân nuôi. Cảm động lắm, “cô nuôi dậy hổ” dậy múa hát cho học trò ba bốn tuổi xúng xính quần áo Mông, Thu Lao đến cuối buổi, cô treo trước ngực em nào đó một tấm “phù hiệu”: Nấu cơm cho các cháu (như thẻ cán bộ).
Thế nghĩa là hôm sau đến lượt bố mẹ cháu bé phải thu xếp đến nổi lửa lo bữa cơm “bán trú dân nuôi” cho đám con của mình và của bà con mình.
Taị trường tiểu học, nhà trường thuê một giáo viên vừa làm bảo vệ, vừa nấu cơm phục vụ mấy chục cháu nhà ở xa xôi phải tá túc “thiết quân luật” tại trường. Lên đến cấp hai (trung học cơ sở) các cháu đã lớn, tự cắt cử nhau ra, lần lượt hai cháu nấu ăn một buổi.
Thầy Tiếp, hiệu trưởng bảo, giáo viên chỉ việc giám sát, và họ ý tứ cứ cắt cử một bạn khéo tay nấu cơm tập thể cùng một bạn hơi… vụng củi lửa, để các bạn rèn cặp nhau cùng tiến bộ.
Gạo nước thì bố mẹ các em đóng góp. Trường xây một cái nhà kho khổng lồ, gạo được phụ huynh nộp cả vào cho Ban khuyến học của xã, trường cần bao nhiêu, cứ vào kho đem lúa đi xát đi nghiền là xong.
Có lúc, ban khuyến học xã Thào Chư Phìn giữ gìn đến 13 tấn thóc phục vụ con tàu chữ nghĩa của xã xa xôi tột cùng của miền địa đầu Si Ma Cai (cách tỉnh lị Lào Cai 100km, hầu hết bà con là người Mông). Con số này ở xã Sín Chéng còn lớn hơn, bởi trường lớp quy mô hơn và bữa ăn tập thể gồm nhiều học sinh hơn.
Mô hình đáng tuyên dương này xuất phát từ Thào Chu Phìn, là vì, bắt đầu từ năm 1991, bấy giờ, vận động trẻ con các bản đi học khó quá, bởi nhà các cháu quá xa, leo núi mất cả ngày đường. Trời mưa là đám trẻ núi bỏ học đồng loạt. Có đứa ăn no ngô răng ngựa ở nhà, leo như khỉ vượt dăm ngọn núi đến lớp thì đói meo, gục mặt lả xuống sàn lớp học. Mấy bà mẹ xót con người Mông, người Thu Lao ở bản Lao Pà Chải mới nghĩ cách đem con đến cổng trường học, dựng một cái lều tre bé bằng cái màn tuyn đang mắc ở đó cho con nằm ngủ qua đêm.
Sáng chợ phiên bà đi qua, ném vào lều hai bó rau cải với túm gạo, cút dầu hoả. Tự đứa trẻ đi học về, nổi lửa nấu nướng, một mình một lều thực hiện công cuộc “trọ học” khá tiện ích.
Hàng chục cái lều mọc lên khiến cho thầy hiệu trường nhà trường, nhà giáo Giàng Sín Chớ và ông Chủ tịch UBND xã Sùng Sào Mìn giật mình nhận ra cái tình yêu chữ Bác Hồ của những người sống sau nách núi ủ mây mù hoang lạnh kia.
Lập tức, ý tưởng lập lớp bán trú dân nuôi thay cho manh lều xập xệ thỉnh thoảng được lẳng vào một bọc gạo với mớ rau của phụ huynh học sinh. Ông Mìn giờ nghỉ hưu ở bản Hồ Sáo Chải; ông Chớ giờ làm Phó Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra huyện uỷ Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Họ được xem như hai ông tổ của mô hình bán trú dân nuôi trong toàn khu vực.
3. Giờ đây, có hàng trăm, hàng nghìn học sinh theo mô hình bán trú dân nuôi kể trên - chỉ tính riêng trên địa bàn huyện nhỏ bé, rợn ngợp núi đó, lẩn khuất trong mây xa núi thẳm Si Ma Cai.
Chúng tôi đến thăm các trường tiểu học và THCS, THPT ở các xã: Bản Mế, Thào Chu Phìn, Quan Thần Sán, Sín Chéng... Hơn chục cái trường chúng tôi đã qua, đã ghi nhận.
Có đoàn diễn viên lộng lẫy hơn chục người mang theo loa đài, ánh sáng, máy nổ biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại chỗ, hai cái máy quay hiện đại thực hiện một chương trình hết sức quy mô; nhiều nhà báo và cán bộ huyện xã về thăm; vì thế, các nhà trường dọn dẹp phong quang. Nhưng, thu vén thế rồi mà cái nghèo, cái đói vẫn như cái đuôi nhằng nhẵng ma quái của núi rừng chẳng lẫn đi đằng nào được.
Những cháu bé ở trường Sín Chéng đi chân đất đi học trong trời lạnh giá, quần áo thủng rách. Gạo, mỳ tôm, quần áo được phát cho những đứa trẻ dựng lều ven trường (do khu “nội trú” không đủ chỗ). Chiều đến các cháu ra suối tắm, nổi lửa nấu cơm, ngồi học với ngọn đèn dầu, trong căn lều đứng dậy cộc đầu, quay đằng nào lều lung lay đằng ấy.
Bạn tôi, một nhà báo từng sống ở dưới chân tháp Eiffel bên Kinh đô ánh sáng quay xong những cảnh ấy, cứ ra sau cánh gà sân khấu dã chiến phục vụ đồng bào ngồi khóc!
Cô nghĩ về tương lai của bọn trẻ mà quặn lòng. Quặn lòng hơn cả là những bữa của chúng cứ ăn lặp đi lặp lại hai màu xanh và trắng ở tất cả các nhà trường, ở nhiều thời điểm, với học sinh nhiều lứa tuổi. Và người ta coi đó là một việc hết sức bình thường.
Nỗi đau của những bữa cơm hai màu ấy vinh dự đến sau niềm vui các em đã được đến trường, được “quản thúc” nghĩa tình trong các ký túc xá, được ăn cơm trắng thay vì bột ngô đến hẹn lại lên.
Nhưng ngần ấy cũng đã đủ là nỗi đau khó hình dung với người Hà Nội, với thế giới văn minh rồi, tôi nghĩ vậy. Có những đứa trẻ, suốt 9 năm đến trường, học giỏi, cháu chỉ lác đác được ăn vài bữa cơm có hạt lạc rang, có tí mỡ tí thịt. Còn lại, bữa nào cũng cơm trắng, rau cải xanh nấu nước suối lõng bõng.
Thầy Mai, hiệu trưởng trưởng Sín Chéng bảo: bố mẹ các cháu đóng góp mỗi tuần vài cân gạo đã là cố gắng lắm rồi. Nhiều nhà ở bản xa, nghèo đến độ không có một cái gì ngoài đôi chiếc nồi và một chiếc điếu cày cho ông bố đông con hút thuốc lào!
Không góp gạo được, học sinh và bố mẹ cháu rất mặc cảm. Cơm và rau. Hôm nay có khách, muốn tìm mua ít lạc rang (đậu phộng) cho các cháu ăn để “quay tivi” nhưng không ở đâu bán. Vì mình cũng chưa đi mua thế này bao giờ.
Trường chúng tôi có vận động mỗi giáo viên, một tháng tự nguyện đóng góp 15.000 đồng tiền lương để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Nhưng, chẳng thấm vào đâu, đành chuyến sang hướng: thương các cháu thì để ý đứa nào rách rưới, rét mướt quá mua cho cháu bộ quần áo 45.000 đồng.
Các trường ở Bản Mế, Thào Chư Phìn, Quan Thần Sán cũng có nhiều giáo viên xót học trò, tự nguyện mua sắm quần áo, giày dép chống lại cái rét mướt hầu như quanh năm của những đỉnh núi chon von. Nhưng, nỗ lực đó cũng chỉ như muối bỏ bể.
4.Lần nào, đến thăm một khu nội trú, một túp lều trọ học, tôi cũng chú mục vào bữa cơm của các cháu. Không bao giờ gặp một bìa đậu, một con cá mắm hay một cái gì đó mật mỡ mút mát gọi là thịt thà cá mú một tí.
Rặt có rau xanh biếc và cơm trắng toát!
Những bữa ăn lành lẽ nhưng nhói buốt và ám ảnh. Mỗi cuộc đời chỉ có vài năm thơ ấu học trò. Dẫu ngôi trường có hai ba tầng cao, dẫu kinh phí từ nguồn trái phiếu chính phủ mà cả nước dành cho xây dựng cơ bản rót về nhiều thế hay nhiều nữa mà để bữa ăn các cháu đạm bạc đến cay xót trên diện quá rộng như thế, có nên không?
Dăm năm học trò thơ ấu rồi cũng qua đi, chẳng có ai chết héo chết mòn hay chết buồn chết thảm vì ăn cơm chỉ có cơm trắng và rau xanh cả. Song nỗi buồn cho các em, nỗi ám ảnh cho những người chứng kiến cảnh đạm bạc quá ư kia cũng lại cứ còn mãi.
Các thầy cô giáo đều thở hắt ra: đau đầu nhất bây giờ là bữa ăn cho các cháu. Không có dự án cải thiện bữa ăn, không ai trích phần trăm cho việc cải thiện bữa ăn học trò (như trích tiền trong xây dựng cơ bản). Thầy cô, học trò cũng trăn trở với bữa ăn, họ đùm túm cưu mang học trò của mình, nhưng như thế làm sao xuể được.
Chỉ cần có một nghìn đồng/học sinh/ngày ăn là có thể cải thiện bữa ăn chỉ có rau và cơm lõng bõng của các cháu. Trường nhiều nhất, đông học sinh nhất như trường Sín Chéng cũng chỉ có 80 em nội trú. Một ngày, các giáo viên nơi đây chỉ ao ước có thêm 80.000 đồng để cải thiện bữa ăn cho các cháu.
Thế mà nhiều năm qua, mong muốn này vẫn không có cách gì thành hiện thực.
Tại bản Sử Pà Phìn, xã Quan Thần Sán, cũng của vùng Si Ma Cai đang nói, trong cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi, ông Ly Seo Páo hồn nhiên bảo: bữa đến ông chỉ ăn cơm, không có rau đâu. Đi chợ chỉ dám mua mỗi thuốc lào. Lâu lắm tôi chưa được ăn thịt. Sắp Tết rồi à, tôi ăn thịt có lẽ từ Tết năm ngoái. Chủ tịch xã Ly Xuân Lẩu ngồi cạnh ồ lên: đúng rồi, Tết trước thịt lợn, tôi mang cho ông Páo một đùm. Ai nấy, cán bộ TƯ, cán bộ huyện, xã cùng chết điếng.
Nhưng cái nghèo của ông Páo dẫu là sự thật, nhưng chỉ cá biệt thôi. Còn hàng trăm, hàng nghìn học sinh (tính riêng) ở Si Ma Cai mà chúng tôi đã gặp: bữa ăn chỉ có rau và cơm của họ đã trở nên phổ biến, quá quen thuộc.
Quen thuộc đến mức không ai còn phải thắc mắc nữa. Cái dạ dày và sự háu đói của các cháu đã quen với sự đạm bạc đi rồi. Ăn vẫn ngon, vẫn hết veo cả nồi lớn màu xanh lẫn nồi lớn màu trắng. Những năm tháng thơ ấu học trò vẫn có vẻ như an bình dù các em hầu như không biết đến thịt, trứng, sữa hay thứ lương thực, thực phẩm nào khác ngoài cơm trắng và rau cải xanh.
Khát khao có năm trăm đồng (năm trăm VNĐ người ta thường dùng để mua một nhánh hành ở dưới xuôi) hòng cải thiện mỗi bữa ăn cho một học sinh miền núi cứ treo đó. Để rồi, bữa cơm dọn ra, ở tất cả những trường trên Si Ma Cai mà tôi đã gặp, vẫn chỉ có màu xanh của rau cải và màu trắng của cơm tẻ.
Nếu so sánh với cái giá 3000đ/lần đánh giày; hàng chục, hàng trăm tỉ đồng trong một vụ bê bối, tham nhũng mà báo chí vẫn liên tục, liên tục đề cập – chúng ta sẽ thấy nỗi đau ngấm vào mình rất ngọt!
Và không bất ngờ khi bạn tôi phải ngồi sụt sùi khóc với câu hỏi tương lai của đám trẻ miệt rừng. Cái văn hoá vì cộng đồng, cái lý của lối sống bác ái bật ra từ nỗi ám ảnh ấy, từ phép so sánh ấy.
Mình cắn miếng cà giòn tan trong miệng, ngồi nhớ lại hồi bé chờ mẹ về ăn cơm trưa. Mùa hè, nắng nhuộm vàng nóng cả con đường, ve kêu râm ran trước nhà và "Xin mời các bạn lắng nghe 15 phút dân ca và nhạc cổ truyền của Đài tiếng nói Việt Nam".
Bữa cơm trưa hôm nay gồm có: một đĩarau muống luộc chấm với tương, một bát canh rau muống vắt chanh, một đĩa cà muối giòn tan cùng với món thịt lợn rang; sắp ra bàn và ngồi đánh chén được 3 bát.
Chu choa, khi đứng dậy, xoa cái bụng phưỡn mà cười khúc khích. Đơn giản mà lại ngon lành đến thế. Sau chuỗi ngày ních đồ béo ngậy của Tết, giờ được cắn một quả cà, chấm rau muống với tương mà sung sướng quá đỗi. Sự đơn giản cũng nằm ở đó.
Vừa ăn, vừa nghe nhạc du dương của piano, ngắm ánh nắng ngoài hiên rồi thì thoảng là những làn gió nhẹ. Ôi! 3 bát còn là ít ! Quá mê ly! Đơn giản là thế thôi.
Lang thang vào một blog và đọc được một câu Quote thế này- hèm nhớ mang máng: Thật đơn giản để có được hạnh phúc nhưng thật khó để được đơn giản - Thấy cũng có lý đúng. Vốn nhiều thứ nó diễn ra thật đơn giản và để hiểu nó cũng có cách đơn giản. Chỉ là mình có đơn giản nhận ra hay không hay lại đi tìm cách phức tạp để hiểu.
À mà theo câu nói trên, chẳng hóa ra để có được hạnh phúc cũng là điều khó hay sao? Cái lý này thì không đúng lắm. Vì đơn giản như bữa cơm trưa canh cà thôi, vậy sao vẫn có được hạnh phúc đó.
Mình cắn miếng cà giòn tan trong miệng, ngồi nhớ lại hồi bé chờ mẹ về ăn cơm trưa. Mùa hè, nắng nhuộm vàng nóng cả con đường, tiếng ve kêu râm ran trước nhà và thứ âm nhạc mà mình nhớ mãi đến giờ là " Xin mời các bạn lắng nghe 15 phút dân ca và nhạc cổ truyền của đài tiếng nói Việt Nam". Hai mẹ con lại nhắc về "ngày xưa", thấy xao xuyến trong lòng. Thật đấy! Cứ thấy hạnh phúc thế nào ấy. Và rồi mình đã nói với mẹ một câu: "thế mới biết tại sao người ta chỉ cắn miếng cà mà rơi nước mắt".
Quê tôi ở vùng đồng bằng, thuở nhỏ biết cây sắn (khoai mì) nhờ cái chạc gác rổ rá của mẹ. Bà cắm vài cái chạc ba sắn quanh bể nước để tiện cho chúng tôi đặt lên đó rá gạo vừa vo xong, rổ rau bèo đầy ắp thái cho lợn
Gặp những dịp thời tiết đẹp, mấy cái chạc sắn bỗng nẩy lộc, đâm chổi xanh mướt, trông hay hay mắt. Chị em tôi muốn giữ lại, nhưng mẹ kiên quyết vặt bỏ vì nó làm vướng... Trong ký ức của tôi, hình như mỗi năm mẹ lại nhổ loạt chạc cũ để thay bằng những chạc khác mới hơn, khỏe khoắn hơn... Vì vậy, tôi cứ đinh ninh rằng, cây sắn ngoài tác dụng chính để ăn củ, nó còn có tác dụng phụ là dùng làm chạc gác. Chuyện lá sắn dùng làm thức ăn, thậm chí còn là một món ăn ngon thì phải đến một ngày đẹp giời, khi có dịp đi công tác ở Phú Thọ và được chiêu đãi một bữa cơm toàn rau sắn, tôi mới biết.
Bữa cơm hôm đó ở nhà một anh bạn học, có canh chua rau sắn nấu cá, lá sắn xào... Dường như muốn dành cho tôi sự bất ngờ, chủ nhà bảo, cứ ăn đi rồi anh sẽ nói đó là thứ rau gì. Tôi rụt rè gắp từng lá rau cho vào miệng, mới đầu có cảm giác nó hơi nồng, nhưng nhai kỹ lại thấy nó bùi bùi, ngon đáo để. Tôi mặc sức đoán đó là rau tàu bay, rau dớn, rau bồ ngót... vì những loại rau ấy tôi đã được nghe mà chưa được nếm bao giờ. Chỉ đến khi mình tôi xơi gần hết đĩa rau xào, chủ nhà mới chỉ ra hàng rào sắn ngoài sân, bảo: chính là rau được hái từ cái cây đó! Tôi ngạc nhiên thực sự vì từ trước tới giờ chưa hề nghe nói về điều này. Lại nhớ rất rõ ngày xưa mẹ thường vứt bỏ không thương tiếc những cái lá sắn mọc ra từ chạc gác, bảo lá sắn chẳng có tác dụng gì... Lạ thật! Thấy tôi chỉ ăn có một lần mà “kết” món lá sắn, anh bạn học tỏ ra rất hãnh diện và tự hào: rồi cô em sẽ nhớ mãi không quên cho mà xem.
Thế rồi, câu chuyện sau bữa ăn của chúng tôi xoay quanh chủ đề rau sắn. Chủ nhà giảng giải, không phải thứ rau sắn nào cũng ăn được. Sắn trồng trên nương, ngoài đồng ít khi người tá hái lá về ăn, mà đó phải là rau sắn trồng bờ rào. Hơn thế, chỉ có rau sắn trắng lá xanh mới ăn được. Loại sắn lá tre, màu lá hơi tía là loại sắn độc hơn, ăn vào dễ bị say. Rau sắn không phải là món ăn cao lương mỹ vị, càng không màu mè coi trọng hình thức nhưng đòi hỏi người chế biến phải rất cầu kì. Những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi sau khi hái về sẽ được vò nát. Người vò phải khéo léo làm sao cho lá sắn mềm, sóng đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn. Sau khi vò xong, trộn lá sắn với chút muối cho thêm vị đậm đà. Cách này cũng giúp cho rau sắn nhanh chua hơn và để lâu ngày không bị hỏng, bị váng. Bởi vậy, khi tra muối cũng phải lựa sao cho rau không quá mặn mà khó nấu, cũng không quá nhạt dễ nổi váng làm rau hỏng. Rau sắn sau khi đã trộn muối đem cho vào vại hoặc bình, phải để vài ba ngày gọi là ủ chua. Rau sắn ủ chua có màu vàng đều, dậy mùi thơm hấp dẫn. Rau sắn được vớt ra hay để nguyên cả nước đem nấu tùy theo cách chế biến của từng món. Cách đơn giản nhất là vớt rau ra, vắt sạch nước rồi đem vào xào mỡ là cũng đã rất ngon rồi. Tuy nhiên, cầu kì hơn là canh rau sắn nấu. Người nấu có thể hầm rau sắn với xương lợn, cá tép hoặc hạt lạc giã nhỏ. Đặc biệt là phải nấu bằng chính nước chua ủ rau sắn. Có như vậy, canh mới có vị chua của rau sắn, vị béo của nước xương, vị ngọt của cá tép... tất cả hòa quyên thành hương vị rất đặc trưng của canh rau sắn. Người nấu cũng phải chú ý, rau sắn ngâm quá ngày sẽ rất chua, khi nấu cũng phải đun thật kĩ để rau sắn thật mềm và nhừ mới ngon. Khi ăn, có người thích lựa những búp non mập mạp nhưng cũng có người lại chọn các lá nhỏ, dẻo và đậm đà. Ngoài ra, rau sắn còn có rất nhiều cách chế biến khác như làm salad trộn gà xé, rau sắn luộc và nộm rau sắn, hay như món sắn muối kho cá tùy vào sáng tạo của người nấu đều rất dậy mùi thơm ngon. Vì thế mà không biết từ bao lâu nay, rau sắn đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm của những người dân vùng trung du Phú Thọ. Đi đâu, dù xa quê đến mấy, dù được thưởng thức sơn hào hải vị ngon cỡ nào thì dư vị của rau sắn vẫn là một thứ đặc sản trong tâm thức của họ.
Giờ đây, vượt ra ngoài những bữa cơm gia đình, rau sắn cũng đã trở thành hàng hóa. Ở những nơi chúng tôi đã đi qua như Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái... rau sắn muối chua được bán nhiều trước cổng các khu chế xuất, khu công nghiệp. 2.000 đồng/nắm nhỏ, 5.000 đồng/nắm to, với đồng lương ít ỏi, vừa thuê nhà, vừa tiêu pha tùng tiệm thì rau sắn luôn là lựa chọn của những nữ công nhân. Hà Nội cuối tháng 5, những ngày mưa mát mẻ bỗng thấy nhớ, thấy thèm xốn xang một bữa cơm rau sắn. Gọi điện cho người nhà đang đi công tác ở Phú Thọ, tôi chỉ dặn đi dặn lại, quà mang về có rau sắn muối chua thì tốt.
Nhà nghèo vốn là “sự sĩ diện” của bao người VN thời trước mở cửa. Nhớ bố kể lại hồi xưa ở quê khi cần điển giấy tờ để làm thủ tục hành chính, chẳng ai cần quan tâm cha mẹ làm gì, xuất thân thực sự thế nào thì cột điền “thành phần hay xuất thân gia đình” bao giờ cũng được điền hai chữ “Bần nông” và coi đó như là niềm tự hào, một minh chứng đảm bảo chắc chắn về tư cách cao cả của người thuộc giai cấp vô sản. Mà đúng quá, đã Bần nông thì làm sao mà Tư sản được.
Không chỉ vậy, sau này đến thời mình đi học, mình nhớ như in rằng trong các bảng biểu giấy tờ còn có cột “Tôn Giáo” . Và đây cũng là chỗ được coi là khá nhậy cảm đối với người dân. Cái nếp nghĩ “Bần Nông” và Không Tôn giáo” kéo dài không biết bao thế hệ. Chẳng thế dù tới khi những năm 90 sắp qua mà cô bạn người HD của mình, một con chiên ngoan Đạo, vẫn điền chữ “Không” vào cột Tôn Giáo trên mọi giấy tớ nhập học của trường NT.
Cơn bão kinh tế thị trường tới và thổi tung các nếp sống và suy nghĩ bị coi là xưa cũ, ấu trĩ. Vậy nên “NGHÈO” không còn là sự tự hào của bất kì một ai nữa. Ngày càng nhiều người vì thoát khỏi các mác Nghèo mà vùng vẫy lăn lộn đủ đường. Dần dần, “Nghèo” bị coi là sự sỉ nhục tới trình độ, tài năng và trí tuệ của con người. Cũng chẳng hiểu có phải vì thế không mà lâu lắm rồi mình không dám nhận là ”Nghèo” nữa. Và cái sĩ diện, niềm tự hào được nhận là con nhà nghèo xưa kia đã bị vùi lấp tự bao giờ, hichic.
Luyên thuyên vậy cũng chỉ tại tối qua khi nhìn mấy món ăn trên bàn làm mình nhớ nhà lạ kì, không chỉ nhớ nhà vì đang ở nơi xa, mà còn nhớ nhà bởi ở đấy chứa đựng một tuổi thơ nhiều dấu ấn -một thuở tụi trẻ con vẫn còn biết Sĩ diện với cái Nghèo. Nhớ cái thời khi mà gas đun bếp còn là thứ vô cùng xa vời, cả nhà quây quần quanh mâm cơm trên chiếc chiếu cói, bên cạnh là nồi cơm đun bếp củi đen xì đặt trên chiếc rế mây. Trên mâm thường thấy ngoài đĩa lạc rang, đậu phụ Mẹ nấu thêm một bát tô canh rau các loại, mà phải cách nhật mới có đĩa thịt ba chỉ xào mặn vừa đủ chín (mỗi lần con bé con là mình quá tay rang xém cạnh là mẹ lại phê bình vì… ”ăn vậy tốn lắm con”).
Và rồi những tháng ngày mẹ phải đi chợ chạy ăn từng bữa, những tháng ngày riêng nguyên liệu để nấu nướng còn là vấn để phải giải quyết trước tiên thì khó có điều kiện ăn ngon, ăn bổ dưỡng được…. cũng dần dần qua đi. Lương nhà báocủa Bố cũng phần nào tăng lên đủ để trang trải cho nghiệp văn chương của Bố, và mấy chị em tụi mình cũng dần dần quên đi cái cảnh nồi cơm đun bếp than ấy, quên cái cảnh mâm cơm con nhà Nghèo ấy
Bạn đã từng được thưởng thức những món này chưa?
-Cơm trộn nước cơm:Nấu cơm cho nhiều nước hơn bình thường khi cơm sủi chắt nước ra bát cho muối mì chính vào khuấy đều để lên chạn.chờ chí cơm lấy nước đó chan cơm ăn.
-Cơm mắm mỡ:rót mắm ra bát xêu một ít mỡ vào(trước nhà nghèo mỡ nước ăn dè)hấp vào nòi cơm nóng.một lúc sau bắc nồi cơm ra bỏ bát mắm mỡ ra mâm rưới mắm mỡ vào bát cơm trộn lên lèn nhẹ xúc ăn.
-Cơm nguội với đường phên.Đường phên là đường đóng phên màu đen hoặc hơi vàng.tầm ngang chiều bụng đói vào buồng cắn một cục đường xuống bếp cầm một vầng cơm nguội.tay cầm đường tay cầm cơm ăn miếng cơm miếng đường.
-Cơm nguội chuối tiêu:Cũng chiều đến đói bụng vào nhà ngang có buồng chuối chín chống góc nhà bẻ một quả vào bếp làm vầng cơm nguội tay cầm cơm tay cầm chuối miếng cơm miếng chuối.
-Muối lạc trộn mỡ nước:Rang lạc giã nhộm rang muối trắng giã nhỏ.trộn lạc đó với muối thành muối lac.sau đó trộn muối lạc với mỡ nước ăn mí cơm nóng.
-Mắm cà cuống.Mùa nóng đi đòng bắt được một hai con cà cuống(cà cuống chết đến đít còn cay)đem về nướng sau đó dằm bát mắm rưới cơm ăn.vị cay cay nồng nồng ngái ngái.
-Ngon gai nhậy:đi chơi cùng đám trẻ loanh quanh nhà nào có rặng rào gai nhậy bẻ ngọn ăn,kẻ cả quả non và hoa.
-Nhộng ong nuôt trửng:cùng bọn trẻ dật được tổ ong vang bóc lấy con nhộng ngửa mồm lên thả vào cổ họng nuốt trửng.
-Sắn nướng phân trâu khô:mùa khô đi thả trâu bò ở đồi sắn nhặt những tảng phân khô(phân bón sắn kết thành tảng nhỏ tầm bàn tay khi người ta quốc sắn những tảng phân này phơi lên mặt đất)chất thành đống nhóm lửa vùi sắn vào chờ cho sắn chín bỏ ra ăn.ăn xong mồm tay nhọ nhem cả.
-Muỗm nướng:ở quê mỗi ruộng lúa tầm năm bảy thước(mỗi thước 24m2) khi người lớn cắt gần xong trẻ con vây xung quanh bắt những con muỗm xâu vào bông cỏ may đem về nướng ăn.món này là tuyệt vời nhất đó.
Phạm Bội Anh Thuyên Ngày xưa ở quê tôi người nào nhà giàu có, buổi sáng không đến quán ăn điểm tâm thì ở nhà chiên cơm bằng nước mỡ heo thắng, lại cho vào nào lạp xưởng, tôm khô, cùng vài miếng trứng vịt chiên…. Riêng gia đình tôi vì nghèo, má tôi phải chiên cơm bằng dầu dừa, cho ít tốn tiền. Nhà có cà chua hay dăm trái đậu, cải xanh…
… sẵn có ngoài rẫy hái vào, bà uyển chuyển cho vào chảo trước khi bỏ cơm nguội vào để chiên. Một là cho chúng tôi được ngon miệng, hai là có chút ít chất dinh dưỡng để đàn con mồ côi có sức khoẻ đến trường, hay đi làm rẫy. Thỉnh thoảng, má tôi mới có tiền mua mỡ heo để thắng, bà hăm hở “đãi” chúng tôi ăn “món cơm chiên nhà giàu”. Nghĩ cũng lạ, ăn món “cơm chiên nhà nghèo” riết rồi đâm ghiền mùi dầu dừa. Song món cơm chiên bằng nước mỡ heo thắng cứ vẫn treo lơ lửng trong sự thèm thuồng suốt tuổi thơ tôi! Những năm 1969, 1970, gia đình vừa nghèo khó lại gặp lúc chiến tranh ác liệt, vậy mà từ món cơm chiên ấy đã góp phần giúp cho hai anh tôi đều “lấy” được bằng tú tài.
Bây giờ má tôi đã ra người thiên cổ, nhưng hằng năm đến ngày cúng cơm cho bà, anh em tôi không bao giờ quên món ăn đạm bạc ấy dâng lên bàn thờ. Ngoài niềm vọng tưởng về tình mẫu tử cao cả, thiêng liêng, tôi còn nhấm nháp một kỷ niệm ngọt ngào về món ăn đặc trưng mà má tôi “sáng chế” từ trong sự nghèo khó. Hẳn điều ấy sẵn có trong đạo lý, hiếu đễ của mỗi con người Việt Nam ta. Mọi người gìn giữ nó như gìn giữ những giá trị đời sống tâm linh, văn hoá, đạo đức một cách lặng lẽ mà cương quyết. Món cơm ấy như lời dạy, lời nhắc nhở tôi bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng phải biết sống để tồn tại, ngẩng cao, và không được quên “thuở hàn vi” kia như lời giáo huấn.
Bây giờ kinh tế gia đình tôi khá hơn trước rất nhiều, nhưng dù bận rộn, vài ba tuần tôi vẫn dậy sớm, làm món “cơm chay” ấy cho con tôi ăn sáng để đến trường. Đó như gián tiếp, như làm “trung chuyển” về sự giáo dục truyền thống gia đình, như nhắc nhở với con giữ nền nếp, gia phong trong thời buổi đạo đức xã hội báo động về sự băng hoại. Rất mừng là con tôi cũng rất “ưa” món ăn này. Dù vậy tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, có khi nào con tôi lại “quay mặt” với món ăn kia?!
Mùi thơm là lạ của dầu dừa, hoà quyện mùi hành phi, cùng với tinh bột, rau đậu… đã lặng lẽ song hành cùng tôi đã hơn bốn mươi năm. Không những nó mang đậm nét văn hoá ẩm thực của người nhà quê, mà nó còn tồn tại trong tôi điều gì đó rất đỗi thân thương trong niềm thương mến khôn nguôi.
Giữa bề bộn cuộc sống, bề bộn những giấc mơ, trong đó không ít lần tôi có những giấc mơ được ngồi ăn dĩa cơm chiên của đấng sinh thành đã từng nuôi tôi khôn lớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tôi thầm gọi những giấc ấy là “Giấc mơ có cánh” trong niềm hạnh phúc dư ba, khi giữa cuộc đời này còn không ít kẻ bất hạnh, không có mẹ để được yêu thương, cho ăn những món ăn mang đầy tình mẫu tử bao la…
Ngày ấy gia đình tôi sống ở vùng nông thôn, cuộc sống của thời bao cấp cái gì cũng thiếu. Mỗi lần ăn cơm với rau lang luộc, mẹ nói: “Rau lang ăn rất tốt, nhuận tràng và mát cho cơ thể”.
Nhưng dù thức ăn có là gì đi nữa thì mẹ cũng chỉ ăn lưng chén cơm là buông đũa. Ba nói: “Bà nhường ba con tôi phải không? Nếu bà nằm xuống thì các con khổ lắm đấy”.
Một hôm, em của ba từ trên huyện ghé chơi, mẹ nói với ba: “Ông ạ! Chú nó về chơi mà nhà mình cạn tiền rồi, hay có con gà mái đang đẻ bắt làm thịt đãi chú?”. Ba cười: “Bà nghĩ chú nó là ai? Nó là em mình, ăn gì mà chả được, cả nhà còn mỗi con gà mái đẻ”.
Bữa cơm hôm ấy dọn ra có một đĩa cá cơm khô rang, tẩm mắm, một bát canh rau tập tàng và một đĩa rau lang luộc cùng với chén mắm tỏi ớt. Bình thường tôi thấy không ngon nhưng hôm ấy sao ăn thấy ngon, bùi và thơm đến lạ lùng. Chú nói: “Cái món rau lang luộc chấm mắm tỏi ớt em ăn không biết chán”. Mẹ nói chữa: “Món này là món của nhà nghèo đấy chú ạ”.
Cái khốn khó của một thời rồi cũng qua đi, những năm sống ở thành phố tôi thường nhớ về món rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt ngày ấy.
Mỗi lần ngồi vào bàn ăn có món rau lang luộc, tôi nói với chồng và các con: “Đây là món ăn nhà nghèo đấy”. Chồng tôi phá lên cười: “Em nhầm rồi! Đây là món ăn của nhà giàu, là món ăn đặc sản của các nhà hàng khách sạn đấy”.
Mỗi lần ăn món rau lang đó, hình ảnh mẹ lại hiện về, mỗi lần đi làm đồng về trên tay mẹ thế nào cũng có một nắm rau lang. Sau khi rửa sạch sẽ, mẹ nói: “Rau này nhìn vậy nhưng kén lửa lắm, nếu lửa không to, không đều thì rau dễ bị đen, nếu luộc kỹ quá thì sẽ nát, ăn không ra gì, chỉ luộc vừa chín tới - ngọn rau vẫn xanh ăn vào giòn ngọt”.
Những lời mẹ dặn cứ ăn sâu vào tâm trí tôi. Mẹ tôi nay không còn nữa nhưng hình ảnh mẹ và món “nhà nghèo” luôn sống mãi trong trái tim tôi.
1. Ta nhớ mâm cơm chiều của những ngày con bé dại. Trong ta là hình ảnh ba mẹ, anh trai và ta ngồi quay quần bên mâm cơm. Dù bận rộn mấy sau một ngày mưu sinh, nhưng ba mẹ luôn giữ thói quen là cùng nhau ngồi vào bàn lúc 6h chiều. Xung quanh mâm cơm chỉ vài con cá rô kho mặn, ít lát cà tím mẹ trồng bên hè, một tô nước cơm to tướng mẹ dành riêng cho anh em ta. Nhà nghèo, ta và anh trai được nuôi bằng thứ nước cơm pha đường ngòn ngọt này thay cho sữa. Sữa là một thứ gì đó quá xa xỉ đối với cả hai anh em. Dẫu vậy cả hai đều khỏe mạnh và lớn lên bằng nhiều thứ quý giá khác. Tiếng nói cười bi bô của ta và anh trai với đủ chuyện đi học ở trường, quây quanh ba mẹ là chuyện về con trâu, đám mạ. Rộn rã mái nhà nhỏ xiêu vẹo, hơi ấm của chái bếp lan tỏa vách nhà.
Sau bữa cơm chiều, ta và anh trai được ba kèm tập viết. Giọng ba trầm ấm, đều đều…Trong ngọn đèn dầu loe loét, mẹ ngồi đó khâu lại từng mảnh áo sờn vai của ba. Ngoài xa xa tiếng ếch ọp ọp sau cơn mưa. Hạnh phúc nghèo sao mà bình yên đến thế.
2. Ta nhớ mâm cơm chiều cùng đám bạn cùng trường. Sau một ngày mệt nhoài với đống tập vở, với những bài báo cáo, tiểu luận. Trở về căn gác ọp ẹp, những gương mặt xanh xao vì quá nhiều thứ hỗn độn xung quanh. Học, làm thêm, làm thêm, học… tiền học phí, tiền cơm, tiền nhà, tiền ăn… bám riết đời sinh viên. Mâm cơm chiều trở nên thưa thớt hơn. Nhưng vẫn còn rộn rã theo từng thớ thịt lát mỏng như tờ giấy, vài miếng đậu hũ chấm tương, vài cọng rau muống luộc vội chưa vớt ra đĩa vơi đi 1 nửa.
Nhớ mâm cơm chiều những ngày trọ học nhà bà con, bữa cơm của ta là thời gian sau khi cả nhà người khác dùng xong. Nhiệm vụ là dọn dẹp xong đống thức ăn còn sót lại cùng mớ chén dĩa bừa bộn. Ta mới có mâm cơm chiều với những người mà ta quý vô cùng. Ta quý các chị vì cùng cảnh ngộ, cùng xuất thân từ những miền quê nghèo xa xôi, cùng những tình cảm yêu thương đùm bọc như ruột thịt. Con bé gầy nhom đã mập mạp hơn nhờ vào sự sẻ chia này. Các chị nhường cho ta từng con cá, miếng canh, từng cái chăn, cái áo… Các chị có thể chờ ta suốt buổi tối sau khi tan học, chỉ để cùng nhau ăn một bữa cơm chứa đựng tình cảm của những người tha phương. Ta như nghẹn lại khi nuốt từng miếng cơm, chưa kịp cảm nhận được mùi vị thức ăn thì đã nghe đăng đắng trong lòng. Bỗng thấy thèm một miếng cá kho bên tô nước cơm to tướng của mâm cơm chiều sum họp. Ở đó có nụ cười của mẹ, ánh mắt của cha và cả những câu chuyện kể ngây ngô về trường, về lớp. Nhiều lúc, nước mắt nghẹn cả hột cơm… Nhớ gia đình, mâm cơm ở quê chiều nay hình như thiếu đi vị mặn.
Mới hay, những bữa cơm chiều đâu phải đơn giản chỉ là chuyện ăn để no như một quy luật tất yếu thông thường. Ở đó còn chứa đựng biết bao cử chỉ quan tâm chăm sóc, là nơi cho ta cảm giác sum vầy ấm áp yêu thương sau một ngày tất bật với nhiều nỗi lo toan.
4. Nhớ mâm cơm chiều những ngày có anh bên cạnh. Mỗi cuối tuần, ta và anh lại cùng nhau đi chợ, cùng nhau nấu mâm cơm chiều. Đôi khi chỉ để rủ thêm 5 anh bạn cùng phòng, 3 cô bạn cùng quê hâm nóng lại gian bếp nguội lạnh sau những ngày cơm hàng cháo chợ. Bận rộn với những thứ mà người ta quen gọi là cuộc sống, quen gọi là xô bồ, quen gọi là ồn ào… trở về với mâm cơm cuối tuần. Thấy thân thương, gắn bó biết bao. Những dự định, kế hoạch, hoài bão, ước mơ như được chắp thêm đôi cánh bằng những lời động viên chân thành, những chia sẻ sâu sắc. Những khi cô đơn tự nhiên thèm đến run người một cảm giác gần gũi ấm áp từ những người thân yêu - nhất là những khoảng lặng cuối ngày, đối diện với bữa cơm chiều chông chênh..
Dân, người bạn thân của tôi từ thời học trung học, mấy chục năm ở nước ngoài đến giờ mới “chịu” về thăm quê cha đất tổ. Muốn mời bạn một bữa cơm gia đình cho thân tình thay vì mời ăn ở nhà hàng, nên hỏi bạn “nhớ” món ăn gì của Việt Nam mà lâu nay chưa có dịp “gặp” lại, bạn cũng thân tình trả lời: “Trong bảng thực đơn hưởng thụ của mình chỉ còn thiếu một miếng cơm cháy quê nhà, mà cơm cháy nấu bằng nồi đồng mới đúng điệu”. Ôi, cái thèm của bạn hết sức chân thành, hết sức khiêm tốn, hết sức dễ thương nhưng nghĩ lại thì hết sức khó thực hiện, vì thời buổi này tìm đâu ra chiếc nồi đồng để nấu cơm cháy đãi bạn, mà dẫu có đến nhà hàng thì cũng chỉ là “cơm niêu Việt Nam” !
Ngày xưa, cái thời nấu cơm bằng nồi đất rồi đến nồi đồng, cơm cháy là miếng ăn vương giả của con nhà nghèo, của những người thiếu ăn. Đong gạo đổ vào nồi - buổi trưa chỉ đủ cho cả gia đình ăn, buổi chiều dư ra một chút cho phần cơm nguội sáng mai, vo bằng nước giếng, canh sao mực nước trong nồi vừa đủ chín cơm, không khô, không nhão. Nhen lửa củi, bắt lên bếp. Khi chụm lửa cho cơm sôi phải chọn que củi cho than lâu tàn để khi cơm cạn, bươi tro, than ra, vần xuống bếp để than đủ nóng làm cho cơm vừa cháy dưới đáy nồi. Phải nhớ vần nồi và xới đều cơm cho cơm nở và chín đều quanh nồi. Thêm một chi tiết nữa là khi cơm cạn, từ trên đầu ba ông táo đất vần xuống tro than, nhớ đậy một miếng lá chuối tươi giữa miệng nồi và vung để giữ kín hơi nóng làm cho cơm mau chín. Đó là tiến trình nấu một nồi cơm nồi đất hay nồi đồng mà mẹ tôi dạy khi tôi mới 12 tuổi, bởi vì là anh cả trong gia đình, phải lo chuyện nấu cơm trưa trong khi cha mẹ đi làm chưa về để anh em ăn kịp giờ đi học.
Chuyện nấu cơm nghe đơn giản như vậy, nhưng hoàn cảnh nghèo khó đã tạo cho tôi một ý thức trách nhiệm, một tình cảm sâu xa gắn bó với nồi cơm khi nấu. Nếu ham chơi trong khi nồi cơm đang nằm trên bếp, lửa tắt không biết, cơm sôi không hay, thì cơm sẽ sống, sẽ khê, sẽ nhão hoặc trên sống, dưới khê, bốn bề nhão nhoẹt. (Mà đã có lần như thế). Cha mẹ sẽ không có bữa cơm ngon hay đầy đủ khi đi làm thuê, gặt mướn về, có khi hai người phải nhường hết cho con cái ăn, các em sẽ ăn không được no, vì phần gạo bữa nào ra bữa đó. Sung sướng nhất là mỗi khi nấu được một nồi cơm hoàn hảo, có một dề cơm cháy dưới đáy nồi. Mỗi lần nhấc nồi cơm ra khỏi bếp, theo lời mẹ dạy, nhúng đáy nồi vào chậu nước lạnh để nếu có cơm cháy thì dễ lấy ra. Trưa nào cha mẹ về trễ, bới để phần cho hai người xong, anh em quây quần bên mâm cơm, đứa nào cũng muốn có được một miếng cơm cháy. Cơm cháy ngon nhất là cơm nấu bằng gạo lúa mới, gạo tẻ, gạo tám thơm đầu mùa. Hạt cơm vàng ngậy dính kết nhau thành một dề lớn, thơm nức mũi, chỉ nhìn thấy đã thèm chảy nước miếng. Đó là vàng, là phần thưởng của con nhà nghèo, của những người thiếu ăn. Chỉ cần một miếng, bẻ từng chút một, bỏ vào miệng nhai từ từ để thưởng thức cái hương vị ngọt ngào của đất, của khí trời, của nước, của lửa và của cả mồ hôi nước mắt người nông dân hợp lại rồi tất cả tan dần ra, thấm vào từng tế bào của mình... Ôi sung sướng biết bao ! Cơm cháy còn là quà, là món tráng miệng. Dắt em qua nhà hàng xóm chơi, gặp bữa cơm chiều, bà chủ nhà cho một miếng cơm cháy làm quà. Món quà nhà quê đôi lúc chỉ như vậy thôi, nhưng thương lắm, thân lắm mới cho, nếu không thì người cho sẽ bị mang tiếng là khinh rẻ coi nhà nghèo. Hay ăn cơm vừa xong, mẹ thấy dưới đáy nồi còn ít cơm cháy bèn vắt cho mỗi đứa một dúm để ăn... tráng miệng. Mừng lắm, sướng lắm.
Nhớ thời còn nhỏ, nhà bên cạnh mua cơm khô, cơm cháy về nấu cháo cho heo. Họ trải ra phơi ba bốn nia trước sân cho khỏi ẩm mốc. Thằng con bà chủ nhà cùng trang lứa, có lẽ chưa bao giờ được ăn cơm cháy nên thèm, bèn “thó” mấy miếng lận trong lưng quần, rủ nhau chạy ra vườn, núp sau bụi chuối, chia nhau ăn một cách ngon lành như ăn bánh cốm. Nghĩ cũng tức cười, con người luôn luôn thèm muốn những gì họ thiếu. Thằng bạn kể, trong tù anh nào có được một miếng cơm cháy là “cha thiên hạ” rồi, phải dấu mọi người mà ăn, tin tưởng nhau lắm và có cảm tình lắm mới chia cho một chút.
Có ai ngờ miếng ăn nghèo bây giờ lại “đổi đời”, lên ngôi. Chắc chắn khi tôi nói với mẹ tôi, người đã 80 tuổi, về điều này, bà không thể tin được. Nhưng nó cũng giống như chuyện bà mẹ quê đâu ngờ rằng bây giờ mình cầm ống “alô” nói chuyện với với con cháu ở cách xa đến mấy trăm, mấy chục ngàn cây số. Không chút mặc cảm tự ti mà còn tự tin và hãnh diện, cơm cháy ngồi cùng chiếu mang cái tên là “Menu” bên cạnh những món ăn Âu Á đắt tiền trong các nhà hàng sang trọng ở thành phố này và trên đất nước này. Cùng một “giai cấp” với nó còn có rau muống luộc, cá cơm khô, cà dái dê (cà tím) nướng than... (Còn món gì nữa không biết, vì tôi không thuộc tầng lớp khách thường xuyên của các nhà hàng).
Nói về rau muống, tôi nhớ không lầm, trước 1954, người miền Nam không biết ăn rau muống, thật sai lầm khi họ dùng rau muống cho heo ăn. Sau 1954 người miền Bắc vào miền Nam mới “du nhập” rau muống vào bữa cơm đạm bạc của người miền Nam. Rau muống sống, rau muống luộc lấy nước bỏ ít bột ngọt, muối, vắt chanh làm canh, sang một chút thì rau muống chiên tỏi, nhà nghèo quá thì rau muống chiên dầu phộng, rau muống nấu canh với một ít tóp mỡ và mắm muối. Rồi qua gần nửa thế kỷ, đột nhiên vì nhu cầu của những người ớn thịt cá đến “tận cổ họng” nó nghiễm nhiên nhảy lên bàn ăn có trải khăn trắng, có khăn lạnh lau mặt và có người phục vụ. Một đĩa rau muống luộc chỉ vừa bữa ăn cho một người, mười ngàn đồng, số tiền đủ cho một người lao động nghèo ăn hai bữa cơm bình dân trong ngày. Còn cá cơm khô, món trân châu ở miền quê hẻo lánh hay trên rẻo cao của con nhà nghèo rớt mồng tơi trong mùa mưa lũ, bây giờ được “nâng cấp” tẩm bột chiên bơ dành cho khách “sộp”. Nói đến mấy món ăn của nhà nghèo mới nhớ câu chuyện bà hàng xóm mắng đứa con biếng học: “Mày không chịu chăm chỉ học hành, sau này chẳng ra gì, đừng hòng có món ngon vật lạ mà ăn, chỉ ăn đầu tôm xương cá thôi con ạ”. Thằng con trả lời tỉnh bơ: “Má lạc hậu quá, xương cá bây giờ người ta đã đưa lên hàng ‘công nghệ thực phẩm’, bán đầy trong siêu thị, xuất khẩu sang tận Mỹ đó.” Thằng nhỏ nói đúng. Gia đình người chị vợ bên Mỹ “meo” về dặn Tết này đừng gởi quà gì bên này qua hết, nếu tiện gởi cho vài gói xương cá tẩm vì “mấy đứa nhỏ” (sinh tại Mỹ) rất thích. Nếu thế thì không chừng cơm cháy cũng có ngày độc chiếm thị trường Mỹ, vì Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ đã có hiệu lực rồi mà. Hiện nay đã thấy xuất hiện cơm cháy bỏ bao, cơm cháy chiên bán trên xe đẩy ngoài đường phố, cơm cháy trong nhà hàng. Và biết đâu khi qua được đất Mỹ cơm cháy sẽ đánh bạt món bắp rang bơ mà thế hệ trẻ của Mỹ rất khoái ăn mọi lúc mọi nơi.
Tôi biết bạn tôi thời nhỏ cũng từng khốn khổ, cũng giống như tôi, nên trong máu thịt và trong tâm thức vẫn tiềm ẩn hương vị thơm ngon của miếng cơm cháy nấu bằng nồi đồng. Nó giống như một hạt giống đã vượt qua bao thời gian, bao không gian, bao thăng trầm, bao thương nhớ để chờ dịp nẩy mầm. Bây giờ gặp lại hương đất, khí trời thân thuộc, chỉ còn thiếu nước và lửa....
Và điều quan trọng là chiếc nồi đồng.
Thương quí bạn, muốn bạn được thỏa lòng thưởng thức một miếng cơm cháy nấu bằng nồi đồng chớ không phải niêu đất, cho trọn vẹn chuyến về thăm quê hương, tôi âm thầm đi tìm chiếc nồi đồng như đi tìm một người thân yêu mà mình vô tình bỏ rơi kể từ ngày có chiếc nồi nhôm thay thế. Trong thời gian bạn còn ở lại thành phố, cuộc tìm kiếm của tôi như bóng tối cuối đường hầm. Khi tiễn bạn về quê thăm bà con, tôi hứa sẽ tiếp tục đi tìm nó cho đến bữa cơm cuối cùng đãi bạn trước khi lên máy bay rời tổ quốc.
Và rồi chiếc nồi đồng ngày xưa đã tìm thấy. Nhưng người tìm ra nó không phải là tôi mà chính là bạn tôi. Từ quê lên, bạn đưa cho tôi chiếc nồi đồng nấu đủ bữa cho một trai cày ăn mà ở quê gọi là nồi một. Bạn cho biết chiếc nồi này có từ đời ông cố của bạn, nghĩa là hơn trăm năm. Nó chỉ dành để nấu cơm trắng cho mỗi mình cụ. Mỗi bữa ăn, cụ ăn phần cơm nạc, còn cơm cháy thì cháu chắt trong nhà được hưởng, trong đó có bạn. Tôi nói: “Như vậy nó là vật gia bảo!”. “Ừ, đối với mình, với cậu thì nó là vật gia bảo, nhưng cậu biết, bà con mình ở dưới quê có ai nghĩ như vậy đâu. Mình không biết nó đã lăn lóc qua bao nhiêu tay người, bao nhiêu dàn bếp, cuối cùng nó thầm lặng nằm trong xó bếp nhà cô Hai mình. Mình đã được thưởng thức lại miếng cơm cháy nồi đồng chấm với nước mắm ớt tỏi chanh đường từ chiếc nồi đồng quí giá, ngon tuyệt vời! Và nhờ nó mà mình hưởng được một cái Tết đầy ý nghĩa khi về lại quê nhà”.
Bạn đã trao cho tôi chiếc nồi đồng không có vung nhờ giữ như một kỷ vật để lần sau bạn về tôi có dịp “trổ tài” nấu cơm cháy đãi bạn. Tôi hỏi sao bạn không mang nó về bên kia? Bạn trả lời có một vài lý do mà không nói rõ lý do gì. Tôi vui vẻ nhận giữ chiếc nồi đồng theo mong muốn của bạn, với hy vọng có dịp hai đứa sẽ ngồi bên nhau cùng thưởng thức một miếng cơm cháy nồi đồng.
Thời sinh viên, tôi vẫn thường thả bộ ngang qua khu nhà ở của cán bộ giáo viên nơi con hẻm nhỏ gần trường, trong những buổi chiều chập choạng, nhá nhem… Ở đó tôi có thể nghe tiếng giỡn hớt, cãi nhau của bầy con nít; tiếng người lớn gọi trẻ con í ới; tiếng dầu mỡ rán xèo xèo trên bếp; tiếng chén bát khua rộn ràng… Thanh âm sống động bên trong những ô cửa vừa sáng đèn đó như níu lấy tôi, dắt tôi về với những bữa tối êm đềm trong căn nhà nhỏ của mình ở một vùng quê thanh bình, nơi có ngọn đèn dầu vàng vọt, mờ ảo nhưng vô cùng ấm áp …
Ký ức về bữa cơm gia đình trong tôi thường gắn với ngọn đèn dầu leo lét ấy. Những buổi tối nhiều gió, lá chuối bay phần phật, cọ nhau xao xác sau nhà, gió lùa qua khe vách chực chờ thổi tắt ánh đèn leo lét, mẹ tôi khéo léo cuộn một tờ giấy để nối dài thêm bóng đèn che chắn gió… Và những buổi tối sau cơn mưa bất chợt đầu mùa, đàn mối bay rợp vào nhà, vây quanh ánh đèn vàng vọt, cây đèn dầu lại được đặt giữa một cái chậu xâm xấp nước, cách xa bàn ăn, đàn cá dưới ao nhà được hứa hẹn một bữa tiệc mối linh đình… Bữa tối diễn ra trong ánh sáng lờ mờ nhưng không vì thế mà kém phần ấm áp…
Không biết do ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn dầu hay vì cái dạ dày trẻ con dễ tính mà bữa cơm gia đình ngày ấy với tôi lúc nào cũng thật ngon lành, dù mâm cơm nhà nghèo nhiều khi chỉ có tô canh rau đay nấu xuông, trái trứng luộc dầm tan trong nước mắm… và đôi đũa của mẹ thường vấp trên miệng chén những khi chúng tôi cạo vét đáy nồi…
Bữa sáng của chúng tôi ngày ấy thường đơn giản, qua loa cho kịp giờ đến lớp; bữa trưa thường vắng lạnh do ba mẹ đi làm đồng xa không kịp về; chỉ bữa cơm tối là đoàn tụ, quây quần… Có phải vì vậy mà nỗi nhớ nhà, nhớ bữa cơm sum họp cứ cuộn lên trong tôi những lúc nhá nhem?
Bao buổi nhá nhem đã qua từ khi tôi bệu bạo tập nhai cho tới khi biết so đôi đũa cho ngay ngắn? Và bao bữa nhá nhem nữa đã qua từ khi tôi mè nheo về chuyện bông hoa vẽ trên chén của mình hổng đẹp bằng bông hoa trên chén của chị cho đến khi biết ngượng ngùng kể với mẹ về anh chàng hay đi theo sau mình những buổi tan trường? Một bữa lơ ngơ bấm ngón tay tính thử, thấy mình lạc trong một rừng con số, mới hay mình đã từng có thiệt nhiều những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc. Vậy mà chỉ khi rời xa không gian ấm áp ấy tôi mới kịp nhận ra…
Thì trẻ con ngày ấy vốn ngây thơ, nên chúng tôi dễ dàng tin rằng người lớn hay nhạt miệng khi thấy ba mẹ thích nhìn những đôi môi bóng mỡ của chúng tôi hơn là gắp cho mình một miếng thịt luộc trắng hồng; cũng như người lớn ngày nay thường tất bật nên đôi khi quên rằng trẻ con cần không khí bữa cơm gia đình ấm cúng hơn là những bữa ăn thịnh soạn mà lạnh buồn…
Biết bao đám tiệc linh đình đã trôi tuột khỏi ký ức chật chội của tôi không tăm tích; nhưng những bữa cơm đơn sơ mà ấm áp vẫn đọng lại, đằm sâu trong tôi, chỉ chờ đến buổi nhá nhem lại cuộn lên như những đợt sóng ngầm, ngọt ngào mà da diết…
Nhớ những năm ở Ký túc xá, có lần cả phòng đứa nào cũng hết tiền bèn chế ra một món ăn rất hay: nước trà trộn cơm suông, cứ thế mà cũng qua được những ngày khó. Sau này đọc Teppi, thấy Ichi quá đỗi ngạc nhiên khi nhìn anh chàng siêu quậy ngồi trộn bát cơm với thịt, trứng…rồi chan nước trà vào ăn ngon lành. Tui cũng ngạc nhiên giống Ichi vì nhớ lại những ngày sinh viên của mình, nhưng rồi mới biết món của tụi tui là nghèo quá làm càn chứ món người ta là cả một nghệ thuật. Giờ thì sướng rồi, nhưng ăn món này vẫn thấy không bằng chén cơm trộn nước trà ngày xưa với đám bạn…
Cơm trà xanh được gọi là Ochazuke (hoặc chazuke) - ocha là nước trà mọi người vẫn hay uống. Ở Nhật, Ochazuke được xem là món cơm trộn dễ làm và rất được yêu thích. Ochazuke được dùng trong các bữa trưa hay khi người ta có ít thời gian để chuẩn bị. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc và một số vùng khác cũng có thói quen ăn cơm chan với nước trà nhưng thành phần cơm trộn của họ cũng khác với Nhật Bản. Ochazuke gồm cơm nóng – rong biển – lát cá hồi – thịt lợn – mơ muối – một số hải sản sống như mực, trứng cá…wasabi và một bình nước trà xanh nóng. Nước trà dùng trong Ochazuke không phải là các loại trà nhiều hương vị mà chỉ đơn giản là trà xanh thôi, như vậy mới không làm mất đi vị của các thành phần trong món cơm trộn.
Thỉnh thoảng lại ăn được nhiều món …vui quá
Đắng lòng bữa cơm học sinh nghèo vùng cao( 16/12/2011 09:39:49 )
(Thời đại) Chỗ ăn ngủ đơn sơ, thiếu nước sinh hoạt, hàng ngày chỉ ăn cơm với mấy củ khoai thái mỏng, rau vườn tự trồng và hiếm hoi lắm mới có bữa cơm thịt, cá...Cuộc sống của các em học sinh vùng caonơi đây vẫn còn thiếu thốn trăm bề.
Mơ ước nhỏ nhoi!
Chúng tôi đến thăm khu ở nội trú của các em học sinh trường THCS Phúc Sơn (Chiêm Hóa – Tuyên Quang) vào lúc trời đã chạng vạng tối. Tiết trời mùa đông rét buốt, từng cơn gió lạnh thổi khiến mọi người thấy rùng mình. Dãy nhà nội trú đơn sơ, cũ kỹ được bao bọc bởi bốn bức tường trộn lẫn bùn đất, mái ngói rong rêu, bám đầy bụi của thời gian. Trong mỗi phòng ở ngăn đôi thành 2 phòng, phòng ngoài để các em nấu cơm, phòng trong kê 4 chiếc giường tầng bằng sắt. Mỗi phòng có 8 em, ra vào cứ “nhung nhúc”. Mà gọi là phòng chứ thật ra nó được ngăn cách bởi một bức tường đất hay mảnh cói, căn phòng nhỏ chứa thập cẩm đủ thứ từ quần áo, sách vở, tới nồi niêu xoong chảo... Vào mùa hè thì nóng như đổ lửa, còn mùa đông thì rét buốt. Em La thị Ánh( học sinh lớp 9B- dân tộc Dao) cho biết: “ở đây mùa hè nóng quá bọn em toàn phải ra vườn ngồi nhất là vào lúc nấu cơm, còn vào mùa đông gió rét thì đốt lửa sưởi trong phòng luôn. Mùa đông thích hơn mùa hè”.
5h chiều trong các phòng ở đã nghi ngút khói, đó là lúc các em nhóm lửa nấu bữa cơm tối. Ghé vào thăm gian bếp một phòng, chỉ thấy mấy hòn gạch được dựng tạm thành bếp, chạn bát treo lủng lẳng mắm muối ngổn ngang. Mấy em học sinh mặt mũi thì lấm lem, áo quần lếch thếch, chụm đầu vào thổi bếp. Bên cạnh là mấy chiếc nồi đen nhẻm bé tí tẹo trong nồi có mấy củ khoai sống thái mỏng, một nồi cơm nguội ăn dở từ trưa, vài con cá khô rang cháy, mấy ngọn rau cải vừa hái ở vườn về. Em Quang Văn Chiêm(HS lớp 7B) vừa thổi bếp vừa nói: “ hôm nay bữa cơm bọn em được cải thiện, nhà gửi lên cho ít cá khô. Bình thường toàn ăn cơm với rau xào thôi”
Nhìn bữa cơm đạm bạc của các em mà cổ họng chúng tôi nghẹn đắng. Có lên đây, được tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu được hết sự nghèo đói, vất vả đang bủa vây các em học sinh nghèo. Hành trình tìm đến con chữ của những em nhỏ nơi đây đã vốn gian nan, nhưng sự thiếu thốn về điều kiện sống còn khiến chúng ta phải xót xa nhiều.Khi được hỏi về mức chi phí sinh hoạt ở tại trường, em Lý thị Duy ( Dân tộc Dao- học sinh lớp 7B) buồn bã tâm sự: “ Nhà bọn em cách trường 15 km, các bạn ở nội trú chủ yếu là dân tộc Dao ở trong thôn Biến, đường đi học gập ghềnh, sỏi đá nên chúng em ở nội trú tại trường luôn. Hàng ngày đi học về, chúng em tự nấu cơm ăn với nhau, nhà nghèo bố mẹ cho 30 nghìn tiền ăn mỗi tuần. Thỉnh thoảng có bữa cải thiện được ăn cơm với thịt, trứng không thì toàn ăn khoai luộc, cơm rau thôi. Xót ruột lắm!”
Em Bàn thị Huyền( học sinh lớp 8b, Dân tộc Dao)cho biết thêm: “ Lâu lắm rồi bọn em không được ăn thịt, cũng thèm lắm. Về nhà, bố mẹ cũng không có mà ăn nên chẳng dám đòi. Có tuần mẹ cho tiền ăn, có tuần không có. Nên có gì ăn nấy thôi. Nhưng vì muốn được đi học. Khổ mấy bọn em cũng chịu được!”
Chúng tôi rời khỏi khu nội trú khi bữa cơm của các em bắt đầu. Bữa cơm đạm bạc đơn sơ nhưng vẫn tíu tít tiếng nói cười. Hạnh phúc của các em chỉ nhỏ nhoi đơn sơ đến vậy thôi. Nhưng biết đến bao giờ nó mới đầy đủ tròn vẹn
Nhà nghèo lại nhiều miệng ăn, bữa ăn thường chỉ có một trứng hột vịt luộc duy nhất xắt làm tám, đĩa rau luộc và chén nước tương dầm ớt. Anh em nhường qua nhường lại ăn mãi vẫn không hết một trứng vịt…
Tôi sinh ra và lớn lên trên một vùng quê sông nước, mùa nắng đất nứt nẻ, mùa mưa lầy lội. Cha đi cách mạng, má một nách 5 con nhỏ, trong căn nhà nhỏ ọp ẹp bên bờ một nhánh sông Vàm Cỏ.
Khi anh em tôi còn quá nhỏ, má không thể đi làm xa. Nhà nghèo lại nhiều miệng ăn, bữa ăn thường chỉ có một trứng hột vịt luộc duy nhất xắt làm tám, đĩa rau luộc và chén nước tương dầm ớt. Anh em nhường qua nhường lại ăn mãi vẫn không hết một trứng vịt. Mùa lũ tôm cá đổ về, má cùng anh em tôi đi lưới cá. Cá trê, cá lóc, cá lăng má đem ra chợ bán đổi gạo, còn cá nhỏ bằng ngón tay, cá rô, cá sặc, cá linh, má làm mắm ăn dần. Sau mùa lũ, cây cối chết hết, thường gia đình tôi chỉ ăn 2 món, mắm và đĩa rau luộc, vài trái ới hiểm hườm chín vậy mà… má ngồi bên nồi cơm xúc muốn mỏi tay. Hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc nhưng thật ấm áp!
Tháng mười một tháng chạp ta, gió chướng thổi về, cây so đũa sau nhà bắt đầu trổ trắng bông, gia đình tôi quây quần bên nồi canh chua bông so đũa bốc khói nấu với cá chốt, có cặp trứng vàng ló ra ngoài bụng cá, hương thơm ngào ngạt. Canh má nêm ớt xắt khoanh, rau om, ngò gai xắt nhuyễn ăn với nước mắm trong dầm ớt đỏ, kèm theo một món mặn thường là tép ram hay cá rô kho tộ, anh em tôi ăn liền năm chén, vét láng sạch nồi kêu kôm kôm, mà vẫn còn thấy đói…
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro