Chương 8


Tôi nhìn vào gương, ngoại trừ một vết xước ở gần khoé miệng thì không có vấn đề gì cả. Lưng và hông đau nhức một cách khó chịu, trong khi vai thì gần như không thể nhấc lên được. Tôi mặc áo vào, Kazakhya đang soạn lại sách một lần nữa, tôi nói: "Sau giờ học, chúng ta sẽ đến phòng khám và mua mắt kính khác."

Kazakhya gật đầu, sau đó hỏi tôi: "Vết sưng trên mặt em nhìn có rõ không?"

"Không đâu." Tôi nhìn và nói.

Cha tôi đã chuẩn bị bánh Pirozhki, ngũ cốc kiều mạch và sữa. Hôm qua tôi chỉ ăn bánh kếp vào buổi trưa, uống sữa rồi ngủ đến ngày hôm sau, khi thức dậy, tôi hoa mắt và đói cồn cào. Vì thế, tôi đã ăn ngấu nghiến như thể vừa bị bỏ đói một tuần. Tôi ngừng lại khi phát hiện ánh mắt của cha đang nhìn mình, tuy nhiên ông chẳng nói gì cả, còn tôi lập tức cúi đầu xuống.

Cha tôi lớn lên trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc cũ ở Alexandrovskoye. Sau thế chiến thứ nhất, ông nội tôi, một đại tá trong quân đội Sa Hoàng, chấp nhận tình hình của đế quốc và nhanh chóng đứng về phe những người Bolsevik. Tuy nhiên ông vẫn luôn được giáo dục nghiêm khắc với tư cách là hậu duệ của một gia tộc danh giá, không phải là những người Bolsevik thô kệch, mù chữ hay làm việc tay chân.

Đó là lý do cha tôi tham gia hàng ngũ Hồng quân, nhưng lại có vẻ không ưa những sĩ quan xuất thân từ tầng lớp lao động lắm. Ông không thích việc tôi chơi cùng những người bạn có cha mẹ là công nhân như Irantsy, thường phàn nàn rằng họ sẽ làm tôi hư hỏng. Tôi tự hỏi làm thế nào mà cha lại kết hôn với mẹ tôi khi bà là con của một thợ mộc. Chắc là vì ít nhất thì bà có học thức. Tư tưởng đó hơi vô lý và quá chủ nghĩa cá nhân, vậy mà ông luôn tự hào mình là người cộng sản.

Chúng tôi phải học cách hành xử mà cha tôi nói rằng đó là cách hành xử của người có học. Không được chơi đùa lăn lộn trên mặt đất làm bẩn quần áo, không được nói chuyện khi ăn, tóc không được để rối khi ra ngoài vì trông giống mấy đứa trẻ vừa chui từ mỏ than ra. Và không được ăn hấp tấp. Điều đó khiến chúng tôi khó chịu vì đã quen với lối sống của Tbilisi. Ngược lại, Ukrashka thích điều đó, đơn giản vì nó muốn khiến mình thượng đẳng hơn người khác.

Tôi ghét việc này, thật giả tạo, tất cả chỉ là cố tạo vẻ bề ngoài tốt đẹp. Việc uống vodka say khướt, đập vỡ những chai rượu xuống sàn và lật tung mọi thứ, chửi mắng bằng những từ tục tĩu có liên quan đến nâng cao giá trị và danh dự không?

Chúng tôi không nói một câu nào trong suốt bữa sáng, mọi thứ im ắng, âm thanh duy nhất là tiếng nhạc jazz của nhà Brit. Khi cha tôi lấy khăn lau tay và chuẩn bị đứng dậy, tôi nhỏ giọng nói: "Mắt kính của Kazak vỡ rồi." Cha vẫn không nói gì, tôi hơi siết cái muỗng, thật khó chịu khi phải là người lên tiếng trước, nhưng tiếc là tôi không có tiền. "Chúng con cần tiền để mua cái khác."

"Ừ." Cha tôi đáp.

Sau khi thu dọn đĩa trên bàn ăn và bỏ chúng vào máy rửa bát, tôi đứng cạnh bàn chờ đợi. Cha tôi đứng dậy, đội mũ, ôm và hôn vào má từng người chúng tôi một cách hình thức. Khi ông ấy ôm tôi, cả người tôi run lên, có một cảm giác sợ hãi khó tả nào đó. Tôi chẳng cảm thấy thân mật chút nào mà chỉ cảm thấy cứng nhắc. Làm sao ông ấy có thể tỏ ra bình thường một cách kỳ lạ như vậy sau tất cả những gì đã xảy ra ngày hôm qua nhỉ?

Cha lấy 50 rub đưa cho tôi mà không nói gì cả. Sau đó ông rời khỏi nhà. Tôi nhìn số tiền trên tay và trầm ngâm một lúc lâu. Nhờ hệ thống kinh tế kế hoạch hóa và trợ giá của nhà nước, các dịch vụ y tế và chăm sóc mắt như cắt kính được giữ ở mức giá rất thấp. Mức giá chỉ dao động ở khoảng 10 rub. Vì vậy số tiền này là quá nhiều.

Tôi coi đó là một thoả thuận đình chiến.

...

Sau khi kết thúc buổi học, trong khi Ukrash và Bela về nhà, tôi cùng Kazak đến phòng khám mắt. Bác sĩ Vengri đang khám mắt và nói chuyện với một người đàn ông đến trước, mặc vest và có vẻ lịch lãm. Tôi cùng Kazak ngồi ở ghế chờ, sau khi xong việc, bác sĩ Vengri chú ý đến chúng tôi và hỏi: "Hình như chưa đến lịch thay mắt kính của thằng bé mà."

Tôi trả lời: "Mắt kính cũ của thằng bé bị vỡ rồi ạ."

Bác sĩ Vengri nói với chúng tôi: "Đây là luật sư Bolgar, người vừa trở về từ Kaliningrad." Sau đó cô ấy mỉm cười: "Kazakhya cũng muốn làm luật sư, phải không?"

Kazakhya ngại ngùng gãi đầu mà không trả lời, nhưng thằng bé cũng cười. Trong lúc cô Vengri đo mắt và cắt kính, vị luật sư đột nhiên hỏi tôi: "Các cháu ở gần đây à? Cuộc sống ổn chứ?" Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi này, nhưng vẫn trả lời: "Vâng, chúng cháu ở gần Novy Arbat. Mọi thứ ổn."

Luật sư Bolgar lại hỏi tôi: "Cháu đang sống cùng cha mẹ à?"

"Cháu sống cùng cha."

"Còn mẹ cháu?"

Tôi đưa mắt nhìn hướng khác, trả lời: "Bà ấy mất rồi." Luật sư có chút bất ngờ, ông tỏ vẻ đồng cảm và nói: "Ồ, chú xin lỗi. Vậy cha cháu có thường xuyên làm các cháu bị thương không? Ông ấy đối xử với các cháu tốt chứ?"

Kazakhya nhìn tôi, còn tôi thì vô cùng sửng sốt. Dường như bác sĩ Vengri cũng nhận ra tôi không thoải mái, cô cười nói: "Ôi anh Bolgar, sao lại hỏi những chuyện này thế?"

Tôi nhìn thẳng vào mắt luật sư Bolgar và đáp một cách kiên quyết: "Cha cháu rất tốt. Ông ấy không bao giờ làm chúng cháu bị thương."

Nói đúng hơn là tôi sợ người khác phát hiện ra cuộc sống của mình không tốt. Chắc là tôi đã bị ảnh hưởng một phần bởi cách giáo dục của cha tôi, đó là chúng tôi không thích cảm giác mình thua kém người khác, dù là về mặt tinh thần. Vì vậy, tôi xấu hổ nếu có ai biết rằng tôi phải sống trong bạo hành và dễ rơi nước mắt. Ngoại trừ với chú Cheslov, lần duy nhất tôi cố phá vỡ nỗi sợ mất thể diện này là khi tôi đến đồn cảnh sát. Nhưng cuối cùng họ đã dẫm đạp hi vọng cũng như lòng tin của tôi.

Bác sĩ Vengri đã cắt xong kính mới cho Kazakhya. Tôi trả tiền, lấy kính đeo cho thằng bé, và kéo nó ra khỏi phòng khám thật nhanh. Tôi chẳng muốn ở lại đó thêm một giây nào.

"Chờ đã!"

Tôi dừng lại, khó chịu quay đầu nhìn tay luật sư, giọng nói của tôi hơi gắt gỏng: "Chúng ta không có gì để nói cả. Xin lỗi, cháu đang bận." Kazakhya kéo áo tôi và thì thầm: "Được rồi Rus, đừng như vậy."

Luật sư Bolgar đi thẳng đến trước mặt tôi và Kazak, chăm chú nhìn tôi, ánh mắt khiến cho tôi hơi chột dạ và run. Ông nghiêm túc hỏi tôi: "Chú xin lỗi vì sự nhiều chuyện. Tại sao trên cơ thể em trai cháu có nhiều vết thương thế?" Tôi ngơ ngác nhìn Kazak, tôi chẳng hiểu vì sao ông ấy biết, nhưng trừ vết bầm ở gò má thì không còn gì cả.

Ông giải thích: "Lúc nãy ở phòng khám, chú vô tình nhìn thấy vài vết thương ở tay thằng bé. Chú chỉ đoán thôi. Nếu có chuyện gì không ổn..." Kazakhya liếc nhìn tôi và kéo thấp tay áo xuống. Nhưng luật sư Bolgar chỉ cười và nói: "Trên mặt cháu và thằng bé đều có vết thương. Cháu chắc là mọi chuyện ổn chứ?"

"Chúng cháu chỉ thỉnh thoảng có xích mích thôi." Tôi xoa đầu Kazakhya, che giấu biểu cảm lo lắng của mình một cách ngoạn mục. Kazak cũng phối hợp và nói: "Cảm ơn vì đã quan tâm. Nhưng chúng cháu không có vấn đề gì."

Luật sư Bolgar trầm ngâm, lần này không nhìn tôi mà là nói chuyện với Kazakhya: "Cha các cháu làm gì?" Kazakhya đáp: "Ông ấy làm việc ở NKVD." Thằng bé bổ sung: "Là một sĩ quan." Luật sư 'ồ' lên, rút trong túi áo một tấm thiếp và đưa nó cho Kazak.

"Nếu vậy thì thật tốt. Đây là danh thiếp của chú, nếu sau này cháu quan tâm đến ngành luật, vậy thì hãy liên lạc nhé."

Chúng tôi rời đi, khi tôi nhìn lại thì ông vẫn đứng đó và vẫy tay chào. Bước chân tôi càng trở nên nhanh hơn. Kazakhya nói: "Tại sao chúng ta không nói thật. Có thể điều đó sẽ..." Tôi lập tức đáp: "Đừng tin lời những người đó."

"Đừng tin gì cơ?"

"Ý anh là, họ luôn tỏ ra cao thượng, có ý tốt và muốn giúp đỡ. Nhưng họ chỉ thích thể hiện thôi. Cha là NKVD, nên sẽ chẳng có ai chịu giúp chúng ta cả. Ông ta cũng giống như đám cảnh sát thủ đô."

Kazakhya đút tấm danh thiếp vào túi áo. Tôi hiểu thằng bé đang nghĩ gì, tôi xoa đầu thằng bé và nói: "Tin anh đi, nếu em không muốn tất cả tồi tệ hơn, thì hãy quên cái danh thiếp đi. Và đừng hi vọng vào việc một luật sư nào đó mà em gặp chưa được nửa tiếng sẽ giúp em."

"Mọi chuyện vẫn ổn mà."

_____🌻_____

Mình chỉ viết được ngôi thứ 3 vì cảm giác bao quát, dễ mô tả tâm lý các nhân vật. Mà cũng thích ngôi thứ nhất kiểu như bộ này. Đọc thấy giống mấy cuốn tự truyện như 'Lâu đài thuỷ tinh' của Jeannette Walls, 'Nghề nghiệp của cha' của Sorj Chalandon, 'Thời thơ ấu' của Maxim Gorky mà mình từng đọc nên khá hợp gu. Thấy có nhiều cảm xúc với chiều sâu. (rcm cho ai muốn đọc các tác phẩm văn học về gia đình, cha con.)

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro