Chương 12 (End)


Suốt ba tuần, tôi đã ở Tbilisi. Tôi không muốn mình chỉ biết ngồi không một chỗ hay ăn rồi ngủ, vì vậy tôi đã đến phụ việc ở xưởng mộc của chú Gagra, chồng của dì tôi. Đó là xưởng mộc cũ của ông ngoại. Mọi thứ không dễ dàng chút nào. Sau ba ngày làm việc, tôi về nhà, chui lên gác mái và khóc. Tôi chưa từng làm những công việc này, và không nghĩ rằng nó khó khăn như vậy. Cơ thể tôi sắp vỡ vụn, chú Gagra đã bảo tôi rằng không cần phải cố sức đi làm như vậy đâu. Nhưng điều đó lại làm tôi cảm thấy mình thất bại.

Ngay cả khi tôi đã về Tbilisi, mọi người đều mỉm cười với tôi, không phải sống trong sợ hãi hay bạo lực, nhưng tôi lại bắt đầu cảm thấy khó chịu với một vài vấn đề. Đôi lúc tôi muốn uống vodka nhưng đơn giản là chẳng có phiếu nhận vodka miễn phí nào ở đây cả. Tôi đi bộ đến thư viện trong thị trấn để tìm kiếm sách, nhưng không có nhiều lựa chọn. Cuộc sống ở thủ đô đã khiến tôi quen với những điều kiện vật chất, những thứ không có ở một thị trấn nhỏ miền quê như Tbilisi. Vậy thì, tôi không có tư cách để chỉ trích những lời Ukrashka đã nói. Có thể đối với tôi, quan trọng nhất là sự tự do, nhưng đối với một số người, điều đó không quan trọng bằng một cuộc sống đầy đủ.

Tôi nhớ Kazakhya, Belarusska, và muốn gọi điện hoặc viết thư. Nhưng sĩ diện cùng sự cố chấp không cho phép tôi làm vậy. Dù sao tôi cũng không muốn thoả hiệp và chấp nhận liên lạc với cha. Hàng đêm, khi nằm trên gác mái yên tĩnh, trong một không gian an toàn như vậy, tôi vẫn không thoát khỏi những cơn ác mộng. Mặc dù xương sườn chỉ còn hơi nhức, các vết thương đã lành lại, nhưng tôi vẫn luôn mơ thấy hình ảnh chiếc thắt lưng quân đội có khoá sắt trên tay cha tôi. Tôi thậm chí hét lên khiến bà ngoại phải chạy lên gác mái và hỏi tôi có sao không.

Trời đã khuya, tôi tựa vào cửa sổ gác mái, nhìn những ánh đèn trong thị trấn đang dần tắt đi. Tôi nghĩ về những năm tháng chiến tranh, tôi cùng Ukrashka và Kazakhya đã ngồi ở đây viết thư cho cha. Chúng tôi mong chờ một chiến thắng rạng rỡ của Hồng quân, và chờ đợi cha tôi quay trở lại. Sự yêu thương, quan tâm của bà ngoại và dì vẫn không thể bù đắp những thiếu thốn tình cảm gia đình của chúng tôi. Khi cha tôi không viết thư trả lời trong nhiều tháng, mọi người luôn an ủi nhưng tôi nghĩ rằng cha đã chết rồi, tôi khóc mỗi đêm. Mặt trận như những cối xay, tôi biết những gì phát xít đã làm ở chiến trường châu Âu. Chúng càn quét và chẳng để lại gì, chúng ghét những người thông minh như Do Thái, ghét cộng sản và ghét cả những kẻ yếu.

Khi dì Kolkiya đi tìm tôi và nói: "Ơn Chúa, hãy đi mà xem. Cha cháu đã trở về rồi.", tôi gần như không tin vào tai mình. Đó là khoảnh khắc vỡ oà trong hạnh phúc, bao viễn cảnh tươi đẹp tương lai được vẽ ra trong đầu tôi. Ước gì mọi thứ chỉ dừng lại ở đó và mãi mãi như vậy.

Chẳng ai có thể ngờ rằng, chỉ hai tháng sau khi quay trở lại Moskva, tôi bị đánh suốt một tiếng đồng hồ. Chỉ vì tôi đã chơi và ngủ ở nhà Serbulya đến hôm sau mà không xin phép. Không phải là tôi không thông báo. Chú Yugo đã gọi điện cho cha tôi. Trong khi, Serbulya học cùng lớp và là em họ của tôi. Tôi nghĩ mọi chuyện chẳng có gì nghiêm trọng cả. Nhưng cha tôi cho rằng tôi vô kỷ luật. Trong suốt bốn năm, không có một ai làm như vậy với tôi. Mặc dù tôi không hoàn toàn là đứa trẻ ngoan ngoãn và trầm tính như Kazak, đôi khi có vài trò quậy phá, nhưng bà ngoại và dì chỉ mắng tôi vài lần, thậm chí còn không nghiêm túc. Đó là tối thứ bảy, 11 giờ đêm, thời gian quy định để chúng tôi về phòng và ngủ. Khi tôi định về phòng thì cha đã yêu cầu tôi ở lại. Tôi chỉ ngạc nhiên và không hiểu gì cả. Rồi cha hỏi tôi rằng có cảm thấy việc tuỳ tiện qua đêm ở đâu đó, không về nhà mà không có thoả thuận nào từ trước là vô kỷ luật không. Ông nói rằng tôi cần chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình. Cảm xúc của tôi là lo lắng xen lẫn hồi hộp. Về căn bản, đã lâu rồi tôi chưa bị đánh, lần cuối cùng là năm bảy tuổi, với một cái thước nhựa. Tôi đã tưởng rằng mình có thể chịu được, ít nhất thì tôi không nghĩ đến đó là một cái thắt lưng da.

Tôi khóc khàn tiếng, liên tục xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm, sau một tiếng, tôi phải đứng trong góc mà không được kéo quần lên. Đó là một sự sỉ nhục khủng khiếp, dù có thể chắc chắn rằng sẽ không có ai sẽ bước chân xuống nhà vào lúc này nhưng tôi vẫn lo sợ và khủng hoảng. Tôi tự nhủ rằng nếu cảnh tượng này bị ai nhìn thấy, thì ngày mai tôi sẽ ra sông Moskva và nhảy xuống đó. Tôi đứng đó đến 3 giờ sáng, tới khi được phép về phòng. Tôi không thể ngồi một cách bình thường trong một tuần. Thế giới quan của tôi hoàn toàn sụp đổ, tôi nhớ là tôi chưa bao giờ phẫn nộ đến như vậy trước đây.

Sau đó là một loạt những quy định được đưa ra, tất cả chúng tôi đã sớm nhận ra rằng mọi thứ không như tưởng tượng. Ngay cả đứa nhỏ nhất, và còn là nữ, cũng không tránh khỏi những thắt lưng, tuy nhiên với tần suất ít hơn nhiều, và ít nhất là không đến mức bị sỉ nhục như ba người chúng tôi. Điều này vẫn khó có thể chấp nhận được, tôi đã phải bức bối và kêu lên: "Kẻ tồi tệ đến thế nào mới có thể đánh một bé gái?" Kazakhya nói: "Người Xô Viết." Thằng bé bổ sung: "Người Slav... Trong sách nói rằng trước Cách Mạng Tháng Hai, đế quốc của Sa Hoàng, tổ tiên chúng ta, họ đã luôn như vậy." Tôi nhún vai và nói: "Sau Cách Mạng Tháng Mười, họ vẫn như vậy."

Sau này khi một cuộc Cách mạng hay một biến chuyển nào đó xảy ra, dù thể chế hay chính trị thay đổi thì những thứ ngấm vào máu của đa số người Slav Đông vẫn sẽ như vậy. Nhưng tôi đã lặp đi lặp lại lời quả quyết, sau này tôi sẽ không bao giờ làm thế với những đứa trẻ.

Trong những dòng suy nghĩ miên man và sự lộn xộn của những kí ức, tôi không nhận ra mình đã thức đến sáng. Tiếng gà gáy làm cho tôi sực tỉnh và nhìn ra cửa sổ, hừng đông đang lên. Tôi mệt mỏi đi xuống dưới nhà, bà tôi đã dậy sớm và đang đun sôi sữa bò trong bếp, cùng dì Kolkiya và còn hai đứa em họ của tôi đang chơi ở cửa. Khi bà nhìn thấy tôi, bà đã hỏi: "Ngủ ngon chứ, Rus?"

Tôi gật đầu. Bà lau tay và lấy một bao thư đặt ở cạnh bếp đưa cho tôi: "Họ đã đem đến vào sáng sớm." Tôi nhận lấy và nhìn thấy nơi gửi là Moskva.

Cha tôi đã viết thư cho tôi một lần nữa. Lần này, bức thư dài hơn nhiều. Trong thư, ông đã nói xin lỗi tôi, và khi đó ông chỉ quá nóng giận mà thôi. Tôi không biết cảm xúc của mình là gì, rõ ràng tôi không tức giận, nhưng tôi cũng không vui mừng gì cả, mọi thứ rất mơ hồ và khô khan. Cha nói rằng kì học đã bắt đầu rồi, tôi có thể suy nghĩ về việc quay lại thủ đô và nhanh chóng vào học. Điều mà tôi chú ý là cha tôi thực sự tỏ thái độ muốn hoà giải một cách tích cực, thậm chí nói rằng khi trở về tôi có thể dọn ra ngoài và thuê phòng nếu muốn, sẽ chẳng có ai gây nguy hiểm với tôi.

"Bà đã đọc nó chưa ạ?"

Bà tôi mỉm cười và nói: "Rus, những gì cha cháu nói đều hợp lý. Cháu hiểu mà, có lẽ Tbilisi khá tuyệt nhưng cháu không thuộc về nó." Tôi lắc đầu và nói: "Nó rất phù hợp với cháu." Bà tôi ngồi xuống bên cạnh tôi, ôm lấy tôi và thì thầm: "Việc học ở đây rất khó khăn, khi cháu phải làm các thủ tục chuyển trường, và có lẽ không tốt hơn Moskva. Bà biết rằng cháu đã trải qua một vài chuyện khó khăn, nhưng suy nghĩ về tương lai cũng là một điều quan trọng đấy chàng trai ạ..."

Dì Kolkiya dọn đồ ăn sáng ra bàn, lau tay và xoa đầu tôi: "Dì biết là mọi chuyện không dễ dàng. Russiya yêu dấu, cháu không muốn về nhà với các em sao?"

Tất nhiên là tôi muốn học ở Moskva, tôi đã quen với bạn bè cũng như môi trường học. Và dù thế nào thì sau này tôi vẫn phải học đại học ở Moskva. Hơn nữa, bức thư đã khiến cho tôi lung lay, có lẽ bởi vì từ khi tôi về thủ đô năm 1945 cho đến bây giờ, cha tôi chưa từng nói với tôi những lời như thế này. Sau những tổn thương trong quá khứ, chỉ một chút thoả hiệp như thế này lại làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định về Moskva. Ba ngày sau, vẫn là một mình tôi, trên chuyến tàu hai chặng kéo dài gần hai ngày, tôi ngồi trên tàu và nhìn những cánh đồng trà đen của Tbilisi. Tôi vẫn suy nghĩ về câu nói của bà ngoại, có lẽ nó khá tuyệt nhưng không thuộc về tôi. Đôi khi chúng ta vẽ ra rất nhiều viễn cảnh mà chúng ta tưởng rằng nó hoàn hảo, cho đến khi nhận ra không thể theo đuổi nó.

Khi tôi về đến nhà, tôi chần trừ rất lâu ở ngoài cửa mà không bấm chuông hay gõ cửa. Hôm nay là đầu tuần và có lẽ không có ai ở nhà. Tôi tìm chìa khóa phụ ở sau hòm thư và mở cửa.

Tôi đứng hình, gần như bất động khi đi vào phòng khách và thấy cha tôi ở đó, trên bàn vẫn là chai vodka. Cha dường như cũng bất ngờ trước sự đột ngột này, ông hơi khó xử và tay đan vào nhau. Tôi đã lên tiếng trước, cố tỏ ra bình thường nhất có thể: "Cha không phải đi làm hôm nay à?"

"Ca trực vào buổi tối." Cha tôi đáp.

Chúng tôi lại im lặng và không nhìn vào mắt nhau. Tôi bỏ ba lô và ngồi xuống đối diện cha. Sau một lúc im lặng, tôi nói: "Con quyết định sẽ chuyển ra ngoài. Có lẽ... ở gần đây." Cha tôi chỉ nói: "Được thôi."

"Con sẽ đi tìm phòng chastnyj sektor. Và sẽ dọn đồ sớm thôi." Cha tôi vẫn không nói gì. Lúc này tôi nhận ra ông có vẻ mệt mỏi, và quầng thâm một bên mắt hiện rõ. Tôi đứng dậy và định lên phòng. Đột nhiên cha nói: "Rus... Cha xin lỗi vì đã làm con bị thương. Cha chỉ quá nóng giận thôi." Tôi im lặng một lúc và đáp: "Con chấp nhận lời xin lỗi... Nhưng cha biết mà, thật khó để coi mọi chuyện bình thường như chưa có gì xảy ra."

Tôi nhanh chóng tìm được phòng trong khu vực căn hộ tư nhân, quan trọng là tôi cần một không gian riêng và cho mình thời gian chữa lành tinh thần. Buổi chiều khi cha tôi đã đi làm và lũ trẻ về nhà, tôi xin lỗi Kazakhya vì những điều khó nghe mà tôi đã nói. Khi đó tôi đơn giản là thất vọng sau sự sụp đổ của kế hoạch mà tôi kì vọng, tôi không cố ý làm tổn thương thằng bé. Tôi hứa với Kazak và Bela rằng nếu như có bất cứ chuyện gì quá giới hạn xảy ra lần nữa thì tôi sẽ bảo vệ các em đến cùng và sẽ không để yên mọi chuyện. Ngay cả khi chẳng có ai đứng về phía tôi.

Sau đó tôi quay lại trường học, phải thức khuya để tự học những bài học mà tôi đã bỏ lỡ. Cha tôi giữ lời hứa, cho tôi tiền thuê phòng và bất cứ chi phí gì tôi cần. Thực ra sau thời gian đó, cha tôi đã phải đi công tác xa nhà nhiều và hầu như không ở nhà, nhưng tôi vẫn thích không gian bên ngoài hơn, tôi không muốn nhớ đến bất cứ điều gì làm cho tôi có cảm giác sợ hãi và những thôi thúc tôi từ bỏ mục tiêu của mình. Tôi thích những buổi chiều đi mượn sách ở thư viện, hay đến mượn sách của luật sư Bolgar cho Kazakh, sau đó về phòng, dành cả buổi tối nghiên cứu các cuốn sách lịch sử quân sự và uống vodka. Dù có những tác động tiêu cực, nhưng tôi nhận ra không gì có thể đập vỡ tình yêu và đam mê của tôi đối với quân sự. Tôi nhận ra mình vẫn muốn làm một người lính.

...

Hai năm sau, tôi thi vào Học viện Voroshilov, chuyên ngành Học thuyết quân sự. Trong suốt hai năm cuối trung học, tôi gần như chìm vào trong những cuốn sách, dành hầu hết thời gian trong phòng và sân vận động. Tôi chỉ về nhà để hỏi cha tôi một số tài liệu học thuyết quân sự trong thế chiến, và một số phương pháp luyện tập thể chất. Trải qua quá trình nộp đơn đăng ký, kiểm tra sức khỏe, kỳ thi kiến thức cơ bản khoa học tự nhiên và ngữ văn, và kiểm tra thể lực, tôi đã chịu nhiều áp lực đến mức bị sụt cân và mất ngủ. Cuối cùng là phỏng vấn để đánh giá phẩm chất. Tôi đã nghĩ mình sẽ trượt, bởi vì bài kiểm tra thể lực không được tốt cho lắm. Nhưng cuối cùng tôi đã nhận được giấy báo trúng tuyển.

Khi tôi đang học năm ba đại học, Kazakhya đã đăng ký Học viện Luật Alma-Ata tại Almaty. Cha tôi phản đối và yêu cầu thằng bé đăng ký Học viện Luật Moskva hoặc là Đại học Tổng hợp. Tôi đã khuyên thằng bé đăng ký Alma-Ata theo như những gì nó muốn. Cha tôi biết chuyện và suýt chút nữa đã cho thằng bé một trận. Tôi ngăn cản quyết liệt và lại cãi nhau với cha. Tôi đã hỏi vì sao Ukrashka muốn du học thì ông không hề phản đối? Ông có thái độ bài xích và cực đoan với phương Tây nhưng lại đồng ý chỉ vì sở thích của Ukrashka, vậy thì Kazakhya muốn đến Almaty có gì sai? Almaty thậm chí còn không phải là nước ngoài, nó chỉ xa thôi. Cha tôi đã không nói chuyện với tôi trong nhiều ngày. Nhưng sau cùng, ông không phản đối nữa, và nói với Kazak rằng thằng bé muốn làm gì cũng được.

Quan hệ của tôi và cha vẫn luôn có cảm giác nhạt nhẽo và bình thường như vậy, kể từ bốn năm trước. Tôi cảm thấy vẫn luôn có một bức tường vô hình ở giữa khiến cho tôi không thể tiến lại gần ông hơn. Và chính cha tôi cũng không tỏ ra mặn mà chút nào, cuộc sống cứ diễn ra như vậy, cha bận rộn với công việc, tôi bận rộn với việc học, và mỗi tháng ông ấy vẫn gửi tiền cho tôi.

Năm cuối đại học, Ukrashka đã bay ra nước ngoài theo như đúng nguyện vọng. Khi kỳ nghỉ đông và Giáng Sinh đến gần, tôi đã về nhà ăn tối vì Bela ra sức thuyết phục. Con bé nói rằng nó chỉ có một mình ở nhà và rất buồn. Tôi nói rằng ngày mai Kazak sẽ về đến nhà thôi nên đừng lo. Tối hôm ấy, tôi không về phòng trọ mà ngủ ở nhà.

Tôi đọc sách đến khuya. Hơn 11 giờ nhưng tôi không ngủ được. Dù đã vài lần bỏ sách xuống và tắt đèn nhưng tôi lại phải ngồi dậy. Tôi nghĩ rằng nên uống một chút vodka để dễ ngủ. Từ khi còn nhỏ, mỗi khi tôi đau đầu, nhiệt miệng hay không ngủ được, cha tôi chỉ nói một cách thờ ơ: "Uống vodka đi." Nghe thật là điên rồ, nhưng hình như nó có tác dụng thật, hoặc do cơ thể tôi đã coi vodka là thuốc. Tôi bước xuống cầu thang và ngạc nhiên vì chiếc đèn đứng ở phòng khách vẫn bật. Ánh sáng của nó vàng hơn so với đèn trần.

Tôi ở trên cầu thang, hơi ghé đầu và lẳng lặng nhìn. Cha ngồi ở phòng khách, trước mặt ông là chiếc hộp gỗ luôn được đặt ở ngăn dưới cùng của kệ tủ. Ông lau khẩu súng lục ổ quay cũ đã dùng trong chiến tranh, tỉ mỉ từng chút một, sau đó là những huân chương mà ngày thường nằm im trong tủ. Cha mở chiếc hộp ra, lấy những khung ảnh cũ, cẩn thận lau những mặt kính bám bụi. Tôi không thể nhìn rõ những bức ảnh, nhưng khi cầm một bức ảnh nào đó lên, cha tôi đột nhiên sờ tay lên mắt phải đã mất. Ông hơi cúi đầu, và nói một mình.

"Xin chào, các đồng chí."

"Vì vinh quang của Đảng và nhân dân, vinh quang cho Hồng quân."

"Chúng ta đã thắng."

Tôi đã trở về phòng trong một tâm trạng khó hiểu và không còn muốn uống vodka nữa. Cha tôi chẳng bao giờ như vậy trước đây. Ông luôn có thái độ trịnh thượng và hầu như chỉ nhắc đến những chiến tích của bản thân. Mặc dù có ảnh chụp cùng đồng đội nhưng ông chẳng khi nào nói về họ. Nhiều khi tôi đã nghĩ rằng ông luôn coi thường những người có xuất thân từ giai cấp lao động nên thái độ này không có gì lạ. Tôi bần thần và ngồi như vậy cả đêm. Có lẽ ông ấy không thích một giai cấp nào đó nhưng vẫn luôn công nhận và ghi nhớ đóng góp của họ, có vẻ hơi nghịch lý, nhưng bản thân con người cha tôi vốn đã có nhiều nghịch lý rồi. Và một phần có thể là ông muốn che giấu đi nỗi đau cũng như sự yếu đuối trong mình.

Ngày tôi chuẩn bị tốt nghiệp, cha tôi sắp có một chuyến công tác dài ở một vùng đất khá xa. Ông được cử đến Indokitajskij Poluostrov với vai trò cố vấn pháo binh và tăng thiết giáp. Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ cao cả, chúng tôi có thể giúp đỡ những người đồng chí khác màu da và dòng máu trong cuộc chiến tranh chính nghĩa giành tự do và độc lập.

Tôi biết cha rất bận vì phải chuẩn bị nhiều việc, nhưng sau khi đắn đo rất lâu, tôi đã gọi điện đến văn phòng của ông ở Kremlin và hỏi: "Ngày mai con sẽ nhận bằng tốt nghiệp, và có một bài phát biểu ở trường. Mọi người đều có người giám hộ đến tham dự..." Cha tôi không trả lời, tôi hơi do dự, có phải tôi không nên nói chuyện này không? Ngay khi tôi định nói rằng thực ra cũng không cần thiết lắm, không đến cũng không sao, thì cha tôi hỏi: "Con có muốn cha đến không?"

Tôi nói là có. Tôi rất muốn.

Ở trên bục phát biểu, tôi mặc đồng phục quân đội chính thức, chỉ huy trường quân sự trao cho tôi bằng tốt nghiệp, bằng khen và hoa. Tôi tốt nghiệp loại giỏi với cấp bậc Thiếu uý. Khi huy hiệu cài vào áo, tôi đã nhìn xuống hội trường và tìm kiếm vị trí của cha tôi. Ông vẫn nhìn tôi chăm chú và không có biểu cảm gì. Khi bước lên đọc bài phát biểu, tôi đã hơi run và phải cắn chặt vào môi để bình tĩnh, đoạn đầu tôi phải nhìn giấy, nhưng sau khi lấy lại được tinh thần, tôi không nhìn vào giấy nữa.

"Tôi sinh ra, lớn lên trong cả thời chiến tranh và thời kỳ hoà bình, tôi trải qua những năm tháng bom đạn, một thời kỳ lịch sử đen tối của dân tộc Slav. Tôi may mắn được đứng ở đây nhờ vào máu của Hồng quân đổ xuống trong các chiến dịch bảo vệ Moskva, chiến dịch Leningrad và Stalingrad. Họ đã không lùi bước, họ đã dâng hiến tuổi trẻ và cả trái tim, họ cầm súng và hi sinh để chúng tôi hôm nay cầm bút. Chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã qua, nhưng tôi ở đây để mãi mãi ghi nhớ những gì tổ quốc đã gánh chịu, những gì chúng ta đã mất và những gì tôi phải bảo vệ. Vì vậy, tôi đã trở thành một người lính Hồng quân..."

Tôi ôm chặt bó hoa trong tay, cả những gì mà tôi đã nỗ lực trong bốn năm, như để tiếp thêm sức mạnh: "Cha tôi là một người lính Hồng quân đã chiến đấu tại vòng cung Kursk năm 1943, là một chỉ huy trung đoàn xe tăng IS-2 tiến vào Berlin năm 1945. Ông trở về từ thế chiến cùng những chấn thương thể xác và nỗi đau tinh thần không thể bù đắp. Việc đó đã gây ra một số vấn đề và xáo trộn trong cuộc sống của tôi trước đây. Đôi khi chúng tôi có những mâu thuẫn và bất đồng, nhưng tôi luôn muốn nói với cha rằng, từ khi còn nhỏ cho đến bây giờ, tôi luôn tự hào và ngưỡng mộ về cha, tự hào về chiến thắng của Hồng quân và Tổ quốc vĩ đại."

Tôi lần nữa đưa mắt nhìn cha. Khi mẹ tôi mất, hay khi cha tôi tham dự lễ tưởng niệm ở Quảng Trường Đỏ dành cho những đồng đội cũ đã hi sinh, cha tôi chỉ im lặng và không rơi một giọt nước mắt. Trong ký ức của tôi, từ khi trở về sau thế chiến thứ hai, ông dường như cũng chưa từng rơi nước mắt.

Nhưng hôm nay, cha tôi đã khóc.

___End___

[Soviet Union x Russia]

[Tại đây có đăng tải GIF hoặc video. Hãy cập nhật ứng dụng ngay bây giờ để hiển thị.]


🌻...

Indokitajskij Poluostrov là Indochine trong tiếng Nga. Chính là bán đảo Đông Dương, ở đây là Việt Nam đó. Lúc đầu mình nghĩ là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhưng sau khi tính lại so sánh với mốc thời gian kết thúc thế chiến ở đây, thì nó trùng với giai đoạn chống Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro