Chương 6


Trong suốt cuộc đời của chúng ta, theo một nghĩa đặc biệt, điều quan trọng không phải là việc già hơn, cao quý hơn, dũng cảm hơn hay kém thông minh hơn, mà có lẽ là không có gì nuối tiếc và không cần phải so sánh cuộc đời của mình với bất cứ ai khác. Tôi biết cha tôi đã sống một cuộc đời đầy rẫy những nuối tiếc, ám ảnh, khiếm khuyết, cũng có một giai đoạn hào nhoáng, nó như những ngày có nắng ngắn ngủi thoáng qua giữa chuỗi ngày âm u và lạnh lẽo của Moskva.

Sau tất cả, ông có quyền tự hào về vinh quang chiến thắng, ghi tên mình vào lịch sử vệ quốc vĩ đại. Những gì ông ấy có là một cái tủ kính, trong đó có một khẩu súng lục ổ quay, một hộp các tông chứa 45 viên đạn sản xuất năm 1942, các dải ruy băng in tên chiến dịch cùng nhiều huy hiệu, bằng khen đi kèm với Huân chương quân công. Hay những tấm bưu thiếp lụa tinh xảo của Pháp và vô số đồng xu nước ngoài. Cuối cùng là những khung ảnh, ngày đầu nhập ngũ, lần đầu ra tiền tuyến, tuyết ở mặt trận Rostov, và ảnh chụp cả tiểu đoàn mà trong số đó có đến một nửa không quay về.

Mỗi khi nhìn thấy những dấu ấn về chiến tranh trong khắp căn nhà của mình, tôi lại bắt đầu nhượng bộ và không muốn căm ghét cha tôi. Đôi khi tôi đã bị thuyết phục rằng ông ấy đã làm tất cả mọi việc cho tôi và tôi không có quyền trách móc. Nhưng cảm xúc và suy nghĩ của tôi thường rối loạn, tính cách thay đổi và thỉnh thoảng khóc một cách không rõ nguyên do. Tôi cũng bắt đầu trở nên bạo lực và nóng nảy hơn, tôi vẫn luôn ghi vào trong cuốn sổ của mình rằng, tôi sẽ thay đổi tất cả và không bao giờ giống cha.

Đã có lúc tôi đấm vào mặt Ukrashka vì một trận cãi vã, sau đó khoá mình trong phòng và khóc, dường như tôi không thể ngăn cản sự bạo lực đang tăng lên trong máu của mình.

"Chào buổi tối cả nhà."

Tôi ngạc nhiên vì trong nhà không có chút ánh sáng nào. Belarusska hỏi tôi: "Sao không ai bật đèn vậy?" Tôi nhún vai, mò mẫm trong bóng tối để tìm công tắc đèn phòng khách. "Kazak? Ukrash? Mấy đứa ở đâu thế?"

Tôi chạy lên cầu thang, mở cửa phòng ngủ của Ukrashka. Nó nằm ngửa trên giường đọc tạp chí với một cái máy phát nhạc đang bật. Tôi giật lấy cuốn tạp chí và hỏi: "Gấu nâu cắn mất tai của mày rồi à?" Ukrashka liếc tôi và nói: "Điều anh nên làm là về phòng nhìn xem chuyện gì vừa xảy ra, thay vì ở đây gây sự với em."

Tôi không muốn tranh cãi với Ukrashka. Kể từ khi nó bắt đầu có một đám bạn mới, quan hệ giữa chúng tôi đã tệ đi. Nó thường tranh thủ những ngày cha không ở nhà và qua đêm bên ngoài, tôi không biết nó đi đâu hay làm gì. Khi tôi hỏi theo một cách quan tâm thì nó cho rằng tôi đang gây sự. Tôi và Ukrashka không hợp nhau, nhưng gần đây tôi càng trở nên ghét nó hơn. Nhà của chúng tôi chỉ có bốn phòng ngủ, bắt buộc phải có hai người chung phòng. Khi đó tôi thà rằng phải chung phòng với một đứa lập dị như Kazakhya còn hơn phải thường xuyên nhìn thấy mặt Ukrashka.

Khi mở cửa phòng ngủ, tôi thò tay bật đèn và gọi: "Kazak, em ở đó à?"

Ánh đèn bật sáng, Belarusska kêu lên đầy hốt hoảng: "Ôi!" Còn tôi bàng hoàng nhìn căn phòng lộn xộn và bừa bãi trước mặt. Sách trên kệ rơi lung tung trên sàn, ly thuỷ tinh vỡ, chiếc ghế ba chân lăn lóc. Tôi nhìn những tờ giấy nhàu nát vương vãi khắp nơi, trong khi Belarusska chạy vào trong.

Kazakhya ngồi dưới sàn, ở khoảng trống giữa giường của chúng tôi và chiếc bàn. Thằng bé đang xoay mặt về hướng cửa sổ, và không quay đầu nhìn tôi. Khi nhặt những tờ giấy trên sàn và mở ra xem, tôi nhận ra đó là những trang giấy từ cuốn kinh Quran của thằng bé, trực giác cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi ngồi xuống, đưa tay và xoay mặt Kazakhya nhìn đối diện mình, gò má của nó sưng tấy, mắt đỏ hoe và mũi chảy máu. Bên cạnh, ngay dưới sàn là một chiếc kính bị gãy gọng và mắt kính đã vỡ.

Tôi thốt lên: "Chúa ơi, chuyện quái gì đã xảy ra với em vậy?"

Tôi kéo tay Kazakhya kiểm tra và sửng sốt khi thấy những vết bầm tím. Belarusska che miệng và nhìn tôi. Cả hai chúng tôi chắc hẳn đều đang suy nghĩ giống nhau.

"Ông ấy biết em đọc kinh Quran phải không?"

Kazakhya thẫn thờ, ôm chầm lấy tôi và bắt đầu khóc một cách nức nở: "Hình như ông ấy đã uống nhiều rượu... ông ấy nói rằng em là một kẻ mê tín cực đoan, em đọc những thứ man rợ và chúng sẽ sớm phá hủy đất nước." Tôi xoa đầu Kazakhya và nói: "Không phải đâu, ông ấy mới là một kẻ cực đoan."

"Anh xin lỗi."

"Không, Rus..."

"Anh xin lỗi vì tất cả, Kazak."

Tôi gần như không kiềm chế được và suýt khóc nấc lên. Cảm giác sợ hãi và rối tung bủa vây. Tôi không thể chịu đựng được việc em trai tôi đang ngồi ở đây, có hàng chục vết thương trên cơ thể, với một gương mặt sưng tấy và đôi mắt vô hồn. Dù cho thằng bé lập dị đến mức nào, dù cuốn sách mà nó đọc là Quran hay việc nó khác biệt với tôi, thì Kazakhya vẫn là một đứa trẻ tốt nhất mà tôi từng biết. Không bao giờ gây sự hay lớn tiếng với bất kỳ người nào, thằng bé học quá giỏi và chẳng có ai than phiền về nó. Thằng bé không đáng phải chịu đựng những chuyện này.

Tôi nhớ đến vết thương sâu ở mu bàn tay tôi do khoá sắt của thắt lưng da gây ra. Vết bầm trên trán của Belarusska do bị cuốn sách dày cộp ném trúng. Những ngày cha tôi say xỉn, túm lấy chúng tôi và ấn xuống bàn, chẳng vì lý do gì cả, đôi khi là vì một chuyện nhỏ nào đó mà ông đột nhiên nhớ ra.

Kazakhya hơi cúi đầu và cởi áo ra, "Giúp em với." Belarusska hỏi: "Chúng ta không đến trạm xá à?"

Tôi đi lấy bông và thuốc có sẵn, những việc này tôi đã làm hàng trăm lần và sớm đã thành thạo. Tôi nói: "Nếu ngày mai không khá hơn, chúng ta sẽ đến trạm xá." Bela hỏi tôi với bộ dạng đầy lo lắng: "Cha sẽ không về nhà chứ?"

Tôi lắc đầu: "Anh không biết."

Trong lúc tôi giúp Kazak, Bela đã đứng dậy và thu dọn đống lộn xộn. Tôi đứng dậy sau khi xong việc, đi ra khỏi phòng thật nhanh. Có gì đó thôi thúc tôi, có lẽ là nỗi sợ và giận dữ. Tôi muốn cha tôi lại bình thường và mẫu mực, giống như cách những người ngoài đang nhìn vào gia đình tôi và gọi nó là một gia đình tri thức hoàn hảo và điển hình của xã hội Xô Viết. Thế là tôi mở tủ lạnh, lôi hết những chai vodka còn lại ra, lần lượt mở nắp và đổ chúng xuống bồn rửa bát. Dù cho tôi cũng thích vodka, hay là cồn chảy trong huyết quản người Nga, tôi không quan tâm nữa, tôi chỉ muốn thoát khỏi những thứ điên rồ này và có cuộc sống bình thường.

Sau khi dốc hết chai vodka cuối cùng, tôi khóc nấc lên, ngồi sụp xuống và dùng tay ôm lấy mặt. Dường như việc tôi làm chẳng có tác dụng gì, ngày mai cha tôi vẫn sẽ ra ngoài và mang vodka về nhà, mọi chuyện lại tiếp diễn. Nhưng ít nhất không phải là đêm nay.

Ba chúng tôi lại ngồi sát vào nhau trong phòng ngủ. Nắm chặt tay nhau mà không nói gì cả. Ngoài trời có dấu hiệu của một cơn giông, gió đập vào cửa sổ và tiếng cành lá xào xạc rất rõ ràng. Tôi đẩy Belarusska lên giường tầng hai, sau kéo Kazakhya lên giường, lấy chăn chùm lên cả hai chúng tôi. Giống như hồi ở Tbilisi, căn nhà nhỏ nên chúng tôi chỉ có thể trải những tấm thảm, nằm sát vào nhau dưới sàn mà không có giường, bên cạnh cái lò sưởi đang cháy âm ỉ.

Khi bầu không khí dần lặng đi và tôi suýt chút nữa đã chợp mắt, dưới nhà vang lên tiếng thuỷ tinh vỡ. Âm thanh lớn đến mức chúng tôi nghe thấy. Chắc là mấy chai vodka.

Tôi vùng dậy khỏi giường, chạy đến và chốt tất cả các khoá cửa phòng ngủ. Sau đó kéo tủ kệ chặn ở cửa phòng. Nước mắt tôi lại trào ra vì sợ. Tôi biết nếu lúc này cha tôi tóm được thì tôi sẽ xong đời. Quả nhiên sau đó, tiếng ủng da dẫm lên cầu thang vang lên, tôi ngồi xuống, dán chặt lưng vào chiếc tủ.

"Russiya! Mở cửa ra!"

"Đồ khốn, mày đã làm gì thế!?"

Tôi nhìn về phía giường ngủ, Bela đang khóc, còn Kazakhya thì bất động nhìn về phía tôi. Tôi cắn răng và nhắm mắt thật chặt. "Cha không được động vào chúng con! Con sẽ mở cửa khi cha bình tĩnh lại." Cửa rung lắc dữ dội, tim tôi đập thình thịch, trong khi cha tôi liên tục yêu cầu mở cửa, tôi hét lên: "Cha là kẻ nghiện rượu tệ nạn, tránh xa bọn trẻ ra!"

Khi tôi cho rằng cha sẽ phá cửa và giết tôi, thì mọi âm thanh đột ngột ngừng lại, không có tiếng rung lắc hay là yêu cầu mở cửa nữa, tôi chờ đợi một lúc lâu để chắc chắn không còn gì đe doạ. Khi đó tôi mới mệt mỏi đứng dậy và tiến đến phía giường.

Mọi thứ đã im lặng, cho đến sáng. Nhưng suốt một đêm, tôi không chợp mắt một giây nào.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro