Chương 1: Vết khâu cuối cùng


Tháng Ba năm 1953, không khí miền Nam lạnh thấu dù đã vào xuân. Cơn gió từ phía Bắc thổi xuống cứa rát da thịt, mang theo mùi tro khét lẫn tiếng đại bác vọng xa xăm. Trong căn phòng tạm bợ dựng lên sau đồi Goseong, bác sĩ quân y Woo Seulgi đang khâu lại vết thương ở bụng cho một người lính trẻ. Máu còn ấm, nhưng ánh mắt cậu ta đã lạnh đi từ lâu.

"Hoàn tất," cô nói khẽ. Giọng nói không chút biểu cảm, như thể mọi thứ đang xảy ra đều chỉ là một thủ tục bắt buộc để giữ lấy chút gì còn sót lại của nhân tính.

Ngoài trời, tuyết không rơi. Chỉ có bụi đất bay mịt mù theo bước chân của những đoàn quân đang rút lui khỏi chiến tuyến. Hiệp định đình chiến đã được ký cách đó ba ngày. Mọi người ai cũng hối hả thu dọn, chuẩn bị trở về nhà – nếu họ còn nơi để về.

Chỉ có Seulgi đứng yên, trong tay là chiếc hộp gỗ nhỏ chứa đôi nhẫn bạc đã hoen rỉ vì mồ hôi và máu. Một chiếc là của cô. Chiếc còn lại từng được Yoo Jaeyi đeo vào ngón áp út của mình trong đêm trước khi ra tiền tuyến – nơi không có Seulgi, không có buổi sáng, không có ước mơ, chỉ có tiếng súng và những cái tên bị xé khỏi ký ức.

Jaeyi đã chọn cầm súng, còn Seulgi chọn giữ mạng sống cho người khác. Họ đã tự đính ước, hứa với nhau rằng ngày đất nước yên bình, họ sẽ làm một đám cưới nhỏ, có thể là trong một căn nhà tranh, chỉ cần có nhau.

Nhưng giờ đây, hiệp định hòa bình đã được ký. Và Seulgi vẫn chưa thấy Jaeyi trở về.

"Cậu hứa rồi mà..." – cô thì thầm, đôi mắt không còn ứa lệ, chỉ đục ngầu mệt mỏi như người đã khóc cạn cả ba năm trời.

Ngoài kia, tiếng còi báo động cuối cùng vang lên – không phải cho chiến tranh, mà cho một tình yêu chưa kịp lớn đã bị lịch sử cắt nửa.

—————

Seoul, tháng Mười Một năm 1947.
Trời đã trở gió. Hàng cây ngân hạnh trong khuôn viên trường nhuộm vàng cả lối đi nhỏ dẫn đến giảng đường Y khoa, nơi các sinh viên năm hai vừa bắt đầu học giải phẫu người.

Woo Seulgi đến sớm, như mọi khi. Cô ngồi ở hàng ghế thứ ba từ dưới lên, cẩn thận xếp sách vở theo đúng thứ tự môn học: Giải phẫu – Hóa sinh – Dịch tễ. Bút được lau khô, mực được châm đầy. Gió lùa qua cửa sổ khiến mái tóc cắt ngắn của cô khẽ bay, nhưng Seulgi không bận tâm. Cô đang đọc lại phần cấu trúc thành bụng, đầu hơi cúi, tay trái giữ mép sách.

Người đến trễ nhất hôm ấy là Yoo Jaeyi.
Cô bước vào lúc tiếng chuông đã ngân hết nhịp, tay vẫn cầm nửa chiếc bánh mì chưa kịp ăn hết. Áo khoác xám chưa cài nút, cổ áo sơ mi bị gió làm xô lệch. Cô đảo mắt tìm chỗ ngồi, và rồi ngồi đại xuống bên cạnh Seulgi – chiếc ghế trống duy nhất không bị ánh nắng chiếu vào trực tiếp.

Mùi của cô lẫn giữa mực in và cồn sát khuẩn – thứ mà chỉ sinh viên ngành y mới quen đến mức không còn để ý.

"Cậu có mang dao mổ không?" Jaeyi hỏi, sau khi lục trong cặp và phát hiện mình quên đồ nghề.

Seulgi ngẩng lên, hơi sững người trước ánh mắt kia. Không phải vì đôi mắt đó đẹp – mà vì nó trông như chưa từng quen với việc nhờ vả người khác. Cô im một nhịp, rồi lặng lẽ đưa cho Jaeyi con dao mổ dự phòng mà mình luôn mang theo, "Phòng trường hợp ai đó làm rơi."

Jaeyi cầm lấy, cười khẽ, "Cậu là người như vậy à?"

Buổi học hôm ấy, họ cùng nhau mổ vùng vai. Xác là một người đàn ông khoảng năm mươi, chết vì viêm phúc mạc. Tay Jaeyi mạnh nhưng không khéo – có vài lần lưỡi dao đi chệch, làm rách lớp mô dưới da. Seulgi không nói gì, chỉ nhẹ nhàng giữ lại cổ tay Jaeyi, chỉ một góc 30 độ từ cổ tay xuống, giọng nói nhỏ và bình tĩnh:
"Đừng cắt như đang làm bếp."

Và từ đó, họ hay ngồi cùng nhau.
Không phải vì cố ý. Chỉ vì vào những sáng có gió, Jaeyi luôn đến trễ và chỗ duy nhất còn lại là bên cạnh Seulgi. Và vì những lần Jaeyi quên dao, quên găng tay, quên sổ ghi chép – thì Seulgi luôn có dư một thứ.

Jaeyi không nói nhiều. Nhưng mỗi khi nói, lại khiến Seulgi chú ý. Có lần cô quay sang nhìn Seulgi thật lâu rồi bảo:
"Cậu giống như cái bàn mổ – lạnh, sạch và đáng tin."
Seulgi không biết đó là khen hay chê. Nhưng cô nhớ câu đó mãi.

Có lần Seulgi sốt nhẹ, gò má ửng đỏ và mắt hoe hoe. Cô vẫn đến lớp, vẫn đọc bài, vẫn mổ đúng đường cắt. Jaeyi không hỏi han, không ồn ào. Nhưng khi hết giờ học, cô dúi vào tay Seulgi một chai nước ấm, trong đó thả vài lát gừng.
"Mình không biết cậu uống trà gì. Cái này là mẹ mình hay nấu cho ba."

Lần đầu Seulgi nhìn thấy gương mặt Jaeyi dưới ánh nắng, là lúc họ cùng đứng trực ở bệnh viện vào một buổi chiều muộn. Có bệnh nhân bị viêm ruột thừa, máu văng ra ướt cả găng tay. Jaeyi ra ngoài rửa tay, mặt vấy một vệt máu sát thái dương, nhưng lại cười rất tươi.
"Lần đầu mình thấy được động mạch thật như vậy. Đẹp thật đấy."

Cô không sợ. Không rùng mình. Mắt sáng long lanh như trẻ con vừa mở được món đồ chơi. Seulgi đứng ở phía sau, đột nhiên thấy nhịp tim mình nhanh hơn một nhịp.

Tình cảm không đến như cơn mưa rào. Nó đến như sương đêm thấm áo. Chẳng ai nói ra, chẳng ai hẹn hò, chẳng ai tỏ tình.

Chỉ là một ngày, Jaeyi không đến lớp. Và Seulgi nhận ra mình đã đợi suốt hai tiết học, dù bài kiểm tra đang tới gần.
Chỉ là một ngày, Seulgi mua thêm một hộp cơm nhỏ và đặt trước bàn Jaeyi mà không giải thích.
Chỉ là một ngày, họ đứng trú mưa chung một mái hiên, và Jaeyi khẽ nói:

"Nếu trời cứ mưa như thế này mãi, thì có khi mình sẽ chẳng bao giờ rời khỏi đây."

Seoul, mùa xuân năm 1948.

Kỳ thi học kỳ vừa kết thúc, và cả khoa Y như trút được gánh nặng. Trời đã ấm dần, hoa mận nở trắng bên sân sau giảng đường. Các sinh viên bắt đầu tụ tập chơi bóng, nói cười rôm rả trong giờ nghỉ – chỉ có Jaeyi và Seulgi vẫn ngồi trong thư viện y học của trường, bàn số 6 cạnh cửa sổ hướng về phía cổng lớn.

Seulgi đang học bài. Cô luôn học bài. Đó là cách cô sống sót qua từng kỳ thi: đều đặn, nghiêm túc, không xao lãng. Nhưng Jaeyi thì không. Cô ngồi dựa hẳn vào ghế, một tay vắt lên lưng ghế Seulgi, tay còn lại nghịch cái kẹp tóc bằng gỗ mà cô luôn mang theo nhưng chưa từng dùng.

"Cậu có bao giờ nghĩ sau này mình sẽ làm bác sĩ kiểu gì không?" – Jaeyi hỏi, giọng trầm trầm.

Seulgi không nhìn lên. "Tôi nghĩ sẽ vào bệnh viện công, khoa nội. An toàn. Ổn định."

"Mình lại muốn đi mổ. Những ca khó. Đổ máu nhiều. Càng gần cái chết càng hay."
Giọng Jaeyi không giống một người hứng thú với cái chết. Nó giống như một người đang tìm cách khẳng định mình vẫn sống. Seulgi lặng đi một lúc, rồi khẽ hỏi:

"Cậu không sợ à?"

Jaeyi cười. "Mình sợ im lặng hơn. Sợ một ngày tỉnh dậy, thấy mọi thứ không còn gì để nói, để làm. Lúc đó, chết cũng không đáng sợ bằng việc cứ phải sống tiếp."

Seulgi ngẩng lên. Trong khoảnh khắc ấy, cô nhìn thấy bóng mình trong mắt Jaeyi – mờ mịt, nhỏ bé, nhưng không bị phai đi.
    •   

Từ sau hôm đó, họ bắt đầu đi cùng nhau nhiều hơn. Không ai nói "mình thích cậu" hay "chúng ta là gì của nhau", nhưng Seulgi để ý rằng giờ đây, cô luôn mang hai hộp sữa đậu vào buổi sáng. Và Jaeyi luôn chọn ngồi về phía bên trái, để vai cô ấy có thể chạm nhẹ vào vai Seulgi khi cả hai cùng đọc giáo trình.

Có một lần, họ được phân công trực đêm chung trong phòng cấp cứu. Một ca tai nạn xe đạp – đứa trẻ con gãy tay, khóc đến mức lạc giọng. Seulgi đang loay hoay tiêm giảm đau thì Jaeyi đẩy cô sang một bên và quỳ xuống trước mặt đứa trẻ, nhẹ nhàng hỏi tên con chó mà cậu bé nuôi. Rồi cậu ấy nói chuyện với đứa nhóc về con chó ấy, trong khi Seulgi lặng lẽ tiêm thuốc mà cậu bé không hề nhận ra.

Khi cậu bé ngủ, Jaeyi nhìn Seulgi và nói:
"Có người sinh ra để cứu người. Còn cậu – cậu sinh ra để làm cho người ta không còn thấy đau nữa. Đó là điều khó hơn."
    •   

Ngày Quốc khánh năm 1948, khi quốc kỳ đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc được treo lên ở tất cả các trường học, mọi người xuống phố ăn mừng. Cờ phấp phới. Trống đánh rộn ràng. Seulgi cũng bị bạn bè kéo đi, tay cầm cây kem que tan chảy giữa nắng.

Nhưng rồi cô tách ra, đi bộ về phía thư viện. Ở đó, Jaeyi đang nằm dài trên bãi cỏ, đầu gối lên một quyển sách dày cộp. Ánh nắng chiếu lên gương mặt cô, hắt xuống sống mũi thẳng và bờ môi khô khốc.

"Cậu không đi ăn mừng à?" Seulgi hỏi.

Jaeyi mở mắt, nheo nheo. "Mình ghét đám đông. Mình chỉ muốn một ngày yên lặng."

Seulgi ngồi xuống bên cạnh. Một lúc sau, cô đưa nốt cây kem tan dở cho Jaeyi.

"Vị vani. Còn một nửa. Cậu ăn đi, rồi nói xem vị này khiến cậu nhớ tới cái gì."

Jaeyi nhận lấy, ăn chậm rãi. Một lúc sau nói nhỏ:
"Nhớ tới hồi còn nhỏ... lần đầu mình sốt cao, mẹ cầm tay mình cả đêm. Cảm giác lành lạnh này giống tay mẹ lúc đó."

Seulgi không nói gì. Chỉ là trong một khoảnh khắc rất ngắn sau đó, cô khẽ đặt tay lên mu bàn tay của Jaeyi.

Không nắm. Không giữ. Chỉ là chạm khẽ – như để thử xem nơi ấy có còn sống.
    •   

Tình yêu của họ không có tên. Nhưng khi mùa hè tới và năm học kết thúc, Seulgi đã biết mỗi thói quen nhỏ của Jaeyi:
– Cậu ấy hay cắn môi khi nghĩ.
– Luôn đếm bước chân khi đi qua cầu.
– Chỉ uống trà đen pha loãng, không đường.
– Và luôn tránh nói về tương lai.

Bởi có lẽ, Jaeyi đã biết trước: tình yêu này, dù có sâu đến đâu, cũng đang chạy song song với một lịch sử đang rẽ nhánh.

Những điều không cần ai biết cũng là thật

Seoul, mùa thu năm 1948.

Giảng đường Y khoa vẫn cũ kỹ như mọi khi, với mùi gỗ mục lẫn mùi mực in lẫn vào nhau trong không khí ẩm ướt. Năm học thứ ba bắt đầu, mọi người bận rộn với lâm sàng, báo cáo, các buổi thực tập và những ca trực đêm liên tiếp. Nhưng dù lịch học thay đổi liên tục, có một điều vẫn không thay đổi: Seulgi và Jaeyi vẫn luôn có mặt ở cùng một chỗ, cùng một giờ.

Seulgi luôn đến sớm mười lăm phút. Cô chọn ngồi bàn phía gần cửa sổ – nơi ánh sáng đủ để đọc sách nhưng không chói mắt. Và Jaeyi luôn đến sát giờ chuông, bước vào với dáng vẻ lơ đễnh như thể cô vừa tỉnh khỏi một giấc ngủ ngắn nơi mái hiên nào đó.

Có hôm trời đổ mưa bất ngờ. Seulgi không có ô. Lúc cô đang lưỡng lự bên bậc thềm thì Jaeyi xuất hiện, chiếc ô gấp nhét trong túi áo khoác đã bị bung gọng từ bao giờ. Cô không nói gì, chỉ che ô cho cả hai và kéo Seulgi đi. Mưa hắt vào mặt, nước bắn lên gấu váy blouse trắng, lạnh buốt – nhưng không ai than phiền.

"Cậu hay quên mang ô, nhưng lần nào cũng có." – Seulgi nói.

"Vì mình biết cậu không mang." – Jaeyi đáp.

Cứ như thế, họ đi qua từng ngày mà chẳng cần hẹn. Seulgi luôn biết Jaeyi không chịu ăn sáng, nên trong cặp luôn có thêm một ổ bánh nhỏ. Jaeyi luôn biết Seulgi hay bị đau đầu khi ngồi dưới đèn huỳnh quang lâu, nên cô chọn học nhóm ở thư viện tầng hai – nơi có ánh sáng tự nhiên hơn.

Seulgi hay mím môi khi tập trung quá mức. Jaeyi biết, và mỗi lần như vậy cô sẽ nhẹ giọng:
"Cậu đang làm gãy môi đấy."
Rồi thả vào tay Seulgi một viên kẹo bạc hà.

Jaeyi có thói quen gõ ngón trỏ xuống mặt bàn khi mất kiên nhẫn. Seulgi chẳng nhắc nhở, chỉ nhẹ nhàng đặt một quyển sách lên bàn để Jaeyi gõ vào đó – để tiếng ồn nhỏ đi, nhưng thói quen vẫn còn.

Bạn cùng lớp bắt đầu đùa:
"Hai người kia quen nhau bao lâu rồi nhỉ?"
"Không có đâu, bọn họ chưa bao giờ nói là yêu nhau mà."
"Vậy thì chắc lâu lắm rồi. Kiểu yêu mà không cần nói nữa ấy."

Seulgi chỉ cười nhẹ khi nghe. Cô không nói gì.
Còn Jaeyi – cô chỉ liếc một cái, ánh mắt như cười như không:
"Biết rồi còn hỏi."

Có lần Jaeyi bị thương. Một vết cắt nhỏ nơi cổ tay, do vỡ ống nghiệm khi trực. Cô chẳng màng băng bó, chỉ quấn đại khăn tay và tiếp tục làm việc. Seulgi nhìn thấy sau ca trực, nắm lấy tay Jaeyi mà không nói một lời. Cô kéo cô ấy vào phòng nghỉ, đặt hộp y tế lên bàn, rồi chậm rãi rửa sạch vết máu, khử trùng, khâu lại – chỉ hai mũi, nhưng tay cô run rất nhẹ.

"Cậu lo cho mình à?" – Jaeyi hỏi, giọng nửa trêu nửa thật.

Seulgi không đáp. Cô chỉ quấn băng lại thật chặt, rồi ngẩng lên:
"Mình không thích thấy máu... khi nó là máu của cậu."

Một chiều cuối thu, họ cùng trực ở bệnh viện tỉnh ngoài thành. Trời đổ gió, cây trụi lá. Jaeyi ngồi trên bậc thềm, miệng ngậm điếu thuốc chưa châm, tay cầm quyển sổ lật tới lui nhưng chẳng đọc dòng nào.

Seulgi đến, lấy que diêm trong túi áo, bật lửa. Nhưng thay vì đưa cho Jaeyi, cô ném điếu thuốc xuống đất, dập tắt.

"Cậu ghét khói thuốc mà." – Jaeyi khẽ nói.

"Không. Mình chỉ ghét cậu tự làm mình đau thôi."

Họ im lặng rất lâu. Trong tiếng gió, có gì đó không thành lời nhưng đã rõ như lòng bàn tay.

Đêm đó, họ nằm ngủ chung một giường trong phòng trực – chỉ có một chiếc chăn mỏng, và gối kê chung. Không ai đụng vào ai, nhưng cả hai đều nghe rõ tiếng thở của người còn lại, nhịp tim còn lại, và sự ấm áp âm thầm len lỏi giữa khoảng cách rất nhỏ.

"Seulgi," – Jaeyi gọi khẽ.

"Ừ?"

"Nếu một ngày mình biến mất, cậu sẽ làm gì?"

Seulgi không xoay người lại. Nhưng cô nói, rất khẽ:

"Mình sẽ đợi. Bao lâu cũng được."

Tình yêu không cần tên gọi. Không cần những lời hứa. Nhưng những điều nhỏ nhặt mà họ dành cho nhau, đã là một dạng cam kết – không ồn ào, không màu mè, nhưng có sức nặng hơn bất cứ lời tỏ tình nào.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro