Mồng 3 hội bạn họp bè


Ngày xuân du hội
Về gặp lại thầy xưa
Thăm mái trường làng
Tôi hội bạn họp

Mồng một tết cha,
Mồng hai tết mẹ,
Mồng ba tết thầy.

Mồng ba tôi hẹn bạn cũ về thăm trường, rồi định cùng nhau đi thăm thầy giáo cũ. Sau mười năm không liên lạc, giờ tôi nhớ bạn tôi.

Đêm qua tôi thức trắng. Nghĩ đến chiều rồi Doãn Kỳ mới đó đã vui vẻ nói chia tay, lòng tôi ngày Tết cũng chẳng còn hứng thú. Tết buồn.

Nên giờ tôi chắc trông nhợt nhạt lắm ru? Có lẽ dễ lại bị bọn quỷ sứ từng một thời nổi loạn chê cười, rồi lại câu đùa câu trêu chuyện tôi với Doãn Kỳ cũng có khi.

Chí Mân đón tôi đầu xóm, nó vẫn chiếc xe cà tàng, cọc cạch đạp lên những tiếng kẽo kẹt để băng qua mấy cái ổ gà đầy sỏi với cát. Nó với Chính Quốc là hai đứa mà tôi thân nhất, và cũng duy nhất hai đứa nó là còn giữ liên lạc với tôi cho đến bây giờ. Cho nên tôi quý chúng nó lắm, vì là bạn thân từ thuở đến trường, tôi luôn kể chúng nó tâm sự của tôi, kể cả chuyện chiều qua tôi cũng kể chúng nó.

Chí mân dừng xe lại, nó ngồi trên yên chống chân xuống đất, tít mắt cười nhìn tôi. Thằng công tử này vỗ vỗ xuống cái yên sau, giọng ngả ngớn đẩy đưa: "Thế nào em trai? không chê anh trai nghèo chứ?"

Tôi phì cười, thằng này nhiều lúc cũng dở người ghê lắm. Ví như nhà thì giàu nứt đố đổ vách đấy, mà bao năm vẫn cái xe cào cào hỏng lên hỏng xuống là biết ngay nó khác người đến đâu rồi. Nhưng chơi với nó ấy vậy mới vui, bởi nó cũng tâm lý lắm. Biết tôi không vui mới chọc cho tôi cười, còn không vui chuyện gì thì chắc chưa bàn cũng biết.

Tôi ngồi sau lưng Chí Mân, nhìn nó còng lưng đạp trong nắng sáng, cái dáng nhỏ của nó làm tôi nhớ lại tôi của ngày xưa. Thằng Tích của mấy năm trước cũng nhỏ thó, mấy bận đạp cái xe cào cào của thầy để ra đồng thả diều với anh Kỳ. Thằng Tích của năm đó đã biết mình thương anh, mỗi lần chở anh trên xe là lại thầm cười khúc khích.

Và thằng Tích của những năm ấy, nhà nghèo rớt giậu mồng tơi...

.

mồng tơi rầu rĩ sau nhà
hoa buồn, lúa héo, lá đa mục tàn
dột tranh, đổ vách, mục giàn
cười cho cái số tan hoang - số nghèo.

Tôi quen Hiệu Tích từ những ngày tấm bé, là cái thuở mà chúng tôi còn cởi truồng tắm mưa, cũng là khi chúng tôi mang nặng lòng trong mình những lời thở than ấy.

Ngày đó hai đứa gia cảnh đều bần hàn, chúng tôi đều biết được phải tìm cách thoát cảnh cái nghèo đeo bám. Nhưng chừng hai mươi năm sau đó, tôi lại bắt đầu lo sợ mình thay đổi, tôi sợ phú quý hiển vinh sẽ làm tôi mê đắm, khiến tôi ngu muội mà nỡ lòng bỏ quê. Nên cho dù tôi có là người thối chí, tôi vẫn phải chân đất tay bùn mà tự mình đi lên.

Chỉ còn lại Tích vẫn mang trong mình ý chí kia, em cố chấp kiếm tiền mong ngày giàu có. Tôi lại thấy thương em hơn là trách tội. Tích ơi...

Hôm nay mồng 3, Tết thầy, thằng Trân nãy có sang gọi tôi đi họp lớp, mà tôi lại nằm vật ra phản chả chịu đi. Tôi vắt tay lên trán suy nghĩ, thở vắn than dài, hình như hôm qua tôi đã hơi quá lời rồi. Cũng tại tính tôi nóng nảy, ích kỷ bốc đồng mà khiến em đau. Cái thằng trời đánh, ngày tư ngày tết mà toàn làm ra mấy chuyện không vui gì đâu.

.

Xe dừng trước cổng trường làng cũ, cái trường năm xưa đã dung dưỡng tôi thành con người có học thức, để tôi ra đời biết khôn biết bon chen. Trường tôi ngày xưa cũng nghèo lắm, tường cay vôi xây dăm ngày lại bở, xin tiền quyên góp trăm lần cũng chỉ đắp đươc mấy lần lợp mái. Mà giờ đây tường gạch mái tôn, trường tôi đã khang trang hơn nhiều. Tôi nhìn vậy, thấy vui lắm.

Bạn học đã đứng đợi chúng tôi từ trước, họ thấy tôi thì cười chào. Tôi tuy tâm trạng không vui nhưng cũng gắng mỉm cười lấy lệ. Chuyện chào hỏi coi như sẽ suôn sẻ cho đến khi chủ đề sức khỏe, sự nghiệp trở nên chán ngắt, họ lại hỏi tôi khi nào nên duyên.

Tôi bỗng thấy chạnh lòng, nên duyên cái gì được nữa, đường đời ngang dọc, ba bảy ngả rẽ, chúng tôi lỡ lạc mất nhau rồi.

Đừng nói chuyện vợ chồng, đến cái nắm tay hay ôm ấp, chắc cũng chả còn có khi.

Tôi chực khóc, xót xa cho mối tình tự bấy năm nay, giờ tan tành chẳng vì những lời cãi vã. Mà nó lỡ dở chỉ vì cái chí chúng tôi, cái tương lai cả hai muốn đặng hướng đến, khác nhau quá nhiều.

Cũng có thể là vì, tình anh hết rồi. Hoặc giả anh chẳng tin tưởng tôi.

.

Thằng Tuấn vừa đi chơi với bạn học về, chưa gì đã lại ghé nhà tôi, hẳn có chuyện gì to lớn lắm.

Nó rằng Hiệu Tích nay chẳng vui, nom dòm có chuyện gì buồn lắm, mà nó thấy tôi cũng lạ, nó nghi tôi với em có gì chẳng lành.

Tôi đem chuyện kể nó nghe, đoạn tôi lại cúi gằm đầu vò tóc đến rối bời, nghĩ lại sao thấy ân hận quá, cái tính nóng nảy, bộc trực lại hại tôi thảm.

"Ây dà, em nói anh Kỳ nghe, tính anh đúng là nóng nảy quá chừng. Đành rằng em có hơi không đúng khi kể hết với anh như thế, chính là để anh tính thời mà ngỏ lời cầu hôn, mà em nào ngờ anh lại làm quá vậy đâu? Ấy rồi anh thấy cái hậu quả chưa, anh thì mệt mỏi, còn người ta chịu khổ, nom dòm năm mới năm me mà toàn chuyện không đâu thế này."

"Giờ anh biết, tội anh chịu. Chú làm ơn đừng khiến anh thêm nặng lòng đi?", tôi rầu rĩ thở dài, muộn phiền cứ thế chất chồng thêm. "Là tại anh ngu muội, suy nghĩ chưa được sâu xa. Anh biết mình nóng nảy, anh cũng ân hận lắm chứ. Nhưng chú nghĩ mà xem, anh yêu Tích như vậy, há nào lại nỡ mất em ấy? Cũng là tại chữ yêu, chữ thương, anh mới mong em ấy bên mình, anh sợ Tích đánh mất chính mình."

Than ôi cái con người văn hóa lùn như tôi, trăm sự đổ tại thời, tôi còn chả nhận hết phần sai. Thằng tồi này hẳn là đã khiến em buồn lắm. Chả trách khi ngay đến thằng Tuấn em tôi, người trong nhà còn thấy thất vọng thở dài, thì huống chi em nước lã người dưng, muốn tin tưởng đặng cũng khó, không nổi giận đã là phúc phần cho tôi rồi.

"Kỳ, em đã hiểu tại sao Tích lại buồn đến vậy rồi. Là vì lỡ thương thằng tồi như anh, nó mới mang trong mình nhiều vết thương đến vậy. Tính anh bộc trực thì cũng thôi đi, anh sao không nghĩ Tích cùng anh sát vách bao năm mà không thấu rõ? Nó chẳng thèm tính toán với chút tính tình ấu trĩ vậy đâu."

"Kỳ, mà sao anh không hiểu? Tích buồn là vì anh chẳng thèm tin tưởng nó đấy. Tình yêu của anh lẽ nào chưa đủ lớn bằng chút nghi ngờ không đáng có? Anh còn đổ tại thời tại thế, đổ vạ rằng nó thay đổi, ai biết được người thay đổi lại là anh đây?"

Tôi lặng im, chả cất lên được lời nào. Tuấn nói, ai biết được người thay đổi lại là tôi đây? Cũng phải, đào đâu ra đặng một tôi cặn bã thế này, đáng đời tôi lắm.

.

Tôi trở về nhà khi trời xập xệ tối, chợt thấy có bóng ai quen thuộc đứng trước cửa nhà. Người ấy vai u thịt bắp, đầu húi cua, tôi nghe ra mùi hương, hẳn là anh Kỳ đấy.

Anh đứng tựa lưng lên cột cửa, nhìn xuống mu bàn chân anh. Ngoài ra chẳng để ý gì khác, anh chả còn để ý đến tôi nữa rồi, đâu có thấy đặng rằng tôi đang đến gần anh, sống mũi chực cay và đôi mắt sắp nhòe ướt đâu?

Tích ơi, mày ngu lắm, còn mong chờ gì tầm này nữa, người ta quên mày rồi!

Tôi nghe thấy hơi thở anh nặng nề, nhưng đôi mắt anh nhìn tôi lại nhẹ bâng, khiến tôi não lòng. Bước chân cứ thế chậm lại rồi dừng hẳn. Đứng như trời trồng chỉ để nhìn anh, mặt đối mặt.

Tôi bối rối.

Chính Quốc từ đâu chạy lại, rằng tôi để quên đồ trên giỏ xe nó. Thật may mắn sao nó đến gỡ vây cho tôi kịp lúc. Tôi thở phào một phen, nhận lấy đồ từ tay nó rồi nhìn anh tôi thương, mỉm cười chào lấy lệ rồi dợm bước vào nhà. 

Lòng quặn lại, tim tôi đau, đầu óc ù ù như ngàn con ong vò vẽ quanh quẩn bên tai, chúng chích vào tim tôi buốt nhói. Tôi như một con rối vô tri bước đi trong ánh đèn mập mờ, cảm giác thật hư không, mọi thứ đều trở nên mờ ảo. Nên nom dòm hai chữ "Tích ơi..." mà tôi mới nghe được, chắc cũng chỉ là do tôi quá mong chờ mà tưởng tượng ra thôi.

Trách sao được những đổi thay
Tình yêu đó đã là ngày hôm qua
Nhớ thương lắm cũng quên mà
Làm sao mong được thiết tha đừng già?

Anh Kỳ ơi...

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro