Tàn tro, nhân thế
⟢ ٠ ࣪⭑ .☘︎ ݁˖ ⋆.˚ ✮⋆˙ ⟢
12 ngôi sao giấy muôn hình vạn trạng mang mỗi ghi chép về các khám phá bí ẩn được gấp cẩn thận và chôn giấu trong chiếc lọ sao. Rồi một ngày, chiếc lọ ấy sẽ vỡ nát, để sự thật được phơi bày dưới ánh sáng.
Hãy để tôi — nghệ nhân gấp sao giúp bạn — nhà nghiên cứu ánh sao khám phá ngôi sao thứ 06 thuộc project Your lie in April.
✮ Warning: Là mình sẽ không để warning nhé.
✮ Lời cảm ơn đến người hiệu chỉnh sao @imrilei_ vì đã beta giúp Gạo.
✮ Nghiên cứu trước: Trăng nơi đáy giếng— imy13_
***
Hạ sắp qua, tôi vẫn chưa thay áo mới để đón cơn rét mùa thu. Trên người tôi chỉ có cái áo ba lỗ dính đầy bụi bẩn và đất, trông nhếch nhác bẩn thỉu chẳng khác gì một kẻ vừa lăn lộn ngoài đường suốt mấy ngày không về nhà.
Tôi cúi người, mở khóa chiếc xe đạp cũ khỏi sợi xích gỉ sét. Nó được buộc vào gốc cây phong già. Tán lá đã rụng gần hết, khiến mặt đất trải đầy những mảng vàng úa. Khi vừa mở khóa xong, tôi đảo mắt nhìn quanh. Không có ai. Tôi vội vã giấu sợi xích vào sau tảng đá gần đó, lấy một ít lá cây phủ lên.
Ngồi lên yên xe, tôi đạp dọc theo con dốc quanh núi.
Sáng giờ tôi vẫn chưa ăn gì, bụng đói muốn thắt lại. Trước đây, trên đoạn đường dài này, Kim Hách Khuê vẫn giữ thói quen ăn sáng cho tôi. Nếu tôi nhịn, anh sẽ cằn nhằn mãi không thôi, nói tôi thế nào cũng sẽ bị đau bao tử. Giờ anh không còn ở đây nữa mà bụng tôi thì quả nhiên đang bắt đầu cồn cào.
Tay phải tôi giữ chặt ghi-đông, tay kia lần mò coi trong người còn để lại gì không. Mãi tôi mới tìm được trong túi quần nửa cái bánh bao thịt còn sót lại từ hôm qua. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì liền nhét thẳng vào miệng.
Trong lúc nhai, để mặc vị bánh nguội ngắt lan trên đầu lưỡi, tôi lại chợt nghĩ, nếu là trước kia tôi sẽ bắt Kim Hách Khuê mua cho tôi cái bánh bao mới thật nóng.
Bây giờ người không còn ở bên cạnh nữa, bánh bao nóng hay nguội cũng chẳng còn quan trọng nữa. Tôi chỉ muốn thấy Kim Hách Khuê thương tôi, chỉ thế thôi.
Trên đường đi, tôi ghé qua chỗ của Minh Khải, nó là một trạm dừng nhỏ trên núi, gồm gian trước bán nước và gian sau là nơi nằm nghỉ. Tôi dừng xe, dựng nó dựa vào biển quảng cáo cũ của tiệm rồi bước vào.
"Minh Khải ơi!"
Tôi gọi mãi anh mới lết lê thân hình to lớn của mình ra khỏi cửa. Nắng hắt lên khuôn mặt Minh Khải làm tôi thấy rõ quầng thâm trĩu nặng nơi khoé mắt của anh.
Không nghe thấy tiếng đáp lại.
Linh cảm của tôi cảm giác như có gì đó không ổn, tôi vội bước nhanh hơn. Nhưng đi chưa được mấy bước thì chiếc dép bất ngờ đứt quai, khiến tôi loạng choạng, mất thăng bằng mà ngã sấp lên người con Nice.
Con Nice tru lên thảm thiết như bị ai chọc tiết. Bình thường nó thấy tôi là vẫy đuôi, mặt mày hớn hở bao nhiêu, nay bị tôi đè chỉ thiếu độ hộc máu nên giờ nó nhìn tôi trông chẳng khác gì thằng mổ thịt chó bấy nhiêu.
"Nice, im." Minh Khải ra hiệu.
Nó ư ử vài tiếng rồi chui vào góc, nhưng vẫn còn liếc nhìn tôi đầy cảnh giác.
Tôi nhe răng của mình ra hù nó rồi mới đứng dậy, đi tới chỗ Minh Khải than thở: "Ôi, anh có đồ thay không? Lạnh quá mà em còn mỗi cái áo này thôi."
"Có. Vào trong mà thay, lau người cho sạch sẽ đi. Nhìn mày lôi thôi thấy mẹ."
Tôi lè lưỡi, đi qua anh rồi chui vào gian sau. Tôi với lấy chiếc áo cổ lọ mà Minh Khải treo trên móc. Khi tròng vào thì vừa in, có lẽ anh đã mua lúc xuống núi.
Bước ra ngoài, tôi vừa kéo lại tay áo vừa nói: "Tối em về sớm, Minh Khải chờ xuống núi chung với em nhé. Chắc hôm nay anh Hách Khuê về rồi đấy ạ."
Khi ngước lên tôi đã thấy Minh Khải ngồi xổm bên cạnh chiếc xe đạp của tôi, vừa rít điếu thuốc trên miệng vừa cầm tua vít vặn lại con ốc nào đó.
"Xe làm sao vậy ạ?"
"Bị lỏng này, anh mày sửa lại. Đi đường cẩn thận vào, dạo này đất nhũn lắm."
Tôi gật đầu cảm ơn Minh Khải.
Sau đó tôi lại nghe anh hỏi: "Hôm nay nó về thật à?"
"Vâng ạ."
"Trông không?"
Tôi ngẩn ra, vô thức quay đi, nhìn xuống ngọn dốc, phía dưới chỉ toàn là đất đá và gió. Gió mạnh quá, thổi tới mức làm má tôi nóng lên. Có lẽ đây là lần đầu có người hỏi tôi vấn đề này nên tôi không thể phản ứng kịp.
"Có trông ạ."
Minh Khải bật cười nhìn tôi, chọc ghẹo: "Tiểu biệt thắng tân hôn."
Tôi cười theo, đá nhẹ vào chân Minh Khải: "Anh lại nói bậy nữa rồi."
"Thế mày lại nghĩ gì mà mặt đỏ như đít khỉ thế kia?" Minh Khải đứng dậy, vỗ vỗ lên yên xe đạp, "Xe sửa xong rồi, biến đi."
Tôi ngồi lên xe, lúc đạp cảm giác xe chắc chắn hơn trước nhiều.
Đạp được một đoạn ngắn, tôi dừng xe, quay đầu lại. Con Nice không biết từ đâu chạy ra, đứng trên đường, ánh mắt vô định đảo quanh, mãi không nhìn về phía tôi.
Tôi nhoẻn miệng cười. Chắc nó lại giở trò ngốc nghếch gì rồi.
Mặc kệ con Nice, tôi chồm người dậy khỏi yên xe, hướng về phía Minh Khải, vẫy tay chào anh: "Em đi đây! Tối gặp lại."
***
Tôi tiếp tục đạp xe trong chiếc áo len tay dài. Ngọn núi này không cao nhưng rất rộng. Do thuộc sở hữu của tư nhân nên đường lên núi được xây bằng phẳng cho dễ đi hơn.
Lúc tôi tới nơi mặt trời đã dần lên núi rồi nhưng sương mờ vẫn còn đó, không khí trên cao vừa lạnh lại càng đặc quánh nhiều hơn cả dưới chân núi.
Tôi dựng xe trước cổng nghĩa trang.
Nghĩa trang Harpies.
"Anh." Một giọng nói bỗng vang lên sau lưng tôi.
Tôi hơi giật mình quay người lại, thấy Triệu Lễ Kiệt đi ra từ gốc cây phong gần đó. Mỗi bước chân nó đi lại làm tôi thấy quầng thâm dưới mắt nó rõ hơn mấy phần.
"Hôm nay anh về sớm, mày lên thay ca sớm giúp anh lần này được chứ?"
Triệu Lễ Kiệt làm ca tối, dù nó trẻ hơn tôi nhiều nhưng vẫn chịu không nổi cái giờ giấc của công việc này. Nhìn nó mệt thấy thương, thế nhưng tối nay Kim Hách Khuê về rồi, tôi đành nhờ vả nó lần này vậy.
Triệu Lễ Kiệt nhìn tôi một lát rồi chậm rãi gật đầu đồng ý. Nó rút chìa khóa từ túi áo ra đưa cho tôi, sau đó hỏi: "Hôm nay anh ấy về à?"
Tôi gật đầu, đâp: "Ừ. Tao phải đi đón."
"Cũng được. Coi như em trả nợ cho mấy hôm em thay ca trễ vậy."
Tôi nói cảm ơn với Triệu Lễ Kiệt. Nó hiểu ý nên không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ lấy xe rồi rời đi.
Nhìn tấm lưng gầy gò của nó xa dần rồi tan vào trong sương, tôi cảm thấy bóng dáng nó có chút cô đơn khó tả.
Đứng một lúc lâu, tôi thở một hơi thật dài mới vào phòng trực, lò sưởi vẫn còn ánh đỏ của than. Tôi ngồi lên ghế dựa, bàn tay không đeo bao tay giờ lạnh ngắt. Tôi chịu lạnh không giỏi, nhanh chóng đặt tay gần hơi ấm của than, tới khi thấy bớt lạnh mới bỏ ra.
Căn phòng này chỉ cỡ sáu mét vuông. Nhớ ngày đầu đi làm tôi còn chê nó chẳng bằng một góc phòng của tôi, thế mà giờ tôi lại thấy nó nhỏ cũng chẳng tệ mấy.
Ngồi một lúc tới khi ấm người, tôi mới vươn tay mò lấy hộp thiếc trên kệ tủ. Nhưng chỉ chạm được vào không khí.
Tôi giật mình đứng bật dậy, nhìn thật kỹ. Trống không.
Tôi lật tung hộc bàn, mò dưới ghế, tìm khắp mọi nơi có thể. Vẫn không có.
Trong lòng tôi bỗng hoảng hốt, sợ rằng Triệu Lễ Kiệt lại ném đi hay vứt bậy ở xó xỉnh nào rồi.
"Chít chít."
Một tiếng kêu vang lên ngoài cửa. Tôi mặc kệ mấy lần, chỉ muốn tìm chiếc hộp nhưng con vật kia cứ kêu mãi. Tôi đành bước ra, thấy một con sóc nhỏ đang đứng cách tôi vài bước chân. Nghe được tiếng động, nó liền chui tọt vào gốc cây phong gần phòng trực.
Khi vừa thấy hành động đấy tôi mới sực nhớ ra thứ gì đó. Tôi chạy tới, cúi xuống bới đống lá khô.
Tôi vừa nhớ rằng mình đã cất hộp thiếc phía sau cái cây phong đấy. Bàn tay vừa được sưởi ấm giờ đang lạnh dần của tôi bới đống lá cây lên. Cuối cùng cũng tìm thấy được hộp thiếc.
Nó là một cái hộp chữ nhật nhỏ, in hình hoa lưu ly trắng mà Hách Khuê đã tặng tôi. Anh nói là đựng thơ anh viết về tôi. Sau này thơ viết nhiều quá nên đã tặng tôi một cái hộp chữ nhật khác to hơn, còn có ngăn nữa.
Chiếc hộp nhỏ này chuyển thành nơi đựng thư anh gửi cho tôi. Anh đi được sáu ngày. Hôm nay là ngày thứ bảy nhưng chỉ có đúng năm lá thôi.
Bằng cách nào đó, anh vẫn gửi đều đều cho tôi mỗi hôm một lá thư, bắt đầu từ ngày thứ hai sau khi anh đi. Sáng sớm thư sẽ được đưa đến cửa nhà. Nhưng tôi không mở ra liền mà chờ đến khi lên đây mới đọc. Như vậy sẽ có cảm giác rằng anh vẫn ở đây với tôi.
Tôi lấy lá thứ năm vừa được giao sáng nay ra. Trong lá thư trước anh nói đây sẽ là lá thứ cuối cùng rồi. Nhưng tôi quyết định để nó xuống dưới cùng, mở lá thư đầu tiên ra đọc lại.
1, Je:
"Điền Dã,
Anh viết trong khi vẫn còn bận bịu với công việc. Không thể viết nhiều được. Lần đầu lên Harpies một mình có sợ không em? Có mặc áo tay dài, quàng khăn không, hay sáng ra lại quên mất chúng để ở đâu rồi lại mặc áo ba lỗ ra ngoài?
Thời tiết đang lạnh dần, còn mưa nữa, em lo cho mình một chút được không?
Nếu em bệnh, em sẽ đau và anh sẽ xót. Nhớ phải chăm sóc bản thân, như thế cũng là một cách để yêu anh, hiểu chứ?
Anh yêu em, cánh đồng ngập tràn hy vọng của anh.
Kim Hách Khuê."
Tôi vuốt dọc theo mép giấy, không kiềm được mà nhoẻn miệng cười vì anh lại hỏi thăm sức khoẻ cho tôi.
Ngẫm lại thì bao lâu rồi nhỉ? Kể từ khi Kim Hách Khuê cùng tôi đạp xe lên Harpies những ngày đầu.
Hôm đó, chúng tôi chỉ tình cờ đi ngang qua đây trong lúc đang rong ruổi khắp nơi. So với thành thị xô bồ, khói bụi dày đặc thì ở đây lại trong lành, tĩnh lặng và thoải mái hơn rất nhiều.
Chúng tôi ở trọ một đêm, sáng hôm sau thì vô tình gặp người chủ mới của khu này. Ông ta là một doanh nhân thành đạt, luôn miệng nhấn mạnh rằng muốn biến vùng đất này thành một nơi dành cho những ai luôn khao khát tìm kiếm sự bình yên.
Sau đó ông ta dắt chúng tôi tham quan quanh vùng này, giới thiệu về từng khu, địa hình vô cùng kỹ lưỡng và tường tận. Đến khi về trời đã nhá nhem tối. Ông chủ với khuôn mặt tươi cười cuối cùng cũng nói ra ý định của mình. Chính là mời chúng tôi về đây định cư.
Chúng tôi quyết định rất nhanh.
Vừa hay nhà ở quanh đây thưa, người dân cũng không thị phi chuyện đời của người khác, chỉ là công ăn việc làm đã có đủ rồi.
Lúc đó tôi vẫn còn thất nghiệp, thực ra thì chính xác hơn là trước nay tôi chưa từng có một công việc nào.
Công việc gác mộ mà ông chủ giới thiệu là công việc đầu tiên tôi làm, cũng là công việc cuối cùng mà ông chủ còn thiếu nhân sự tại đây.
Ban đầu tôi khá bài xích. Tôi lớn lên tại một gia đình khá giả lâu đời, từ nhỏ đến lớn chưa từng phải lo nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền. Mọi thứ đều có sẵn, tôi chỉ cần đưa tay ra là có, nói thẳng ra là được chiều quen rồi. Từ ngày ở với Kim Hách Khuê tôi mới thay đổi dần. Dẫu thế, để tiếp nhận được công việc này với tôi khó khăn như một ngày không có người yêu ở bên vậy.
Tôi liếc nhìn Kim Hách Khuê. Anh vẫn kề sát tôi, tôi nhìn bộ dạng hai đứa. Trông tàn tạ như ăn mày, nhìn mặt mày anh lắm lem cùng đôi mắt vẫn nhắm nghiền như sắp ngủ gật lại làm tôi vừa tức cười vừa thấy thương.
Từ ngày bị đuổi khỏi nhà, chúng tôi đã đi khắp nơi suốt ba tháng trời rồi. Số tiền tôi tiết kiệm cũng sắp cạn kiệt, đáng nói là tôi sẽ không bao giờ được nhận thêm tiền chu cấp từ ba mẹ như trước kia nữa. Hết là chết. Và có thứ đáng nói hơn là công việc của Kim Hách Khuê quá đặc thù để hai đứa có thể sống dư giả qua từng ngày.
Đã đến lúc ổn định cuộc sống rồi. Không thể nào lang thang vô định mãi được.
Thế là tôi cắn răng chấp nhận công việc ấy. Không phải vì tôi muốn tìm một công việc mà là vì tôi muốn cùng anh ổn định cuộc sống.
Dẫu vậy, Hách Khuê còn khó chịu hơn tôi.
"Anh muốn em theo anh để tự do, tự tại và vui vẻ. Chứ không phải là phải bôn ba, chật vật kiếm tiền."
"Thế anh định để em ngồi im trong nhà chờ chết đói à?"
"Mình có thể đến nơi khác tìm một công việc khác."
Tôi bật cười: "Tiền của anh chắc còn chẳng đủ để nuôi sống lấy anh, huống gì là nuôi cả hai chúng ta."
Hách Khuê im lặng nhìn tôi, tôi biết mình lỡ lời nhưng đó là sự thật. Và dù kết quả là cả hai cãi nhau một trận ầm ĩ, sau đó tách nhau ra, tình yêu duyên trời định như mơ vỡ nát đi chăng nữa thì tôi không tài nào giấu đi suy nghĩ của mình được.
Cuối cùng, Kim Hách Khuê thở dài, anh lại xuống nước.
Đôi tay thon dài lạnh ngắt áp lên đôi má đã nóng lên vì nổi giận của tôi. "Anh sẽ lên ngồi với em, được chứ?"
Tôi chưa kịp trả lời Hách Khuê đã hôn lên trán tôi, sau đó lại hôn lên mắt tôi, hôn lên chóp mũi tôi và dừng lại tại môi tôi.
Tôi tức cười tới mức bật thành tiếng rồi đập tay vào lồng ngực anh nhưng nó chẳng thấm là bao. Vì lúc sau tôi lại quàng lấy cổ anh và đáp lại nụ hôn ấy.
Hai năm trước, chúng tôi trẻ con, sốc nổi và hoang dại đến thế.
Cãi nhau vì chút chuyện nhỏ nhặt và cũng làm hoà bằng những cách thức trẻ con như vậy đấy.
Tôi hít một hơi sâu, mỉm cười gấp lá thư lại, chuyển sang lá thư thứ hai.
2, penserai:
"Điền Dã,
Sẽ có một chút trục trặc khiến anh không thể về sớm như dự kiến. Anh bệnh. Tối đó nằm trên giường, lưng anh đau nhức nhối, không như những cơn đau trước nhờ em xoa bóp mà đỡ đi. Và vì vậy nên anh mệt mỏi, đổ mồ hôi giống cơn sốt nhiều ngày trước.
Anh đi bệnh viện rồi nên em đừng lo nhé. Anh sẽ nhanh chóng về thôi. Nếu không có anh thì ai sẽ bảo vệ nuông chiều em nữa đây?
Anh đã hứa rồi, rằng khi lần đầu gặp nhau, anh muốn bảo vệ em cả đời rồi.
Anh muốn nói là: Anh yêu em, cánh đồng ngập tràn hy vọng của anh.
Kim Hách Khuê."
Hách Khuê hay đổ bệnh. Là những cơn sốt cảm nhẹ, thoáng qua như ngọn gió đầu thu thôi, không quá nghiêm trọng nhưng thường xuyên đến mức tôi đã quen với việc thấy anh nhăn mặt lại vì đau đầu và khó thở.
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp anh trông anh đã rất ốm yếu rồi.
Hôm đó trời mưa tầm tã. Tôi co ro trong một góc nhỏ trạm xe buýt, không có dù, không có áo khoác. Chỉ có một bộ quần áo đã sũng nước cùng vài đồng tiền lẻ trong túi.
Tôi chẳng nhớ nổi mình đã ngồi đó bao lâu, đôi mắt trống rỗng. Và rồi, một chiếc ô che lên đầu tôi, chặn đi cơn gió rét vụt qua người.
"Làm gì mà ngồi ngáo ngơ ở đây thế, nhóc con?"
Tôi ngẩng đầu lên, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Kim Hách Khuê.
Anh đứng đó, một tay cầm ô, tay còn lại cầm chiếc khăn khô. Dáng người anh cao gầy, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt một mí sắc sảo nhưng ẩn chứa sóng ngầm lại càng khiến anh nổi bật hơn.
Anh không hỏi tôi lý do, cũng không tò mò chuyện gì đã xảy ra. Mà anh chỉ nhẹ nhàng đặt chiếc khăn lên khuôn mặt tôi, lau đi nước mưa còn đọng lại trên má tôi, sau đó chìa tay ra.
"Đi thôi. Đứng đây mãi thì sẽ cảm lạnh đấy."
Anh chìa tay ra, giống như kẻ lừa đảo điển trai trong phim vậy. Trông không đáng tin tí nào. Nhưng tôi vẫn đi theo anh. Linh cảm của tôi nói rằng anh ấy an toàn.
Sau đó, tôi mới biết anh và tôi học chung một trường.
"Em năm hai, anh năm ba. Vậy tại sao em chưa từng thấy anh nhỉ?"
Kim Hách Khuê chống tay lên cằm, cười nói: "Lúc anh học năm ba đã là chuyện của hai bốn năm trước rồi."
Tôi chớp mắt, nhất thời không phản ứng kịp: "Vậy anh vào trường để học thạc sĩ hay sao ạ?"
"Không. Còn giữ thẻ nhân viên nên vào được thôi. Anh không có nhiều thời gian để làm mấy cái đó đâu."
Tôi sáng mắt, vì chưa từng tiếp xúc với nhiều công việc, tôi rất tò mò: "Hẳn anh bận lắm. Anh làm nghề gì vậy ạ?"
"Anh viết thơ, văn, tiểu thuyết, những thứ liên quan đến chữ nghĩa ấy." Anh chỉ tay vào giá sách xung quanh, rồi lại chỉ ra ngoài cửa, "Anh không bận đâu, rất rảnh mới bắt chuyện với em. Nhưng em biết không? Tự do quá cũng là một phần của bận rộn đấy."
Tôi nhíu mày, lặp lại câu nói của anh, "Là sao ạ?"
Hách Khuê mỉm cười, nhưng nụ cười của anh không hẳn là vui vẻ, "Một người có thể đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì mình muốn, nhưng đến cuối, họ vẫn chẳng rõ mình thuộc về đâu. Em nghĩ đó có phải là tự do thật sự không?"
Chúng tôi ngồi đó một lúc lâu. Tôi lật đi lật lại quyển sách trong tay, nhưng chẳng thể nào tập trung.
Cuối cùng, Kim Hách Khuê phá vỡ sự im lặng, hỏi tôi: "Em có về nhà không?"
"Không muốn.... Nhưng em không biết đi đâu hết..."
Anh đứng dậy, cầm balo, vỗ nhẹ lên vai tôi, "Đi theo anh."
Tôi ngước nhìn anh. Hơi do dự nhưng vẫn chạy theo sau bóng lưng vội vàng ấy.
3, beaucoup:
"Điền Dã,
Nhớ những gì anh nói không em? Bây giờ anh và nhà sản xuất đang đi đến các thỏa thuận đồng nhất. Khi xuất bản tập thơ mà anh viết cùng em, chúng ta sẽ đủ để trang trải qua thu này, thu sau và thu sau nữa. Chúng ta vẫn ở đây nhưng anh sẽ bù đắp cho em những thứ em xứng đáng nhận được.
Em từ bỏ làm thiếu gia nhà Điền, không phải là từ bỏ làm thiếu gia của anh.
Anh đã nói rồi. Anh yêu em, cánh đồng ngập tràn hy vọng của anh.
Kim Hách Khuê."
Tôi đã từ bỏ tất cả.
Gia đình tôi là một gia đình gia giáo đến mức cổ hủ, ông sơ của tôi là thầy giáo trong triều đình ngày xưa, đến đời cha tôi họ vẫn tiếp nối truyền thống tri thức, cha tôi là một dược sĩ, còn mẹ là cán bộ nhà nước. Từ nhỏ tôi đã bị trói buộc đến độ ngạt thở, tôi nghe theo lời cả hai răm rắp, chỉ có một lần khi tôi come out với gia đình là làm trái ý họ.
Lần đó tôi rong ruổi ở ngoài cho đến khi gặp Kim Hách Khuê. Anh cho tôi ở tạm trong căn trọ của anh. Một tuần sau, gia đình liên lạc với tôi và đón tôi về.
Khi đó quan hệ của tôi và Kim Hách Khuê đang dần thân thiết hơn. Chỉ trong vài năm tháng chúng tôi đã quyết định xác lập mối quan hệ người yêu.
Cho đến một ngày tôi dẫn Kim Hách Khuê về nhà. Ban đầu anh không muốn vì cảm thấy họ chưa thể chấp nhận hết được. Nhưng tôi vẫn kiên quyết dẫn anh về.
Sau đó, cha mẹ nói với tôi họ đồng ý cho chúng tôi và thông báo tôi có thêm một người em trai nữa. Họ nói sẽ chấp thuận của hai đứa nếu tôi biến khỏi nhà này, hoặc tôi có thể ở lại nếu chia tay Kim Hách Khuê và trở lại bình thường.
Cả gia đình cãi vả, và ba đã đánh vào mắt tôi. Kim Hách Khuê đứng im lặng nãy giờ cản ba tôi vung cú đấm tiếp theo, anh kéo dãn khoảng cách giữa tôi và họ. Sau đó, trước mắt ba mẹ, đè tôi lại mà hôn lấy tôi.
Tôi không nghĩ mình là người mạnh mẽ, cũng không nghĩ mình có thể kiên định đến vậy, nhưng tôi đã đi theo anh, sau những tiếng la mắng khiếp đảm, không mang theo gì ngoài một túi đồ nhỏ và nỗi chua xót trong lòng.
"Từ ngày hôm nay, mày không còn là con của tao nữa."
Anh không có gia đình. Sau này anh mới có một, là tôi.
Từ ngày đó, tôi ở lại căn trọ nhỏ của Kim Hách Khuê.
Căn phòng không lớn, nhưng rất ấm áp. Không có những bức tường trắng lạnh lẽo của nhà tôi, không có những ánh mắt soi mói, cũng không có tiếng la mắng.
Chỉ có tiếng gõ bàn phím lách cách khi anh viết, mùi cà phê thoảng qua vào mỗi sáng, và những buổi tối tôi ngủ quên trên ghế sofa, để rồi tỉnh dậy với một chiếc chăn mỏng đắp ngang người.
Hách Khuê có một thói quen kỳ lạ. Nhưng mỗi sáng, trước khi ra ngoài, anh luôn để lại trên bàn một hộp sữa, hoặc một ổ bánh mì, kèm theo một tờ giấy ghi chú.
"Dậy đi. Trễ rồi."
"Ăn sáng trước khi chạy ra khỏi cửa."
"Trời lạnh. Nhớ mặc thêm áo."
"Cục cưng."
Tôi đã giữ tất cả những mảnh giấy đó, xếp gọn trong một quyển sổ nhỏ. Nét chữ anh vuông vắn và dứt khoát như cái cách anh nghiêm túc với nghề nghiệp của mình,
Lần đầu tiên, tôi cảm thấy có người quan tâm đến tôi không phải vì trách nhiệm, mà chỉ đơn giản vì tôi là chính tôi.
Tôi không nhớ chính xác mình bắt đầu thích anh từ khi nào.
Có thể là vào một buổi tối nào đó, khi tôi ngồi bên cạnh anh trên chiếc ghế sofa cũ kỹ, lắng nghe anh đọc một bài thơ mới sáng tác. Hoặc có thể là vào một ngày mưa, khi tôi nhìn thấy anh đứng trước cửa hàng sách cũ, tay cầm một quyển thơ bạc màu, đôi mắt sáng lên như một đứa trẻ.
Có thể là vào một buổi sáng mùa đông, khi anh đưa tôi chiếc khăn quàng cổ của mình, bảo rằng tôi không biết tự chăm sóc bản thân. Sau đó anh sẽ giận dỗi với tôi và không thèm nói chuyện với tôi nữa và chờ tôi mở lời trước. Cuối cùng, khi nhận ra anh bị dỗi ngược lại thì anh cũng đành xuống nước xin lỗi tôi trước.
Cái anh này, vừa nghiêm túc vừa mơ màn thế nào ấy.
Tôi không biết nữa.
Chỉ là, vào một khoảnh khắc nào đó, tôi chợt nhận ra rằng tôi thích ngắm nhìn anh. Rằng tôi thích cách anh đẩy kính lên sống mũi khi tập trung đọc sách. Thích cách anh cười khẽ mỗi khi tôi vụng về làm hỏng thứ gì đó.
Thích cả cách anh lặng lẽ ở bên tôi, không cần nói gì cả, nhưng vẫn khiến tôi cảm thấy an toàn.
Hầu như tôi ở nhà mỗi ngày, còn anh thì làm việc mỗi ngày. Đến một ngày, khi tôi dậy sớm lén lút ra ngoài chợ mua một ít đồ về nấu ăn cho anh. Tôi hiếm đi chợ nhưng đồ ăn siêu thị quá mắc, tôi không dám tiêu xài hoang phí. Tôi đến khu chợ gần trọ, khi tìm hàng thịt bò, tôi thấy anh đeo bao tay, cắt từng miếng thịt đem đi cân rồi tính tiền cho khách hàng.
Tôi đứng hình, trước giờ tôi nghĩ bàn tay anh hợp nhất với việc cầm bút, dùng văn chương tô điểm lên cái tôi của anh. Vì vậy, tôi chưa từng và cũng không dám tin anh sẽ dùng đôi tay của mình để xẻ thịt, mỗi vết cứa lại làm tim tôi khó thở. Và điều khó chịu nhất là lý do của nó. Là vì không đủ tiền trọ, không đủ tiền ăn, không đủ tiền nuôi tôi.
Tối đó, tôi không nói gì với anh, chỉ ôm anh chặt hơn thường ngày.
Sau này, khi chuyển tới nơi mới. Công việc này với tôi ban đầu rất khó khăn. Không phải là do quy mô của nghĩa trang, cư dân ở đây không nhiều, và gần đây người ta chẳng mấy ai chọn chôn cất nữa, thay vào đó chỉ cần hỏa thiêu và thế là tiết kiệm được rất nhiều chi phí mà chẳng cần lo những kẻ trộm mộ. Chỉ là vấn đề giờ giấc, tôi không thể làm ca đêm được, tôi không nhát gan nhưng Hách Khuê nằng nặc đòi tôi vào về mỗi tối, anh đã nhượng bộ cho tôi làm công việc này và đây là giới hạn cuối cùng của anh.
Những ngày vẫn phải kiếm thêm người để thay phiên trực với tôi, Hách Khuê thay vì làm thơ thì mỗi sáng sớm, cái giờ tôi không thể mở mắt nổi đã ghé qua từng nhà hỏi có ai muốn làm gác mộ vào ca đêm không.
Sau khi phát hiện nhờ vào cư dân quanh đây tôi đã hoảng hốt đến mức dậy vào lúc 5 giờ sáng chỉ để ngăn anh lại. Cứ thế trong gần mỗi tuần, tôi đã dậy đúng giờ gà gáy mà không cần đến báo thức. Hách Khuê thấy thế vừa bực tôi vừa buồn cười. Mà mỗi lần thấy thế anh toàn đè tôi ra hôn cho bỏ cục tức trong người.
May mắn thay không lâu sau đó ông chủ tìm được một cậu nhóc vừa tốt nghiệp cấp 3 để làm ca tối, còn tôi sẽ làm ca sáng.
Tôi nhớ rõ ngày đầu tiên đặt chân đến Harpies. Hách Khuê và tôi đứng trên đỉnh dốc, phía dưới là thị trấn nhỏ bé nép mình dưới chân núi. Tôi từng nghĩ nơi đây thật yên bình, yên bình đến mức chẳng có gì có thể thay đổi được.
Cứ thế mỗi ngày, chúng tôi sẽ thức dậy vào 5 giờ sáng, anh dậy sớm hơn tôi một chút. Ghé qua gần cửa hàng đồ ăn, mua hai cái bánh bao nóng, trên đường anh sẽ đạp xe chở tôi ngồi phía sau, tập thơ của anh thì để trên đùi tôi. Tôi sẽ ăn bánh bao trước, tiếp đó mới lấy cái bánh bao tiếp theo đã hơi nguội bớt, xé cho anh.
Anh thích nơi này ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Còn tôi thì sao?
Lúc ấy tôi chẳng nghĩ gì nhiều. Chỉ đơn giản là một nơi khác để đi, một vùng đất khác để đặt chân. Tôi đã quen với việc sống tạm bợ, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, chỉ cần có Hách Khuê bên cạnh, dù là đâu cũng không quan trọng.
Nhưng bây giờ, tôi mới nhận ra, nơi này thực sự đã trở thành nhà.
Không phải vì nó yên bình. Không phải vì nó đẹp. Mà vì anh đã từng ở đây.
Hách Khuê đã từng bảo, anh muốn tôi có một gia đình thực sự. Và anh đã làm được.
Tôi nắm chặt lá thư, cảm giác mất mát ngày càng sâu hơn. Tôi chuyển sang lá thư thứ tư.
4, à:
"Điền Dã,
Em có đang chờ anh không? Anh đang trên tàu lửa để về, nỗ lực bắt xe thật vô vọng và tốn thời gian khi chẳng ai chịu nhận một chuyến đi xa như vậy cả. Chắc chỉ còn vài tiếng nữa thôi. Anh muốn gặp em.
Dù thời gian diễn ra nhanh hơn dự kiến vì anh đã cố lượt bớt các thủ tục và không điều chỉnh hợp đồng nữa nhưng kế hoạch hợp tác đã diễn ra suôn sẻ.
Anh muốn viết cho em, viết về em. Đến mùa anh đào nở, khi lá phong nở đầy cành, đến khi các tán cây phong chẳng còn nữa và tuyết dần rơi đầy nền đất, che lấp đi những chiếc lá héo khô.
Còn nhớ chứ? Rằng anh yêu em, cánh đồng ngập tràn hy vọng của anh.
Kim Hách Khuê."
Tôi nhắm mắt, nhớ về trước kia.
Hôm ấy, trời mưa. Lại là một ngày mưa.
Chúng tôi ngồi bên nhau trên mái hiên của khu trọ, cùng uống chung một lon bia ấm.
Tôi dựa đầu vào vai anh, khẽ hỏi:
"Anh có từng yêu ai chưa?"
Hách Khuê im lặng một lúc lâu mới cười nhẹ. Anh đặt ngón trỏ lên chóp mũi tôi mà mân mê, "Có chứ."
Tim tôi hơi chùng xuống, nhưng tôi vẫn gật đầu. Thật ra, trong tôi đó có một phần ích kỷ chiếm lấy, tôi chỉ muốn bản thân là mối tình đầu tiên của anh thôi.
Chỉ nghĩ đến việc anh cũng quan tâm người khác, lo cho người nọ từng bữa ăn và nói yêu với người ấy làm tôi khó chịu vô cùng.
"Vậy anh yêu người đó như thế nào?"
Anh không nhìn tôi, chỉ đưa lon bia lên môi, uống một ngụm nhỏ. Rồi anh quay sang tôi, ánh mắt bình thản như thể câu trả lời rất đơn giản.
"Như thế này."
Tôi mở to mắt, chưa kịp phản ứng thì anh đã cúi xuống, hôn nhẹ lên khóe môi tôi.
Một cái chạm rất khẽ. Nhẹ như gió thoảng qua, nhưng khiến tôi không thể thở được.
Tôi cứ ngồi đó, ngơ ngác nhìn anh.
Anh bật cười, vươn tay xoa đầu tôi, giọng trầm thấp nói: "Anh yêu em, Điền Dã."
Mãi sau này, tôi mới biết, thật ra anh đã yêu tôi ngay từ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Chỉ là anh vẫn luôn chờ tôi nhận ra điều đó trước.
Hách Khuê yêu viết. Anh bảo rằng viết là cách anh bày tỏ những điều mà lời nói không thể diễn tả hết. Anh từng có một ước mơ lớn lao: xuất bản một tập thơ, một cuốn sách ghi lại tất cả những gì anh cảm nhận về thế giới, về tình yêu, về tôi.
Tôi nhớ có lần chúng tôi ngồi bên bờ suối, tôi hỏi anh: "Anh viết những bài thơ đó là để dành cho em à?"
Anh bật cười, nhéo mũi tôi: "Em là nguồn cảm hứng, nhưng chúng không chỉ dành cho em. Chúng dành cho tất cả những ai từng yêu, từng khát khao, từng cảm thấy trái tim mình đập loạn nhịp vì một ai đó."
Tôi nhìn vào mắt anh, lòng tràn đầy yêu thương.
"Anh cũng vậy mà. Trái tim anh cũng đập loạn nhịp vì em."
Hách Khuê im lặng nhìn tôi, rồi bật cười, kéo tôi lại gần, thì thầm vào tai tôi: "Ngốc, vậy mà đến tận bây giờ mới chịu thừa nhận à?"
Tôi mím môi, đấm nhẹ vào ngực anh, nhưng lại không nhịn được mà bật cười theo.
Tôi ngồi trước lò sưởi, đặt hộp thiếc cùng bốn lá thư còn lại trên bàn, chỉ còn lại lá thư thứ năm trên tay đang đợi tôi mở ra.
Tôi siết chặt lá thư, đứng dậy, bước ra ngoài phòng trực.
Trời đã chiều. Gió mang theo hơi lạnh tràn qua, khiến tôi rùng mình. Tôi kéo chặt cổ áo, nhìn xuống con đường quanh co dẫn xuống núi.
Hôm nay Kim Hách Khuê về.
Hơi lạnh len qua khe cửa, chạm vào bàn tay không mang khăn tay của tôi, luồn qua lớp quần áo chạy dọc người tôi. Căn phòng nhỏ chỉ còn lại tiếng lửa than và tôi có thể nghe được tiếng tim đập của mình.
Trời lạnh, sương rơi ẩm ướt, tôi ngồi ngoài bậc thềm, mắt dán vào con đường mòn dẫn đến Harpies. Tôi đã tưởng tượng cảnh anh xuất hiện, chiếc ba lô khoác hờ trên vai, nụ cười ấm áp chờ đợi tôi chạy đến ôm chầm lấy anh.
Hách Khuê nói, đây là lá thư cuối cùng. Không hiểu sao tôi lại hồi hợp đến thế, tôi hít một hơi dài, dùng ngón tay chậm chạp hơn mọi hôm của mình mở niêm phong ra.
5, toi:
"Điền Dã,
Lắm lúc anh tự hỏi cuộc đời này có thể trớ trêu đến nhường nào? Anh biết mình bị ung thư phổi vào một ngày trước, anh không ở lại điều trị mà về với em. Không biết còn kịp để gặp em không, vì đã là giai đoạn cuối rồi.
Không thể điều trị được nữa.
Nó đã nảy mầm từ lúc anh và em mới dọn về đây, tức là nó đã bắt đầu giai đoạn cuối lúc anh ở thành phố rồi. Bác sĩ chẩn đoán là ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn cuối rồi, phần lớn là do tiếp xúc với bụi mịn quá nhiều. Em xem, lựa chọn của em khi định cư ở đây chính xác chưa kìa.
Anh muốn viết những lá thư trước để chúng có thể trấn an em trong thời gian anh trở về. Và anh không định sẽ viết lá thứ này. Nhưng có lẽ sẽ chẳng dễ dàng gì vì anh cảm thấy thời hạn đến rất gần rồi.
Trong lúc di chuyển, tuyến đường bị đất lở chặn phải tốn kha khá thời gian để di dời chúng. Anh chờ không nổi, anh đi ra ngoài khoang, tìm một góc đường đất mỏng, xốp mà đào, đến khi bàn tay nhem nhuốc túa cả máu vì vật nhọn trộn lẫn vào đất.
Sau đó mọi người vào kéo anh về và trấn an anh. Một lúc sau anh mới bình tĩnh được. Anh nhìn mảnh đất dày che lấp một đoạn đường đi. Dẫu vậy, anh nghĩ sẽ gặp được em thôi.
Thật ra lúc đó tim anh như bị nội tạng cùng lá phổi chèn ép, vừa khó thở, muốn mở miệng để dễ dàng hô hấp hơn những chỉ có thể ho đến độ nước mắt giàn giụa, máu từ cổ họng trào ra.
Nếu lá thư này về tay em, có lẽ anh đã chết rồi. Nhưng anh mong rằng em chưa từng và sẽ không phải đọc những lá thư này.
Anh không muốn chết. Không muốn chết.
Anh muốn gặp em. Muốn gặp em.
Hãy nhớ rằng anh yêu em, nhiều lắm, cánh đồng ngập tràn hy vọng của anh.
Kim Hách Khuê."
Hết rồi. Tôi ngẩn người khi nhìn lá thư. Nhìn dòng thư nhòe đi và những mảnh giấy nhăn nheo như dính hạt mưa. Tôi dùng ngón tay của mình, chạm vào chúng.
Hình như than đã cháy hết vì trời lạnh quá, nhưng sao lại hết nhanh thế?
Tôi chớp mắt. Gió lạnh len lỏi vào tận xương tủy.
Tôi vừa nhận ra, trước mặt tôi là một bia mộ mới. Đất vẫn còn tơi xốp. Tôi cúi xuống, những ngón tay run rẩy lần theo dòng chữ khắc trên đá.
Hách Khuê đã không về.
Không phải vì tuyến đường bị chặn. Không phải vì tàu trễ.
Mà vì anh đã chết.
Tôi cảm giác cổ họng mình khô khốc, một tiếng cũng không phát ra được. Tôi cố hít vào thật sâu, nhưng mỗi hơi thở như bị bóp nghẹt bởi một sợi dây vô hình.
Làm sao có thể như vậy được?
Mới sáng nay tôi còn ngồi đây, mở thư của anh, nghĩ rằng chỉ vài tiếng nữa thôi anh sẽ trở về. Tôi đã tưởng tượng cảnh mình chạy ra nhà ga, nhìn thấy anh bước xuống, ba lô khoác hờ trên vai, nụ cười vẫn dịu dàng như cũ.
Vậy mà bây giờ, những gì còn lại chỉ là một lá thư báo tử.
Một lời nhắn gửi từ người đã khuất.
Một câu nói cuối cùng của anh, không bao giờ có thể đáp lại nữa.
Tôi không biết mình đã ngồi đó bao lâu.
Cho đến khi bầu trời bên ngoài dần tối lại, gió vẫn thổi qua ô cửa, mang theo hơi lạnh len vào từng ngóc ngách trong cơ thể tôi. Tôi chợt nhớ ra, anh luôn nhắc tôi phải giữ ấm, vì anh sợ tôi sẽ bị cảm.
Tôi cúi đầu, chạm tay lên bia mộ khắc tên anh.
"Em cũng yêu anh, ánh sáng của cánh đồng ngập tràn hy vọng của em, của em."
Tôi chớp mắt. Lạnh quá.
Gió rít qua tai, luồn vào cổ áo tôi như một lưỡi dao mỏng cắt vào da thịt. Tôi nhìn xuống tay mình, những ngón tay đã tê cứng vì lạnh. Nhưng lạ thay, tôi không còn cảm thấy gì nữa. Không còn nhịp đập vội vã trong lồng ngực, không còn hơi thở ấm áp phả ra thành làn khói trắng.
Chỉ có im lặng.
Tôi đưa tay chạm vào tấm bia trước mặt.
Kim Hách Khuê.
Anh ấy thật sự đã đi rồi. Tôi biết điều đó. Tôi đã khóc, đã đọc hết những lá thư ấy. Nhưng tôi vẫn ngồi đây, chờ anh trở về.
Bỗng tiếng radio rè rè vang lên từ căn phòng trực nhỏ bé.
Tôi giật mình ngẩng đầu, trong lòng vẫn còn nguyên dư âm của lá thư cuối cùng. Gió bên ngoài rít qua khe cửa, mang theo hơi lạnh cắt da.
"Bản tin đặc biệt về vụ việc bi thương tại vùng núi X.
Vào tối ngày 14, trên chuyến tàu từ thành phố về khu vực miền núi, một hành khách đã đột ngột qua đời do suy hô hấp nghiêm trọng. Nạn nhân được xác nhận là nhà thơ Kim Hách Khuê, người đã chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối trong thời gian dài. Theo lời khai của nhân viên trên tàu, nạn nhân có biểu hiện khó thở, ho ra máu, sau đó mất ý thức và không qua khỏi trước khi tàu kịp đến ga gần nhất.
Sau khi nhận được tin dữ, gia đình nạn nhân đã quyết định tổ chức tang lễ tại nghĩa trang Harpies, nơi nạn nhân từng gắn bó suốt hai năm qua. Thi thể của Kim Hách Khuê được chôn cất vào ngày 16.
Hai ngày sau tang lễ, một vụ sạt lở đất xảy ra trên con đường núi dẫn xuống nghĩa trang Harpies. Một người dân địa phương, Điền Dã, đã không may bị chôn vùi dưới lớp đất đá. Khi đội cứu hộ tìm thấy thi thể nạn nhân, thời gian tử vong được xác định là vào rạng sáng ngày 17."
Gió thổi vù vù, cuốn theo những chiếc lá phong vàng úa rơi lả tả trên nền đất. Tôi vẫn ngồi đó, trước bia mộ, bàn tay vô thức lần theo từng đường nét khắc trên phiến đá lạnh lẽo.
Điền Dã.
Là tên tôi.
Là chính tôi.
Radio vẫn tiếp tục phát, nhưng tôi không còn nghe thấy gì nữa.
Tôi chớp mắt.
Trời lạnh quá.
Tôi nhìn xuống tay mình. Những ngón tay tái nhợt, lạnh lẽo như sương đêm. Tôi đưa tay lên ngực, nơi lẽ ra tim tôi phải đập, nhưng không có gì cả. Chỉ là một khoảng trống im lặng đến đáng sợ.
Hóa ra, tôi chưa từng rời khỏi đây.
Một cơn gió lạnh buốt lướt qua gáy tôi, khiến tôi chợt rùng mình. Không, không phải là gió. Là thứ gì đó khác. Một cảm giác lạ lẫm, tựa như tôi đã bị bóc tách khỏi thế giới thực, như thể tôi chỉ là một cái bóng vô hình trôi dạt giữa nhân gian.
Tôi đứng dậy, quay đầu nhìn ra con đường mòn dẫn xuống núi. Không còn ánh mặt trời rực rỡ, chỉ có màn sương mờ giăng kín lối, dày đặc đến mức tôi không thể nhìn thấy điểm tận cùng.
Phía sau lưng tôi, căn phòng trực nhỏ bé vẫn đứng đó, lặng lẽ như chính nó vốn dĩ. Lò sưởi đã tắt ngấm từ lúc nào, than trong lò chỉ còn là tro tàn nguội lạnh.
Tôi hít một hơi thật sâu, nhưng không còn cảm nhận được hơi thở ấm áp lan tỏa trong lồng ngực.
Hoá ra, tôi cũng đã chết.
***
Tiếng radio vẫn vang lên cho đến khi một bàn tay vươn tới, vặn nút tắt. Căn phòng nhỏ lập tức rơi vào tĩnh lặng.
Triệu Lễ Kiệt thở dài, dựa lưng vào ghế, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Nghĩa trang Harpies lặng im giữa sương sớm, những hàng mộ trải dài theo sườn đồi. Trong số đó, có hai ngôi mộ mới, nằm cạnh nhau.
"Vậy là họ đã đi rồi." Minh Khải chậm rãi nói, giọng khàn đi vì đêm qua mất ngủ.
Triều Lễ Kiệt im lặng. Một lúc sau, cậu ta mới lên tiếng, nhẹ như một tiếng thở dài.
"Anh có nhớ lần đầu tiên họ đến đây không?"
Minh Khải bật cười, nhưng nụ cười đầy chua xót, "Làm sao mà quên được."
Họ đã từng là hai kẻ xa lạ, đến từ nơi nào đó rất xa, mang theo những giấc mơ điên rồ và một tình yêu tưởng như có thể bất chấp cả thế giới. Họ đã đứng trên đỉnh dốc ngày hôm ấy, nhìn xuống thị trấn nhỏ bé dưới chân núi, và Kim Hách Khuê đã nói với Điền Dã: "Nơi này không chỉ có những ngôi mộ. Nó còn có cả núi trời."
Triệu Lễ Kiệt cúi đầu, nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay mình.
"Một ngày nào đó," cậu khẽ nói: "Gió sẽ cuốn tro tàn của họ đi, đến một nơi xa hơn cả ngọn núi này."
Minh Khải không đáp, chỉ lặng lẽ châm một điếu thuốc, khói mờ lan ra hòa vào sương sớm.
Bên ngoài, bầu trời dần sáng lên.
Một cơn gió nhẹ lướt qua, làm xao động những cánh phong rơi tan hoang quanh nghĩa trang.
Xa xa, nơi hai ngôi mộ mới dựng lên, bóng dáng hai người con trai vẫn đứng cạnh nhau, tay nắm chặt tay, lặng lẽ giữa cánh đồng hy vọng.
Và rồi, theo cơn gió đầu thu, họ biến mất. Chỉ để lại tàn tro trên nhân thế.
- End -
✮ Nghiên cứu kế tiếp: Anh chưa từng hết yêu — @hlnl013
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro