Phần đầu
Tôi bước xuống máy bay lúc 9 giờ rưỡi sáng, sau khi kéo chiếc vali to đùng của mình ra ngoài đón tắc xi, tôi lại quay về với trạng thái thẩn thờ cùng những suy nghĩ băng quơ như lúc còn ngồi trên máy bay.
Trùng Khánh, tôi về rồi đây.
Hơn hai mươi năm rời khỏi thành phố thân thuộc cũng như quê hương của mình, dường như trái tim tôi lúc này đang muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Như trở về với vòng tay mẹ, nơi cho tôi hồi ức, truyền cho tôi hơi ấm, khiến tôi dù có đi đâu đi bao lâu, cũng muốn dành thật nhiều thời gian để trở về đây.
Lần này, tôi quyết định về đây sống đến hết quãng đời còn lại. Hơn hai mươi năm sống nơi đất khách quê người, cật lực làm việc thật tốt, chủ yếu là mong muốn dành dụm được một số tiền để về quê hương mở một tiệm bánh nhỏ, sống an nhàn đến già.
Thật lòng mà nói, mục đích trở về Trùng Khánh không chỉ có vậy, mà còn liên quan đến một người dù rằng, người đó không còn sống ở đây nữa.
Người không còn, nhưng kỷ niệm vẫn còn đấy thôi.
Người không thuộc về tôi, nhưng ít ra thanh xuân của cả hai đã lưu lại hình bóng của nhau.
Nhìn thấy một chiếc tắc xi màu vàng trong đã cũ kỹ chạy đến, tôi vội đưa tay ra ngoài, chiếc xe dừng bánh, giao vali cho bác tài còn tôi thì bước lên băng ghế sau của xe.
Tắc xi lăn bánh rời khỏi sân bay Bắc Giang gần mười giờ sáng, tôi tựa lưng vào ghế, rồi lại thẩn thờ hoài niệm những chuyện đã cũ, nhớ lại bóng hình người xưa.
Năm đó tôi mười sáu tuổi, là học sinh lớp mười, năm đầu học trường Bát Trung. Bản tính vốn dĩ hòa đồng nên vừa đến chẳng được bao lâu tôi đã có khá nhiều bạn, cũng vì vậy mà không cảm thấy cô đơn. Trong số những người bạn đó có một người là Lưu Chí Hoành, tôi và cậu ấy ban đầu không nói chuyện với nhau nhiều, định chỉ là bạn học bình thường. Nhưng càng về sau nhận ra cả hai nói chuyện rất hợp, sở thích ăn uống cũng vô cùng giống nhau, rồi trở thành bạn thân từ lúc nào không hay.
Còn anh, năm đó từ Mỹ trở về đây và chuyển đến trường tôi đang học, trở thành bạn học của tôi, sau đó là bạn cùng bàn và sau đó... là cả thanh xuân mà tôi vẫn chưa thể quên được.
Vương Tuấn Khải, là tên của anh. Mười bảy tuổi, vẻ ngoài anh tuấn, thân người cao ráo, đôi mắt đuôi phượng đẹp đẽ vừa ấm áp lại có chút gì đó, lạnh giá.
Nghe nói cuộc sống bên Mỹ của anh gặp chút khó khăn nên anh được ba đưa về đây sống cùng với ông nội, tôi lại nghe nói gia đình Vương Tuấn Khải rất giàu có, không rõ họ kinh doanh gì nhưng sở hữu một tập đoàn lớn về tài chính, chứng khoán, cũng nghe nói bề ngoài là một công ty làm ăn hợp pháp, nhưng bên trong lại làm ăn phi pháp. Điều này mãi đến sau này tôi mới có cơ hội kiểm chứng.
Lần đầu gặp anh, tôi chính là không ngờ mình cũng có ngày bị trúng tiếng sét ái tình.
Trước giờ không biết tình yêu là gì, nhưng khi gặp Vương Tuấn Khải, tôi lại dành trọn tình cảm lạ lẫm lần đầu tiên mình có cho anh.
"Ông anh vừa từ nước ngoài về sao?"
Có lẽ không gian trong xe quá tĩnh lặng, lại nhìn thấy bộ dạng đăm chiêu nhìn ra ngoài cửa kính nên bác tài nghĩ tôi có chuyện buồn hay đại loại là không vui, vì vậy mà lên tiếng bắt chuyện.
"Ừ, tôi từ nước Anh về đây, cũng hơn hai mươi năm rồi."
"Thế về đây thăm gia đình hay sao?"
Mi mắt tôi khẽ rũ xuống, gia đình của tôi từ lâu đã chẳng còn. "Gia đình tôi không ở đây, chỉ là muốn những năm tháng sau này có thể sống ở quê hương, an hưởng tuổi già."
Bác tài bật cười: "Trông ông anh còn trẻ thế kia, chưa chi đã lo về già rồi sao?"
"Khỏe gì nữa, tôi cũng đã năm mươi lăm tuổi rồi, cái tuổi xế chiều. Tính xa cũng phải thôi."
"Ha ha, vậy không đi cùng vợ con à?"
Tôi lại lặng người vì câu hỏi của bác tài: "Không vợ, cũng chẳng con."
Từ khi Vương Tuấn Khải rời xa tôi, chưa từng có một giây một phút nào tôi muốn sống một cuộc sống bình thường như anh đã nói, vì tôi không thể và cũng vì trái tim này, đã lỡ dành trọn cho anh rồi.
Làm gì còn chỗ cho một người khác nữa, có anh là đủ.
Sau gần hai mươi phút ngồi tắc xi, cuối cùng cũng đến nơi. Chiếc xe dừng bánh trước một con hẻm nhỏ, đột nhiên trước mắt của tôi lại hiện lên hình bóng hai người thiếu niên, một cao một thấp, một vẫn giữ nét mặt lạnh lùng, một vui vui vẻ vẻ đi bên cạnh, thao thao bất tuyệt.
Chính là bóng hình của tôi và anh năm mười tám, mười chín tuổi. Khi cả hai quyết định ra ngoài ở riêng. Tự lập.
Tự lập chỉ là cái cớ bắt buộc, thật ra năm đó gia đình Vương Tuấn Khải biết chuyện của tôi với anh, gia đình của tôi cũng biết nhưng họ đã sớm chấp nhận, nhưng vì bị gia đình Vương Tuấn Khải gây sức ép nên chúng tôi quyết cùng nhau đấu tranh đến cùng, vì tình yêu mà chúng tôi tin, nó vĩnh cửu. Tôi không sống cùng gia đình mình nữa vì không muốn gây rắc rối cho họ, nên đã âm thầm cùng anh chuyển đến nơi khác sống, một nơi xa lạ chẳng ai quen biết chúng tôi, và cũng chẳng ai kỳ thị chúng tôi.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, tôi khẽ bật cười.
Khó khăn bao nhiêu cũng đồng lòng nắm tay nhau vượt qua, nhưng cuối cùng lại chẳng thể nắm tay đi đến cuối đoạn đường. Chẳng biết nên trách ai đây. Trách ông trời lỡ se duyên cho hai người rồi lại không cho cả tôi và anh một kết cục tốt đẹp sao?
"Chúc anh bạn có được cuộc sống như mình mong muốn, tôi đi đây." Trước khi rời đi bác tài vội nói vài câu, rồi không đợi tôi trả lời mà chạy xe đi mất.
Tôi xoay người nhìn căn hẻm, cẩn thận kéo chiếc vali rồi đi vào trong.
Đi sâu vào căn hẻm, những ngôi nhà đã cũ kỹ, màu sơn phai mờ do thời tiết quanh năm mang đến dần dần hiện ra trước mắt, dường như thời gian có trôi qua bao lâu thì nơi đây vẫn chẳng hề thay đổi, tựa như ở đây không phải chịu tác động của thời gian, hoàn toàn thuộc về một thế giới khác, bình yên hơn, con người sống và làm việc ở đây cũng tự tại, an nhiên không xô bồ vội vã như thế giới ngoài kia. Tôi chọn nơi đây để xây lên tổ ấm cùng người mình yêu cũng vì như vậy, con người ở đây cho dù không học cao, không hiểu biết rộng nhưng ít nhất họ không nhìn chúng tôi bằng ánh mắt miệt thị. Tôi vẫn còn nhớ có một bà lão bán sủi cảo hay nói với tôi thế này:
"Để gặp được người mình yêu thương hơn cả sinh mạng ở kiếp này chắc hẳn phải khó khăn lắm, nếu người đó cho cháu cảm giác bình yên và hạnh phúc thì hãy nắm tay người đó thật chặt. Cho dù người mà cháu yêu là nam hay nữ thì cũng phải nhớ một điều, tình yêu xuất phát từ con tim không phải xuất phát từ ánh mắt người khác nhìn, cháu hạnh phúc là được và phải trân trọng lấy nó." Nói dứt lời bà lại tặng thêm cho tôi hai miếng sủi cảo hấp còn nóng hổi, rồi mỉm cười hiền từ nhìn tôi ăn từng miếng từng miếng.
Bà lão ấy tôi hay gọi là bà "Sủi cảo", bà sống một mình ở căn nhà nhỏ cuối hẻm, bà hiền từ và tốt bụng được lòng rất nhiều người dân ở đây. Tôi nghe một người khác kể, bà trước kia có một mối tình vô cùng đẹp nhưng vì gia đình người kia ngăn cản mà bây giờ cả hai mỗi người một nơi, người kia ngã mình nơi chiến trường bom đạn còn bà nguyện sống cả một đời thế này, chỉ đợi đến ngày nhắm mắt xuôi tay đến gặp người mà bà đã yêu trọn một kiếp. Lại có người nói bà thật ngu ngốc, hà cớ gì vì một người đàn ông mà đánh mất cả một thanh xuân tươi đẹp như thế, nhưng tôi lại thấy bà thật kiên cường, mấy ai có thể như vậy? Vì người mình yêu mà nguyện cả một đời cô độc, ôm mãi trong lòng một tình yêu và những kỷ niệm dù nó đã sớm chẳng còn cơ hội để tiếp diễn được nữa.
Mọi thứ đã sớm tan vào mây khói, nhưng người say tình vẫn cố chấp với những dư âm còn lại.
Tôi dừng bước trước ngôi nhà cũ kỹ xập xệ của bà, bóng dáng bà ngồi bên nồi sủi cảo nóng hổi khi xưa bỗng chốc hiện lên trong tâm trí tôi, tựa như bà luôn luôn ở đây. Tôi còn nhớ cái ngày mọi người trong xóm chạy nháo nhào cả lên vì nhìn thấy thân thể bà nằm la liệt trước cửa nhà, bác sĩ nói bà mất rồi, thế là cả xóm bật khóc và tiếc nuối, còn tôi thì thờ thẫn nhìn thân xác lạnh tanh của người mà hôm qua còn ngồi kể tôi nghe về nhân tình thế thái, bà nói: "Cuộc sống này vốn dĩ ngắn ngủi lắm, buồn hay vui chúng ta đều phải sống, vì vậy cho dù có vấp ngã thế nào cũng phải kiên cường đứng dậy, sống cho trọn một kiếp trước đã."
Tôi hỏi Vương Tuấn Khải, anh cũng lặng người đi khi nghe tin bà không còn trên trần thế này nữa:
"Như vậy là tốt phải không anh, vì bà đã được gặp người mình yêu và chờ đợi suốt cả đời người rồi."
Anh nhẹ lau đi từng giọt nước mắt của tôi, vỗ về không cho tôi bật khóc: "Đúng vậy, bà chịu khổ đủ rồi, bây giờ có lẽ là thời điểm bà được hạnh phúc."
Bà từ trần ở tuổi tám mươi chín, mọi người trong xóm đem tro cốt của bà đặt trong chùa, còn ngôi nhà là nơi mọi người thay nhau đến thấp hương, làm giỗ cho bà.
Nhiều năm như vậy trôi qua, ngôi nhà này tuy đã hoang tàn nhưng nó vẫn còn ở đây, tôi nghe được mùi hương nhang lan tỏa ra từ trong gian nhà, lòng tôi đột nhiên cảm thấy ấm áp, bà mất rồi nhưng tình cảm bà gieo cho từng người trong xóm nhỏ này vẫn còn và họ chưa từng quên.
Tôi xoay bước trở về ngôi nhà cũ của mình và anh trước kia đã sống, ngôi nhà vẫn như thế từ khi tôi rời đi, nhưng đã cũ hơn trước rất nhiều.
"Vương Nguyên phải không?"
Khi đang loay hoay mở cửa cổng, cánh cửa cổng làm bằng gỗ đã mục rửa dần theo năm tháng, làm vài động tác đã có thể mở được ngay. Thanh âm từ phía sau vọng đến, giọng nói này khiến tôi ngẩn người, vừa lạ lại vừa quen. Tôi bất giác xoay người lại.
Một người đàn ông đứng trước mắt tôi, dáng người cao ráo, mái tóc đen thời tuổi trẻ bây giờ đã nhuộm đẫm màu trắng tinh.
Người đàn ông bước đến, mỉm cười: "Tôi là Dịch Dương Thiên Tỉ đây, không nhận ra sao?"
Tôi kinh ngạc: "Thiên Thiên?"
"Haha, bao năm trôi qua rồi, cậu vẫn vậy, cái gì cũng khác chỉ có vẻ mặt ngốc ngốc đó là không thay đổi."
Dịch Dương Thiên Tỉ trước kia là bạn thân của Vương Tuấn Khải và tôi. Nhóm chúng tôi có sáu người, anh, tôi, cậu và Lưu Chí Hoành. Hai người còn lại thì... cũng giống như Vương Tuấn Khải, đã nằm trong lồng đất lạnh giá.
Từ ngày Tuấn Khải mất đi, tôi rời khỏi thành phố cũng như quê hương đầy bình yên này mà sang nước ngoài sinh sống, một thân một mình đi cũng chẳng cho ai lời từ biệt, dường như chẳng còn liên lạc gì đến hai người bạn thân này. Không ngờ khi quay lại đây, lại có dịp hội ngộ người bạn cũ.
Tôi mở cửa, mời Thiên Tỉ vào nhà, chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ dài được đặt ngoài khu vườn nhỏ. Khi bước vào đây tôi đã vô cùng ngạc nhiên, nơi đây chẳng khác gì ngày trước, cho đến khi cậu bạn bên cạnh lên tiếng giải đáp thắc mắc cho tôi.
"Từ ngày cậu đi, tôi và Chí Hoành luôn thay nhau vào đây chăm sóc căn nhà nhỏ này giúp cậu và Tuấn Khải. Dù cậu không nói nhưng bọn tôi tin, sẽ có ngày cậu trở lại nơi đây, vì đây đã cho cậu rất nhiều kỷ niệm."
Dịch Dương Thiên Tỉ và Chí Hoành năm đó đã chứng kiến những đau thương của tôi và anh, hay nói đúng hơn là bi kịch của chúng tôi.
Thiên Tỉ nói tiếp: "Năm đó bao nhiêu sóng gió đều tan biến từ khi Tuấn Khải ngã mình xuống mặt đất lạnh giá, mọi thứ như trở về theo quy cũ của nó, chỉ khác người kia đã không thể tỉnh dậy được nữa. Tôi cùng Chí Hoành sau đó mở một tiệm trà nhỏ, tên "Hoài niệm", công việc hiện tại rất ổn định. Nhiều lần muốn tìm cậu nhưng chỉ tiếc, chẳng có chút thông tin nào của cậu cả. Cậu thế nào rồi?"
Tôi hướng mắt nhìn về hàng cây cúc trắng mà năm xưa đã từng cùng anh chăm sóc, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về như thước phim dài tập, chậm rãi, rõ rệt và... đau thương.
"Mọi chuyện đều vẫn ổn, trừ việc hình bóng của Tuấn Khải vẫn chưa thể phai nhòa."
Tôi nghe tiếng thở dài của Thiên Tỉ bên cạnh, cậu ấy nói:
"Những khoảnh khắc đẹp đẽ của trước kia, sau cùng chỉ còn lại là hoài niệm đầy đau thương."
Hoài niệm...
Vương Tuấn Khải, những khoảng khắc thuộc về chúng ta của trước kia, liệu rằng anh có nhớ?
Hay chỉ có mỗi mình em... đơn phương nhớ lại?
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro