o;

"Sài Gòn nắng sớm vàng ươm, sao chị vẫn chưa về?"

Sáng sớm ban mai, ngày đầu tiên của mùa hè. Cái nóng chưa thực sự lan tỏa, vẫn còn lân lân hơi lạnh của mùa xuân nên tiết trời có phần dịu mát hơn. Chỉ là trong gian phòng, tia nắng chói chang từ khung cửa sổ qua tấm màn lụa có khe nhỏ xuyên qua, là là mang hơi gió mát. Không khí ở Mỹ, nó khác không khí ở quê nhà rất nhiều.

Tiếng chim hót ríu rít bên bậu cửa sổ làm tôi nhớ quê.

Với tay mở điện thoại bật nhạc. Nhạc vang đều đều trên đầu giường nằm, một bản trữ tình lãng mạn quen thuộc mà mỗi khi ở dưới nhà ngoại tôi vẫn thường hay nghe. Còn bây giờ, tôi đang trong tình trạng quá đỗi lười biếng để đưa chân xuống sàn. Vì hôm nay là ngày nghỉ.

Nhưng lý trí không thắng nổi phần bụng đang sôi sùng sục lên trong tôi. Cuối cùng vẫn phải xỏ đôi dép bông vào và chuẩn bị ra ngoài mua đồ ăn ở mấy quán bên đường.


Những lúc như vầy tôi hay nhớ đến bát phở đầy ụ với bốn miếng thịt to và rau muống trụng nguyên dĩa bự chỉ mười ngàn. Bát phở của cô Hai đầu ngõ làng tôi, hồi nhỏ mẹ hay đèo tôi ra đó ăn mỗi sáng khi nhà không nấu đồ ăn. Nhà cô Hai có một đứa con trai, em nhỏ hơn tôi tận bốn tuổi, nên tôi cứ thích xưng tao mày mãi. Còn em thì vẫn xưng tên, gọi chị.

Cái dáng em khi ấy gầy như con tép dưới sông ấy, mà được cái mặt cũng béo ụ, nom cưng lắm. Nhưng năm lên mười sáu, tôi ngưng gọi Hoan là mày, thay vào đó gọi Hoan xưng chị. Em họ Tô, tên Đình Hoan. Tô Đình Hoan.

Và cũng vì đang trải qua lứa tuổi dậy thì, có nhiều cái thay đổi khác thường lắm.

Lúc ấy cái Hoan tự dưng ngạc nhiên với sự nết na, thùy mị của tôi khi gọi tên em và xưng chị như thế, nhưng không lâu sau em đã thấy quen với điều đó rồi.


"Hoan chờ chị gọi tên Hoan lâu lắm rồi đó."







Hoan ấy, cái hồi chưa trổ mã, người ngọm của em còi đến độ mới đụng tới lưng là thấy rõ xương sống cộm lên từng đốt. Mà được cái có khuôn mặt có thịt. Với lại Hoan da trắng từ trong trứng nước, khác với mấy đứa con trai trong làng, duy nhất Hoan có làn da độc quyền đấy thây.

Ấy lại thêm một cái, người Hoan mềm lắm, mềm mại hết cả phần con gái. Tôi không phải ngoại lệ. Vậy đó, có mấy lúc chọc Hoan xong còn cố ý xoa xoa mặt, nham nhở miết em ấy cũng không thèm ngó, để mặc tôi muốn làm gì thì làm.

Mà hay lắm nhé, Hoan không cho ai đụng vào người em đâu, giữ thân rất kĩ. Lại còn hay ngại gái, trừ tôi.

"Chị viện cớ chọc Hoan chỉ để dê xồm Hoan chứ gì? Mười đồng một lần chạm má."

"Không cho Hoan tính toán với chị, miễn phí đi. Hì hì."







Tôi gọi em là Hoan, chỉ duy nhất mình tôi gọi em là Hoan thay vì cả đám trong làng chúng nó lại gọi em là "Ê, con bà Hai." Có lẽ đó là điều đặc biệt, với em, cả tôi.


Và mỗi lần nhớ đến như vậy, tôi cũng nghĩ đến Hoan. Em lúc nhỏ bé hơn tôi cả thẩy, cái dáng chỉ được cái là gầy hơn tôi và mặt bánh bao dễ cưng hơn tôi mà thôi.

Mà giờ thì không biết Hoan có cao thêm hay không, có mập lên hay không. Cũng lâu lắm rồi, khi tôi mười tám rời xóm lên phố học đại học, rồi nhận học bổng xong bay ngay sang Mỹ. Ngót cũng gần tám chín năm hay gì rồi.

Mỗi lần gọi về cũng gọi cho mẹ, trò chuyện một lúc lâu cho đến khi giám đốc gọi đến bảo sửa lại cái dự án cho kĩ càng, tôi mới vội hỏi mẹ về Hoan. Mẹ bảo Hoan giờ vẫn ổn, công ăn việc làm cũng lên lắm, đoạn, tôi vội chào mẹ rồi dập máy, vùi đầu vào đống dự án mà giám đốc bảo sửa. Cốc cà phê pha sẵn chưa kịp uống. Cũng chỉ cần biết em ổn, tôi cũng chưa có dịp hỏi mẹ thêm về cách để liên lạc với em.







Vậy mà khi buông lỏng công việc ra, nghỉ ngơi một chút. Tôi bỗng nhớ Hoan kinh khủng, một nỗi nhớ da diết.



Hồi đó Hoan người gầy gò mà sức ăn đáng nể, em ăn cũng rất giỏi nữa. Cũng vì thế mà lúc tôi đi Mỹ, Hoan đã cao hơn tôi cái đầu.

Có lần Hoan bảo: "Hoan thích ăn bát mì trứng mà chị nấu cho ấy." Tôi cũng thấy lạ lắm, mì thì là mì thôi, tách quả trứng ra bỏ vào tô lúc còn nóng là ăn được thôi mà. Tôi hỏi Hoan vì sao em thích như vậy, em chỉ cười rồi nhìn sâu vào mắt tôi nói là Hoan thích thì thích thế đó, không có lý do gì hết.

Lúc đấy tim tôi như vỡ vụn vì ánh nhìn chân thành và nụ cười thật tươi của Hoan. Trái tim thiếu nữ khi đó ngại ngùng đập mạnh.







Mà nhé, giọng Hoan nói nghe hay, trầm trầm mà ấm lắm. Mỗi lần Hoan gọi tôi một tiếng "Chị ơi", tôi đều hoan hỉ đáp lại tiếng "Ơi" rất ngọt. Vì trong làng này tôi chỉ lớn hơn Hoan, bọn tôi lần lượt áp út và út, nên chỉ có mỗi Hoan gọi tôi là chị thôi. Và tôi thích Hoan gọi "Chị ơi" lắm.

Với cả mấy lúc tôi có chuyện buồn, Hoan đều đến an ủi tôi với chất giọng đó, thì cho dù nỗi buồn có vô vọng thế nào đi chăng nữa, chỉ cần Hoan gọi rồi nói "Có Hoan đây chị đừng buồn nữa nha, Hoan xót." là tôi đều cảm thấy ấm áp và an toàn vô cùng.

Hoan như một người rất thân thiết, cũng là một chỗ dựa vững chắc cho tinh thần tôi.

Mà nhé, Hoan hát cũng cuốn nữa. Hồi đó tôi thích nghe em hát, và từ khi bé tôi đã nghiện giọng của Hoan mất tiêu rồi. Chất giọng thì trầm, khi hát lại càng là lạ.

Còn có lần Hoan hát tôi nghe mấy cái bài tình ca mà mấy đứa nhóc ranh trong làng hay truyền tay nhau hát ấy, cứ như em đang rót mật vào tai tôi vậy.








Mỗi trưa rảnh rỗi Hoan phụ cô Hai xong, tôi rủ em ra cái chòi xập xệ bên cạnh mương nhà ngoại tôi. Hai đứa bận quần lụa bông giống mấy cái quần của mấy bác đi đồng đi cày ruộng ấy, áo thun còn vướn bùn sìn đồng ruộng, nằm trên chòi. Tôi hay để Hoan nằm trên đùi mình, em nằm đó hát tôi nghe, còn tôi lấy chiếc nón lá quạt quạt cho mát. Hoan mê hát, tôi cũng say cái giọng trầm của của em, nghe hoài không chán. Như thế một đứa hát một đứa nghe, song song một hồi rồi cũng tựa lên nhau mà ngủ đến xế chiều.

Tôi với Hoan có chung sở thích nhiều lắm, mà đa số là mấy bản nhạc trữ tình. Thích nghe của Đan Trường, thậm chí còn nghe Lệ Quyên hát nữa.

Mà ngoài hát hò mấy bản nhạc xưa tích cũ kia, Hoan còn thích nhảy. Hoan hay kể tôi, đôi lúc em lén mở chiếc ti-vi của cô Hai để mở lên mấy kênh có nhạc nhảy, những uyển chuyển trên sân khấu Hoan lấy làm thích thú, sau đó còn lôi kéo cả tôi ra khoảng sân trống sau vườn để mà dạy tôi nhảy.

Mà khổ nỗi, tôi có biết nhảy đâu? Hoan thì dẻo dai, còn tôi chẳng khác gì mấy khúc gỗ kêu răng rắc.

Hoan ấy, giọng thì trầm, nhưng tiếng cười như chiếc loa. Mỗi lần như thế, có chuyện gì vui là Hoan cười đến đầu làng cuối làng vẫn nghe được cơ đấy.



Có lần, thằng Vũ quần không đũng - quần chuyên rách đáy, làng dưới dắt đám bạn lên chơi. Hai làng, có tôi với Hoan nữa, chơi trò hái quả, đứa nào trèo cây chôm chôm nhà bà An khó tính, mà hái được chùm chôm chôm nhiều quả nhất thì đội đứa đó thắng.

Thằng Vũ nó hăng, trèo lên cây cao nhất, hái được một chùm to. Nó tưởng là mình thắng rồi nên vui lắm, ai ngờ đang la í ới vui mừng thì gặp ngay kiến càng màu vàng cắn hai ba vết ngay bắp đùi. Vũ nó ngứa quá, hết la rồi thì bận gãi, gãi lên gãi xuống quên mất là đang ở trên cây, thế là mất trớn, nó ngã. May ngã xuống vũng bùn lầy nó đỡ cho khỏi bị thương. Cả đám hùa vô đứa đỡ thằng Vũ dậy, mà đứa nào cũng cười đến mỏi cả hàm.

Hoan là đứa cười nhiều nhất, cũng là cười to nhất. Ôi cái giọng cười đặc trưng chỉ có riêng ở Hoan. Và không may rằng điều đó đã làm bà An phát hiện, bà từ gian trên, bỏ cả ghế đẩu cầm lấy gậy đi nhanh đến sau vườn quát: "Tiên sư mấy đứa lõi ăn trộm quả nhà bà!" Thế là cả đám cong mông lên chạy. Thằng Vũ bị bỏ cũng tá hỏa kéo quần chạy theo.

Còn về sau nữa, thằng Vũ, bị cả làng trên làng dưới trêu đùa, có Hoan với tôi là trêu nó nhiều nhất.





Mà lại nhớ đến, hồi đó ở làng ấy, trong đám nhỏ tôi thân có mỗi mình Hoan, nên thành ra chuyện gì em cũng giúp tôi cả. Sự cố mà tôi cả đời này chẳng thể nào quên được, là hôm lên tỉnh trên mua chút đồ cho mẹ, có dắt Hoan đi cùng vì em có bác trên đó hên ra còn biết đường. Với cả tôi có tính hay bị mù đường, còn Hoan sỏi lắm, đường nào cũng tỏ. Dắt Hoan theo quả là một quyết định sáng suốt.

Trưa trời trưa trật, nóng muốn nhảy xuống mương tắm cho mát luôn ấy. Hoan thấy mồ hôi tôi nhễ nhại chảy ròng rọc xuống, em mới lấy áo, đứng lên lau mồ hôi cho tôi, còn bảo: "Chị ngồi đây đợi Hoan tí, Hoan đi mua kem cho chị ăn, cho mát."

Tôi ngồi ngoan vâng dạ đáp lời Hoan, cái tướng chạy đi cà xọc cà xọc, với đôi dép lê xẹp lên xuống nguyên khúc đường.

Đang lúc rảnh rang ngồi trong hiên tránh nắng, hát vu vơ vài câu, đâu xồ ra hai thằng du côn. Đầu thằng kia màu vàng đầu thằng nọ màu xanh, trông gớm quá chừng. Thấy nó ngậm cây tăm lăm le đi về phía tôi, tôi giơ hai tay chéo trước ngực phòng thủ. Tôi không ngờ là bản thân mình đang bị đe dọa, chúng nó đang bức tiền tôi! Sắc đã không có, tiền lại càng không, vì mua đồ cho mẹ hết cả rồi.

Trong khi loay hoay nói này nói nọ để hai thằng kia không đụng tới tôi, thì Hoan cầm hai cây kem cắm thẳng lên đầu bọn nó. Vì Hoan cũng có học võ từ ông của em, nên tung mấy cước đã khiến hai thằng kia cắm đầu bỏ chạy. Thành ra trước hiên nhà bên mương bác Sáu của Hoan, em đánh nhau với hai thằng du côn để bảo vệ tôi.

Lúc hai thằng đó chạy đi, tôi có đi sang chỗ Hoan, thấy tay em bị cào cấu, có chỗ còn rướm cả máu nữa. Hồi đó bé, thấy máu là khóc vì sợ, đâm ra thấy Hoan tay có máu, thì tôi khóc nhè lên.

Hoan cũng hoảng theo, bối tối, em ôm lấy tôi vỗ về, "Hoan hông sao hết, chị ngoan, đừng có khóc mà." Nhưng tôi đâu có nghe, sợ quá nên cứ khóc hoài. Một lúc sau Hoan bảo về nhà, rồi em cho túi kẹo dâu mới mua, mãi mới nín.

"Chị í, cứ như con nít. Dù lớn hơn Hoan."



Mỗi lần bản thân tự nhắc đến Hoan, kỷ niệm tuôn trào như suối làm tôi càng nhớ em hơn và muốn gặp lại em hơn.




Mấy năm đầu khi tôi đi, Hoan chăm gởi thư lắm, bức thư toàn nét chữ nguệch ngoạc của một thằng con trai dưới quê. Mà do tôi bận bịu học hành, sau này lại cắm đầu vào việc làm nên thư Hoan gởi tới thì chỉ đọc chứ không có gởi lại, mà đôi khi bù đầu quá cũng không có đọc hết thư em gởi nữa.

Mà lâu dần về sau, thư thưa dần. Hoan cũng ít khi gởi tới, không như lúc trước nữa, vì Hoan cũng có công việc của riêng em. Lá cuối cùng của em đến tay tôi có lẽ là nửa năm trước, ngay Tết Việt Nam nhưng lại là cái lúc mà dự án công ty tôi bị khủng hoảng rồi thành ra một đống lộn xộn hết cả lên, nên không kịp đọc hay đem cất; cứ để mãi bên góc bàn.

Về sau, khi công ty dần ổn định lại, tôi mới có thời gian dọn dẹp lại căn phòng bừa bộn giấy tờ của mình, bắt gặp một lá thư màu xanh biển nhàn nhạt, màu của tôi rất thích. Tôi thổi một tầng bụi trên mặt thư, bắt đầu mở ra đọc.


- từ Hoan của chị.

"Chị ơi, năm nay Tết ở Sài Gòn vui lắm. Đèn lồng, thuyền hoa, cây cỏ gì cũng tươi mới hết. Buổi tối còn có kịch hát, Hoan có xin lên hát một bản tình ca, không có nói cho mọi người là tặng ai hết, nhưng Hoan nghĩ chị biết là Hoan tặng cho ai. Đợi khi nào chị về lại Sài Gòn, thì Hoan hát, cả nhảy cho chị xem nhé.

Mà chị này, lâu lắm rồi Hoan không gặp chị, chị vẫn ổn chứ? Nghe bảo bác gái kêu chị bận lắm, tối mũi cả luôn. Bác còn kêu chị có bọng mắt thâm quầng. Chị cũng biết mắt chị là đẹp nhất mà, sao lại như thế chớ? Mà chị ấy, cũng đừng có quá sức mà hại đến sức khỏe. Nhớ giữ ấm, ăn no uống đủ. Không là Hoan lo.

Sài Gòn năm nay hoa nở nhiều, tiếc là không có chị ngắm cùng.

Sài Gòn nắng sớm vàng ươm, sao chị còn chưa về?"

Đọc xong thư Hoan gởi, lòng tôi dâng lên một cỗi buồn bã. Tôi gấp lá thư lại, nước mắt chực trào, tôi nhớ quê nhà, nhớ Sài Gòn và nhớ cả Hoan - Đình Hoan của tuổi trẻ bên tôi. Bao niềm ấm áp của Hoan tôi có thể cảm nhận được, sự mong chờ đó nữa.

Hoan ơi.

Tôi định cầm bút lên viết một lá thư dài gởi lại cho Hoan. Nhưng chợt điện thoại vang lên hồi chuông cuộc gọi đến, liếc nhìn sang là số máy lạ, vốn không muốn nghe vì sợ có chuyện gì. Mà lúc sau, khi cuộc gọi ngưỡng thứ ba, tôi sao cảm giác một thứ gì đang hối thúc rằng bắt buộc tôi phải nghe nó.

"Chị ơi?" Chất giọng trần ấm thuộc, nhưng vì lâu rồi, chất giọng ấy cũng đã thay đổi, trở nên trầm hơn. "Chị ơi, Hoan đây, phải là chị của Hoan đấy không?"

Một tia chớp đoàng một phát, khói đâu bốc lên trên đầu tôi. Thực sự là Hoan đó sao? Cái giọng trầm ấy, cả mấy tiếng gọi "Hoan của chị" nữa...

Mà phải chăng lâu lắm rồi mới nghe được giọng Hoan nên có chút bối rối hồi hộp không?

Hoan cũng trưởng thành hơn rất nhiều rồi.

"Chị ơi, nếu phải là chị của Hoan, thì ra mở cửa cho Hoan nhé? Hoan đang đứng trước cửa nhà chị."

Đầu dây bên kia vẫn nhẫn nại chờ tôi hồi đáp. Tôi mới sực tỉnh về hiện thực, cuống cuồng cất đi bức thư, chỉnh lại đầu tóc cả quần áo lại cho lịch sự, rồi chạy ra phía cửa, mở cửa cho Hoan.



Mở cửa ra, một người con trai vận áo khoác dài màu da, bên trong là áo cổ lọ xám đen và quần tây ôm sát ống mở rộng dưới mắt cá. Đôi giày da láng óng và mái tóc màu đen được cắt tỉa gọn gàng, uốn xoăn xoăn, tạo kiểu chẻ ngôi giữa. Trông rất biết theo mốt thời trang của hiện tại, nhìn cũng rất hợp với người đó.

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, đôi mắt nâu mà tôi đã nhìn suốt mấy năm trời, cùng sự vui mừng chào đón mỗi lúc dâng trào. Thực sự là Hoan đến tìm tôi rồi!

"Mẹ đưa địa chỉ thật lạ ghê, Hoan tìm ở phố Mỹ mãi mới thấy được căn hộ chị ở."

Mẹ ở đây là mẹ của tôi, Hoan cũng đã quen gọi mẹ như thế từ lâu, cũng không có khoảng cách nào cả.

"Hoan!" Tôi mừng rỡ lao đến ôm chầm lấy Hoan để xua đi sự xa cách về mặt địa lý bấy lâu. Nếu là lúc trước thì chắc chắn Hoan mất trụ vững mà hai đứa cùng ngã cái ạch xuống đất, nhưng giờ Hoan biết và cũng phòng thế sẵn sàng. Hoan đã lớn hơn rất nhiều so với mấy năm trước, nên một vòng tay ôm gọn tôi còn dư nữa mà.

"Ừ, là Hoan của chị nè." Hoan xoa xoa lưng tôi, siết cái ôm chặt hơn nữa.

Trời, hóa ra gần mười năm trời cũng có thể khiến người ta thay đổi đến bất ngờ. Hoan hồi nào chỉ có áo ba lỗ lắm bùn, quần vải ngắn. Nay đã thành một anh chàng phố thị điển trai, ăn mặc oách xà lách như vậy?

Hoan giờ cũng cao hơn tôi, tôi chỉ đứng ngang vai Hoan thôi. Dáng người em cao to, đô con và da thịt rất chắc. Chỉ là khuôn mặt vẫn tròn tròn dễ thương như lúc trước.

Hoan cười khanh khách. Thôi ôm, nhưng bỗng em bế thốc tôi lên, khum người kéo luôn vali đi vào nhà, chân đá cửa đóng lại nhẹ nhàng.

"Gặp được chị rồi, Hoan mừng lắm. Ngoài kia trời lạnh quá chừng. Vẫn thích Sài Gòn hơn."

Tôi với Hoan cười híp mắt, ngồi trên ghế sô pha hàn thuyên cả một buổi tối. Kể về đất trời phương Tây mộc mạc nhưng quyến rũ hay những ngày sống ở phố thị Sài Gòn xa hoa tràn đầy mới mẻ.

Nỗi nhớ cất giữ trong lòng, lại bất ngờ được bung xõa. Tôi cảm thấy giây phút bây giờ thật đáng quý biết bao. Gặp được người thân trên xứ lạ, một điều an ủi cho tâm hồn tôi. Ngồi nhìn Hoan kể chuyện rồi xong lại hát, hát bản tình ca lúc trước em đã hát trên 'sân khấu' của làng. Rồi Hoan nhảy, điệu nhảy hiện đại lúc bây giờ. Tôi vẫn vậy, vẫn mải mê nhìn Hoan.

Một xúc cảm trào dâng, vừa vui vừa hạnh phúc.

Tôi đứng lên, nhón chân đặt lên má Hoan một miếng thơm, nghe rất kêu. Hoan ôm lấy tôi, rúc mặt em vào cổ tôi, "chị vẫn thơm như ngày nào."

Tôi cười.

Và chúng tôi ôm nhau thật lâu, quên cả thời gian.








"Hoan chờ chị nhiều năm, đến giờ vẫn chờ còn được.
Chờ chị về lại phố thị, rồi Hoan dẫn đi chơi,
và ở bên Hoan.
Chị nhé!"

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro