One shot
" Tôi như là con kiến
Trong thủ đô vội vàng
1000 năm văn hiến
1000 năm yêu nàng" (*)
Ngày đất nước thống nhất, cũng là ngày nó mất đi người nó yêu quý nhất. Hoà giữa niềm vui của dân tộc là cái đau quặn thắt nơi lồng ngực. Hoà bình rồi, nó vui chứ, nhưng niềm vui này, lại chẳng thể có mặt người nó thương. Nuối tiếc thật, chỉ một chút nữa thôi, thì niềm vui của nó, của anh, của cả hai đã được trọn vẹn,nó và anh đã cùng chơi với nhau từ nhỏ, cùng gặp nhau trên chiến trường, cùng nhau kề vai chiến đấu, vậy mà lại chẳng thể cùng nhau nhìn thấy hoà bình. Khi sắp cận kề với niềm vui giải phóng sau 20 năm trường, nó chết lặng nhìn viên đạn chí tử vô tình ghim thẳng nơi ngực trái, thân hình anh đổ sập xuống nền đất, máu hoà cùng đất mẹ, hơi thở hoà vào đất trời, linh hồn anh hoá hồn cốt dân tộc.
" Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc Lập, bộ tổng tham mưu Ngụy Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng".
Thống nhất rồi, độc lập rồi, nước mắt lăn dài trên má, 20 năm, 20 năm trời đằng đẳng nó đã chờ đợi, đã mất bao nhiêu để đổi lấy giây phút này. Cha nó mất, anh chị em nó cũng mất, và bây giờ là người anh nó thương cũng ra đi. Nhưng dẫu vậy, nó vẫn nén nổi đau để bước tiếp, vì nó là người còn sống, nó đã thay họ nhìn thấy hoà bình, nó cũng phải thay anh chị em nó về với mẹ, để bà biết bà vẫn còn nó chứ không mất hết, và nó phải sống thay cả phần anh. Gác lại quá khứ để đến với tương lai, dù cơn đau âm ỉ nơi ngực trái vẫn luôn nhắc nhở nó về những gì đã mất.
- Đang ngóng chi đó? Khuya rồi mà không ngủ hử con?
- Con chưa muốn ngủ mẹ ạ, mẹ vào nghỉ trước đi, lát con sẽ vào sau.
- Bây gắng mà giữ sức, kẻo bệnh lại khổ.
Nhìn bóng lưng lom khom của mẹ già mà lòng nó nhói. Lúc hay tin bố mất, mẹ nó khóc ngất, nhưng rồi bà cũng nén lại đau thương để nuôi dạy đàn con thơ, mấy năm sau, lần lượt anh chị nó xin đi nhập ngũ, mấy lần con đi là mấy lần bà khóc thầm, dù không nói, nhưng nó biết bà luôn dằn xé việc cho con đi lính, chuyện chiến trường làm sao biết trước được, chả ai muốn mất đi đứa con mình đứt ruột đẻ ra, nhưng biết làm sao khi mà giữ con thì mất nước, cho con đi thì lại sợ mất con. Nó thương bà lắm, người phụ nữ tảo tần nuôi con rồi lần lượt hay tin từng đứa ra đi, lúc nó đi, nó cũng đắn đo lắm, nhưng rồi mẹ như hiểu lòng nó, bà chỉ dặn.
- Anh đi anh nhớ phải về, về mẹ kho cá anh ăn nhớ?
Thật may mắn khi nó được toàn vẹn trở về, nếu không chẳng biết mẹ của nó sẽ thế nào. Thế nên nó quyết phải sống tiếp, sống để chăm lo cho mẹ, dù đời sống bây giờ đúng là có hơi khổ cực, nhưng nó tin tầm vài năm nữa nó sẽ khá hơn, mẹ của nó sẽ có nhiều đồ ăn ngon hơn.
- Mẹ làm gì thế?
- Đang làm bánh cho anh ăn đây, sao thức sớm vậy, sao không ngủ thêm cho khoẻ?
- Con thức sớm quen rồi, mẹ cần con phụ gì không?
- Anh trộn bột lại giùm mẹ đi, mẹ đi làm nhân bánh.
-Vâng.
Hì hục nặn nặn bóp bóp cũng làm xong phần vỏ, bên kia mẹ cũng làm xong phần nhân. Nó ngồi kế bên xem mẹ gói bánh, rồi cũng tập làm theo, nhưng khổ nỗi lại chẳng khéo tay, làm xong thì mẹ lại phải chỉnh lại, thế là bà đuổi thẳng cổ nó ra ngoài để mẹ tự làm, mất nữa ngày mới làm xong, những chiếc bánh ngay ngắn, thơm lừng ra lò, mẹ lấy vài ba cái để riêng rồi gọi nó vào ăn.
- Mẹ đi đâu thế?
- Đem qua cho bà hai vài cái bánh, sẵn chơi với bả.
- Mẹ cho con đi với.
-Vậy chuẩn bị đi rồi đi.
Nó nắm lấy tay mẹ đi qua nhà cô hai, cũng như ngày nhỏ mẹ hay dắt tay nó, cảnh vật xung quanh vẫn vậy, chỉ là người thì đã đổi khác, cô hai gầy gò trông thấy, mà kể từ khi anh và dượng đi, cô có ăn ngon bao giờ.
- Tôi có đem qua mấy cái bánh cho bà ăn lấy thảo.
Cô hai ngồi nhìn hai mẹ con nó một lúc rồi mới chậm rãi đến gần.
- Cảm ơn hai mẹ con, vào nhà ngồi chơi với tôi một chút hả về.
Nó theo mẹ vào nhà cô hai ngồi, căn nhà hình như cũ kỹ hơn, từ lúc bác mất, sau đó đến lượt anh, căn nhà trở nên im ắng, cô hai thì thui thủi có một mình. Cũng may tìnn làng nghĩa sớm bù đắp, cô cũng đỡ buồn hơn, mẹ nó cũng hay biếu ít đồ ăn có được, còn dặn nó có gì thì cũng giúp đỡ cô hai. Khổ thật, nhà có hai người đàn ông, mà cả hai đều đi hết, để lại người phụ nữ già nua ở lại một mình.
- Khổ quá chị ạ. Cứ thế này thì con nhà tôi ế mất thôi. Ba mươi mấy tuổi đầu rồi.
-Cô cứ từ từ, để tôi nhờ bà mai may mối cho vài mối.
-Cảm ơn chị, chị thấy có ai được được thì giới thiệu cho con tôi với, cho nó được yên bề gia thất thì tôi mới an lòng chị ạ.
- Kìa mẹ.
- Cô cứ bình tĩnh, tôi thấy là mấy cô giáo trong trường đều ưng thằng Hào lắm, chỉ là không biết cháu nó chịu không thôi.
Nó để mẹ với cô ngồi nói chuyện, còn nó thì ra sân ngồi, làn gió mát rượi thổi qua tai, như ôm ấp nó trở về tuổi thơ hoài niệm, trước khi đi lính, nó cũng từng có một tuổi thơ lừng lẫy với anh chị em nó và cả người anh mà nó thầm thương. Chỉ là lớn lên, mỗi người mỗi ngã, nhưng điểm chung là tất cả đều hướng về miền Nam, hướng đến sự thống nhất dân tộc và tất cả họ đều hy sinh. Dù đã thống nhất, dù đã hoà bình, gác lại quá khứ để tiến đến tương lai, nhưng thú thật nó vẫn mãi đau đáu trong lòng về cái chết của anh, nó hối tiếc, nó lạc lỏng và ám ảnh, ai mà chịu nổi khi những người thân của mình lần lượt ra đi chứ, nhất là ra đi ngay trước mắt mình một cách bất lực như vậy, đã tới được đấy rồi, nó không nghĩ nó sẽ mất thêm, ấy vậy mà biến cố vẫn xảy ra, anh nó ra đi trong tiếc nuối như vậy. Cả đời nó và đại đa số đồng bào đã đánh đổi bao nhiêu để thống nhất, nên lại càng trân quý hơn giây phút được ngồi thảnh thơi ở đây, được an tâm dạy lũ trò nhỏ mà không cần sợ bom đạn. Chỉ là bây giờ nó phải lo cho cuộc sống, tương lai của mình.
" Sau chiến tranh
Sẽ là một địa đàng
Cho những người đã mất
Nơi cây khô sẽ mọc xanh trở lại
Qua mái ngói những ngôi nhà
Nơi tiếng chim ca mỗi sớm mai
Bên miệng hồ xanh thẫm
Sẽ có một địa đàng
Nơi cỏ xanh chen lấn
Xương trắng những người lính
Nơi máu ngủ ngon lành
Trong miệng giếng tối đen
Cùng những ký ức như bom
Vùi sâu trong lòng đất
Sẽ có một địa đàng
Nơi những giọt nước mắt
Không bao giờ rụng
Giữa những hàng mi xanh." (**)
(*): Thương: Thương hoài ngàn năm
(**): Mi xanh - Pháp Hoan
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro